Hôm nay,  

Những Dòng Sông Nhỏ

05/09/200700:00:00(Xem: 3492)

(LTS. Bài do tác giả Thân Trọng Nhân đọc trong buổi cựu sinh viên Đaị Học Vạn Hạnh ra  mắt sách của nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh tại San Jose mới đây.)

  Lời mở đầu:

 Kính thưa Thầy,

 Kính thưa Qúy vị,

Nói về sự nghiệp của sáu mươi năm làm báo thì đã có qúy vị đồng nghiệp của Thầy nói rồi. Do vậy, hôm nay con, một người học trò cũ có may mắn được gần gũi Thầy, xin mạn phép kể lại chút kỷ niệm một thời về đôi dòng sông nhỏ…

Trong dịp nhà thơ Tâm Vô Lệ phỏng vấn Thầy cho chương trình của Thư Viện Việt Nam on line mà con cùng tham dự, khi trả lời một câu hỏi ngoài lề về sự nghiệp làm báo, con đã bắt gặp ánh mặt chợt sáng lên kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, Thầy nói: “Ngoài một dòng sông lớn của đời mình, Thầy còn có những dòng sông nhỏ và chính những dòng sông nhỏ ấy đã mang thêm sức sống cho dòng sông lớn đó!”

Câu trả lời dí dỏm đã gợi lại trong lòng con kỷ niệm mà con rất trân trọng và thật xúc động khi được cùng Thầy chia xẻ, đấy là những giây phút hoài niệm khi hồi tưởng về ít nhất là đôi dòng sông nhỏ…

Kỷ niệm thứ nhất đó là trong một dịp Thầy cùng chúng con dùng cơm tối gia đình tại nhà (vì chúng con biết Thầy thích không khí thân tình ấm áp này hơn ở một tiệm ăn nào khác) Sau khi nhấp ngụm rượu vang, Thầy tỉ mỉ chuẩn bị ghém miếng thịt luộc với tôm chua Huế cùng ít lá rau thơm, dưa leo, xà lách… rồi ngừng lại và bằng một giọng rất từ tốn Thầy nói: “Các con có biết  là các con vừa gợi lại một kỷ niệm đẹp, nhớ đời của Thầy không" Thời gian làm việc tại Huế, Thầy làm bạn với một cô gái Huế, xuất thân từ một gia đình truyền thống Huế. Quen biết đã khá lâu thế mà mãi đến lúc Thầy sắp rời Huế mới được phép đến nhà dùng cơm gia đình, cũng trong bối cảnh một bữa cơm chiều và cũng với món chính là thịt luộc tôm chua độc đáo của Huế.

Hôm ấy, Thầy đã được tiếp đãi rất thân thiện, như chừng đã vượt ra khỏi lằn ranh của tình bạn để mở đầu cho một mối giao cảm gần gũi hơn… Thế nhưng duyên may đã không thành mà chẳng phải tại ai. Tuy nhiên, sau lần chia tay, hai bên vẫn giữ lại được tình cảm thân thiết của hai người bạn cho đến mãi về sau, khi Thầy đã lập gia đình. Con nhớ như in ánh mắt xa xôi và những ngập ngừng xúc động của Thầy trong bữa tối đó và hiểu ra rằng một dòng sông nhỏ đã khơi nguồn và thong thả, êm đềm chảy theo dòng hồi tưởng của Thầy như Trịnh Công Sơn đã viết: “Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…”

Thưa Thầy, con trộm nghĩ những dòng sông nhỏ không hề cạn  mất đi, ngược lại vẫn luân lưu trong dòng ký ức, để rồi trong một ngẫu nhiên tình cờ nào đó sẽ gợn lên những đợt sóng lăn tăn làm bâng khuâng, bồi hồi trái tim mẫn cảm và tâm hồn phong phú của Thầy.

Kỷ niệm thứ hai là trong buổi sáng ngồi quây quần trong một nhóm đang chuẩn bị cho chương trình ra mắt sách của anh Chinh Nguyên. Do một gợi nhớ cũng thật tình cờ của cô sẽ phụ trách phần MC, Thầy đã miên man kể lại chuyện tình của một thiếu nữ xuất thân trong một gia đình kiếm đạo với chàng thanh niên khác chủng tộc ở Nhật Bản. Thầy đã rào đón khéo léo rằng ước gì Thầy là một nhà văn để diễn đạt câu chuyện thành một tác phẩm văn chương, bởi lẽ đây là một cuộc tình tuyệt đẹp với đầy đủ hương vị của người cho, bên nhận thật trọn vẹn! Ấy thế mà cuối cùng là dang dở, chia xa… Lúc đó con chợt hiểu, thì ra Thầy đang nhớ lại một kỷ niệm trân qúy của chính mình!

Thầy thoáng chút đăm chiêu, ngập ngừng, rồi như đang sống lại với ký ức đẹp một thời và nói: “Người con gái Nhật ấy có những vết chàm. Trên người còn xâm một bông hồng vừa rực rỡ lại vừa diễm ảo biến hoá như để khoe vẻ đẹp…” Đoạn cuối của câu chuyện để lại thật nhiều cảm xúc, luyến tiếc bởi Thầy cho biết người thiếu nữ  Nhật ấy đã cùng người tình thả thuyền trên một dòng sông trước khi chia tay không hẹn ngày tái ngộ. Khi chàng trở  lại tìm nàng thì căn nhà đã đổi chủ. Bấy giờ là mùa thu trên xứ Phù Tang, một năm trước ngày về nước… Buồn và đẹp như ý nhạc của Vũ Đức Sao Biển: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt…”

Thưa Thầy,

Chuyện đôi dòng sông nhỏ  chỉ là  phụ lưu của dòng sông lớn mà cả đời Thầy hằng theo đuổi. Trên dòng sông lớn ấy có sự nghiệp, có gia đình, có Cô: người bạn đời đã tận tụy hy sinh, thay Thầy gánh vác gia đình vượt qua bao gian khó trong những năm sau 1975.Thầy kể rằng trong những ngày Cô ốm nặng, Thầy một tay chăm sóc mà vẫn thấy dường như chưa vẹn hết ân tình! Thầy đau lòng khi nghĩ đến bao gian nan Cô từng gánh chịu…

Cũng chính trong bữa cơm chiều thân tình ấy Thầy đã nhắn nhủ chúng con đừng quên nghiã phu thê. Lời nhắc nhở của Thầy chúng con xin ghi nhớ, sẽ thương yêu nhau mãi để dòng sông thật êm đềm trôi, để có chiều thu nào cùng ngồi thả thuyền, nhắc lại chuyện một chàng thanh niên độc thân nước Việt trên xứ Phù Tang năm nào …

 Chớm thu 2007

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.