Hôm nay,  

Chuyện Mỗi Tuần: Làm Ơn Không Cần Trả!

01/04/200800:00:00(Xem: 2923)

Suốt mấy năm không thấy đâu, bữa đó hai vợ chồng tôi đi thương xá vô tình lại gặp ông bạn quen tên Bằng. Tuy mừng rỡ nhưng ông ta kêu đói bụng quá muốn đi vào tiệm MacDonald vừa ăn vừa nói chuyện. Tuy khoái "Big Mac" lắm nhưng Yến và tôi thường kiêng cử loại đồ ăn này theo lệnh quan "đốc". Song để chiều ông bạn chúng tôi nháy mắt đồng ý "phá giới" một bữa chắc cũng không sao.
Ba điều bốn chuyện thì cũng chẳng có gì lạ, ông Bằng này đi qua tiểu bang khác làm ăn không khá giờ trở lại thành phố này vì cảm thấy quen thuộc hơn. Lão này coi bộ thịnh món "burger" nên lão làm hai cái "Big Mac" trong khi tôi và Yến mỗi người một cái đã thấy cành bụng.
Đang ăn bỗng thấy lão Bằng nhìn chằm chặp ra cửa tiệm. Tôi nhìn theo thì thấy có một người đàn bà cầm một cái lon đang chìa ra xin tiền ở cửa tiệm. Cạnh bà ta là một thằng nhỏ, tôi nghĩ chắc là con chị ta,  khoảng hai tuổi cao khoảng bằng hai thước Anh, đầu tròn như trái dưa, thân mình mập mạp nhưng mặt mũi thì bẩn thỉu lem luốc chỉ có cặp mắt thì sáng như sao.
Tôi càng nhìn thì càng không muốn rời mắt khỏi nó và khi đó thì nó đang cầm một cái que dài bằng chiều cao của nó chứ không ngắn hơn. Nó đi tới đi lui ngay bậc cửa thềm của tiệm McDonald nơi mà nhiều người ra vào. Nếu không có ai đi qua thì nó ôm thanh que mỉm cười nhìn trời đây đó quơ lên như múa kiếm; khi có ai đi vào hay đi ra ngang đó thì nó nở một nụ cười rất tươi rồi chìa tay ra tỏ ý xin... tiền. Thì ra thằng nhỏ này muốn phụ mẹ nó... xin tiền mà đặc biệt là nếu người đó ngó lơ bước đi thì nó vẫn giữ nụ cười mỉm, nét mặt  cũng không thay đổi. Còn nếu có ai bỏ đồng cắc vào tay nó thì nụ cười của nó nở rộng hơn rồi nó chạy lại bỏ vào cái lon mẹ nó đang cầm.
Thấy tôi mải mê ngó thằng nhỏ Yến và lão Bằng cũng ngó theo và sau khi theo dõi  một vài phút lão Bằng nói:
- Thằng nhỏ này sống như vậy mà nó vẫn giữ được nét thơ ngây hồn nhiên yêu đời thật đáng để ý. Có lẽ mình phải làm một cử chỉ đẹp với "hắn" nhưng tôi chưa nghĩ ra là làm cái gì. Bé thế mà nó đã có ý tốt phụ với mẹ nó để kiếm ăn, ông bà thấy có đáng suy nghĩ không" Mình cho nó cái gì bây giờ"
Yến bảo:
- Thì cho nó tiền chứ biết cho nó cái gì bây giờ"
Lão Bằng lắc đầu:
- Hừ. Không được. Tiền thì sẽ dùng cho cả nhà nó rồi qua đi, nó không nhớ được. Tôi muốn nó nhớ món đó cơ.
Tôi thực tế:
- Thì cho nó quần áo thôi vì đó là món nó cần nhất.
Lão Bằng vẫn không chịu, lão trầm ngâm vài giây rồi nói:
- Quần áo thì không kịp vì mình có chịu khó đi mua thì trở lại đây nó cũng đã đi mất rồi.
Tôi ngẫm nghĩ xem con nít thì cần gì nữa. Nẫy giờ tôi đã thực tế chỉ nghĩ đến tiền bạc và quần áo ngoài ra... Tôi nhìn thằng nhỏ đang cầm cái que múa như người múa kiếm điều này nẩy ra trong đầu tôi một thứ  khác mà con nít thích: đó là đồ chơi. Tôi vội nói với lão Bằng:
- Này, "Toy". Chỉ có món này là nó sẽ nhớ lâu, ông đồng ý không" Và... tiệm này cũng lại bán đồ ăn cho con nít có kèm đồ chơi nữa ông nhớ không" Ông mua cho nó nguyên một bữa gọi là "McHappy Meal" đó là món quà tuyệt hảo cho nó.
Lão Bằng hớn hở:
- Ừ "McHappy Meal" có cả "toy".
Nói xong lão Bằng đến quầy mua món quà dự định kèm món đồ chơi là một cái kèn bằng nhựa rồi bưng đi ra cửa rồi lão ngần ngại như không muốn làm mất hứng thằng nhỏ đang biểu diễn đường... kiếm của nó. Tôi và Yến bước theo ra cửa đứng ngó khi lão Bằng trao cho thằng bé bữa ăn, nó ngước cặp mắt sáng ngó lão Bằng mỉm cười nhưng ngập ngừng chưa chịu đưa tay ra mà nhìn mẹ nó. Mẹ nó gật đầu và Bằng bảo:
- Đây là quà cho cậu đó cậu bé. Ngoan nhá.
Thằng bé mỉm cười dơ hai tay ra đón nhận món qùa mà mắt mở to, nét sung sướng sáng rực trên khuôn mặt lem luốc và biểu lộ ngạc nhiên như là một việc ngoài sự mơ tưởng của nó.
Bằng và tụi tôi trở lại bàn để ăn xong bữa ăn dở dang trong khi nó bưng món "Happy Meal" chạy lại trước mẹ nó hớn hở: "Má! Má! Má!" Thế rồi tụi tôi cắm cúi ăn ít phút sau sực nhớ lại tôi ngó ra thì không thấy mẹ con thằng nhỏ đâu cả. Tôi nghĩ chắc mẹ con nó đã mang bữa ăn đến gốc cây nào đó để thưởng thức và có lẽ chia sẻ cùng những đứa khác trong gia đình nếu có. Nếu chỉ một bữa ăn nhỏ này mà tạo một nỗi vui khó quên trong đầu thằng nhỏ thì cũng đáng đồng tiền lắm. Tôi không ngờ cái lão Bằng này lại có những ý tẩn mẩn như vậy. Tôi bảo lão Bằng:
- Ông cũng tỉ mỉ dữ ha. Trước kia tôi đâu thấy ông "vị tha" như vậy, chắc mấy năm qua đi thụ giáo vị cao tăng hay cha cố nào hả"
- Đâu có thụ giáo ai. Tại vì mình khổ nhiều rồi thấy người khác khốn cùng cầm lòng không đặng.
Có một truyện làm tôi nhớ hoài là khi tôi vừa được thả ra khỏi tù cải tạo. Về nhà thì gia đình thất tán đâu cả; tính đi tìm nhà người quen để hỏi thăm hay nhờ vả nhưng đói bụng qúa. Không biết mấy đồng lẻ trong túi có đủ trả cho tô phở không nhưng tôi cứ vào tiệm làm một tô đã. Tôi định ăn xong nếu không đủ tiền thì đành thú thật là tù cải tạo mới ra, nếu họ không thông cảm mà kêu công an có bắt nhốt thì họ cũng phải cho ăn chứ không lẽ để cho đói. Tuy nghĩ vậy nhưng tôi chưa dám đứng dậy mà cứ ngồi lì ra đó lâu lắm. Tôi không hiểu có ai nhận ra tôi là... tù mới ra hay không, nhưng một lúc sau anh bồi bàn lại thu dọn bàn tôi rồi nói:
- Phần ăn của ông đã được thanh toán rồi.
Tôi nhìn quanh trong và ngoài cửa tiệm thì không thấy có người nào để ý đến tôi cả và tôi nghĩ hoài suốt bao nhiêu năm không biết ai là ân nhân của tôi cả. Cho nên mỗi khi nhìn thấy người khác khốn đốn tôi lại xúc động nhớ lại chuyện cũ.
Tôi nửa đùa nửa thật:
- Như vậy là ông đã có thói quen làm ơn không cần người ta trả ơn rồi đấy. Đáng phục lắm.
Yến làm tài khôn xía vô:
- Làm ơn mà mong người ta trả ơn thì còn ra cái gì.
Lão Bằng gật đầu lầm bẩm: "Đúng. Chị nói đúng".
Tôi tiếu lâm nhưng mà chuyện có thật...
Ông có biết không. Tôi đã từng làm ơn nhưng lại còn mắc oán nữa. Không những oán mà còn bị thù ghét nữa. Mười mấy năm trước có thằng cha cùng xóm với tôi, tôi thích cha ấy lắm vì hắn có kiến thức và khả năng nhưng không bao giờ xung phong ra gánh vác chuyện hội hè đoàn thể. Chẳng hiểu hắn nhát hay là làm cao mà anh em mấy lần mời đi họp hắn không thèm trả lời. Có một lần một thằng bạn cũ lại nhắc mời hắn nữa tôi bèn khích:
- Mời hắn làm đếch gì. Hắn sợ vợ thấy mẹ, vợ hắn không cho hắn đi đâu hết chỉ ở nhà trùm mền thôi.
Thằng bạn hắn ngó tôi nhưng không nói. Không biết nó có nói gì với vợ chồng hắn không mà từ đó tôi thấy hắn tham gia bất cứ sinh hoạt đoàn thể nào cần hắn. Rồi ai cũng nhờ hắn tổ chức văn nghệ văn gừng đủ kiểu, còn vợ hắn thì ca hát không thiếu buổi nào, vợ chồng đâm ra nổi tiếng ở vùng này.


Chỉ có một điều hắn gặp mặt tôi bất cứ ở đâu hắn không thèm ngó chứ đừng nói là chào hỏi và trong cặp mắt hắn biểu lộ sự khinh và ghét mới khổ cho tôi chứ. Dù vậy tôi vẫn thích hắn thì ông bảo tôi xử trí làm sao.
Yến cướp lời nói với Bằng:
- Nhà tôi đôi khi lại gàn đến như vậy đấy anh ạ. Chúng ghét là phải.
Lão Bằng lắc đầu:
- Ông giúp kiểu đó nó chỉ ghét ông thôi là còn tốt đấy chứ nó xúc… đổ đi được nó cũng xúc. Nhưng mà nhằm nhò gì chuyện đó. Có những chuyện đừng phán đoán vội mà hố như trường hợp ông bạn "ghét" ông đó cũng vậy.
Lão Bằng vui miệng kể tiếp. Mấy năm tôi qua bên tiểu bang TX học được cái nghề thợ mộc. Lão chủ rất tử tế nhưng rất ít nói và có những quyết định lão không nói cho ai biết cả. Chẳng hạn như có ông thợ già tên Mark làm đã lâu năm và rất yêu nghề nhưng nay đã mệt mỏi nên xin về hưu để sống thong dong với thư thả với bà vợ già để bù lại những năm tháng làm việc vất vả. Ông ta bầy tỏ rằng mặc dù lợi tức hàng tháng sẽ không còn nhưng thời gian sống cho vợ con thật là cần thiết.
Ông chủ tuy tiếc một tay thợ chuyên môn thâm niên nhưng cũng đành chiều ý chỉ yêu cầu ông thợ mộc xây cho hãng ông một căn nhà chót trước khi "rửa tay gác kiếm".
Không còn cách nào ông thợ mộc đành miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu của chủ nhân. Khi căn nhà đã được xây xong chủ hãng đến thanh sát để tiếp nhận và sau khi thanh sát, ông chủ trao chìa khoá căn nhà cho ông thợ mộc rồi nói:
- Căn nhà này từ nay là của ông. Đây là món quà về hưu của hãng tặng cho ông.
Qúa bất ngờ nên ông thợ mộc há hốc mồm ứa nước mắt không nói được lời gì. Sau đó ông thú nhận với vài người bạn thân rằng: Không phải ông ngạc nhiên vì món quà lớn mà ông thẹn với lương tâm vì ông làm căn nhà đó với thái độ thật miễn cưỡng, không chú tâm kỹ càng như trước. Nghĩa là làm giả dối cho có lệ với phẩm chất vật liệu thấp. Nếu ông biết căn nhà này xây cho ông thì ông đã làm thật kỹ càng và cẩn thận hơn. Rồi ông già lắc đầu: Ở đời có những việc mình muốn trở lại từ đầu nhưng… chẳng được...
Ăn xong đã lâu đã đến lúc phải chia tay. Khi ra tới trước tiệm thì chúng tôi thấy mẹ con thằng bé ăn xin đứng tại một góc hè sát bãi đậu xe, mẹ nó vẫn cầm cái lon sắt còn thằng nhỏ thì mặt hớn hở đứng kẹp thanh que giữa hai đùi, một nách kẹp cái kèn bằng nhựa vừa được tặng, còn hai tay đang bốc khoai tây chiên bỏ vào miệng. Khi thấy chúng tôi đi ra nó giơ cái kèn lên vẫy về phiá chúng tôi miệng lắp bắp:
- Thank you. Thank you.
Trên đường lái xe về tôi suy nghĩ về lão Bằng, suy nghĩ về những chuyện lão kể và tôi thấy lão đã thay đổi nhiều với cái tính ích kỷ trước kia. Chẳng lẽ lão muốn thành bồ tát. Tôi nghĩ đến câu "làm ơn thường mắc oán" khiến tôi nghĩ đến một chuyện không biết ai đã kể mà tôi nghe được và họ nói đó là chuyện có thật dù nghe qua có thể cho là chuyện ngụ ngôn.
Chuyện rằng có một ông gìa vô gia cư sống dưới tàn một gốc cây cổ thụ. Cái tổ ấm của ông là một căn lều nhỏ lợp bằng lá "palm" với vách bằng những thùng cát-tông. Người ông ta không được nguyên lành cụt một tay, chân khập khiễng đặc biệt bộ mặt hình như bị cháy nám. Nhìn ông, người ta hình dung đến một chiến binh bị thương qúa nặng ở chiến trường nhưng may mắn còn sống sót và mấy đứa trẻ thường gọi là ông già "Ugly".
Mỗi khi ra đường để chìa tay xin đồng bạc lẻ để mua đồ ăn ông lấy khăn quấn đầu che bớt mặt chỉ để hở hai cặp mắt với một cái mũ xụp xuống mắt. Có lẽ ông ta sợ nếu nhìn thấy mặt thật của ông, người ta sẽ sợ không dám lại gần. Vì vậy ông sống thầm lặng và tránh mọi sự gặp gỡ.
Ban đêm ông thường lang thang ở những thùng rác ngoài đường phố hay ở sau các nhà hàng để kiếm đồ ăn thừa và lượm các lon nước uống kim loại để dành bán lấy tiền. Mỗi khi đầy một bao khoảng mười ký ông vác đi bán cũng kiếm được năm hay mười đồng. Có khi may mắn lượm được nhiều cũng kiếm được cả mấy chục. Kiêm cái nghề này đã giúp ông đỡ phải gặp gỡ người đời để xin ăn nhưng quan trọng nhất là để dành tiền để chữa khuôn mặt của ông cho đỡ kinh tởm.
Có một đứa trẻ mồ côi khoảng chín tuổi không biết từ đâu đến sống lê lết ngoài hè phố và có lẽ vì thiếu dinh dưỡng nên mắt nó gần như bị mù. Khi thấy có bóng người nó mon men lần mò lại gần xin đồ ăn thường bị người ta đánh đuổi đi nhưng nó không thể chạy được vì nó không thấy đường.
Ông già "Ugly" nhìn thấy cảnh này nhiều lần nên động lòng trắc ẩn dắt thằng nhỏ về sống với ông ở túp lều dưới tàng cổ thụ. Ông cho nó ăn uống, kiếm quần áo cho nó mặc và coi nó như con mình. Vì không biết tên nó là gì nên ông gọi nó là Tom. Thằng nhỏ càng lớn lên càng biết ơn ông và cũng coi ông như là cha của nó. Khi nó tới mười bẩy mười tám chắc đã biết suy nghĩ về cuộc đời nên nó nói với ông già:
- Cháu rất tiếc là đã trở thành người vô dụng. Cháu ước gì cặp mắt cháu sáng trở lại để cháu có thể làm gì hầu đền đáp ơn ông nhất là được nhìn thấy khuôn mặt phúc hậu của ông. Ông là người phúc hậu nhất trên đời này mới dang tay săn sóc một đứa vô dụng như cháu.
Ông già Ugly lặng lẽ nhìn thằng nhỏ như cân nhắc những điều nó nói. Ngày hôm sau ông dắt thằng nhỏ đến bệnh viện khám nghiệm bệnh trạng và ông hỏi riêng bác sĩ nếu giải phẩu sửa mặt ông cho đỡ ghê tởm một chút thì mất bao nhiêu. Ông bác sĩ bảo chỉ để đỡ "ghê sợ" thôi chứ không phải giải phẩu thẩm mỹ thì mất khoảng ngàn rưởi. Ông già lại hỏi cặp mắt thằng nhỏ có thể chữa được không và chữa cho nó nhìn lại được thì mất bao nhiêu. Bác sĩ bảo khoảng hai ngàn.
Mười mấy năm lượm lon co-ca, lon bia bán ông đã dể dành dược khoảng gần hai ngàn mốt nên sau khi đi bệnh viện về ông bảo thằng nhỏ:
- Ông đã để dành đủ tiền để chữa mắt cho cháu. Sau khi sáng mắt cháu không nên quan tâm với ông mà phải sống cuộc đời vui vẻ bình thường như mọi người.
Sau khi giải phẩu chữa cặp mắt nhìn lại được thì Tom vui mừng như vừa được sinh ra một lần nữa nhưng không thấy tăm hơi ông già đâu. Nó muốn đi tìm ông già nhưng không biết ông ấy trông ra làm sao và không biết ông ở đâu mà tìm và chuyện cấp bách là Tom phải kiếm được việc gì làm để sinh sống.
May mắn nó xin được một tay chùi bàn cho một nhà hàng và thấy nó chịu khó làm và chịu học hỏi, quản lý cho nó làm bồi bàn toàn thời gian nên cuộc sống đã có phần ấm cúng.
Một tối kia quản lý nhà hàng thấy ông già mặt như qủy xách túi ny nông loảnh xoảng những lon là lon đang đi xung quanh nhà hàng rồi ra chỗ đổ rác phía sau moi móc tìm kiếm. Viên qủa lý gọi Tom ra cùng với ông ta đuổi ông gìa đi vì sự hiện diện của ông ta sẽ làm cho khách sợ hãi.
Khi bị Tom quát tháo đuổi, ông già Ugly nhìn Tom mắt sáng và toác miệng cười như thỏa mãn điều gì nhưng ông lại đưa tay chùi trán và lặng lẽ quay đi. Viên quản lý nhún vai:
- Thật đúng là khuôn mặt kinh khủng.
Tom đồng tình:
- Đúng vậy. Tôi hy vọng là không nhìn thấy ông ta một lần nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.