Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 100)

21/04/200800:00:00(Xem: 3803)

(Tiếp theo...)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

Phòng Thành là một thị trấn có diện tích rộng hơn Đông Hưng, nhưng không khí buôn bán không sầm uất, thịnh vượng bằng. Cả thị trấn có một rạp hát, một cửa hàng bách hóa tổng hợp trong đó hầu hết các mặt hàng đều có tấm biển nhỏ ghi hàng chữ "hàng mẫu không bán, miễn hỏi", một bến xe, một tiệm sách, vài tiệm ăn. Thị trấn chỉ thực sự có sinh khí từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ngoài ra, thị trấn rất hoang vu, lạnh lẽo, đường phố vắng ngắt, với vài bóng điện lu mờ tỏa ánh sáng vàng vọt. Riêng những buổi chợ phiên thì đông đúc, tấp nập và huyên náo vô cùng.
Ngay khi về Phòng Thành, tôi được chuyển về sống với hai cha con anh Hoàng Văn Tiến và anh Nguyễn Văn Thu, tại một khu nhà riêng biệt, ngay cạnh dòng suối rất thơ mộng chảy qua thị trấn. Tại đây, chúng tôi được cung cấp gạo, thực phẩm và tiền để tự lo liệu mọi chuyện nấu nướng, ăn uống.
Mấy ngày sau, một nhóm người khác cũng đến ở với chúng tôi. Nhóm này có hơn chục người. Trưởng gia là bà Nguyễn Thị Trà, ngoài 50 tuổi, một thương gia thành công trước 1975. Đi với bà có cô con gái tên Dung, ngoài 20 tuổi và con trai tên Tuấn (") 19 tuổi,  em gái của bà Trà là chị Giang, 36 tuổi, và con gái của chị mới có 9 tuổi. Tất cả những người này đều sống ở Sàigòn. Ngoài ra, còn có ông em của bà Trà ở Hải Phòng, lâu ngày tôi quên mất tên, cùng với hai con trai của ông là Bình 25 tuổi và Hải 23 tuổi....
Theo lời kể của bà Trà thì gia đình bà rời Sàigòn từ đầu tháng 1 năm 1979, đến Hải Phòng trú ngụ ở nhà người em một thời gian, rồi cả gia đình bà và gia đình người em trà trộn với người Hoa, vượt biên qua Đông Hưng xin tỵ nạn chính trị ngày 15 tháng 2, sau tôi đúng 4 tháng rưỡi.
Bà Trà trước sống ở Lê Văn Duyệt, Sàigòn, có một người con gái tên là Hạnh, lấy chồng Mỹ tên là Richard Calvarado thì phải. Không hiểu trước 1975, ông này làm gì, nhưng vào thời điểm 1979, bà Trà cho biết, con rể của bà đang là giám đốc kế hoạch cho cơ quan United Way tại San Antonio, Texas.
Khi cả gia đình bà lớn bé già trẻ 14 người đến sống chung với chúng tôi, ai ai cũng rất vui mừng, mọi chuyện vui buồn của quê hương đất nước, của mỗi cuộc đời sau năm 1975 đều được mọi người chia sẻ, tâm tình thoải mái. Đúng là tha phương ngộ đồng hương cũng hạnh phúc không kém gì cố tri. Phần bà Trà là người giầu có, lại thêm tiền bạc của con rể con gái từ Mỹ gửi sang, phần bà tiêu pha rất hào phóng, xứng đáng là bà chị cả của "đại gia đình tỵ nạn", nên chúng tôi thường xuyên thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn do bà khoản đãi.
Bà thường đi chợ cùng với một người thông ngôn, để chính tay bà chọn những con gà, vịt, cá, tôm... to nhất và ngon lành nhất. Mua về, em gái bà là chị Giang và Dung con gái bà, cùng vô bếp nấu nướng với sự "tả phù hữu bật" của hai người cháu là Bình và Hải. Còn chúng tôi, anh Tiến và anh Hải đều ngoài 50 tuổi, được bà Trà coi như em, nên được ngồi trò chuyện với "Chị". Riêng tôi gọi bà là bác xưng cháu, nhưng được bà rất thương yêu, nhất định không cho tôi nhúng tay vào bất cứ công việc gì.
Khi được biết, bà Trà có người con rể Mỹ đang làm giám đốc một công ty Mỹ, ba anh em chúng tôi  đều nghĩ bà sẽ có cơ hội đi Mỹ nhanh hơn. Vì vậy, hai bố con anh Tiến và anh Thu đã chấp thuận đứng tên chung trong đại gia đình của bà Trà khi nộp đơn xin đi Mỹ. Riêng tôi vẫn một mình một đơn xin đi Úc.
Thời gian này tôi đã liên lạc được với gia đình ở Úc. Vì vậy, một mặt gia đình lo làm giấy tờ bảo lãnh cho tôi, mặt khác, gia đình cũng đã gửi tiền, quà, quần áo lạnh cho cả 4 anh em chúng tôi. Vì Phòng Thành là một thị trấn nhỏ, dân chúng sống rất lạc hậu, nên mỗi khi 4 người chúng tôi diện những bộ đồ lạnh của Úc đi dạo phố là cả một đám đông con nít vây quanh và đi theo, gây nên nhiều chuyện cười chảy nước mắt.
Một kỷ niệm vui buồn lẫn lộn nhưng thật ý nghĩa và đáng nhớ nữa là chuyến viếng thăm người em gái của anh Thu. Anh Thu trước quê ở Hải Phòng. Năm 1954, anh di cư vào Nam, sau làm kế toán cho Nha Kiến Thiết. Cuối năm 1978, anh trở về Hải Phòng thăm thân nhân, họ hàng, mới được biết tin về người em gái bị bắt cóc rồi bị bán sang Trung Quốc từ năm 1945. Nay chị ta đã lấy chồng và sống ở một vùng thôn quê hẻo lánh, lâu ngày tôi quên mất tên, cách Phòng Thành khoảng bốn chục cây số. Vì vậy, anh Thu muốn tất cả chúng tôi cùng ghé thăm gia đình người em của anh vài ngày.
Sau thời gian bàn bạc, xin phép cán bộ Ngô, chúng tôi lên đường đi thăm cô em của anh Thu. Sau chặng đường đi xe đò từ Phòng Thành đến thị trấn Sàng Pú ("), chúng tôi phải đi bộ khoảng trên dưới 10 cây số từ Sàng Pú đến làng, vì đường này không có bất cứ phương tiện chuyên chở công cộng nào. Điều ngộ nghĩnh nữa là theo lời dặn của cô em, anh Thu đã mua 4, 5 cặp ngỗng làm quà cho gia đình. Vậy là 4 anh em chúng tôi, trong 4 bộ đồ lạ lẫm không giống ai, lùa cả chục con ngỗng đi trên con đường quanh co của vùng sơn cước dẫn tới nhà em của anh Thu.
Thôn xóm của em gái anh Thu ở là một thôn xóm cách biệt hẳn văn minh của đô thị, dù là đô thị của Trung Hoa. Cả thôn không có đèn điện, không có bất cứ dụng cụ gì liên quan tới điện và cơ giới. Nhà nhà đều làm bằng đất trộn rơm, đắp thành từng tảng lớn chung quanh nhà, trên mái thì lợp rơm hoặc cỏ tranh. Trong nhà đồ đạc hầu như không có gì. Không bàn ghế, giường tủ. Mọi người ngủ ngay trên nền đất ẩm thấp, được lót sơ sài bằng ổ rơm, hoặc chiếu. Bếp đều đắp bằng đất, và tất cả mọi chuyện nấu nướng đều bằng chiếc chảo gang to đen sì. Nấu cơm xong, rỡ ra rá hoặc ra chiếc mâm bằng gỗ, rồi cũng chiếc chảo gang đó tiếp tục đun nước, nấu đồ ăn. Đồ ăn thường là canh muối nấu với đủ các loại rau hái ở ngoài vườn. Vật dụng duy nhất trong nhà mang dấu vết của "văn minh" là tờ lịch có hình Hoa Quốc Phong và bức tranh Mao Trạch Đông đang đứng dơ tay giữa Thiên An Môn.


Vì thôn xóm lạc hậu như vậy, nên chuyến viếng thăm của chúng tôi quả là một sự kiện gây chấn động cả thôn xóm. Cả xóm lũ lượt đổ tới coi hình dáng "ngoại nhân" và những bộ quần áo lạ lẫm, mầu sắc sặc sỡ. Nhiều người, nhất là con nít, chỉ thích rụt rè đưa tay sờ mấy chiếc áo len rực rỡ hình ảnh và màu sắc của tụi tôi. Khi cô em của anh Thu giới thiệu người này sẽ đi Mỹ, người kia sẽ đi Úc,... mọi người đều trầm trồ ngưỡng mộ, xuýt xoa khao khát ước mơ. Lúc đó, trong con mắt của người dân Trung Hoa nói chung và dân làng ở đó nói riêng, các quốc gia tự do phương tây, nhất là nước Mỹ, Úc, giống như thiên đàng hạ giới, họ chỉ được nghe mà chưa được thấy.
Em của anh Thu tên là Đông, một cái tên nghe thật héo hắt u buồn, đầy lạnh lẽo sầu khổ, giống như một tiền định cho cuộc đời của chị. Theo lời kể của anh Thu, chúng tôi được biết, tuổi của chị lúc đó chưa tới 50, nhưng nhìn chị già hơn tuổi. Nét mặt của chị lúc nào cũng đầy vẻ đăm chiêu, chịu đựng, cam phận. Riêng cặp mắt cuả chị thì đẹp và buồn vô cùng. Cả cuộc đời của tôi, cho đến bây giờ khi viết những dòng chữ này, tôi đã từng thấy không biết bao nhiêu nỗi sầu đau ẩn hiện trên ánh mắt của không biết bao nhiêu người, nhưng tôi chưa hề thấy cặp mắt người phụ nữ nào sũng buồn như mắt của chị. Kể từ ngày gặp chị cho đến nay đã ngót 30 năm, vậy mà bất cứ lúc nào, kể cả lúc tôi đang vui mừng hạnh phúc cùng người thân, hay say sưa bù khú bên ly rượu cùng bạn hữu,... hễ tôi bất chợt nhớ đến ánh mắt sũng buồn của chị, là tôi lại thấy lòng mình nao nao buồn và không nén được tiếng thở dài...
Ngay buổi tối hôm đó, bên ánh lửa bập bùng, trong nước mắt và bằng giọng nghẹn ngào sụt sùi, chị ngồi kể lại cho chúng tôi nghe cuộc đời của chị, từ khi chị bị bắt vào năm chị mới 15, 16 tuổi, rồi bị bán sáng Trung Quốc làm vợ một người đàn ông Trung Hoa ở thôn quê vùng sơn cước này suốt hơn 30 năm. Hơn 30 năm đó, chị đã phải chịu đựng không biết bao nhiêu nỗi khổ đau, chị đã khóc không biết bao nhiêu nước mắt, trong nỗi cô đơn của một người con gái phải ly biệt quê hương, nhớ thương cha mẹ, anh chị em,... và phải sống giữa những người hoàn toàn xa lạ, bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán...
Suốt thời gian hơn 30 năm, chị được về thăm quê có một lần vào năm 1969. Nhưng lần đoàn tụ và hội ngộ đó cũng đầy đau khổ và nước mắt. Chị khóc khi thấy cha mẹ, anh chị em, quá túng thiếu, nghèo khổ. Chị ở Trung Quốc khổ vì đói cơm, vì nhớ nhung, nhưng cha mẹ anh chị em của chị ở Việt Nam thì ngay cả những thứ ăn độn như khoai, sắn, rau, củ chuối... cũng không có mà ăn. Thiệt xa thì đau lòng vì nhớ, đến khi gặp rồi thì thêm xót xa đau đớn vì thương. Vì vậy, khi chia tay trở về Trung Quốc, chị lại càng khóc thương, sầu khổ nhiều hơn mỗi khi nhớ đến người thân còn ở Việt Nam.
Cũng may, người chồng của chị rất thương yêu chị. Lớn hơn chị gần chục tuổi, nhưng ông có một thân hình cường tráng gân guốc, gương mặt quắc thước. Ông ngồi bên cạnh chị vững vàng như tảng đá tạc, im lìm hút thuốc bằng chiếc ống vố dài gần nửa thước. Suốt từ đầu đến cuối chuyện, ông chỉ lim dim cặp mắt mà nói rất ít, nhưng bàn tay ông xiết chặt bàn tay của vợ đã biểu lộ lòng yêu thương vợ tha thiết của ông.
Điều kỳ diệu là tuy xa quê nhà từ năm 15, 16 tuổi, nhưng chị Đông nói và viết tiếng Việt rất giỏi. Không những vậy, chị còn dậy cho các con nói và viết tiếng Việt thông thạo. Vì vậy, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy các cháu con của chị đem cho chúng tôi coi những tập vở trong đó chép toàn những bài ca dao và thơ của Nguyễn Bính. Chị Đông và các cháu không những thuộc lòng những câu ca dao và thơ của Nguyễn Bính mà con biết hát quan họ bài "Trống Cơm" và bài "Người ở đừng về". Thì ra, sống xa tổ quốc suốt mấy chục năm trời, tấm lòng thương quê nhớ nước của người thiếu phụ chỉ còn biết bấu víu vào những câu hát dân ca, những câu ca dao và những vần thơ của Nguyễn Bính, để duy trì ngôn ngữ Việt giữa một vùng thâm sơn cùng cốc của một đất nước mênh mông, dân cư đông đúc, có cả tỷ người nói tiếng Hoa.
Nói ra thiệt xấu hổ, tất cả mấy anh em chúng tôi, sinh ra và lớn lên trên quê hương Việt Nam suốt cả đời người, vậy mà không một ai thuộc lời hay biết hát bất kỳ một bài hát quan họ nào cho trọn vẹn, ngoại trừ anh Thu nhớ bập bõm vài câu trong bài "Trống Cơm". Còn ca dao và thơ Nguyễn Bính thì anh Tiến và tôi cũng nhớ được một ít, nhưng không thuộc lòng từ đầu đến cuối như chị Đông.
Chúng tôi cảm động nhất khi nghe mấy mẹ con hát quan họ bài "Người ở đừng về". Nghe hát xúc động quá, chúng tôi lấy giấy bút ra chép rồi cũng nghêu ngao hát theo, vừa hát vừa rưng rưng lệ: "Người ơi người ở đừng về. Người về em vẫn khóc thầm. Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa"....
Sau mấy ngày thăm viếng, cuối cùng chúng tôi phải từ giã mọi người, vì cán bộ Ngô chỉ cho phép chúng tôi đi có một tuần lễ. Chị Đông và mấy người con, cháu năn nỉ xin đi theo chúng tôi lên phố để chụp một tấm hình lưu niệm.
Đoạn đường chỉ ngắn ngủi có 10 cây số, nhưng là một kỷ niệm tuyệt vời... Sáng sớm hôm đó, chúng tôi đi trên những con đường quanh co của miền sơn cước, ẩn hiện giữa cả một biển sương mù, vừa đi vừa thấy thấp thoáng núi cao, rừng rậm, sông sâu, khiến tôi có cảm giác như được đi trên những con đường thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng, Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Trong cảnh sơn thuỷ hữu tình đó, chúng tôi cùng nhau hát vang bài quan họ "Người ở đừng về": "Người ơi người ở đừng về. Người về em vẫn trông theo. Trông nước nước nước chảy, trông bèo bèo trôi"...
Những câu hát đó mãi mãi ngân nga trong lòng chúng tôi. Quả thật, chân bước đi rồi nhưng lòng chúng tôi vẫn quay trở lại... với cảnh với người... Và bây giờ khi viết những dòng chữ này, lòng tôi vẫn bồi hồi khi nhớ lại những ngày tháng ấm cúng tuyệt vời, đầy tình nghĩa giữa những người xa quê hương, để rồi thấy thật thấm thía câu thơ, "Khi ta đến, đất là nơi ta ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn"...
Thị trấn Sàng Pú (") là một thị trấn nhỏ, nghèo, dân cư thưa thớt. Cả thị trấn chỉ có một tiệm hình duy nhất, với chiếc máy hình cổ lỗ sĩ. Nhưng con và cháu của chị Đông đều rất hồi hộp vì đây là lần đầu tiên họ được chụp hình. Sau khi chụp hình xong, chúng tôi mời chị Đông và mấy người con, cháu đi ăn ở tiệm ăn "tổng hợp". Giống như hầu hết các tiệm ăn "tổng hợp" trong chế độ cộng sản, tiệm ăn ở Sàng Pú cũng nghèo nàn, bẩn thỉu và chỉ có hai món ăn là bánh bao và một loại phở. Nước uống chỉ có một loại nước chanh đường, không có đá. Chị Đông thì không có xa lạ gì những món ăn trong tiệm, nhưng với mấy người con, người cháu cuả chị, thì đây là lần đầu tiên họ được ăn phở.
Sau khi ăn uống xong, chúng tôi mua ít bánh bao, khăn mặt, xà bông thơm làm quà, rồi bịn rịn chia tay chị Đông vào buổi trưa hôm đó tại bến xe Sàng Pú. Ngồi trên xe, chúng tôi với tay qua cửa sổ bắt tay nhau lần cuối. Ai cũng sụt sùi rưng rưng lệ.... Khi xe vừa nổ máy, tôi thấy chị Đông và mấy người con, cháu đều ôm nhau khóc ngất. Chúng tôi cũng khóc... Xe chuyển bánh, ngoái nhìn lại phía sau, tôi thấy qua màn lệ, chị Đông và mấy người con, cháu, vừa ôm nhau khóc, vừa vẫy tay, vẫy tay... Rồi tất cả mờ dần, mờ dần, và khuất hẳn, để lại trong lòng mỗi người chúng tôi nỗi bâng khuâng, buồn bã khôn tả... Trĩu nặng niềm tâm sự của ly biệt, tất cả chúng tôi ngồi trên xe không ai nói với ai một lời, trên suốt chặng đường trở lại Phòng Thành. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.