Hôm nay,  

Tin Nước Úc

07/12/200800:00:00(Xem: 3089)

Tin nước Úc

DÂN ÚC SẼ ĐƯỢC TIÊU PHA THOẢI MÁI HƠN TRONG MÙA GIÁNG SINH!

ÚC: Một người dân Úc trung bình sẽ bước vào thời điểm Giáng Sinh này với gần $700 đô-la mỗi tháng, cao hơn sáu tháng trước đây, bất chấp một suy nghĩ chung là tình trạng u ám của nền kinh tế đang gây tổn thương cho các gia đình.
Hôm Thứ Hai, các kinh tế gia đã nói với tờ báo The Daily Telegraph rằng, phí tổn sinh sống tại Úc đang ở mức thấp nhất trong vòng năm năm qua nhờ vào sự sụt giảm mức lãi suất và sự giảm hạ giá cả xăng dầu và các món hàng tạp hóa. Như chuyên gia phân tích tài chính của Commsec là Craig James nói: “đây là một trận mưa tiền” (it is raining cash).
Hơn nữa, với quyết định Ngân hàng Dự trữ cắt giảm thêm lãi suất vào ngày Thứ Ba tuần này, những người làm chủ căn nhà sẽ tiết kiệm được trung bình là $525 đô-la mỗi tháng về khoản tiền hoàn trả món nợ vay mua nhà, và $72 đô-la mỗi tháng chi phí xăng dầu, so sánh với hồi Tháng Sáu. Giới tiêu thụ cũng sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền bạc về vận chuyển, các sản phẩm bán lẻ, rượu và hàng tạp hóa.
Thêm vào những tiết kiệm về chi phí này, tuần tới, những người lĩnh tiền già và các loại trợ cấp pensions khác cùng với những gia đình có lợi tức thấp sẽ nhận được tấm ngân phiếu trước Giáng Sinh như là một nghĩa cử của Chính phủ Rudd trong ngân khoản $10.4 tỉ đô-la nhằm kích thích nền kinh tế.
Ông James nói rằng: “nhiều thứ tiền đang rơi như mưa vào chúng ta từ mọi nơi. Rất nhiều người nói rằng tình hình chưa bao giờ tốt đẹp hơn như hiện nay. Nhất là trong vòng hai tháng vừa qua, phí tổn sinh sống đã giảm hạ đáng kể. Nhiều người nói rằng, nếu đây là một sự xuống dốc và chúng ta đang đi vào giai đoạn suy thoái thì có lẽ nó nên xảy ra thường xuyên hơn. Chúng tôi được nghe rằng có nhiều người mở ra hàng bao tiền trong những lần đi xem nhà và trả tiền đặt cọc. Ngoài ra, có rất nhiều người mua sắm bàn ghế, giường tủ,... cũng bằng tiền mặt.”
Sự xoay chuyển đột ngột này xảy ra chỉ mới trong vòng chưa đầy sáu tháng sau khi hàng trăm ngàn những người làm chủ căn nhà đã phải nhìn vào tương lai ảm đạm của tài chính giữa lúc lãi suất cao vọt và giá cả xăng dầu tăng cao quá mức chịu đựng.
Các phân tích gia của JP Morgan nói rằng, chỉ ba tháng trước đây, 800,000 người làm chủ nhà đã phải nằm dưới một áp lực nặng nề của món nợ vay mua nhà. Hôm nay, cũng những người chủ nhà này sẽ lại một lần nữa ca ngợi Ngân hàng Dự trữ. Các kinh tế gia dự đoán là RBA sẽ cắt giảm thêm mức lãi suất tối thiểu là 0.75 phần trăm trong cuộc họp của họ vào ngày Thứ Ba tuần này, đưa mức lãi suất tiền mặt chính thức xuống còn 4.5 phần trăm.Tuy nhiên, vào hôm Thứ Hai, sau một sự hạ giảm đáng kể trong một biện pháp chính nhằm chống lại nạn lạm phát, một số nhà phân tích đã dự đoán một mức cắt giảm 1 phần trăm.
Biện pháp kinh tế này, thước đo về lạm phát “TD Securities inflation gauge”, cho thấy là mức lạm phát đã hạ giảm trong Tháng Mười-một. Nó có lẽ đã bật đèn xanh để RBA xem xét áp dụng sự cắt giảm lãi suất thêm nữa.

DÂN SỐ ÚC TĂNG NHANH HƠN TRƯỚC

ÚC: Dân số Úc đang tăng trưởng ở mức độ nhanh nhất trong gần 20 năm qua với di trú là động lực chính. Con số người sinh sống tại Úc cho tới ngày 30 Tháng Sáu năm nay là 21.374 triệu, tăng thêm 359,000 người so với hồi năm ngoái.
Các nhà thống kê trên toàn quốc nói rằng, mức tăng trưởng 1.7 phần trăm là mức cao nhất kể từ năm 1989. Con số di dân từ nước ngoài vào là 213,500 người, chiếm 59 phần trăm của mức tăng trưởng này.
Sự gia tăng tự nhiên, nghĩa là sinh suất vượt quá tử suất là 145,500 người.
Tây Úc vẫn chiếm kỷ lục về sự tăng trưởng dân số nhanh nhất ở mức 2.7 phần trăm, theo sau là Queensland và Bắc Lãnh (2.3 phần trăm), Victoria (1.8 phần trăm), Lãnh thổ thủ đô, ACT (1.3 phần trăm), Nam Úc và NSW (1.1 phần trăm) và Tasmania (1.0 phần trăm).
Sự ra đi của các cư dân phương nam lên Queensland vẫn đang tiếp diễn với tiểu bang nắng ấm này đón nhận thêm 23,100 công dân mới, phần lớn đến từ New South Wales, Victoria và Nam Úc. Mức sinh suất của Úc đã gia tăng lên tới 1.93 cho mỗi phụ nữ, mức cao nhất kể từ năm 1981.
Nha thống kê Úc nói rằng, mức tử suất là 6.03 cho mỗi 1,000 dân.

CÔNG NHÂN XÂY DỰNG BIỂU TÌNH

ÚC: Khoảng 1,000 người chống đối đã biểu tình tuần hành trước văn phòng của Thủ tướng Kevin Rudd ở khu trung tâm thương mại Brisbane, yêu cầu tu chỉnh đạo luật về kỹ nghệ xây dựng. Cuộc tuần hành này là một phần trong số nhiều cuộc xuống đường trên toàn quốc nhằm đòi hỏi chính phủ liên bang dẹp bỏ ngay lập tức Ủy ban Xây dựng và Kiến tạo Úc (Australian Building and Construction Commission - ABCC).
Thư ký của Nghiệp đoàn công nhân xây dựng Queensland là Michael Ravbar nói rằng: “chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc tranh đấu này cho tới khi nào ABCC bị dẹp bỏ.
Cho tới khi đó, gần một triệu công nhân làm việc trong kỹ nghệ xây dựng sẽ vẫn phải nằm trong nguy cơ bị phạt vạ tới $22,000 đô-la hoặc là án tù sáu tháng chỉ vì từ chối, không chịu nói chuyện với tổ chức không rõ rệt này".
Ông Ravbar nói rằng, mỗi tuần có một công nhân bị thiệt mạng tại Úc. Ông nói: “tất cả chúng ta nên cùng làm việc để bảo đảm cho một sự an toàn và năng suất của ngành kỹ nghệ này chứ không phải đấu tranh để chống lại những cuộc thẩm vấn bí mật và những sự truy tố có tính cách trừng phạt”.
Chính phủ đã hứa hẹn sẽ dẹp bỏ ABCC vào năm 2010.
Tại Melbourne, khoảng 5,000 công nhân đã biểu tình để chống đối ABCC.
Tổng thư ký nghiệp đoàn ACTU là Jeff Lawrence nói với AAP rằng: “tổ chức giám sát được chính phủ Howard thành lập này là một sự tấn công vào quyền hạn của giới công nhân”.
Ông Lawrence nói rằng: “đây là câu hỏi căn bản của nhân quyền.
Chúng ta đã xoay chuyển được con nước để chống lại WorkChoices, bây giờ là thời điểm để cuốn sạch ABCC và quyền lực đầy tính kỳ thị của nó".
Ông Lawrence nói rằng, ABCC đã gây một ảnh hưởng tiêu cực lên sự an toàn tại những nơi làm việc và làm suy yếu quyền hạn của nhân viên trong lĩnh vực thương lượng tập thể và được đại diện bởi nghiệp đoàn của họ.
Tổng thư ký toàn quốc của phân bộ ngành xây dựng CFMEU là Dave Noonan nói rằng, ABCC đã gây ra “một mối lo ngại lớn” trong hàng ngũ công nhân về quyền lực của nó chống lại giới công nhân.
Ông Noonan nói với AAP rằng: “chúng ta vẫn còn những luật lệ đàn áp công nhân được áp dụng cho 900,000 người Úc, những người ít quyền hạn hơn các công dân khác, và chiến dịch để hủy bỏ những luật lệ này sẽ được tiếp tục”.
Các công nhân Melbourne đã hoan nghênh việc hủy bỏ vụ truy tố đối với một thành viên nghiệp đoàn, người từ chối không chịu báo cáo về một cuộc họp của công nhân.
Noel Washington, 62 tuổi, một viên chức của CFMEU đã phải đối diện với bản án sáu tháng tù vì từ chối khai trình chứng cớ cho ABCC về những gì ông đã nghe và thấy trong cuộc họp của các công nhân vào năm 2007. Vụ truy tố này được Giám đốc Nha công tố Liên bang hủy bỏ tại tòa án địa phương Melbourne Magistrates’ Court vào hôm Thứ Sáu.
Ông Noonan nói với AAP rằng: “đã có một tâm trạng phấn khởi về thực tế là vụ truy tố chống lại ông Dave Washington đã được hủy bỏ.
Khi người ta bắt đầu thực sự thấy được cách thức vận hành của đạo luật này và hiểu được vấn đề căn bản là, bạn có một số quyền hạn khác cho người ta bởi vì ngành kỹ nghệ mà họ làm việc thì sẽ có một sự chống đối rộng rãi.
Tôi nghĩ rằng nhiều người bây giờ đang nhìn vào việc này và thấy rằng có một cá nhân đã dám chống lại những luật lệ này và tôi nghĩ rằng, điều đó đã khích lệ nhiều người khác cùng đứng dậy để chống lại những luật lệ bất công.
Thật là một điều rất khó khăn cho một viên chức nghiệp đoàn khi bạn bị bảo rằng bạn phải lựa chọn giữa việc, hoặc là bị xử dụng như một điềm chỉ viên để chống lại các công nhân của bạn và những chứng cớ của bạn có khả năng được dùng để truy tố họ, hoặc là bạn giữ vững lòng tin với họ và phải chấp nhận đối diện với sáu tháng tù.
Noel đã lựa chọn để giữ niềm tin với các thành viên của ông.... Noel không phải là một người có thể tưởng tượng ra được viễn ảnh ông phải vào tù, ông đã có một hồ sơ rất trong sạch, không một vết nhơ trong cộng đồng này".
Hàng trăm những người chống đối là thành viên nghiệp đoàn cũng đã tuần hành qua khu vực trung tâm Sydney, chặn đứng lưu thông vào giờ ăn trưa và kêu gọi chính phủ liên bang dẹp bỏ ABCC.

SWAN KHÔNG LOẠI TRỪ KHẢ NĂNG GIẢM THUẾ ĐỂ KÍCH THÍCH KINH TẾ

CANBERRA: Chính phủ liên bang có thể lại xem xét tới việc cắt giảm thuế nếu ngân khoản $10.4 tỉ đô-la được bơm thêm vào nền kinh tế không mang lại được một sự tăng cường cần phải có.
Trong lúc các chính trị gia chuẩn bị quay trở lại Canberra cho tuần lễ cuối cùng của quốc hội trong năm, kinh tế sẽ là một đề tài thảo luận hàng đầu khi một năm đầy sóng gió trên chính trường liên bang sắp kết thúc.
Những người lĩnh tiền trợ cấp pension và các gia đình có lợi tức thấp sẽ bắt đầu thấy được lợi ích của chiến lược kích thích về tài chính của chính phủ trong tuần tới, dưới hình thức chi trả bằng tiền mặt qua các trương mục ngân hàng của họ.
Bộ trưởng Ngân khố Wayne Swan nói rằng, trong vòng vài tháng tới chính phủ sẽ xem xét xem các ngân khoản tài trợ này có tạo được một sự kích động cần thiết cho nền kinh tế hay không.
Ông nói trên Đài truyền hình Số Chín rằng: “những gì chính phủ sẽ làm là nhìn vào tác động của điều đó trên nền kinh tế cho tới cuối năm nay và thông qua phần đầu của năm tới”.
Và ông không loại trừ việc tiếp tục áp dụng những sự cắt giảm thuế sắp có hiệu lực trong thời gian của năm tài chính tới đây. Ông Swan nói rằng: “điều mà chúng tôi sẽ làm là chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận tất cả những sự lựa chọn có thể được đòi hỏi”.
Ngân khoản đặc biệt $15.1 tỉ đô-la được cung ứng cho dịch vụ y tế và giáo dục của các tiểu bang trong Hội đồng các Chính phủ của Úc (COAG) vào hôm Thứ Bảy sẽ cung cấp thêm một sự tăng cường khác cho nền kinh tế đang bị chậm lại hiện nay.
Ông Swan nói rằng: “đó chắc chắn sẽ có một món tiền phụ trội đặc biệt trong năm đầu tiên”.
Các tiểu bang đã ủng hộ nhiệt liệt về việc này nhưng liên đảng tin rằng thỏa ước này còn thiếu các chi tiết. Phát ngôn nhân đối lập về y tế, Peter Dutton nói rằng Lao động Liên bang đã chẳng mang lại được bất cứ một chi tiết nào trong những sự hứa hẹn về cải tổ y tế của họ. Ông nói với Sky News rằng: “các thủ hiến Nathan Rees, Anna Bligh và những người khác sẽ cùng xoa tay bởi vì họ đã có quá nhiều tiền và họ sẽ tiếp tục đi theo con đường thất bại trong việc quản trị các bệnh viện”.
Những người làm chủ nhà có thể có thêm được một ít tiền để tiêu xài linh tinh sau ngày Thứ Ba tuần này, khi mà Ngân hàng Dự trữ Úc được dự đoán là sẽ cắt giảm 75 điểm căn bản mức lãi suất tiền mặt chính thức xuống còn 4.5 phần trăm.
Tại quốc hội, việc nói qua nói lại là điều chắc chắn sẽ xảy ra về những ý kiến tán thành hoặc chống đối về sự chấp nhận thâm thủng ngân sách để bảo đảm an toàn cho nền kinh tế khi thành viên cao cấp nhất nước của Đảng Tự do là Thủ hiến Tây Úc, Colin Barnett, đã cung cấp một sự tăng cường cho quan điểm chấp nhận sự thâm thủng của Lao động.
Sau khi tránh nói về sự thâm thủng trong một thời gian khá lâu, hồi tuần trước Thủ tướng Kevin Rudd đã thú nhận là nền kinh tế có thể cần phải đi vào giai đoạn báo động đỏ mặc dù chỉ là tạm thời để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Liên đảng cả quyết rằng, sự thâm thủng là điều không cần thiết, tuy nhiên ông Barnett nói rằng nó không phải luôn luôn là những gì mà chính phủ có thể kiểm soát được. Hôm Thứ Bảy, ông Barnett đã nói rằng: “bất kể là ngân sách liên bang hay tiểu bang thì sự thâm thủng này đã xảy ra vì sự sụt giảm mức độ thu nhập hơn là một sự gia tăng về chi tiêu. Bạn chẳng thể làm được gì nhiều về việc này”.
Phe Lao động đã vin vào lời bình luận này như là chứng cớ về việc phe liên đảng liên bang đang đi sai đường.
Bộ trưởng Ngân khố Wayne Swan nói rằng, bất kể điều đó có là sự cố ý hay không thì lời bình luận của Barnett cũng là một cú tát vào mặt thủ lãnh đối lập liên bang, Malcolm Turnbull.
Ông Swan nói rằng: “mỗi một kinh tế gia khả kính nào của đất nước này cũng đã không chấp nhận ông Turnbull và lời bình luận này của ông Barnett, bất kể là nó có được ông trực tiếp nói ra hay không, chắc chắn là nó cũng đã bác bỏ vị trí và quan điểm của ông Turnbull”.
Nữ phát ngôn nhân về ngân khố của phe đối lập là Julie Bishop không chịu thừa nhận về một sự khác biệt quan điểm trong nội bộ đảng Tự do liên bang và tiểu bang. Bà Bishop nói rằng: “chúng ta đang nói về ngân sách liên bang, và ngân sách liên bang không cần thiết phải mắc nợ, hơn nữa chúng ta biết rằng khi Lao động nói về sự thâm thủng tạm thời có nghĩa là họ đang nói tới một sự thâm thủng kéo dài”.

LUẬT MỚI NGĂN CHẶN NHỮNG VỤ KIỆN TỤNG KHÔNG CẦN THIẾT

NSW: Một đạo luật mới ở NSW để ngăn chặn những kẻ chuyên kiện cáo nhằm gây phiền hà hoặc xấu hổ cho người khác thông qua những sự kiện tụng không cần thiết đã bắt đầu có hiệu lực.
Bộ trưởng Tư pháp NSW, John Hatzistergos nói rằng, một số người ưa kiện tụng được ghi nhận đã gây ra hơn 100 vụ án tòa mỗi người, gây tốn phí cho những người bị kiện hàng triệu đô-la tiền phí tổn về pháp lý và làm tắc nghẽn hệ thống tòa án.
Ông nói rằng, những vụ này giống như là một sự bòn rút, gây tiêu hao đối với các tài nguyên tòa án, và đạo luật mới này, bắt đầu có hiệu lực vào ngày Thứ Hai đầu tuần này sẽ loại trừ những vụ thưa kiện như thế ra khỏi hệ thống tòa án.
Ông Hatzistergos cho biết: “kể từ hôm nay, bất cứ ai thường xuyên và dai dẳng đưa ra tòa những vụ kiện cáo mà không có lý do hợp lý hoặc cho những mục tiêu không chính đáng có thể bị xếp vào những vụ kiện cáo gây phiền nhiễu. Mục tiêu của chúng tôi là loại trừ những hành động này và cho phép các vị quan tòa có quyền ngăn cấm bất cứ ai bị cho là người chuyên thưa kiện gây phiền hà ra khỏi tòa án của mình”.


Đạo luật mới này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho bộ trưởng tư pháp và viên chức phụ tá (solicitor-general) hoặc các lục sự (registrar) của tòa án quyết định chặn đứng một vụ kiện tụng vô lý.
Ông Hatzistergos nói rằng, những nạn nhân của các vụ kiện như thế sẽ có thể xin tòa án quyết định cho một người nào đó là một kẻ chuyên thưa kiện để gây phiền nhiễu (a vexatious litigant). Ông nói: “chúng tôi đã áp dụng những biện pháp này không chỉ nhằm giải tỏa cho hệ thống pháp lý mà còn để bảo vệ những công dân tốt trong tiểu bang này”.

GENES LÀM CHO BỆNH TRẠNG KÉO DÀI

SYDNEY: Các mẫu genes của con người có thể giải thích được lý do tại sao có người có thể tự hồi phục qua đêm sau một cơn bệnh cúm nhưng có người phải bị chật vật với căn bệnh này tới hai tuần lễ hoặc lâu hơn nữa.
Các chuyên gia về những chứng bệnh lây nhiễm tại Sydney đã khám phá ra rằng những người có mang trong cơ thể một số mẫu genes nhất định, có nguy cơ cao sẽ có khả năng bị kéo dài cơn bệnh lên tới tám lần khi mắc phải những chứng bệnh nặng và dai dẳng khi họ bị lây nhiễm. Một nhóm nhỏ khác lại có một sự phối hợp về genes làm cho họ đặc biệt trở nên mạnh mẽ hơn với các chứng bệnh không nặng lắm.
Bác sĩ Ute Voller-Conna thuộc viện Đại học NSW nói rằng: “tất cả chúng ta đều biết rằng khi người ta bị mắc bệnh, có người phải rất lâu mới bình phục trong khi những người khác có vẻ qua khỏi cơn bệnh rất nhanh chóng, và những gì chúng tôi tìm thấy là, có thể các mẫu genes là lý do để giải thích cho việc này”.
Cuộc nghiên cứu này được ấn hành trong phúc trình y khoa “Clinical Infectious Diseases” về các chứng bệnh lây nhiễm, là báo cáo y khoa đầu tiên khám phá về vai trò quyết định của genes trong mức độ nặng nhẹ của các căn bệnh.
Nó phân tích về những sự phản ứng khác nhau của hệ thống kháng bệnh trong số 300 người bị mắc cơn sốt cấp tính (acute glandular fever), sốt vi khuẩn Ross River hoặc cơn sốt vì nhiễm trùng (Q fever infections) tại thị trấn Dubbo thuộc vùng trung tây NSW.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét năm mẫu gene “cytokines” (bất cứ phân tử nào trong số các phân tử hữu cơ do tế bào của hệ thống miễn nhiễm tiết ra để điều tiết hệ thống miễn nhiễm) khác nhau, vốn là những sứ giả về kích thích tố của hệ thống kháng thể để bào vệ cho cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Khoảng 28 phần trăm trong số này có các mẫu genes nhạy cảm hơn đối với các chứng bệnh nặng và lâu khỏi trong khi 18 phần trăm có những mẫu genes bảo vệ chống lại sự lây nhiễm.
Bác sĩ Vollmer-Conna nói rằng, tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói tổng quát rằng công chúng nói chung cũng có cùng tỉ lệ về sự ảnh hưởng này. Bà nói rằng, những người dễ bị tác động thường có một sự đáp ứng quá mức của hệ thống miễn nhiễm. Bác sĩ Vollmer-Conna nói rằng: “một số người sẽ bị các triệu chứng nặng hơn những người khác khi họ bị mắc phải các chứng bệnh cấp tính với cùng một sự lây nhiễm bởi vì sự đáp ứng của cơ thể họ có cường độ cao hơn do sự cấu tạo về genes của họ.
Nhóm người này được tìm thấy là đã phải nằm viện nhiều gấp đôi số ngày trong thời kỳ của căn bệnh cấp tính và họ cũng được báo cáo có số ngày nghỉ vì không thể đảm nhiệm vai trò hoặc công việc thường ngày cao gấp đôi".
Những phát hiện này sau cùng nhất có thể giúp nhận diện ra những người dễ bị tác động và cung ứng cho họ những sự phòng ngừa và cách thức chữa trị riêng biệt đối với các chứng bệnh nhiễm trùng phổ biến, cũng như đề ra liệu pháp ưu tiên để đối phó với một trận dịch.
Bà nói: “trong một số những trường hợp nhất định, việc này còn có thể cứu được mạng sống của nhiều người”.

MUA NHÀ BỊ CHẬT VẬT HƠN VÌ THUẾ CON NIÊM

ÚC: Theo một báo cáo mới đây thì việc tăng cao hóa đơn tiền thuế con niêm trên những bất động sản dùng để ở đang gây trở ngại cho khả năng của những người Úc muốn mua nhà gia nhập thị trường nhà cửa.
Bản báo cáo về Thuế Con niêm đánh trên nhà ở (Residential Stamp Duty Report) đã tìm thấy rằng tiền thuế con niêm của một căn nhà điển hình đã tăng cao tới 59 phần trăm trong vòng năm năm qua, gần gấp đôi sự gia tăng của mức lợi tức gia đình trong cùng một thời gian.
Gần 53 tỉ đô-la tiền thuế con niêm đã thu được cho cả các bất động sản dùng để ở và bất động sản dùng cho mục đích thương mại đã được trả cho chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ trong vòng năm năm qua.
Thu nhập hàng năm về tiền thuế con niêm đã gia tăng 77 phần trăm trong cùng thời gian này.
Cuộc nghiên cứu này đã tìm thấy rằng những người mua nhà đã bị buộc phải dành riêng ra tối thiểu là 20 phần trăm mức lợi tức hàng năm của họ để chi trả cho hóa đơn tiền thuế con niêm tại bốn trong số tám thành phố thủ phủ của các tiểu bang trong Tháng Bảy 2008 là Sydney, Melbourne, Adelaide and Perth.
Con số này so với chỉ có hai thành phố Sydney và Melbourne vào năm 2003.
Chủ nhân các căn nhà ở Sydney và Melbourne cần phải chi tiêu tối thiểu là ba tháng lương của họ để trả tiền thuế con niêm.
Brisbane có hóa đơn tiền thuế con niêm thấp nhất. Các chủ nhà trung bình chỉ phải đi làm một tháng để trả tiền thuế con niêm cho một bất động sản có giá cả trung bình.
Mức thuế con niêm tính trên giá mua của một bất động sản gia tăng khi giá trị của bất động sản vượt quá mức ngưỡng (thresholds).
Những dữ kiện này được thu thập từ các văn phòng thu nhập của chính phủ các tiểu bang, vùng lãnh thổ và từ Nha Thống Kê của Úc.

ĐỐI LẬP: “LAO ĐỘNG THẤT HỨA VỀ LUẬT GIAO TẾ KỸ NGHỆ

ÚC: Chính phủ đã bị cáo buộc là thất hứa đối với những sự hứa hẹn trong cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái qua những thay đổi rộng lớn của họ về đạo luật lao động của Úc.
Hôm Thứ Hai, phát ngôn nhân đối lập về quan hệ lao động, Michael Keenan nói tại Quốc hội rằng, Chính phủ đã trả nợ của họ cho phong trào nghiệp đoàn một cách gian dối, và kiến trúc sư của những sự thay đổi này là bà Julia Gillard có thể sẽ trở thành một “nữ thần của nạn thất nghiệp”.
Ông Keenan đã chỉ đạo phản ứng của Phe đối lập đối với đạo luật Bình đẳng Lao động của Úc được đưa ra để thay thế và dẹp bỏ đạo luật lao động WorkChoices trước đầy của chính phủ Howard, đồng thời xoay chuyển cán cân quyền lực trở lại cho phong trào nghiệp đoàn.
Ông nói rằng, phe Đối lập sẽ không chống đối Dự luật này được thông qua tại Hạ Viện nhưng dành quyền đưa ra những đề nghị thay đổi bổ sung (amendments) tại Thượng viện sau khi nó đã được xem xét kỹ lưỡng bởi một Ủy ban Thượng viện.
Ba lĩnh vực đặc biệt được ông Keenan nhắm tới là việc phân xử có tính cưỡng bách (compulsory arbitration), quyền của nghiệp đoàn đi vào nơi làm việc và sự thương lượng theo kiểu mẫu tập thể (pattern bargaining).
Ông nói rằng Lao động đã hứa trước cuộc bầu cử hồi năm ngoái là sẽ dẹp bỏ việc phân xử có tính cưỡng bách. Sự tái lập việc này là một sự vi phạm lòng tin và có lẽ là một sự thất hứa nghiêm trọng và trắng trợn nhất của Lao động.
Ông nói với Quốc hội rằng: “nó được thực hiện để bày tỏ sự nhân nhượng đối với phong trào nghiệp đoàn”.
Lao động đã hứa là những quyền trước đây của luật lệ về sự can thiệp (entry rules) sẽ vẫn được duy trì.
“Trong khi nhìn bề ngoài thì chúng vẫn được lưu giữ nhưng những chi tiết bên trong đã cho thấy đó là một sự gian dối.
Hiệu quả là để trao cho nghiệp đoàn những điều kiện về tổ chức tốt nhất mà họ đã được hưởng hàng mấy chục năm trời".
Nghiệp đoàn có thể đi vào bất cứ một nơi làm việc nào, xem xét hồ sơ của những người không phải là hội viên, đồng thời họ nắm giữ một chiếc ghế ưu đãi tự động trên các bàn thương lượng.
Ông Keenan nói rằng, việc thương lượng theo kiểu mẫu tập thể, thương lượng trên toàn bộ một ngành kỹ nghệ trên nguyên tắc đã bị loại bỏ. Tuy nhiên nó vẫn còn đó, mặc dù đã được che dấu và ngụy trang trong những chi tiết. Ông nói: “đây là một sự quay trở lại sự thương lượng theo kiểu mẫu tập thể bằng loại máy bay tàng hình” (It’s a return to pattern bargaining by stealth).
Ông Keenan nói rằng Chính phủ Howard đã có một kỷ lục đáng tự hào trong việc tạo ra 2.2 triệu công ăn việc làm và cắt giảm mức thất nghiệp ở điểm thấp nhất trong vòng ba thập niên.

ÚC BẮT GIỮ MỘT MẺ LƯỚI LỚN VỀ MA TÚY

SYDNEY: Ba người mang quốc tịch Mễ-tây-cơ đã bị bắt giữ trong một mẻ lưới bạch phiến trị giá trên $16 triệu đô-la.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát về biên giới và lĩnh vực quốc tế trên toàn quốc của Cảnh sát Liên bang là Tim Morris nói, chiến dịch này đã ngăn chặn được sự lưu hành và phân phối 64.6 kí-lô bạch phiến trên các đường phố của Úc.
Ông Morris cho biết: “vụ tịch thu này đã tiết kiệm được cho cộng đồng người Úc $18.7 triệu đô-la liên quan tới lĩnh vực phí tổn y tế và xã hội.
Vào ngày 10/10, ICE của Hoa Kỳ đã thông tin cho AFP là họ đã dò ra được bạch phiến trong một lô hàng vận chuyển bằng tàu thủy từ Hoa Kỳ sẽ cập bến tại Melbourne. Số bạch phiến này xuất phát từ Mễ-tây-cơ và được giấu trong bốn ống bê-tông cân nặng 210kg mỗi ống có chứa hàng hóa bằng sứ.
Giới chức thẩm quyền Mỹ và Úc đã điều hợp cuộc vận chuyển chuyến tàu này tới Úc.
Ba người Mễ-tây-cơ, gồm hai người đàn ông 40 tuổi và 28 tuổi cùng với một phụ nữ 39 tuổi đã bị bắt giữ vào ngày 28 Tháng Mười-một. Họ đã bị truy tố về tội trạng dự tính nhập cảng và âm mưu nhập cảng một số lượng thương mại loại ma túy cấm.
Họ sẽ phải trình diện trước tòa án Địa phương Melbourne Magistrates’ Court vào buổi sáng ngày Thứ Hai đầu tuần này.
Mức phạt tối đa cho những tội trạng này là án tù chung thân và một khoản tiền phạt lên tới $825,000 đô-la.
Tin giờ chót vào buổi chiều Thứ Hai cho biết Olivia Barajas Gloria, 39 tuổi và Juan Emesto Suraz Lopez, 40 tuổi đã bị truy tố về các tội danh nêu trên.
Họ bị giam giữ cho tới ngày 3 Thábng Tư năm tới khi họ sẽ phải ra tòa tại tòa án địa phương Melbourne.
Luật sư đại diện của hai người là Rob Stary không nộp đơn xin tại ngoại.
Người đàn ông 28 tuổi cũng bị bắt giữ. Người này đã phải ra trình diện tại tòa án địa phương Melbourne Magistrates Court vào buổi chiều ngày Thứ Hai.

MỘT SỐ TRƯỜNG TƯ CÓ THỂ BỊ ĐÓNG CỬA NẾU DỰ THẢO LUẬT KHÔNG ĐƯỢC THÔNG QUA

ÚC: Một số trường học tư có thể sẽ phải đóng cửa vào năm tới bởi vì các đảng phái lớn đều từ chối không chịu ủng hộ chương trình giảng dạy mới và các biện pháp quy trách nhiệm của Lao động.
Chính phủ Liên bang đã đề nghị một đạo luật để chuẩn chi một ngân khoản $28 tỉ đô-la tài trợ cho các trường học tư với điều kiện họ phải đồng ý về thể chế mới này. Tuy nhiên Liên đảng nói rằng họ sẽ không chịu thông qua dự luật này trừ phi nó được thay đổi bổ sung.
Họ muốn rằng Dự luật này được tách ra để việc tài trợ có thể được tiến hành, còn việc thảo luận về chương trình giảng dạy và một sự đòi hỏi các trường học tư phải khai trình tất cả các nguồn lợi tức sẽ được hoãn lại.
Nghị sĩ của Đảng Gia đình Trên hết, Steve Fielding nói rằng ông cũng sẽ không ủng hộ Dự luật này, có nghĩa là nó sẽ bị thất bại, không thể thông qua Thượng viện trừ phi có một sự thay đổi thật sự.
Một nữ phát ngôn nhân của vị nghị sĩ Victoria này nói rằng: “nó (dự luật này) sẽ không được Nghị sĩ Fielding bỏ phiếu chấp thuận. Ông sẽ bỏ phiếu chống lại kế hoạch này”.
Bộ trưởng Giáo dục Julia Gillard khẳng định rằng, Chính phủ sẽ không thay đổi lập trường của mình. Bà Gillard nói trên đài phát thanh ABC rằng: “(phát ngôn viên về giáo dục của đối lập) Christopher Pyne chỉ chơi trò chơi chính trị rẻ tiền về việc này và vấn nạn của trò chính trị rẻ tiền này của ông ta là các trường học tư thực sự sẽ phải trả giá rất đắt.
Nếu Christopher đạt được mục đích của mình thì các trường học tư sẽ không nhận được ngân khoản tài trợ của chính phủ trong năm tới mà họ rất cần để có thể giữ được sự hoạt động cho các trường học của mình".
Bà Gillard nói rằng bà không thể dành riêng số tiền này nếu đạo luật không được quốc hội thông qua.
Trong khi đó Liên đảng cũng cứng rắn tương tự, nói rằng họ sẽ không ủng hộ Dự luật này trong hình thức hiện nay của nó. Phát ngôn nhân đối lập về Giáo dục Christopher Pyne nói trên đài truyền hình ABC rằng: “chúng tôi sẽ cương quyết về những thay đổi bổ sung của chúng tôi”.
Hiệp hội các Trường học Độc lập tại New South Wales nói rằng các trường học sẽ bị buộc phải đóng cửa nếu không có tài trợ của Chính phủ Liên bang.
Quyền giám đốc điều hành của hiệp hội, Geoff Newcombe nói rằng: “bất cứ một sự đình trệ nào cũng sẽ có tác động lớn trên phương diện khả năng tài chính của một số các trường học độc lập. Một số trường sẽ không thể tiếp tục hoạt động nếu không có sự tài trợ này của chính phủ”.
Nghiệp đoàn Giáo dục Độc lập của Úc nói rằng thất bại trong việc thông qua Dự luật này sẽ đặt hơn 144,000 công ăn việc làm thuộc khu vực trường học tư vào tình trạng rủi ro.
Tuy nhiên có một cơ hội để việc tài trợ vẫn tạm thời được tiến hành ngay cả trường hợp Dự luật này sẽ không được Thượng Viện thông qua trong tuần này.
Trong một cuộc điều trần tại Thượng viện hồi tháng trước, trưởng ban giáo dục Carol Nicoll đã đề nghị sẽ không có một sự chi tiền nào cho các trường học tư vào đầu năm 2009 nếu dự luật này không được thông qua. Bác sĩ Nicoll nói với ủy ban này rằng: “bất cứ một sự trì hoãn nào cũng sẽ gây nguy hại cho khả năng mở cửa của một số trường học cho niên học mới”.
Tuy nhiên trong thời gian chất vấn sau đó bà đã thú nhận rằng ủy ban này đang xem xét về một “sự xếp đặt tạm thời” trong trường hợp đạo luật này bị trì hoãn.
Bà từ chối không cho biết chi tiết về những sự xếp đặt này.
Quốc hội sẽ bế mạc vào ngày Thứ Năm này trước khi nghỉ hè.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.