Hôm nay,  

Ba Mươi Năm Nhìn Lại, Nhiều Bất Ngờ Từ Cuộc Chiến Việt Nam: Từ Thua Trận, Dân Việt Tị Nạn Vượt Lên Thế Mạnh

29/04/200500:00:00(Xem: 5839)
Chiến tranh thường có nhiều bất ngờ. Có những bất ngờ vượt ngoài dự tính của những người có tài quan sát, giỏi tiên đoán, và nhiều khi của chính những nhà hoạch định chiến lược.
Trước đây hơn 30 năm mấy ai dám nghĩ cuộc chiến Việt Nam có thể kết thúc mau lẹ và miền Nam Việt Nam sụp đổ dễ dàng như thế" Ngay những người nắm giữ vận mệnh quốc gia, ở cương vị biết rõ tình hình hơn người khác, cũng không thể ngờ miền Nam Việt Nam tan rã thảm hại như vậy. Vụ thất trận của miền Nam cũng làm ngạc nhiệm luôn cả giới lãnh đạo Hà Nội. Khi hoạch định cuộc tấn công miền Nam, Hà Nội dự trù hai năm và hy vọng hoàn tất việc đánh chiếm Sài Gòn, nhưng họ đã đạt được mục tiêu trong 52 ngày kể từ khi tấn kích Ban Mê Thuột khai mào cho cuộc tổng tấn công.
Bàng hoàng trước cuộc sụp đổ, đại đa số những người miền Nam Việt Nam rời nước ra đi trong cuộc di tản hấp tấp năm 1975 đều không dự trù trước việc sinh sống ở nước ngoài. Thấy Sài Gòn sắp lọt vào tay Cộng quân đang thắng thế tiến mạnh, nhiều người đã qua những ngày đêm lo sợ, cùng bạn bè hối hả sục sạo, tìm kiếm mọi cách ra khỏi nước để trốn thoát nguy cơ bị bắt bớ, tù đày, giết tróc từng in sâu trong đầu và nay lởn vởn ngay trước mắt. Cái khó hồi đó là vừa lo chạy Cộng sản, vừa sợ nhà cầm quyền miền Nam chặn bắt và kết tội là đào ngũ, đào nhiệm, là hèn nhát. Việc toan tính trốn chạy vì vậy chỉ được bàn bạc thầm thì và lén lút giữa những người trong gia đình, giữa những bạn bè thân thiết. Khi Sài Gòn mất, có người vội chạy, không kịp mang theo vợ con, cha mẹ. Khi chạy, họ không cần biết những bất trắc đang chờ đón, những bấp bênh trong cuộc sống, chưa biết làm gì để mưu sinh ở xứ lạ, chưa biết nước nào để đi tới.
Bỏ nước ra đi, nhiều người nghĩ không bao giờ sẽ có dịp trở lại quê hương. Ngồi trên máy bay chở người di tản rời Tân Sơn Nhứt, tôi thầm nghĩ bức màn tre sụp xuống sẽ cắt đứt những liên lạc giữa tôi với đất nước, với những thân nhân, bạn bè còn ở lại, và không bao giờ có dịp gặp lại họ. Hai mươi mốt năm trước khi hiệp định Genève chia đôi đất nước tôi đã rời miền Bắc vào Nam trong chuyến bay tương tự, và mấy chục năm sau không gặp lại những người thân. Lúc phi cơ rồ máy rồi cất cánh, tôi ngồi im lặng, lòng rạo rực. Vợ tôi ngồi cạnh, với ba con nhỏ ở sát bên. Ôm gái út 10 tháng, vợ tôi mặt u buồn, mắt dươm dướm. Tôi nắm tay vợ, vỗ về; vợ tôi rung người, khóc nức nở. Nước mắt tôi cũng chảy theo, tuôn trào không ngăn nổi. Tôi nghe quanh mình nhiều tiếng sụt sịt khác. Liếc nhìn những người ngồi cùng trên phi cơ, tôi thấy có người đang thút thít, có người lấy khăn chùi mắt. Những cảm xúc giao động thật rộn rã. Trước đấy là háo hức cố tìm đường đi. Nay đi rồi lại thấy xao xuyến, nhớ thương.
Khi cuộc chiến kết thúc, lửa thù hận giữa hai phe tham chiến hãy còn hừng hực cháy. Người chạy đi bị gọi là "phản quốc," là "tay sai đế quốc." Người rời nước vừa buồn tủi, hậm hực trong lòng vì bại trận, vừa định tâm không bao giờ trở về khi đất nước còn trong tay địch. Nhưng dần dần lửa thù hận đã dịu xuống với thời gian, với những nhu cầu tình thế đòi hỏi của cả hai phía, và với những luồng gió mát từ ngoài thổi tới.
Tưởng là vĩnh biệt quê hương, tôi cũng như nhiều người khác không ngờ tình thế đã biến đổi mau chóng mấy năm sau. Chỉ ít ngày sau khi ra khỏi nước, tới cư ngụ tại xứ lạ, nhiều người Việt củng như tôi đã tìm cách liên lạc thư từ với gia đình còn ở lại, bằng cách gửi thư qua những quốc gia có liên lạc ngoại giao với Việt Nam. Rồi quà tặng và tiền bạc cũng tìm ra những ngõ ngách luồn lách về Việt Nam để giúp đỡ thân nhân trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn sau một cuộc chiến tranh quá lâu dài và thảm khốc. Vào cuối thập kỷ 1970, theo lời Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh, hai phần ba dân chúng ở Sài Gòn đã sống nhờ trực tiếp hoặc gián tiếp vào những thùng quà và tiền bạc của người Việt ở nước ngoài gửi về. Lúc đầu việc gửi thư từ, quà biếu và tiền mặt có nhiều trắc trở, khó khăn. Nhưng dần đà với thời gian, cùng việc bãi bỏ cấm vận và cải thiện bang giao Việt Mỹ, những chướng ngại vật và thủ tục phiền toái được dẹp bỏ hoặc giản dị hóa. Một lá thư ở Mỹ gửi về Việt Nam trong mấy năm đầu sau 1975 thường phải mất vài tháng, có khi cả năm, nay chỉ chừng hai tuần lễ. Với những phương tiện viễn thông tân tiến, người Việt trong và ngoài nước nay dùng điện thoại, điện thư để chuyện trò liên lạc với nhau, dễ dàng hơn hẳn hồi Sài Gòn với các tỉnh vào thời 1975 trở về trước. Tiền gửi về cho thân nhân trong nước nay chỉ một hai ngày là tới nơi, và người nhà có thể nhận thẳng đô la thay vì tiền Việt Nam.

Sức lớn mạnh và thế lực của khối người Việt ở hải ngoại là một bất ngờ khác vượt ngoài sức dự tưởng của nhiều người. Khối người Việt tỵ nạn, sau khi ổn định xong đời sống, có tiền dành dụm, hoặc làm ăn thịnh vượng, sung túc đã trở thành nguồn tài nguyên phong phú, trực tiếp trợ giúp cho thân nhân, bạn hữu và quê quán, gián tiếp góp phần vào việc phục hồi kinh tế và kiến thiết quê hương. Số tiền ba tỷ Mỹ kim của người Việt từ nước ngoài gửi về nước qua ngân hàng mỗi năm hiện nay, cộng với khoảng một tỷ do ngườiø Việt về tiêu xài và tặng biếu thân nhân ở trong nước, là một trong những nguồn ngoại tệ lớn lao nhất mà Việt Nam thu nhập được, vượt trội hơn tổng số tiền viện trợ của các nước cho Việt Nam trong năm qua, và nhiều hơn so với đa số những dịch vụ xuất cảng. Số tiền trên chỉ thua số 5 tỷ 6 dầu hỏa xuất cảng, và ngang ngửa với số 4 tỷ 3 về xuất cảng quần áo và vải dệt, trong khi tổng số thu về xuất cảng của Việt Nam trong năm 2004 là 26 tỷ rưỡiû.
Hàng năm cả mấy trăm ngàn người Việt kéo nhau về thăm quê hương bản quán, thăm họ hàng, thân thích, thăm lại nơi cư ngụ hồi trước, xem lại trường học cũ, chỗ đóng quân. Những người về thăm nước không còn bị coi là phản quốc, mà được mời đón như những anh hùng có công đóng góp tiền bạc và tài trí vào việc phục hồi kinh tế, phát triển xứ sở. Về thăm nhà, họ không phải lầm lũi cúi mặt đi, mà hiên ngang ngửng đầu bước tới.
Tuy nghi kị giữa hai bên chưa tan biến hẳn, mỗi bên đã cùng đi chung những đoạn đường để theo đuổi những mục tiêu riêng biệt.
Khi rời nước ra đi, nhiều người Việt nghĩ mình sẽ sống bơ vơ, cô quạnh nơi xứ lạ, xa vắng bà con và bạn hữu. Mấy ai lúc ấy dám mơ tưởng được sống với những tập thể đồng hương, có những tiệm bán đủ thực phẩm thường dùng như gạo, nước mắm, rau thơm, hay ngồi thưởng thức tô phở, đĩa bánh xèo ở tiệm ăn Việt Nam trên những phần đất rộng lớn có những người khác màu da với mình. Những người chạy đi vội vã khi mất nước đâu có nghĩ cuộc mạo hiểm ra đi lúc đó sẽ mở đường và tạo thành đầu cầu cho những lớp người đi sau: vượt biên, vượt biểân, đoàn tụ gia đình, rồi tới trẻ em lai và cựu tù nhân "cải tạo." Những đợt đi sau đông đảo và vượt xa số người đi hồi đầu. Từ con số 130.000 người đi tiên phong năm 1975, tập thể người Việt ở nước ngoài đến nay đã lên tới gần ba triệu, rải rác ở nhiều nước trên thế giới. Trong số này gần một nửa định cư tại Mỹ với trên 1.300.000 người Việt. Các nước khác có đông người Việt là Pháp, Úc, Gia Nã Đại.
Tại Mỹ những "Sài Gòn Nhỏ" mọc lên ở Orange County, Los Angeles, San Jose, San Diego, Houston, Seattle, Washington D.C. Wesminster ở Orange County thuộc California, mệnh danh là "thủ đô người Việt tỵ nạn," nổi bật như một thành phố Việt Nam. Những cửa hàng với bảng hiệu tiếng Việt nằm san sát bên nhau trên nhiều khúc đường như Bolsa, Brookhurst, Westminster. Người mua bán nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Một số người Việt sống ở những đường phố lân cận không cần phải nói tiếng Mỹ trong cuộc sống thường ngày vì sinh hoạt của họ đi liền với những đồng hương cư ngụ đông đảo trong khu vực, và những dịch vụ cần thiết của họ được những cơ sở người Việt cung cấp. Nhiều món ăn Việt Nam ở đây được biến cải và canh tân đã cung ứng cho thực khách những mùi vị quê hương, đôiù khi còn đậm đà, bổ dưỡng và ngon lành hơn những món ăn chính gốc ở quê nhà.
Trong khi trò chuyện, có những người Việt thẳng thắn nhận định rằng việc mất miền Nam Việt Nam đã tạo cơ hội tốt bất ngờ cho nhiều người Việt đến định cư tại Mỹ và nhiều nước khác. Một kỹ sư công nghệ, 54 tuổi, từng du học tại Đức, có vợ và hai con, nói: "Trước kia có bao giờ mình nghĩ đến Mỹ để sinh sống và lập nghiệp. Ngày xưa nhà nào có tiền bạc hoặc quyền thế mới lo được cho con đi học ngoại quốc. Thế là đủ mệt. Nay cả nhà ở Mỹ, cuộc sống cao sang, sung túc hơn, con cái theo học ở những trường tốt. Hàng trăm ngàn con em Việt Nam theo học trường Mỹ. Còn gì bằng! Đúng là trong cái rủi lại có cái may."
VŨ THỤY HOÀNG
Người viết là tác giả các sách Sài Gòn Tuyết Trắng: Việt Nam Tháng 4, 1975, Quê Hương Thương Ghét: Nỗi Lòng Người Việt Hải Ngoại, và Múa Bút: Thuật Viết Văn, Viết Báo, Hồi Ký để Viết Dễ, Viết Nhanh, Viết Hay. Ông có 49 năm viết văn, viết báo, trong đó có 33 năm với Washington Post. Ông đã về hưu từ năm 2000 và hiện ngụ tại Virginia.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.