Hôm nay,  

Di Sản Bush

24/02/200700:00:00(Xem: 13028)

Di Sản Bush

Ông Bush còn 100 tuần để cứu vãn di sản của mình. Vất vả...

Ngay từ tuần đầu xuất hiện, hai ngôi sao sáng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào 11 tháng tới đã đụng nhau nháng lửa như pháo bông tại Hollywood, cũng vì sự ủng hộ của Hollywood cho một phe.

Như trong mọi tai nạn xe cộ - huống hồ là hai hành tinh - đôi bên cùng bị thiệt hại. Barrack Hussein Obama hoá ra cũng chỉ là ứng cử viên cổ điển và cổ lỗ. Những hứa hẹn về một phong cách chính trị mới chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và của truyền thông hồ hởi. Hillary Rodham Clinton thì còn tệ hơn. Bà chưa định vị được cho vững - cứng rắn về an ninh và linh tinh về xã hội - thì đã loé ra tia sáng giết người: ai mà đụng đến Hillary là khó toàn thân! Da quá mỏng mà tánh quá dữ!

Đâm ra cử tri Dân chủ lại bâng khuâng.

Họ chờ đợi một khuôn mặt mới với những sáng kiến độc đáo hơn. Tuần này, có thể họ sẽ hài lòng khi nhân vật đó tiến ra đấu trường. Một tên tuổi cũ cũ, phì nộn hơn, nhưng với tấm danh thiếp được Hollywood thổi lên rất đẹp, có khi còn được tráng men với giải Oscar vào Chủ Nhật này. Đó là nguyên Phó Tổng thống Al Gore, người đã xém làm George W. Bush đo ván tại Florida vào năm 2000.

Từ đấy, cuộc tranh cử trong đảng Dân chủ mới trở thành dữ dội hơn, một cuộc tương tàn cho tới các vòng sơ bộ ở Iowa và New Hampshire.

Có một người lại chẳng còn tâm trí gì theo dõi chuyện ấy, đó là Tổng thống Bush. Ông nhìn xa hơn viễn ảnh 2008. Nhìn vào cái nhìn của hậu thế khi lịch sử đánh giá lại sự nghiệp và di sản Tổng thống của ông, may ra độ lượng và công bằng hơn cách đánh giá và đánh đập ngày nay của truyền thông và dư luận.

Ngay trong hiện tại, lịch sử theo loại "ăn liền" thì đã kết luận về Bush: thê thảm về đối ngoại, với hồ sơ Iraq, chiến cuộc Afghanistan, xung đột Palestine và trận chiến chống khủng bố toàn cầu. Ông có 10 tháng trong 100 tuần sắp tới để phần nào vớt vát được di sản Iraq với chiến lược đôn quân ông đề nghị trước sự hoài nghi của dư luận và chống đối của Quốc hội Dân chủ.

Nhưng, di sản của Bush không chỉ có chiến tranh và đối ngoại. Và trước sự chống đối ồn ào của Quốc hội, ông Bush có thể tìm sự thoả hiệp trên những lãnh vực khác hầu để lại một di sản không quá tệ. Đấy là những lãnh vực thuộc phạm vi nội chính, như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, di dân và môi sinh...

Đối phương, đảng Dân chủ trong Quốc hội, cũng biết là không thể cứ chống Bush là xong: họ cần đạt một số thành quả về nội chính trước khi cử tri bỏ phiếu quyết định vào ngày bốn tháng 11 năm tới. Vả lại, đảng Dân chủ cũng chỉ có một đa số khá mỏng, chưa thể vượt được quyền phủ quyết của Bush. Cho nên, họ cũng có thể tìm cách thỏa hiệp với Hành pháp.

Trên nguyên tắc, đây là bối cảnh thuận lợi cho những giải pháp ôn hoà từ cả đôi bên. Trên nguyên tắc thôi.

Về giáo dục thì ngược với nhận thức đầy cảm tính của nhiều người, Chính quyền Bush có đạt thành tích - dù không nhiều - với đạo luật "No Child Left Behind" - Không bỏ rơi một trẻ nào. Đạo luật đòi hỏi các trường phải bắt học sinh làm nhiều bài thử nghiệm hơn, và công bố kết quả. Từ đấy, thầy cô của các trường bị chấm điểm về thành quả giáo dục của mình và phụ huynh được quyền cho con em đi học trường khác nếu không được giáo dục hẳn hoi. Trường giỏi thày tài thì được thưởng, được thêm tiền. Trường dở thày kém thì bị ép phải cải tiến, bằng thủ tục ngân sách.

Đạo luật được thông qua năm 2002 nhờ phe Cộng hoà rất hài lòng với việc chấm điểm thầy cô và được đảng Dân chủ ủng hộ vì ngấm nghé vào khoản tài trợ của ngân sách liên bang. Và kết quả tương đối có cải tiến nếu người ta kiểm lại khả năng học toán và chính tả của các học sinh.

Tuy nhiên, điều ngoắt ngoéo ở đây là dù liên bang chi tiền, các tiểu bang vẫn quyết định về tiêu chuẩn sàng lọc qua các bài thử nghiệm. Chỉ cần hạ thấp tiêu chuẩn một chút là số học sinh được điểm tốt có thể gia tăng đáng kể! Và nếu chỉ nhìn vào tấm lưới lọc, có khi người ta đã quên những thành phần quá kém hay khá giỏi ở trong hay ngoài tấm lưới. Vì vậy, đạo luật này phải được Quốc hội xét lại trong năm nay. 

Giải pháp kỹ thuật thì ai cũng có thể nghĩ ra, nhưng điều kiện chính trị thì lại khác. Đảng Cộng hoà sẵn sàng ủng hộ việc đan lưới cho chặt hơn, định ra tiêu chuẩn cho chính xác và vô tư hơn. Đảng Dân chủ thì nghĩ đến ngân sách và bị sức cản rất mạnh của các nghiệp đoàn giáo chức, vốn thường ủng hộ Dân chủ và nay sẽ quyết liệt đòi nợ.

Thành tích giáo dục của ông Bush vì vậy tùy thuộc vào khả năng thỏa hiệp để phần nào thầy cô sẽ quan tâm đến việc giáo dục hơn là đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Về y tế (bảo hiểm sức khoẻ), năm nay cả hai phe đều đồng ý là phải cải cách, và nuôi hy vọng. Trong dự luật ngân sách mới đệ nạp, ông Bush muốn gạt bỏ 200 tỷ trợ thuế (tax subisidies) cho các doanh nghiệp mua bảo hiểm cho nhân viên và thay thế bằng việc giảm thuế đồng bộ, dù không nhiều, cho bất cứ ai mua bảo hiểm hầu vừa kiểm soát phí tổn y tế vừa gia tăng số người có bảo hiểm. Ông cũng đề nghị cắt giảm Medicare (chương trình của chính phủ cho người già) bằng cách giảm chi chi những công ty phục vụ và đòi người cao niên có lợi tức cao phải trả bảo phí nặng hơn.

Đảng Dân chủ tất nhiên là chống cả hai đề nghị ấy, nhưng đưa ra nhiều đề nghị có khi chỉ được thiểu số cực tả ủng hộ, thí dụ như một chế độ Medicare đồng hạng cho mọi người, hoặc ôn hoà hơn, như thay thế chế độ trợ thuế bằng biện pháp miễn thuế trên bảo phí về sức khoẻ và trợ cấp cho người nghèo có thể mua được bảo hiểm.

Những đề nghị của chính trường thực ra có rất nhiều. Doanh nghiệp và các nghiệp đoàn cũng thế. Nhưng giải pháp kỹ thuật nào cũng bị ràng buộc vào những điều kiện chính trị và nói về chính trị thì nhiều lãnh tụ Dân chủ muốn thiết lập chế độ bảo hiểm cho mọi người, một đề tài ăn khách cho cuộc tranh cử 2008. Tuy nhiên, cái khó nó bó cái khôn: tìm đâu ra tiền" Và làm sao kiềm chế được đà gia tăng của phí tổn y tế"

Rốt cuộc thì trong 100 tuần còn lại, ông Bush chưa có hy vọng đột phá trên lãnh vực y tế và bài toán sẽ tích lũy cho thế hệ lãnh đạo sau.

Về An sinh Xã hội, năm 2005, ông Bush đã lạc quan nói tới vốn liếng chính trị sau bầu cử 2004 và trút một số vốn khá lớn vào kế hoạch cải tổ quỹ an sinh. Ông lỗ vốn nặng vì kế hoạch đề nghị đã dật dờ như con thuyền không bến. Chính quyền của ông không khai triển kế hoạch và vận động cho rốt ráo hơn, trong khi đối lập quyết liệt chống đối, trước sự thờ ơ của đảng Cộng hoà.

Thật ra, cái thùng không đáy này vẫn còn nhỏ hơn cái thùng y tế! Thiếu hụt giữa các khoản chi được hứa hẹn so với các khoản thu thực tế chỉ bằng một phần ba số bội chi về y tế, chừng 1,3% tổng sản lượng. Giải pháp ai cũng có thể nói tới là giảm chi - tức là tiết giảm khoản phúc lợi - và tăng thu - phần đóng góp của mọi người có khả năng. Nhưng đi vào áp dụng thì mỗi phe lại có một ưu tiên khác.

Phe Dân chủ cực đoan thì đòi gia tăng phúc lợi mà khỏi tăng thuế, hoặc chỉ tăng thuế nhà giàu (với định nghĩa rất mờ ảo về tiêu chuẩn "giàu"). Bên đảng Cộng hoà cũng có người cực đoan không kém, với chủ trương bảo vệ kế hoạch giảm thuế của Bush đến tận cùng.

Nếu muốn để lại một di sản đáng nhớ, ông Bush còn 100 tuần để tìm giải pháp dung hoà, kể cả tăng thuế một cách khéo léo. Nhưng cũng còn phải được phe Dân chủ đồng ý. Mà đảng Dân chủ chưa chắc đã muốn cho ông món quà ấy. Họ có thể ghìm đề tài này cho cuộc tranh cử 2008.

Về hồ sơ di dân, ông Bush có thể chứng minh là mình đã cố gắng hết sức với giải pháp "toàn diện" ông đề nghị năm ngoái. Nhưng sẽ rất kẹt với thiện chí này vì sự ù lỳ và cản trở của Quốc hội khoá 109. Rất kẹt vì sự cản trở ấy xuất phát từ đảng Cộng hoà tại Hạ viện.     

Vấn đề di dân lậu là một bài toán kinh niên của Mỹ, với 12 triệu người không hợp lệ nhưng vẫn đang sinh sống và lao động tại Mỹ. Đề nghị của ông Bush là vừa hợp pháp hoá một số người bất hợp lệ, vừa kiểm soát biên giới cho chặt chẽ hơn vừa mở ra chương trình "khách lao động" cho dân cư nước ngoài được vào Mỹ làm việc. Hai Nghị sĩ John McCain và Edward Kennedy thì đệ nạp một dự luật ôn hoà và có tính cách lưỡng đảng tại Thượng viện. Dự luật ấy thắng lớn nhưng lại bị Hạ viện Cộng hoà đá ra biên...

Trong năm nay và năm tới, việc cải tổ di dân sẽ còn là đề tài nóng vì thành phần nào cũng muốn phải cải cách và chấm dứt tình trạng di dân đột nhập phi pháp vào Mỹ. Ngay trong hai đảng, người ta cũng thấy ra nỗ lực ấy và những người chống đối mạnh nhất trong đảng Cộng hoà năm ngoái thì đã hoặc thất cử hoặc bị nhợn. Bên đảng Dân chủ, người ta cũng phải cân nhắc giữa việc lấy lòng cử tri gốc Latino với việc thỏa mãn đòi hỏi của các Nghiệp đoàn và cả thành phần cử tri da đen, vốn không mấy vui với sự có mặt của di dân lậu, vừa làm sụt lương công nhân vừa tranh thủ mất nhiều phúc lợi xã hội của họ.

Tuy nhiên, muốn cho giải pháp cải tổ thành hình và có thể được Quốc hội Dân chủ thông qua, cả hai bên đều phải nhượng bộ. Mà vì sao lại phải nhượng bộ khi đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế trong thành phần cử tri Latino và rất cần tới họ trong phòng phiếu năm 2008" Và bên đảng Cộng hòa của thành phần cử tri bảo thủ da trắng, người ta vẫn e sợ hiệm tượng "Mễ hoá" xã hội Mỹ.

Cho đến nay, chưa có gì chứng minh là trong 100 tuần sau cùng của ông Bush việc giải quyết hồ sơ di dân sẽ đi vào ngã ngũ, và nhiều phần thì đối sách với di dân nhập lậu vẫn là đề tài nóng cho cuộc tổng tuyển cử năm 2008.

Còn lại là vấn đề môi sinh.

Khuynh hướng chung của cả xã hội Mỹ là quan tâm nhiều hơn đến sự trong lành của môi trường sinh sống và trong các bài diễn văn về tình hình liên bang năm ngoái và năm nay, ông Bush đã đám nói thẳng đến nạn "Hoa Kỳ nghiện dầu" và bị thách thức bởi hiện tượng nhiệt hoá địa cầu. Đảng Dân chủ cũng thế, đã muốn chứng tỏ nỗ lực đối phó với vấn đề này và ứng cử viên tương lai của đảng là Al Gore còn có cả một phim tài liệu để trình bày nguy cơ đó (với hy vọng lãnh giải Oscar tối Chủ Nhật này để lấy trớn tái tranh cử).

Tuy nhiên, dù đôi bên đều đồng ý là có vấn đề, họ chưa thống nhất ý kiến về nguyên nhân và càng khó đồng ý về các giải pháp, thí dụ như đặt ra định mức tối đa về khí thải (emission cap), nâng cao hiệu năng tiêu thụ xăng dầu (của xe hơi), tìm ra nguồn năng lượng "sạch" hay năng lượng có khả năng tái dụng để thay thế, v.v... Và nói thì dễ, chứ doanh nghiệp xe hơi Mỹ đang khốn đốn, các nghiệp đoàn bị sức ép vì công nhân mất việc, họ không muốn ngành hoạt động của mình lại phải gia tăng đầu tư để thỏa mãn thành phần họ gọi là những kẻ ôm cây, những người bảo vệ thiên nhiên và cây xanh...

Nhìn chung thì có lẽ nước Mỹ chưa thể có một kế hoạch lớn về môi sinh trong vòng 100 tuần sắp tới nên đành chấp nhận từng giải pháp cải thiện theo kiểu tiệm tiến. Trong khi ấy, một số tiểu bang tiên phong, như California, sẽ lên lưới đặt ra luật chơi mới cho những ai muốn làm ăn sinh sống với mình.

Nếu tổng kết lại một số lãnh vực, ông Bush sẽ còn phải nhượng bộ rất nhiều để đạt được vài sự đồng thuận đáng kể với Quốc hội Dân chủ trước khi nói đến một số thành tích về nội chính. Cho đến nay, ông có vẻ như đã sẵn sàng thảo luận, nhưng đảng Dân chủ có muốn nghe hay không và có muốn cùng giải quyết hay không, người ta chưa biết.

Chỉ nhìn vào sự chống đối rất mạnh về đối ngoại - về Iraq - người ta có thể hoài nghi. Trong trường hợp ấy, đảng Dân chủ có vẻ như vẫn quen thói đối lập hơn là lãnh đạo. Và điều ấy tất sẽ ảnh hưởng đến cuộc tranh cử 2008. Hấp dẫn!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.