Hôm nay,  

Tin Úc

14/02/201000:00:00(Xem: 3583)

Tin Úc

TIỂU BANG NSW TÌM GIA ĐÌNH TÌNH NGUYỆN ĐỂ THỬ “CĂN NHÀTƯƠNG LAI”

SYDNEY: Chính phủ NSW đang tìm người tình nguyện sống một năm không cần phải trả tiền thuê nhà tại một căn nhà được gọi là “nhà thông minh” ở Sydney.
Bộ trưởng năng lực John Robertson cho biết rằng gia đình thiện nguyện này sẽ thử nghiệm những kỹ thuật mới nhất trong việc tiết kiệm điện và nước. Ông nói: “Cuộc thử nghiệm này nhằm vào việc đưa những kỹ thuật thông minh, có lợi cho môi sinh ra khỏi phòng thí nghiệm và thử chúng ở ngoài đời, với một gia đình thực thụ. Chúng tôi muốn tìm một gia đình có con cái bởi vì chúng tôi biết rằng trẻ con sử dụng kỹ thuật khác với cha mẹ chúng”.
Căn nhà này nằm ở khu làng thế vận cũ ở Newington và được chạy bằng những tấm bửng dùng nhiệt lượng từ mặt trời (solar panels) và bình ắc quy (fuel cells) vốn biến khí đốt (natural gas) thành điện. Nhà sẽ có xe chạy bằng điện, máy truyền hình sử dụng kỹ thuật LED hữu cơ (organic LED TV) và những kỹ thuật vốn sẽ cho phép gia đình mở, tắt đèn và dụng cụ trong nhà từ điện thoại di động iphone hoặc từ máy điện toán di động laptop.
Ông Robertson cho biết gia đình này sẽ được yêu cầu viết lại về kinh nghiệm của họ trong căn nhà. Ông cũng nói thêm rằng những kỹ thuật tiên tiến trong nhà có thể khiến cho thành viên của gia đình cảm thấy bị thử thách quá đỗi. Ông nói: “Chúng tôi cần những người có thể viết nhật ký trên mạng (blog). Và chúng tôi cũng cần một gia đình rất kiên nhẫn và có một óc khôi hài bởi vì không phải mọi thứ mà chúng tôi thử nghiệm trong nhà đều luôn hoạt động tốt đẹp được. Dự án này cũng tương tự như một sự kết hợp giữa hai chương trình truyền hình “The Jetsons” và “Big Brother” vậy”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, trong nhà không hề gắn máy quay phim và thay vào đó thì mức sử dụng năng lượng và nước sẽ bị kiểm soát kỹ.
Cuộc tuyển chọn gia đình sẽ được tổ chức vào khoảng tháng Tư hoặc tháng Năm và gia đình may mắn được chọn sẽ dọn vào căn nhà này khoảng tháng Sáu hoặc tháng Bảy và ở đấy trong suốt 12 tháng sau đó.
Đây là căn nhà đầu tiên thuộc loại này được thử nghiệm ở Úc. Những gia đình nào muốn ghi danh tham dự vào cuộc tuyển chọn có thể nộp đơn qua mạng www.tenderlink. com/energy

“SIÊU GIÁO VIÊN” TẠI TRƯỜNG CÔNG LẬP VỚI LƯƠNG $100.000 MỘT NĂM

SYDNEY: Theo nhật báo Daily Telegraph ngày 9/2/10 vừa qua thì các “siêu giáo viên” đầu tiên với lương gần $100.000 Úc Kim một năm đã bắt đầu làm việc tại các trường công lập trong một chương trình nhằm nâng cao chất lượng của lớp học. Nữ giáo viên Luisa Bosco, 33 tuổi, là một trong số 13 giáo viên siêu đẳng đầu tiên- được biết đến với tên tắt là H.A.Ts (Highly Accomplished Teachers- Giáo Viên Thành Tích Cao)- được bổ nhiệm vào những vai trò lãnh đạo kiểu mới.
Sau một quá trình tuyển chọn thật gắt gao, những giáo viên này được trả lương 20% cao hơn ngạch lương cao nhất trong quy chế để khuyến khích họ tiếp tục dạy dỗ ở trường công lập, thay vì bỏ sang trường tư hoặc theo đuổi những ngành nghề khác. Bà Bosco, giáo viên tại trường trung học Macquarie Fields High School ở vùng Tây Nam Sydney được giao một sứ mạng trong hai năm để nâng cao môi trường học hỏi và cải tiến trình độ của học sinh tại một trong những vùng thiệt thòi nhất của Sydney.
Ngoài việc dạy Anh Văn cho học sinh lớp 12 của bà thì bà Bosco còn phải liên lạc với đại học địa phương và những trường khác, làm việc với học sinh thổ dân, tổ chức những buổi họp về lãnh đạo, giúp đỡ bạn đồng nghiệp trong những lớp khác và đối thoại, liên lạc với phụ huynh.
Trong khi bà đã làm việc tại trường Macquarie Fields trong 9 năm qua, bà Bosco xem vai trò mới của bà như một cơ hội để xiển dương hình ảnh của trường. Bà nói: “Đây là việc phá vỡ thành kiến và định kiến trong xã hội. Tôi rất hãnh diện với ngôi trường này. Mỗi khi tôi bước ra đường tôi đều nói chuyện với người ta và cho họ biết trường này quả thật là tuyệt vời”.
Tổng trưởng giáo dục liên bang, bà Julia Gillard, cho rằng chương trình trả lương dựa vào thành tích (perrformance pay scheme) sẽ “mang nhiệt tâm và lòng hăng hái trở về lại với những ngôi trường thiệt thòi”. Giới lãnh đạo giáo dục tin rằng chương trình thí điểm này chẳng những mang lợi ích đến cho trường Macquarie Fields High mà còn bốn trường địa phương khác mà nhà trường có mối liên hệ chính thức là các trường tiểu học Macquarie Fields Public, tiểu học St Andrews, trung học Elizabeth Macarthur và trung học Leumeah.
Các giáo viên hàng đầu này được tài trợ từ chương trình cách mạng giáo dục của chính phủ Rudd cùng với tiền từ chính phủ tiểu bang NSW.

MALCOLM TURNBULL SẼ CHỐNG ĐẢNG TỰ DO

CANBERRA: Cựu lãnh tụ đối lập liên bang Malcolm Turnbull xác nhận ông sẽ đầu phiếu với chính phủ khi hạ viện biểu quyết về kế hoạch mua bán khí thải ETS trong tuần tới đây. Điều này sẽ khiến ông trực tiếp đối nghịch với đương kim lãnh tụ đối lập Tony Abbott.
Ông Turnbull phủ nhận tin đồn rằng  ông đang bị những người ở hàng ghế trên của phe đối lập làm áp lực để giảm thiểu sự công khai ủng hộ mà ông dành cho kế hoạch ETS. Thay vì câm nín thì ông lại bắt đầu lý luận một cách thật nhiệt tâm để yểm trợ cho cái kế hoạch của chính phủ vốn đã khiến ông bị mất ghế lãnh tụ đảng Tự Do hồi cuối năm ngoái và ông thẳng thắn lên tiếng cảnh cáo rằng hành động nhằm đối phó với sự thay đổi của khí hậu không thể nào có được nếu không có sự tốn kém nào cả. Ông nói: “Chắc chắn phải có một sự tốn kém. Qua việc đặt giá cho khí thải carbon thì cái kế hoạch này cho phép thị trường tính toán được phương cách rẻ nhất để định giá khí thải. Câu hỏi cuối cùng là “Chúng ta có thật sự nghiêm túc về việc cắt giảm khí thải hay không"” nếu câu trả lời là có, thì phương pháp rẻ nhất và hữu hiệu nhất để làm điều ấy là phương pháp sử dụng thị trường như thế này”.
Ông hứa hẹn sẽ triển khai thêm lý luận này qua một bài diễn văn tại quốc hội.
Tưởng cũng nên nhắc lại, cuộc biểu quyết lần thứ ba tại Quốc Hội cho Dự Luật Chương Trình Giảm Thiểu Khí Thải Carbon (Carbon Pollution Reduction Scheme Bill) sẽ xảy ra trong tuần này.
Quyết định của ông Turnbull trong việc bước qua sàn bên kia để cùng đầu phiếu với chính phủ là một chuyện mà mọi người đã từ lâu đều cho rằng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay trong hàng ngũ phe đối lập liên bang vẫn còn nhiều mối e ngại rằng sự ủng hộ thật ồn ào của ông cho chương trình khí thải của chính phủ sẽ làm cho phe đối lập bị mất mặt. Thái độ của ông là một sự chống cự lại quyền lãnh đạo của tân lãnh tụ Tony Abbott và có thể làm giảm thiểu sự khả tín của chính sách của phe Liên đảng trong việc đối phó với sự thay đổi khí hậu vốn vừa được công bố không lâu.
Tuy ông Turnbull không trực tiếp bình luận về chính sách của ông Abbott, vốn là một kế hoạch hành động nhằm tưởng thưởng cho giới thương nghiệp nếu họ có sáng kiến bảo vệ môi trường (green initiatives), nhưng, trước Giáng Sinh thì ông Turnbull đã có viết một bài nhận định cho tờ The Times ở Anh Quốc, và qua đó miêu tả ông Abbott là “một người mầu mè, từng tự thú có nghi ngờ về khí hậu thay đổi” (“colourfully self-confessed climate sceptic”). Ông cũng đăng một bài trên trang nhật ký trên mạng (blog) của ông rằng bất kỳ một chính sách nào mà phe liên đảng đề ra đều là “một sự lừa dối, một cái lá nho môi sinh để che giấu một sự quyết tâm không làm gì cả”.

NGUY CƠ CÚM HEO ĐỢT 2

CANBERRA: Chính phủ liên bang vừa lên tiếng cảnh cáo người dân Úc phải chuẩn bị cho “đợt sóng thứ hai” của dịch cúm heo vốn có thể xảy ra sớm hơn thường lệ, và đồng thời lên kêu gọi các bác sĩ toàn khoa hãy chủng ngừa cho càng nhiều người càng tốt trước khi mùa Đông tới. Y Sĩ Chính (Chief Medical Officer), giáo sư Jim Bishop cho biết ông tin rằng cúm heo sẽ là loại dịch cúm chính của năm nay và cảnh cáo rằng trong mùa Đông vừa qua ở Hoa Kỳ nó đã chiếm 95% các trường hợp bị cúm. Ông nói: “Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở Úc, thế nhưng chúng tôi cho rằng loại dịch cúm chính sẽ là cúm heo, tương tự như ở Hoa Kỳ” . GS Bishop cho biết ông sẽ gởi thư đến tất cả các bác sĩ toàn khoa để yêu cầu họ xiển dương việc chủng ngừa và cảnh cáo rằng mức độ chủng ngừa miễn phí này hiện nay vẫn còn quá thấp. Ông cho biết tầm mức báo động công khai về trận dịch này trong năm ngoái ở Úc là một tầm mức đúng đắn. Tổng cộng có 191 cái chết ở Úc liên quan đến cúm heo.
GS Bishop cho biết trong lúc đối với đại đa số thì những triệu chứng rất nhẹ, hoặc vừa phải, nhưng loại cúm này đã khiến cho nhiều người, đặc biệt là trẻ em, phải vào bệnh viện và được chăm sóc cật lực (intensive care) hơn trước. Ông nói: “Nếu so sánh với loại cúm theo mùa thì cúm heo khiến cho số nhập viện cao hơn, số nhập viện của trẻ em dưới tuổi cao hơn, và nhiều người phải được đưa vào phòng ICU (Intensive Care Unit) vì sưng phổi do vi khuẩn (viral pneumonia). Trong mùa cúm năm 2009, 38% số tử vong từ dịch cúm xảy ra với những người không hề có nguy cơ gì cả và mức tuổi tử vong thông thường là 53 tuổi, so với 83 tuổi từ loại cúm thường theo mùa”.
Chính phủ liên bang đã chi ra $120 triệu Úc Kim để chuẩn bị 21 triệu liều thuốc ngừa cúm (H1N1) 2009 để phân phát trên toàn nước Úc. Cho đến ngày  28/1/10 vừa qua thì đã có 6,6 triệu liều thuốc ngừa được phân phối cho các tiểu bang và lãnh thổ với hơn 240.000 ống chích có bơm thuốc sẵn, dành cho trẻ em dưới 3 tuổi. GS Bishop thúc giục mọi người nên chủng ngừa. Ông nói: “Nguy cơ bị mắc bệnh có thể thấp, thế nhưng hậu quả có thể tàn khốc vô cùng”. Chủ tịch Hiệp Hội Bác Sĩ (Royal Australasian College of Physicians) Chris Mitchell cho biết số người đi chủng ngừa cho đến bây giờ vẫn còn thấp hơn ước lượng. Ông nhấn mạnh: “Trong những trận dịch trước đây thì làn sóng thứ nhì lúc nào cũng trầm trọng hơn”.

CÔNG ĐOÀN THÚC ĐẨY TĂNG LƯƠNG

CANBERRA: Phong trào công đoàn ở Úc sẽ phát động một chiến dịch đòi tăng lương  hùng hổ nhất so với nhiều năm qua với yêu sách tăng lương được ước lượng ở mức $30 Úc Kim một tuần. Chiến dịch này nhằm trả đũa quyết định cuối cùng của Fair Pay Commission (FPC)- ủy ban do John Howard lập nên để quyết định mức lương tối thiểu của người lao động- năm 2009 là không tăng lương cho hơn 1,3 triệu người lao động có lương thấp ở Úc. Tổng thư ký của Liên Đoàn Lao Động ACTU, ông Jeff Lawrence (bên phải), cho biết giới công đoàn cũng muốn bắt kịp với thời giá và bù trừ cho sự sụt giảm về đồng lương thật sự trong suốt thời gian 4 năm mà ủy ban FPC hoạt động.
Ông Lawrence cho biết với việc hoàn cảnh kinh tế đã “cải tiến thật nhiều” song song với những mối lo ngại về sự gia tăng của giá sinh hoạt trong những lãnh vực như thực phẩm và lãi suất đã khiến cho công đoàn phải thúc đẩy cho sự tăng lương này. Cuộc tái duyệt mức lương hướng tối thiểu năm nay xảy ra trong năm có bầu cử và là cuộc tái duyệt đầu tiên của cơ quan Fair Work Australia (FWA)- cơ quan thay thế FPC.
Theo lý luận của ACTU thì bốn quyết định trong quá khứ của FPC có nghĩa là mức lương thực thụ của hơn 1,3 triệu người làm công ăn lương dựa theo quy chế sẽ sụt giảm từ $15 đến $29 Úc Kim một tuần cho đến tháng Sáu năm nay. Yêu sách tăng lương của công đoàn cũng sẽ tính thêm mức lạm phát khoảng 2,25% cho tài khóa tới, có nghĩa là sẽ cộng thêm ít nhất $12 Úc Kim vào số tiền muốn tăng. Điều này có nghĩa là mức tăng lương mà ACTU đòi hỏi sẽ cao hơn cái mức $21 mà họ đề ra trong năm ngoái và có thể lọt vào khoảng từ $30-$40 Úc Kim một tuần.
Ông Lawrence cũng nói thêm là quá trình duyệt xét của FPC thiếu sự trong sáng và người cựu chủ tịch của ủy ban, giáo sư Ian Harper đã “có định kiến” sẵn về việc không tăng lương hồi năm ngoái. Tưởng cũng nên nhắc lại, trước khi FPC đi đến quyết định không tăng lương thì GS Harper trong nhiều cuộc phỏng vấn đã luôn lên tiếng cảnh cáo về nhu cầu bảo vệ công ăn việc làm, không để đồng lương chạy lên quá cao. ‘’It was totally unacceptable,’’ Mr Lawrence said.
Giới công đoàn hiện nay cảm thấy được khích lệ hơn vì cơ quan thẩm định mức lương tối thiểu hiện nay là FWA có tầm làm việc rộng rãi hơn FPC trước đây và sẽ phải gồm luôn những vấn đề khác, như việc khiến cho mọi người cảm thấy được bao gồm vào xã hội qua việc được tham gia vào lực lượng lao động (social inclusion through increased workforce participation), những mức sinh hoạt căn bản tương đối và tính cạnh tranh kinh tế. Ông Lawrence nói: “Tôi nghĩ rằng những mục tiêu (của FWA) cho phép họ có một phạm vi rộng rãi hơn để đối phó với một vài vấn đề về công bằng xã hội (equity issues)”.
Quyết định của ủy ban FWA sẽ được áp dụng từ 1/7/2010 và ACTU sẽ không công bố yêu sách cuối cùng của họ cho đến giữa tháng Ba. Tuy nhiên, ông Lawrence cho biết rằng quan điểm được nêu lên trong một cuộc họp của những công đoàn thành viên của ACTU là cần có phần “bắt kịp” kèm vào trong yêu sách. Ông Lawrence hoàn toàn bác bỏ biện luận rằng một sự gia tăng vừa phải chăng cho mức lương tối thiều sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ thất nghiệp. Ông cũng cho biết rằng quyết định này rất quan trọng trong việc giảm thiểu sự thiếu công bằng. Ông nói: “Phong trào công đoàn là những phát ngôn nhân chánh ở Úc về vấn đề công bằng xã hội, về một xã hội công bằng hơn. Chiến dịch đòi tăng lương cho những người lãnh lương ở mức tối thiểu này là một phần quan trọng của việc này.

CẮT GIẢM DI DÂN TAY NGHỀ

CANBERRA: Khoảng 20.000 người sẽ bị bác đơn di trú vì chính phủ Rudd bắt đầu tảo thanh chương trình di dân có tay nghề (skilled migration program). Trong một hành động có thể sẽ khích động nhiều sự nhạy cảm chính trị liên quan đến cách đối xử với sinh viên Ấn Độ, chính phủ liên bang được cho là sẽ xóa bỏ cơ hội cho những người di dân “đi cửa sau” để lấy được tư cách thường trú nhân qua chương trình di dân có tay nghề. Những thay đổi được đề ra hôm đầu tuần này sẽ đưa đến việc 20.000 đơn đang xin cứu xét bị loại bỏ song song với việc kiểm tra toàn bộ để thay đổi chương trình sắp hạng vốn xác định nghề chuyên môn nào hiện đang có nhu cầu lớn lao và qua đó, tính điểm cho đơn xin di dân. Thêm vào đó thì các chính phủ tiểu bang cũng sẽ được yêu cầu phải hoạch định kế hoạch để đáp ứng với nhu cầu di dân.
Tổng trưởng Di Trú cũng sẽ được trao thêm quyền đề ra mức giới hạn tối đa những giấy chiếu khán được cấp cho một ngành nghề nào đó. Những đơn xin cứu xét bị hủy bỏ bao gồm tất cả những đơn xin di dân tay nghề tổng quát từ nước ngoài (offshore general skilled migration) được nộp trước tháng 9/2007. Việc bồi hoàn tiền đã nộp cho 20.000 đơn này sẽ tạo một sự tốn kém là $14 triệu Úc Kim. Vì những thay đổi này có thể có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều sinh viên ngoại quốc đang tạm cư tại Úc, chính phủ sẽ đề ra một số biện pháp chuyển tiếp vốn sẽ được áp dụng cho đền năm 2012. Những sinh viên ngoại quốc nào có bằng cấp về một ngành nghề vốn không còn được xem là có nhu cầu nữa thì sẽ được quyền xin giấy chiếu khán tạm trú 18 tháng cho phép họ tìm được chỗ làm việc lấy kinh nghiệm. Và thời gian 18 tháng này cũng sẽ giúp cho một sinh viên ngoại quốc tốt nghiệp ở Úc đủ thời giờ để tìm một người chủ sẵn sàng bảo trợ đơn xin di dân tay nghề của họ. Nếu họ không thành công trong việc này thì họ sẽ phải quay trở về quốc gia nguyên thủy của họ.


Sự thay đổi toàn bộ hệ thống này cũng sẽ đề ra một danh sách mới về những nghề nghiệp hiện đang có nhu cầu cao ở Úc.
Hệ thống mới này sẽ nhắm vào những nghề như y tá, bác sĩ, kỹ sư cơ khí và giáo viên thay vì đầu bếp hoặc thợ uốn tóc. Giới chủ nhân yểm trợ sự thay đổi này. Bà Heather Ridout, tổng giám đốc Hiệp Hội Kỹ Nghệ Gia (Australian Industry Group) cho biết: “Những sự thay đổi này sẽ đưa đến một mối liên kết tốt đẹp hơn giữa tư cách thường trú nhân và sự đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tay nghề của Úc”.

QLD KÝ HỢP ĐỒNG THAN ĐÁ TRỊ GIÁ $70 TỶ ÚC KIM VỚI TRUNG HOA

BRISBANE: Theo tuần báo The Sunday Mail (Qld) hôm 7/2/10 vừa qua thì  nhà tỷ phú tài phiệt hầm mỏ Clive Palmer đã trở thành một siêu anh hùng kinh tế sau khi công bố một hợp đồng hàng đầu của thế kỷ vốn sẽ mang đến hơn 70,000 công ăn việc làm ở Queensland. Ông vừa ký được một hợp đồng với một trong những công ty năng lượng lớn nhất Trung Hoa để xuất cảng than đá từ những cái mỏ ở Queensland trong 20 năm tới đây, với giá là $69 tỷ Úc Kim. Ông Palmer hãnh diện tuyên bố: “Hợp đồng này là hợp đồng xuất cảng lớn nhất từ xưa đến nay ở Úc. Những năm tháng tươi đẹp nhất của tiểu bang này vẫn còn trong tương lai”.
Ông Palmer cho biết hợp đồng sẽ là một kích hoạt rất to lớn cho nền kinh tế của tiểu bang Queensland và có thể đưa đến việc Queensland giành lại được hạng AAA về tín dụng (AAA credit rating). Chiếu theo hợp đồng này thì công ty China Power International Development Limited sẽ mua hơn 30 triệu tấn than đá- trị giá trên 3 tỷ Úc Kim- mỗi năm từ 6 hầm mỏ vốn sẽ được kiến thiết gần Alpha trong bể than Galilee ở phía Tây của thị trấn Emerald ở miền Trung Queensland.
Những hầm mỏ này sẽ do công ty China First điều hành. China First là một trong những công ty con của công ty riêng của ông Palmer là Resourcehouse Ltd. Tuần qua ông đã trao cho công ty Metallurgical Corporation of China một hợp đồng xây cất trị giá $8 triệu để kiến thiết mỏ than. Dự án kiến thiết này cũng gồm luôn việc đặt một đường rầy dài 500 cây số nối liền mỏ than với cảng cho tầu chở than mới được xây ở Abbott Point gần Bowen.
Cái tin này được nữ thủ hiến Anna Bligh hân hoan đón nhận và cho là “một mũi thuốc thần kỳ cho nền kinh tế của Queensland”. Bà nói: “Tôi đặt mục tiêu là sẽ tạo nên 100.000 công ăn việc làm cho nhiệm kỳ này của chính phủ, và với việc hợp đồng này được ký kết thì chúng ta đã nhảy một bước thật vĩ đại về hướng mục tiêu ấy”. Sự kiện một người hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho đảng Tự Do Quốc Gia lại giúp cho một thủ hiến Lao động đạt được mục tiêu mà bà đề ra lúc tranh cử là một sự trớ trêu mà cả hai người cùng cảm nhận được khi đứng cạnh nhau trong buổi họp báo tuyên bố về hợp đồng này.  Cả hai đều nói rằng những dị biệt về chính trị- ngay cả việc ông Palmer  đang tiến hành vụ kiện bà Bligh vì cho rằng bà đã mạ lỵ ông- không thể nào cản trở được việc tạo công ăn việc làm cho người dân Queensland.
Hợp đồng này vẫn còn phải vượt qua những rào cản cuối cùng mà thủ hiến Bligh miêu tả là những thẩm định môi trường “thật gắt gao”. Tuy nhiên, nếu được chấp thuận thì công trình xây cất sẽ được khởi sự trong năm nay và hầm mỏ bắt đầu hoạt động toàn lực từ năm 2014. Ông Palmer cho biết rằng sẽ có 7.500 người được trực tiếp thuê mướn để làm việc tại hầm mỏ với khoảng 50.000 đến 70.000 công việc không trực tiếp khác cũng sẽ được tạo nên từ hợp đồng này.
Tiền đặc quyền thuê mỏ (royalties) từ việc xuất cảng than này sẽ mang đến cho ngân khố Queensland một số tiền từ $400 triệu đến $700 triệu Úc Kim mỗi năm, tùy theo giá cả than trên thị trường. Tuy nhiên, bà Bligh vẫn khẳng định rằng số tiền này tuy to lớn, nhưng vẫn không đủ để chính phủ từ bỏ kế hoạch phát mại những công sản của tiểu bang. Bà nói: “Đây là một tin vui cho ngân sách trong tương lai. Nếu mọi việc đều tiến hành như kế hoạch cho dự án này thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy được số tiền đặc quyền đáng kể từ hầm mỏ bắt đầu từ năm 2014. Có nghĩa là còn tới 4 năm nữa mới có. Tôi sẽ không để cho nền kinh tế Queensland và ngân sách tiểu bang bị trôi giạt và lọt lại đàng sau trong thời gian ấy”.

Mỗi gia đình trả $1500 Úc kim cho thí nghiệm hiệu lực năng lượng

CANBERRA: Theo tuần báo Sunday Mail phát hành ở Nam Úc hôm Chúa Nhật  7/02/10 vừa qua thì tất cả mọi căn nhà ở Úc sẽ phải bị trải qua một cuộc thử nghiệm cưỡng bách về hiệu lực năng lượng với phí tổn lên đến $1.500 Úc Kim. Cuộc thử nghiệm này phải được thi hành trước khi bất kỳ một bất động sản nào được bán hay được cho thuê, chiếu theo đạo luật mới nhằm đối phó với khí thải carbon. Sự đánh giá cưỡng bách, vốn đang được chính phủ liên bang cùng các chính phủ tiểu bang đưa vào luật pháp - sẽ đánh giá các căn nhà theo một hệ thống sắp hạng bằng ngôi sao hiệu lực năng lượng của những căn nhà ấy, tương tự như cách sắp hạng máy giặt và tủ lạnh hiện nay.
Hệ thống này sẽ được áp dụng cho tất cả mọi cơ sở thương mãi trong năm nay và cho tất cả mọi tư gia từ tháng 5/2011. Một phát ngôn nhân của ông Pat Conlon, bộ trưởng Năng Lực tiểu bang Nam Úc, cho biết cách sắp hạng này sẽ cho người muốn mua nhà hoặc muốn thuê nhà về số năng lượng mà một tòa bất động sản sử dụng để họ có thể gộp luôn những chi phí ấy vào quyết định của họ trong việc mua hoặc thuê nhà. Phát ngôn nhân này cho biết, chi tiết của chương trình “Tiết Lộ Cưỡng Bách (“Mandatory Disclosure” scheme) này, kể cả việc ai sẽ có quyền thực hành thử nghiệm và phí tổn là bao nhiêu, vẫn còn chưa được quyết định.
Ông Arthur Grammato- poulos, chuyên gia về tiết kiệm năng lượng của công ty kiến trúc Helica Architecture cho biết chi phí cho sự đánh giá bất động sản này có thể  lên đến $1.500 mỗi căn nhà. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng đây là một bước tiến tích cực cho kỹ nghệ địa ốc, thế nhưng câu hỏi cần phải nêu lên ở đây là liệu có đủ chuyên gia để đáp ứng cho nhu cầu  một khi đạo luật được ban hành hay không"” Một chương trình tương tự với cách đánh giá lên đến 6 sao đã được áp dụng cho thị trường ở địa ốc ACT nhiều năm qua. Chính phủ tiểu bang Queensland cũng đã áp dụng một đơn khai hữu thệ cưỡng bách Sustaina- bility Declaration kể từ 1/1/2010, bắt buộc chủ nhà phải cho người muốn mua nhà biết về mức độ tiết kiệm năng lượng (green credential) của căn nhà, nếu không sẽ bị phạt vạ $2.000 Úc Kim.w
Nhiều chuyên gia địa ốc đã chỉ trích sự cưỡng bách tiết lộ vì nó tạo thêm một chi phí chẳng những không ai muốn mà còn chẳng có tác dụng gì đến những quyết định mua nhà hoặc cắt giảm khí thải của mỗi nóc gia. Hiệp Hội Địa Ốc Nam Úc (The Real Estate Institute of SA- REISA) cho rằng chính phủ chỉ chơi trò “chính trị đại chúng” về môi sinh qua việc ban hành một đạo luật mà họ cho rằng chỉ làm tăng thêm chi phí trong việc mua nhà hoặc thuê nhà mà thôi. Tổng giám đốc REISA, ông Greg Troughton tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng họ (chính phủ) có thái độ lên mặt kẻ cả đối với những người đang có quyết định mua bán quan trọng và to lớn nhất cuộc đời của những người ấy qua sự suy nghĩ rằng một hệ thống sắp hạng như thế lại có thể ảnh hưởng đến quyết định ấy. Chuyện mua bán nhà cửa đã đủ khó khăn rồi và cái đạo luật này chỉ là một gánh nặng tài chánh thêm nữa vốn có nhiều nguy cơ làm trì trệ việc mua bán một bất động sản”.
Trong lúc ông Troughton cho rằng người bán nhà sẽ phải hứng chịu chi phí để cho một chuyên gia có giấy phép thẩm định và sắp hạng  căn nhà của họ, thì ông John Darley, dân biểu độc lập ở Nam Úc, vốn từng là Valuer-General tin rằng giới chủ nhà cho thuê sẽ tìm cách để đẩy cái chi phí này cho người mướn nhà phải trả. Ông nói: “Đây sẽ là một chi phí thêm nữa cho những gia đình phải mướn nhà vì họ không đủ sức trả tiền mua nhà. Và chúng ta không cần đến nó, trừ phi  các chính phủ có thể thuyết phục chúng ta rằng nó có một lợi ích rõ rệt, chẳng hạn như sự cắt giảm khí thải của mỗi nóc gia”.
Ủy Ban Kế Hoạch Toàn Quốc Về Hiệu Lực Năng Lượng của Hội Đồng Các Chính Phủ Úc (The Council of Australian Governments’ National Strategy on Energy Efficiency) cho biết chương trình Tiết Lộ Cưỡng Bách sẽ “giúp các cgia đình và những thương nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng Chương Trình Tiết Giảm Khí Thải Carbon (Carbon Pollution Reduction Scheme- CPRS).

THÊM NHIỀU GIỜ HỌC CHO HỌC SINH  THIỆT THÒI

CANBERRA: Theo tuần báo The Sunday Telegraph hôm 7/2/10 vừa qua thì chính phủ liên bang sẽ dồn thêm nhiều ngân quỹ vào những trường có nhu cầu để tài trợ cho thêm nhiều giờ học và thêm giáo viên chuyên ngành. Theo bài báo của nữ ký giả Miawling Lam thì chính phủ liên bang sẽ đổ thêm vài trăm triệu Úc Kim vào những ngôi trường bị thiệt thòi, thua kém mà trang mạng My School đã xác định, để kéo dài thêm giờ học cho học sinh các trường này.
Phó thủ tướng, kiêm tổng trưởng giáo dục, Julia Gillard tiết lộ rằng kế hoạch của bà bao gồm luôn việc cung cấp quà sáng cũng như những sinh hoạt sau giờ học cho học sinh thiệt thòi. Giáo viên phụ trội cũng như chuyên viên kèm Toán và Đọc, Viết cũng sẽ được thuê mướn chiếu theo chương trình trị giá 2 tỷ Úc Kim, dựa vào những phản hồi từ trang mạng My School. Tiểu bang NSW sẽ nhận được $270 triệu Úc Kim từ ngân khoản này. Tưởng cũng nên nhắc lại, trang mạng MySchool rất được nhiều người ưa chuộng và chỉ trong ngày đầu tiên hoạt động nó đã nhận hơn 9 triệu lượt người truy cập và bây giờ thì chính phủ liên bang phải đáp ứng những đòi hỏi từ phụ huynh mong muốn có sự trợ giúp cho những ngôi trường có thứ hạng thấp mà trang mạng này đã phơi bày ra trước công chúng.
Bà Gillard cho biết các hiệu trưởng sẽ được quyền tiêu xài ngân khoản mà chính phủ liên bang tài trợ chiếu theo Chương Trình Hùn Hạp Quốc Gia (National Partnerships Program) vào việc cải thiện khả năng Đọc Viết, và khả năng Toán của học sinh cũng như chất lượng của giáo viên. Bà nói: “My School sẽ giúp chúng tôi trực tiếp dồn hơn $2 tỷ Úc Kim tài trợ cho các trường học của chúng ta trên toàn quốc. Tài nguyên ấy có thể được sử dụng cho những việc như mướn thêm giáo viên, thêm nhiều phụ tá giáo viên cũng như những người kèm Đọc Viết và kèm Toán. Về phần những ngôi trường có học sinh bị thiệt thòi nhiều nhất từ những gia đình thật nghèo khó (thì số tiền ấy có thể tài trợ) các câu lạc bộ quà sang và những sinh hoạt sau giờ học để cho bọn trẻ có được một môi trường học hỏi có nề nếp, được yểm trợ nhiều giờ hơn giờ học bình thường”.
Bà Gillard cho biết thêm là nhân viên xã hội cũng có thể được nhà trường thuê mướn để hỗ trợ cho gia đình và giúp đỡ những học sinh có tật trốn học. Chiếu theo chương trình trợ cấp 4-năm này thì sẽ có hơn 600 trường công lập, độc lập và trường Công Giáo sẽ được lợi ích. Số tiền tài trợ cho mỗi trường sẽ tùy thuộc vào tầm cỡ của nó, tuy nhiên, một ngôi trường cỡ trung bình sẽ nhận được đến $500.000 Úc Kim.
Bà Gillard cho biết các trường học thiệt thòi đã bị làm ngơ quá lâu, nhưng bà hứa sẽ không bao giờ để cho một ngôi trường nào hoặc một học sinh nào bị bỏ rơi cả. Bà nói: “Cái vấn nạn ở quốc gia này về việc trẻ em nghèo khó lúc nào cũng về chót là một vấn nạn mà chúng ta vẫn có từ lâu. Chúng ta cần phải nhấn hết ga để có thể tạo được một sự khác biệt, thế nhưng, điều này vẫn đòi hỏi thời gian. Chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt cho những học sinh hiện đang đi học ngày hôm nay”.
Về ngân khoản $719 triệu Úc Kim sẽ được chia cho các trường học ở NSW thì $139 triệu sẽ được dồn vào việc cải thiện khả năng, đọc, viết và làm toán, $142 triệu cho việc nâng cao chất lượng của giáo viên và $438  triệu dồn cho những trường mà học sinh ở những vùng có lợi tức thấp (low socio-economic schools).
Cả hai giới hiệu trưởng và phụ huynh đều tin rằng ngân khoản này sẽ tạo được sự khác biệt. Ông Geoff Scott, chủ tịch Hiệp Hội Hiệu Trưởng Tiểu Học NSW (NSW Primary Principals’ Association) tuyên bối: “Quả thật là tốt khi có được những khoản tiền như thế dồn cho những ngôi trường có nhu cầu bức thiết nhất của chúng ta”.

NGUY CƠ KHỦNG BỐ TẠI TRƯỜNG HỌC MELBOURNE

MELBOURNE: Theo tuần báo The Sunday Herald-Sun hôm Chúa Nhật 7/2/10 vừa qua thì cơ quan phản gián ASIO và Lực Lượng Cảnh Sát Liên Bang AFP đang e ngại rằng con số trường học ở Melbourne có nguy cơ bị tấn công vì kỳ thị chủng tộc hoặc khủng bố đang gia tăng. Điều này đã khiền chính phủ liên bang phải gia tăng bảo vệ an ninh cho học sinh trên toàn tiểu bang. Bộ Trưởng Nội Vụ Liên Bang, ông Brendan O’Connor, trong vài tuần tới đây sẽ trao $8 triệu Úc Kim cho hơn một tá những ngôi trường Hồi Giáo và Do Thái cũng như trường công lập có nguy cơ lớn để nhà trường lắp hệ thống quay phim bảo an CCTV, xây cửa an ninh, nâng cấp cửa sổ, cửa ra vô cũng như đèn an toàn quanh trường.
Có 11 trường ở Victoria- phần lớn là trường tôn giáo và trường có nhiều học sinh từ các nền văn hóa khác nhau- đã được trợ cấp thêm để nâng cấp những biện pháp an ninh sau khi nhận được nhiều sự đe dọa.  Những trường này bao gồm Ilim College ở Dallas, Minaret College ở Springvale, và Isik College ở Eastmeadows.  Trường tư thục Do Thái bao gồm Yeshivah College ở St Kilda East, Bialik College ở East Hawthorn, Mount Scopus College ở Burwood và Leibler Yavneh College ở Elsternwick đều được thừa nhận là những trường có nguy cơ cao lớn. Một phát ngôn nhân cảnh sát từ chối không cho biết vì sao những ngôi trường này lại bị trở thành mục tiêu, và là mục tiêu của ai. Người phát ngôn nhân này chỉ phủ nhận rằng không có bất kỳ một sự đe dọa nào về khủng bố đến bất cứ một trường nào trong danh sách nêu trên.
Tuy nhiên người ta tin rằng nhiều trưởng trong số những trường Do Thái nêu trên đã bị những kẻ Hồi Giáo quá khích (Islamist) đe dọa, kể cả những cú điện thoại mang tính bài Do Thái (anti-Semitic). Được biết là có 5 trường Hồi Giáo ở NSW và ACT cũng sẽ được nhận thêm tài trợ sau khi Liên Hội Đồng Hồi Giáo Úc (Australian Federation of Islamic Councils) nêu lên những mối quan ngại của họ về an ninh. Một lãnh tụ Hồi Giáo, ông Ikebal Patel cho biết chính phủ liên bang đã công nhận có nhu cầu bảo vệ những trường yếu thế, có thể bị tấn công. Ông nói: “Năm nay chúng tôi có gặp hoàn cảnh mà chúng tôi nhận được một số sự đe dọa và có thể bị thiệt thòi mất mát vì những chểnh mảng trong việc bảo an”.
Cựu chuyên viên tình báo của cơ quan tình báo Australian Secret Intelligence Service (ASIS), ông Warren Reed cho biết nguy cơ khủng bố tấn công vẫn là một nguy cơ có thực ở Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.