Hôm nay,  

Asean Xế Chiều

28/07/200500:00:00(Xem: 5202)
Các nước Đông Nam Á thường nghĩ rằng mình khôn. Lần này có khi lại khốn.
Đầu tháng Bảy, khi bộ Ngoại giao Mỹ cho biết là Ngoại trưởng Condoleezza Rice sẽ không dự Hội nghị cấp Bộ trưởng năm nay của Diễn đàn An ninh cấp vùng của tổ chức ASEAN (gọi tắt là ARF - ASEAN Regional Forum), giới lãnh đạo Đông Nam Á lập tức than phiền. Rằng Hoa Kỳ đã lấy một quyết định bất lợi khi không có mặt tại một diễn đàn quan trọng như vậy. Các nguồn tin khác, kể cả Hà Nội, đều vồ lấy lý luận này và thổi lên một phong trào đả kích Mỹ - như mọi khi.
Vài tuần sau, vào Thứ Tư 27, người ta bỗng tự hỏi, rằng Ngoại trưởng Condi Rice có thiên lý nhãn hay chăng mà lại đi bước đầu… ra ngoài như vậy.
Lý do là Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh cũng loan báo rằng mình sẽ không tham dự Hội nghị ARF vào ngày 29 này. Ông Tinh này rất tinh, vì sau bà Rice, cả Ngoại trưởng Nobutaka Machimura của Nhật Bản lẫn Ngoại trưởng Natwar Singh của Ấn Độ cũng đều không tới Vientiane phó hội. Diễn đàn ARF ế ẩm như cảnh chợ chiều.
Các nhà bình luận Á Châu đã bình lộn, khi nêu nguyên do vấn đề Diễn đàn ARF ở truyện ngoài da, là chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện. Hãy nói về truyện ngoài da ấy, trước khi trở lại chuyện an ninh Á châu.
Tổ chức ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Brunei, Việt Nam, Lào, Cambốt và Miến Điện. Bốn nước sau cùng là bốn nước nghèo nhất, chạy theo ASEAN khi con tầu thịnh vượng Đông Nam Á đã chuyển bánh từ mấy chục năm trước. Nghèo và độc tài lạc hậu nhất chính là Miến Điện, hoặc gọi theo tên mới của chế độ quân phiệt là Myanmar. Hàng năm, các nước chọn một chủ tịch luân phiên và năm tới, Miến Điện sẽ lãnh ghế chủ tịch. Điều ấy làm ASEAN bối rối không ít vì gây khó chịu cho các nước dân chủ, đặc biệt là Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ.
Chỉ là một câu lạc bộ của các nước muốn làm ăn với nhau theo tư bản chủ nghĩa - mà lại sợ từ "tư bản" và ngụy trang dưới tên "kinh tế tự do" hay "kinh tế thị trường" - ASEAN còn ngụy biện đề ra một nguyên tắc là "không xen lấn vào nội bộ của nhau". Nghĩa là láng giềng có độc tài hoặc gây chuyện độc hại cho dân chúng - và cho cả lân bang nữa, thí dụ như hủy diệt môi sinh - thì các hội viên ASEAN cũng tránh không đả kích. Đó là nguyên tắc "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ". Vì vậy, họ hồn nhiên mời Miến Điện tham dự câu lạc bộ kinh tế này.
Nhưng, thế giới ngày nay đã văn minh hơn nên hết thích làm ăn với các chế độ bóc lột lao động hay đàn áp nhân quyền và gây khó cho ASEAN về nạn độc tài Miến Điện: bầu cử thua mà không chuyển quyền, lại còn bỏ tù đối lập và giam hãm bà Aung San Suu Kyi là điều khó chấp nhận. Vì vậy, ASEAN đành kín đáo "can thiệp nội bộ" Miến Điện, thuyết phục chế độ Ngưỡng Quang (Rangoon) là từ chối vai chủ tịch năm tới để khỏi gây lúng túng cho ASEAN. Hôm Thứ Ba, Ngưỡng Quang giúp ASEAN thở ra nhẹ nhõm khi loan báo quyết định trên!
Giải quyết xong cái truyện ngoài da này rồi, ASEAN tưởng rằng các đại cường sẽ vui vẻ tham dự hội nghị của Diễn đàn An ninh. Lầm to. Vấn đề không nằm ở đấy.
Ngoại trưởng Bắc Kinh có đến Vientiane tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng của ASEAN nhưng sau đó, thay vì ở lại tham dự hội nghị của ARF thì lại qua thăm Miến Điện. Đồng hội đồng thuyền, họ nề hà gì chuyện độc tài của Miến!
Trở lại chuyện an ninh của Diễn đàn An ninh ARF.
Là câu lạc bộ giao dịch kinh tế, các nước Đông Nam Á đã tưởng bở, rằng nhờ sức mạnh kinh tế ASEAN sẽ thành một trung tâm có trọng lượng của Á châu. Họ nói đến việc hợp tác mở rộng và cuối năm 1999 đề xướng ra khuôn khổ ASEAN+3, gồm 10 nước ASEAN và ba nước Đông Á, là Nhật Bản, Trung Quốc và Bắc Hàn. Tưởng mình đã to bằng con bò, vài nước còn muốn lập ra một định chế mới, hoàn toàn Á châu, để thay thế vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Đó là sáng kiến về Quỹ Tiền tệ Á châu AMF của Malaysia thời Mohamad Mahathir làm Thủ tướng. Lý do bên ngoài là để ngăn ngừa một vụ khủng hoảng tài chánh khác, như đã xảy ra năm 1997 làm Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia đều khốn đốn. Lý do thực tế là ASEAN muốn trở thành một diễn đàn quốc tế nằm tại tâm điểm châu Á.

Bước qua lãnh vực an ninh, ASEAN lập ra cơ chế ARF, thực chất chỉ là một diễn đàn trao đổi thông tin về an ninh và quân sự, và các chế độ độc tài thì hiểu ngay "thông tin chính là tuyên truyền". Diễn đàn ARF vì vậy chỉ là một diễn đàn bốc phét không có thực lực, chẳng có khả năng cưỡng hành và không giải quyết nổi các vấn đề về an ninh trong khu vực.
Hẹp thì có vụ Indonesia đòi thôn tính Đông Timor khiến Australia nhập cuộc và gây hiềm khích với Jakarta; rộng thì có nạn hải tặc ngoài Đông Á và nhất là tại eo biển Malacca, mà chẳng xứ nào đề ra giải pháp thỏa đáng và ARF bình thản im tiếng. Gần thì có tranh chấp về chủ quyền trên các vùng quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa, kể cả tranh chấp về các giếng dầu giữa Indonesia và Malaysia; xa thì có vụ võ khí nguyên tử của Bắc Hàn hoặc việc Trung Quốc đòi thống hợp Đài Loan bằng võ lực. Rộng lớn hơn cả và bao trùm trên mọi chuyện là nạn khủng bố của các lực lượng Hồi giáo quá khích đang tung hoành tại miền Nam Thái Lan hay Philippines và đã từng ra tay tại Bali của Indonesia. Lâu dài và đáng ngại hơn cả là sự lớn mạnh đầy đe dọa của Trung Quốc.
Kết hợp cả hai chuyện an ninh và kinh tế, thí dụ nhục nhã nhất là các nước ASEAN không tổ chức nổi một hệ thống cảnh báo về động đất và sóng thần, vì ỷ lại vào Hoa Kỳ và Nhật Bản. Họ dư tiền xây cao ốc cao nhất thế giới, nhưng không bỏ tiền mua ổ khóa hay hệ thống báo động. Đó là sự khôn ngoan Á châu.
Các con rồng cọp kinh tế Đông Nam Á chỉ là cọp rơm hổ giấy về những vấn đề an ninh sinh tử cho toàn khu vực và diễn đàn ARF chỉ là cái loa rè.
Chúng ta không chủ quan hay thành kiến mà cho rằng Đông Nam Á chẳng biết lo xa. Họ lo xa theo kiểu khôn ngoan châu Á.
Dư luận lãnh đạo Đông Nam Á luôn luôn có thói quen đả kích Hoa Kỳ và từ 10 năm nay còn ve vãn Trung Quốc. Với họ, Trung Quốc là thị trường béo bở và Bắc Kinh là một tập thể lãnh đạo có thể nói chuyện phải quấy được, theo kiểu phong bì Á châu. Với họ, Hoa Kỳ là tấm giáp hộ thân, nhưng đeo lên mình thì nguy hiểm. Sự khôn ngoan Á châu của các lãnh tụ Đông Nam Á, trừ một ngoại lệ ở Singapore, là kiếm tiền nhờ Trung Quốc, nhưng mua bảo hiểm từ Hoa Kỳ. Quốc gia nào cũng nói theo một giọng - theo giai điệu Bắc Kinh - rằng Á châu là của người Á, và đề cao chủ nghĩa quốc gia của mình trên lưng nước Mỹ. Đến khi Hoa Kỳ rút khỏi hai căn cứ quân sự tại Philippines là Clark Field và Subic Bay - cũng do chủ nghĩa quốc gia nửa mùa của Manila - các nước lại la hoảng rằng Hoa Kỳ để lại một khoảng trống nguy hiểm tại Á châu Thái bình dương. Trong hội nghị ARF năm nay, ASEAN có tham vọng lập ra một Thượng đỉnh Đông Á (East Asian Summit - EAS) quy tụ lãnh đạo các nước Á châu, kể cả Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, nhưng lại không có Hoa Kỳ, vì Á châu vốn của người Á mà.
Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Condi Rice không phó hội ARF và cũng chẳng ngạc nhiên khi lãnh đạo Đông Nam Á than phiền về quyết định ấy của bà Rice vì để một khoảng trống trên mặt an ninh Đông Á. Có lẽ, bà chỉ muốn Á châu trưởng thành và cư xử như người lớn, tức là phải trả giá cho những mục tiêu hay mơ ước của mình. Thượng đỉnh EAS vì vậy là trò sơ sinh yểu tử.
Chúng ta không ngạc nhiên về những chuyện ấy từ phía Hoa Kỳ, nhưng e ngại.
Vì người Việt Nam hiểu rằng Trung Quốc đang bẻ đũa từng chiếc tại Đông Nam Á, ve vãn từng nước qua các thỏa ước song phương để phá vỡ cái thế đoàn kết Đông Nam Á, mục tiêu nguyên thủy của ASEAN vào năm 1967, khi miền Nam Việt Nam còn ở trên tuyến đầu ngăn ngừa sự bành trướng của Trung Quốc. Có hai điển hình cho việc ấy: trong lục địa thì sông Mekong đang bị họ khai thác tàn tệ, bất kể đến hậu quả cho 60 triệu dân sống tại hạ nguồn; ngoài khơi là vụ khai thác dầu khí trên vùng quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và Philipppines đều nhận là của mình, đều bị Bắc Kinh phũ tay chơi bạo và sau cùng đều phải hợp tác với doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, như Phan Văn Khải đã xác nhận với Ôn Gia Bảo tại Côn Minh!
Trung Quốc coi vùng biển Đông Á là ao nhà, là "biển Trung Hoa tại miền Nam" (Trung Nam hải), và các nước Đông Nam Á là chư hầu trong tương lai. Diễn đàn ARF vì vậy chỉ là tái diễn chuyện nước Tề thời Chiến Quốc - một xứ buôn bán duyên hải như câu lạc bộ ASEAN ngày nay - đã lập diễn đàn thảo luận với cường Tần. Và sau cùng vẫn bị Tần Thủy Hoàng Đế thôn tính trong trò chơi "gồm thâu lục quốc".
Khôn mà thành khốn là như vậy!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.