Hôm nay,  

Sức Mạnh Của Chính Nghĩa

21/02/200500:00:00(Xem: 6846)
LTS: Trong những năm cuối của thế kỷ 20, và đầu thế kỷ 21, CSVN đã tận dụng tối đa sức mạnh tiền của, thế lực ngoại giao, cùng mạng lưới nằm vùng, và một số trí thức, chính trị gia thân cộng tại Úc, bí mật vận động thực hiện hàng loạt những âm mưu, nhằm bất ngờ đưa chương trình tuyên truyền VTV-4 của CSVN vô đài truyền hình SBS. Sau nhiều năm tháng âm thầm cấu kết, bí mật hoạt động, cuối cùng, vào đầu tháng 10/2003, đài SBS đột ngột cho công bố quyết định, bắt đầu chiếu chương trình VTV-4 của CSVN kể từ ngày 6/10/2003. Quyết định này đã được Ban Giám Đốc SBS công bố mà không hề tham khảo với Ban Chấp Hành CĐNVTD/UC, mặc dù trước đó, Ban Giám Đốc SBS đã hứa sẽ thực hiện điều này trên giấy trắng mực đen. Sau đó, trong thời gian hai tháng đấu tranh làm rung chuyển cả thế giới, với sự lãnh đạo tài tình của BCHCĐNVTD /UC, với sự đoàn kết chặt chẽ của người Việt tự do tại Úc, cùng sự hậu thuẫn vô cùng to lớn của chính giới Úc, truyền thông báo chí Úc, nghiệp đoàn Úc,... cuối cùng, cộng đồng người Việt tự do tại Úc đã chiến thắng, và chương trình tuyên truyền VTV-4 của CSVN đã bị ban giám đốc SBS phải quyết định khâm liệm vĩnh viễn. Chiến thắng VTV-4 là một chiến thắng lịch sử, có tầm vóc quốc tế trên nhiều phương diện, mà cho đến nay, vì nhiều lý do, chúng ta vẫn chưa khai thác đầy đủ, nên nhiều âm mưu của CS vẫn chưa thể phanh phui; nhiều yếu tố bí mật dẫn tới chiến thắng vẫn chưa được đưa ra ánh sáng, nhiều bài học đấu tranh quan trọng vẫn chưa được rút tỉa... Để qúy độc giả có thể phần nào hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến chiến thắng lịch sử VTV-4 cách đây hơn một năm, sau đây Sàigòn Times trân xin trọng giới thiệu bài viết "Sức Mạnh Chính Nghĩa" của BS Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch CĐNVTD/LBUC, trích từ cuốn "Sức Mạnh Đấu Tranh" do CĐNVTD/UC xuất bản, và hiện được bán tại các tiểu bang và lãnh thổ trên toàn nước Úc.


*

Đất bằng nổi sóng...

Một buổi sáng cuối tháng 9, đang làm việc trong phòng mạch thì tôi nhận được điện thoại từ anh Lê Châu Quỳ, nói rằng anh đại diện cho đài BBC muốn phỏng vấn tôi về việc đài Truyền Hình SBS sắp sửa chiếu thường xuyên một chương trình tin tức và thời sự của nhà nước CSVN. Tôi sững sờ vì chưa hề nghe tin gì về vấn đề này, nên hẹn anh bạn gọi lại cho tôi vào buổi chiều, để tôi có thời giờ tìm hiểu câu chuyện.
Một vài cú phone sau đó đã xác nhận nguồn tin trên là đúng: SBS-TV sẽ bắt đầu chiếu chương trình "Thời Sự" do VTV4 thực hiện, được tiếp vận trực tiếp từ Hà Nội kể từ ngày Thứ Hai 06/10/2003, và sẽ được chiếu 6 ngày một tuần (trừ Chủ Nhật) mỗi buổi sáng từ 6 giờ 50 đến 7 giờ 25. VTV4 là một chương trình truyền hình đặc biệt nhắm vào người Việt hải ngoại, do Ủy Ban Truyền Hình Quốc Ngoại thuộc hệ thống truyền hình của nhà nước CSVN sản xuất.
Trong website của chính họ, www.vtv.org.vn/vtv/gioithieu_vtv/index.html, VTV4 đã nói rõ mục đích của nó là: "...cung cấp tin tức và tuyên truyền cho chính sách của Đảng và Nhà nước...". Như thế, rõ ràng đây là nỗ lực của nhà cầm quyền CSVN, cấu kết với SBS-TV để đưa tuyên truyền của chế độ vào tận nhà của người Việt trên đất Úc, và là một sỉ nhục, một thách thức láo xược chưa từng xẩy ra trước đây đối với cộng đồng gốc Việt trong lịch sử hơn 28 năm định cư tại đất nước này.
Tôi hết sức bất bình và bực bội trước sự kiện này, vì vào tháng 2 năm 1999, khi nghe phong phanh có tin là SBS đang nghiên cứu việc tiếp vận chương trình tin tức của CSVN, một phái đoàn của CĐNVTD gồm ông Võ Minh Cương Chủ tịch CĐ Liên bang kiêm CT/CĐ/NSW thời bấy giờ, tôi, BS Võ Văn Phước, BS Vũ Ngọc Tấn, anh Phan Đông Bích, anh Lưu Dân, chị Đặng Kim Ngọc, chị Dương Xuân Hương và một số người nữa đã tham dự một bữa ăn tối với ông Nigel Milan Tổng Giám Đốc hệ thống SBS, ông Peter Cavanagh Trưởng Nhiệm Truyền Hình SBS và ông Lưu Tường Quang Trưởng Nhiệm Truyền Thanh SBS tại nhà hàng The Lemon Grass Tree ở Leichhardt. Trong buổi gặp gỡ này, CĐ đã nêu lên những quan tâm sâu sắc của người Việt về chuyện này, và cho họ biết rõ sẽ phản đối đến cùng nếu họ cho chiếu tin tức do CSVN thực hiện trên màn ảnh truyền hình SBS. Hôm đó, cả ông Milan lẫn ông Cavanagh đều trấn an CĐ rằng họ chỉ mới ở trong giai đoạn xem xét nghiên cứu chứ chưa có gì cụ thể, và hứa sẽ tham khảo với CĐ trước khi có quyết định dứt khoát.
Sau đó, CĐ người Việt ở Sydney và Melbourne đã phát động một chiến dịch gom được vài ngàn chữ ký vào một Kháng Thư, để dành sử dụng trong trường hợp SBS vi phạm lời cam kết. Hiện trong văn phòng của tôi vẫn còn lưu giữ những tờ Kháng Thư này. Sau đó, anh Đoàn Việt Trung tân Chủ tịch CĐNVTD Liên bang và LS Nguyễn Văn Thân tân Chủ tịch CĐ/NSW cũng đã tiếp xúc với các ông Cavanagh và Milan cũng để nhấn mạnh thêm với SBS về lập trường dứt khoát chống việc chiếu chương trình tuyên truyền của CSVN trên SBS-TV.
Bẵng đi một thời gian khá lâu không nghe động tĩnh gì, mãi cho đến đầu năm 2002 khi biết TNS Marise Payne của tiểu bang NSW nêu với SBS-TV vấn đề mở rộng việc chiếu các chương trình tin tức sắc tộc trong World Watch (bà ta vận động cho chương trình tiếng Ả-Rập, không dinh dáng gì đến VTV4), CĐ Liên bang lại viết cho ông Cavanagh một lá thư, nhắc lại lập trường chống đối của CĐ đối với việc chiếu tin tức VC. Trong lá thư trả lời đề ngày 27/3/2002, một lần nữa ông Cavanagh lập lại lời hứa cũ: sẽ tham khảo với CĐ trước khi quyết định. Chính vì thế mà quyết định đơn phương và đột ngột của SBS-TV, đối với cá nhân tôi, là một sự bội ước trắng trợn, một thái độ coi thường và láo xược không thể tha thứ đối với cộng đồng người tị nạn VN trên đất Úc.
Tôi bốc điện thoại gọi lên Melbourne, trình bày câu chuyện với Chủ Tịch CĐNVTD Úc Châu là anh Đoàn Việt Trung. Cuộc chiến 66 ngày của cộng đồng người Việt Úc Châu chống việc SBS-TV chiếu chương trình Thời Sự VTV4 của CSVN chính thức bắt đầu.

Những sửa soạn đầu tiên cho cuộc tranh đấu

Chúng tôi bàn thảo, mổ xẻ vấn đề và quyết định rất nhanh: đây là một sỉ nhục chung cho tất cả người Việt ở khắp nơi trên đất Úc, và muốn tranh đấu thành công chống lại việc chiếu VTV4, tất yếu phải có sự tham gia của các CĐNVTD của tất cả các Tiểu bang và lãnh thổ. Anh Trung nhanh chóng tổ chức ngay cuộc hội thoại (teleconfe- rence) đầu tiên giữa các CĐNVTD, được triệu tập khẩn cấp vào tối ngày 01/10/2003, với sự tham dự của toàn thể các vị Chủ tịch CĐ các Tiểu bang và Lãnh thổ, không thiếu vị nào: anh Trung (CT/CĐ Liên bang), tôi (CT/ CĐ/NSW), anh Châu Xuân Hùng (CT/ CĐ/Victoria), anh Trần Hưng Việt (CT /CĐ/QLD), anh Đoàn Công Chánh Phú Lộc (CT/CĐ/Nam Úc), anh Nguyễn Quốc Cương (CT/CĐ/Tây Úc) và chị Trần Hương Thủy (CT/CĐ/Wollon- gong). Lúc đó, chúng tôi đã có trong tay cái Thông Cáo Báo Chí của SBS-TV, trong đó ngoài việc thông báo một số thay đổi trong chuơng trình TV mỗi ngày, họ công bố bắt đầu tiếp vận "Thời Sự" trực tiếp từ Hà Nội mỗi buổi sáng trong chương trình tin tức quốc tế World Watch. Tất cả đều đồng thuận với lập trường chung là sẽ đoàn kết phối hợp hành động để tìm mọi cách và bằng mọi giá, tranh đấu buộc SBS-TV phải ngưng chiếu chương trình tuyên truyền của CSVN.
Ngày 02/10/2003 tôi gọi điện thoại cho SBS, yêu cầu nói chuyện với Shaun Brown, Trưởng Nhiệm của SBS-TV. Bên kia đầu dây, cô thư ký cho hay là Brown đi công tác ngoại quốc, và chuyển tôi vào đường dây đến văn phòng của Phil Martin, Trường Ban Tin Tức của SBS-TV. Ông này cũng không có mặt tại SBS vào lúc đó. Tôi nhắn mấy câu với thư ký của Martin, tóm tắt vấn đề và yêu cầu ông ta liên lạc với tôi gấp để nói chuyện.
Chờ suốt ngày hôm sau vẫn không nghe động tĩnh gì từ phía SBS. Mãi đến sáng ngày Thứ Sáu 04/10 Martin mới gọi phone cho tôi. Tay này nói rặt giọng Ăng-Lê, và cứ theo kiểu cách ăn nói thì phải là một tay thực dân hạng nặng, rất trịch thượng và xấc láo. Y nói rằng vì quá bận, nên rất tiếc không gọi sớm cho tôi được. Y ngỏ ý muốn gặp đại diện của CĐNVTD/NSW ngay trong chiều hôm ấy. Bực mình về thái độ xấc xược của Martin, tôi sẵng giọng trả lời y rằng CĐ không đồng ý gặp gỡ với SBS-TV theo cái kiểu chụp giựt đó, và nói thẳng rằng tôi không bằng lòng thái độ bất lịch sự đó của y. Bối rối, Martin ấp úng phân trần và xin lỗi. Y nói rằng bất cứ lúc nào, kể cả ngoài giờ làm việc, khi nào CĐ rảnh rỗi thì cho hay, y sẵn sàng gặp để nói chuyện. Tôi bảo Martin giờ này đã quá trễ, vì chỉ còn có 2 ngày nữa là SBS-TV bắt đầu chiếu VTV4 (vào Thứ Hai 06/10). "Vả lại, sự đã rồi, chúng ta chẳng có gì để nói với nhau nữa", tôi nói thẳng với Martin rồi cúp máy.


Sau khi điện thoại bàn bạc rất lâu với anh Trung, chúng tôi đã đồng ý về những phương thức hành động và nhu cầu cập nhật các tin tức về cuộc đấu tranh cũng như liên lạc với đồng hương. Sáng kiến thiết lập một website dành riêng cho cuộc đấu tranh được chúng tôi thảo luận, và tôi lập tức tiếp xúc với một bác sĩ trẻ có khả năng kỹ thuật cao về điện toán và cũng là em vợ của tôi, anh Cao Xuân Kiên, để nhờ anh phụ trách việc này. Anh Kiên sốt sắng nhận lời ngay. Qua điện thoại, ba người là anh Trung, anh Kiên và tôi bàn thảo và đồng thuận về tên gọi của website cũng như những chi tiết và cơ năng mà website này cần phải có. Chỉ vài ngày sau, website "NoVCnews.net" chính thức ra đời, và đã đóng góp một phần hết sức đáng kể trong cuộc đấu tranh của CĐ chúng ta chống việc chiếu VTV4. Anh Trung cũng sẽ nghiên cứu để xem có thể đưa SBS-TV ra tòa xin án lệnh đình chỉ việc trình chiếu VTV4 trong khi chờ đợi hai bên tái tục tiến trình tham khảo.
Chúng tôi cũng soạn gấp một Kháng Thư bằng hai thứ tiếng Anh-Việt với nội dung thật đơn giản, email đến tất cả các CĐNVTD các nơi để mọi người cùng phát động một chiến dịch lấy chữ ký phản đối thật rộng rãi trên toàn quốc. Thông Cáo Báo Chí (Media Release) của CĐNVTD Liên bang Úc Châu cũng được anh Trung soạn thảo và gửi đến các cơ quan truyền thông Anh ngữ. Mặt khác, tôi điện thoại cho tất cả các tờ báo và đài phát thanh tiếng Việt tại Sydney để trình bày với họ về chuyện SBS-TV đơn phương cho chiếu VTV4 và nhu cầu đấu tranh chống lại việc này của CĐ người Việt, đồng thời yêu cầu họ hỗ trợ Ban Chấp Hành CĐNVTD Úc Châu Liên bang cũng như các TB trong cuộc đấu tranh này. Tất cả những đại diện truyền thông Việt ngữ mà tôi tiếp xúc đều hăng hái tình nguyện làm mọi việc để tiếp tay với CĐ, và bắt đầu viết hoặc đọc những bài nêu rõ những lập luận chống việc SBS-TV tiếp tay tuyên truyền cho CSVN. Riêng đài phát thanh SBS, mặc dù ở trong vị trí tế nhị không thể chống đối ra mặt và thường xuyên như những đài phát thanh tư nhân, cũng đã tỏ thái độ phản kháng rỏ rệt qua hai lá thư phản đối do cả hai Ban Việt ngữ Sydney và Melbourne gửi cho ông Nigel Milan hồi đầu tháng 10, cũng như việc ngưng không thông báo cho thính giả chương trình hàng ngày của SBS-TV như trước đây đài SBS Việt ngữ vẫn thường làm.
Khi tham dự buổi nói chuyện của nhạc sĩ Lê Văn Khoa tại Bankstown Council Chamber chiều ngày Chủ Nhật 05/10, tôi gặp Nghị sĩ Quốc Hội tiểu bang Victoria Nguyễn Sang từ Mel- bourne lên chơi. Tôi vắn tắt trình bày câu chuyện với anh Sang và đề nghị anh mang vấn đề này ra trước diễn đàn Quốc Hội Victoria càng sớm càng tốt để vận động sự ủng hộ của chính giới tại TB đó. Anh Sang đã làm điều này vào ngày 08/10, và là vị dân cử đầu tiên ở cấp tiểu bang đã đưa vấn đề VTV4 vào diễn đàn Quốc hội tiểu bang.
Sáng ngày Thứ Hai 06/10, ngày SBS bắt đầu tiếp vận VTV4, tôi dậy sớm để xem thử chương trình "Thời Sự". Đúng 6 giờ 50, nhạc hiệu của "Thời Sự" trỗi lên. Tim tôi thắt lại, gai ốc nổi đầy khi thấy tung bay trên màn ảnh truyền hình lá cờ máu, tượng trưng cho bao nhiêu đau khổ oan khuất của hàng triệu người Việt. Giọng của những người xướng ngôn viên mang những âm hưởng sắc và lạnh, tiêu biểu của các cán bộ trung kiên của chế độ CSVN mà những ai đã từng đi tù cải tạo CS hẳn đã từng nghe nhiều lần. Về nội dung thì ngoài vài tin tức quốc tế, còn lại là những tuyên truyền dối trá quen thuộc, như kiểu nơi này nơi kia vượt chỉ tiêu sản xuất, cơ quan X tổ chức Y làm tốt công tác này công tác nọ...vv. Họ cũng đưa tin về "sự ủng hộ nồng nhiệt của người Việt định cư tại nước ngoài đối với nhà nước ta", và kêu gọi người Việt hải ngoại đóng góp vào quỹ "Xoá đói giảm nghèo" do chế độ CSVN dựng nên dưới chiêu bài giúp dân nghèo cải thiện đời sống. Nói chung, "Thời Sự" kém cỏi và nghèo nàn cả về hình thức lẫn nội dung, ngay cả nhiệm vụ chính của nó là tuyên truyền cho chế độ cũng có vẻ gượng gạo, không nhuần nhuyễn, và có lẽ cũng chẳng thuyết phục được ai. Và rất rõ ràng là trong 3 điều kiện căn bản là vô tư, công bình và độc lập để định nghĩa một chương trình thông tin đứng đắn, "Thời Sự" không có bất cứ điều nào. Ngay sau chương trình VTV4 đầu tiên này, SBS đã nhận được vô số những cú phone gọi vào để phản đối. Chúng tôi cũng thảo một lá thư phản đối gửi cho bà Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị SBS Carla Zampatti và các thành viên của Hội Đồng này, cùng một là thư khác đến tất cả các Dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Liên bang, nêu lên sự bội hứa của SBS-TV cùng những lý luận để phản bác lý do chiếu VTV4 mà SBS-TV đã đưa ra.
Tôi cũng nhiều lần lên tận cơ sở của các đài phát thanh Việt ngữ tư nhân để trình bày về cuộc tranh đấu chung của CĐ chống việc chiếu VTV4 trên SBS-TV và trực thoại với thính giả. Trong những dịp này, tôi luôn luôn nhấn mạnh với đồng hương về tầm quan trọng của cuộc tranh đấu chống hành động sai trái này của SBS-TV, vì tôi cho rằng đây là thách thức và đe dọa lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm của người Việt tị nạn ở nước Úc. Nếu thua trận đánh này, tất cả chúng ta sẽ phải chịu cái nhục chấp nhận sự hiện diện của lá cờ máu ghê tởm, của những lời tuyên truyền láo khoét của CSVN, hàng ngày trên đài truyền hình SBS, ngay trong nhà của từng người Việt. Vì thế, đây là một trận đánh toàn diện, triệt để của tất cả đồng hương, một trận đánh phải huy động toàn lực, sử dụng mọi sáng kiến, phương tiện, một trận đánh mà cộng đồng chúng ta không thể để bị thua, bởi lẽ đơn giản là nếu thua, chúng ta sẽ mất hết, kể cả bản sắc và liêm sỉ của mình. Trong những lần trực thoại truyền thanh, phần lớn người gọi vào đều hăng hái ủng hộ lập trường chống VTV4 đến cùng của CĐ, và đưa ra những ý kiến đóng góp xây dựng để giúp cuộc tranh đấu đuợc hiệu quả hơn. Một số nhỏ có ý kiến ngược lại, hoặc bênh vực việc chiếu VTV4 lấy cớ là "tự do ngôn luận", hoặc bàn ra, cho rằng đây là chủ trương của nhà nước Úc nên có chống cũng vô ích.
Những cuộc trực thoại này, khi thì có mặt đại diện Ban Chấp hành CĐ/NSW, khi thì có đại diện giới trẻ, cũng có khi có anh Trung Chủ tịch CĐ Liên bang gọi điện thoại từ Melbourne lên, rất hữu ích cho cuộc tranh đấu chung vì chúng tạo cho CĐ cơ hội trực tiếp tiếp xúc và giải thích mọi thắc mắc của đồng hương, cũng như cho đồng hương cơ hội đối thoại với những người có trách nhiệm trong CĐ để chia xẻ những tâm tư, bày tỏ ý kiến đóng góp. Trong những dịp trực thoại như vậy, bao giờ tôi cũng nhắc nhở đồng hương về sự cần thiết phải chứng tỏ sức mạnh và sự đoàn kết của cộng đồng qua nỗ lực của từng người trong việc gọi điện thoại vào đường dây liên lạc của SBS để bày tỏ sự phẫn nộ, gửi email phản đối, và vận động người khác cũng làm như mình. Đặc biệt là trong chiến dịch lấy chữ ký vào Kháng Thư, tôi nhấn mạnh rằng để lấy cho được thật nhiều chữ ký, phải làm sao biến việc này thành một phong trào quần chúng. Có nghĩa rằng mỗi người không những ký tên mình, mà phải mang một tờ Kháng Thư về nhà, vận động gia đình, bà con, bạn bè ký vào. Như vậy, một người sẽ lấy được hàng chục chữ ký, và chỉ như vậy ta mới có thể thu được hàng nhiều chục ngàn chữ ký. Những lời kêu gọi này đã tỏ ra có hiệu quả, và rất nhiều đồng hương đã nhiệt liệt hưởng ứng, tự nguyện bỏ công bỏ thời giờ đi lấy chữ ký cho Kháng Thư.
Vào ngày 8/10, qua cuộc hội thoại thứ nhì, các vị Chủ tịch CĐ liên bang và các tiểu bang đã thảo luận với nhau để thống nhất đường lối đấu tranh và phối hợp hành động. Tất cả đều đồng ý sẽ tích cực vận động với báo giới và chính giới Úc để tìm sự hỗ trợ cho yêu cầu chính đáng của CĐ là SBS-TV phải ngưng chiếu VTV4 vì điều này là một sỉ nhục cho CĐ người Việt tại Úc, và là một phí phạm tiền đóng thuế của dân chúng Úc, trong đó có người Úc gốc Việt. Một điều nữa cũng được mọi tiểu bang đồng thuận, là các nơi sẽ huy động lực lượng các hội đoàn và đồng hương để tổ chức những cuộc biểu tình phản đối. Ngày giờ sẽ được các nơi quyết định tùy tình hình từng địa phương, không nhất thiết phải đồng loạt. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.