Hôm nay,  

Thép Đen

16/04/200700:00:00(Xem: 2690)

  LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo: "Chương 16: Đường Ra Hà Nội!"

*

CHƯƠNG Mười sáu: Đường ra Hà Nội

Trời trong xanh, vài vẩn mây trắng lờ lững trôi về phương Nam, hình như muốn ngừng lại nói với tôi:
- Chào mừng chú mày, ta sẽ về Nam báo cho mọi người biết, chú mày đã thoát được một “ca” đặc biệt!
Hai con cò trắng từ phía núi bay sà xuống mảnh ruộng trước mắt. Tôi đưa mắt nhìn đây đó. Thỉnh thoảng giữa ruộng khô cũng có một vụng nước con đục ngầu. Tôi vục tay mò thấy mấy chú cá rô con, dăm mười con tép nhẩy loi choi. Nếu mà nhà gần đây, tôi đi khắp cánh đồng, chắc sẽ được một bữa ê hề tép kho.
Tôi cứ tung tăng, chân nhẩy choi choi nhởn nhơ trên cánh đồng một mình. Gió thoảng mùi nồng nồng của đất, của những gốc rạ còn lại. Lòng tôi thênh thang mở rộng như cánh đồng này. Chân tôi bước đều, đầu tôi lan man nghĩ đến chiếc bi đông và những viên thuốc lọc nước của Harry cho. Tôi chẳng cần! Chôn tại chỗ, đeo theo càng lỉnh kỉnh. Lúc này, tôi đã thấy khát nước thật sự, nhưng tôi vẫn bằng lòng.
Đã gần tới đường cái, đã nhìn rõ dăm ba mái nhà rải rác dọc theo con đường. Thỉnh thoảng một đám bụi mù cuộn tung, đẩy một chiếc xe đi phía trước. Mặt đường nhựa nhưng đầy ổ gà bụi đất. Gần tới đường cái, tôi phải đi vào con đường nho nhỏ sau mấy căn nhà, mới lên đường nhựa. Những căn nhà ở sát mặt đường cũng lụp xụp nghèo nàn, không hơn gì những căn nhà trong làng. Nhiều nhà vắng người, những tấm phên liếp bằng nứa che kín cửa. Những cây cà cây ớt, vài đám rau muống cằn cỗi đầy bụi đường, trong những mảnh vườn con con phía sau nhà, đã nói lên cảnh đời của những người dân địa phương.
Thật may, ngay gần đấy, tôi nhìn thấy cột cây số đầu sơn đỏ, thân trắng, một phía đề “Kỳ Anh 18cs”, một phía đề “Quảng Bình 32cs”. Vậy là Quốc lộ 1 rồi! Như thế, rõ ràng đây là tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây đến ranh giới Hà Tĩnh, Nghệ An phải 30, 40 cây số nữa. Thế có chết con người ta không chứ! Không biết các anh, các bác vì đêm tối mịt mùng nên lầm chỗ, hay vì sợ quá nên vất đại, bỏ của chạy lấy người, bỏ cái nợ để chạy thoát thân" Chẳng biết các anh các bác nghĩ thế nào. Chính tôi cũng như các anh, các bác, lại còn phải sắp lên bờ một mình nữa, biết bao hiểm nguy đón chờ. Như vậy, phải chăng tôi đi vào chỗ chết như thế này, là việc riêng tư của tôi hay sao"
Thấy một quán nước bên đường, ở đầu làng với một cô bé chừng 11, 12 tuổi, mắt toét bán hàng và mấy bác nhà quê đặt quang gánh trước chõng hàng, tôi đường hoàng ghé vào. Tôi mua một tấm mía và hai quả chuối ăn. Trong bụng mấy ngày không ăn, nên tôi muốn ăn cả chục quả, nghĩa là hết chỗ chuối đang bầy đó, nhưng sợ rằng mọi người để ý, nhất là chiếc biển gỗ con đã sứt nẻ, hàng chữ đỏ quạch treo ngay trên vách, phía chéo trước mặt tôi: “Phòng gian, phòng gián, bảo mật.” Vừa nhai mía, tôi vừa nhìn tấm biển. Bàn chân tôi rung rung, như đang chia sẻ với niềm rạo rực, hân hoan của dạ dầy. Lần đầu tiên tôi mua hàng trên đất cộng sản!
Thỉnh thoảng một chiếc xe ô tô chạy qua, đi vào hoặc đi ra thường chạy tuột luôn. Tôi nhớ lại, qua cuộc phỏng vấn anh lái xe ở trại tiếp đón đồng bào vượt tuyến bên Gia Định, tôi đã biết xe không đón khách dọc đường. Vậy nên, giữa đường, nếu anh giơ tay vời, xin đi không đúng là hành động của người dân miền Bắc trong thời gian ấy. Ngoài một vài chiếc xe đò cũ rích, còn hầu hết là xe GMC hoặc Molotova hay Commanca của bộ đội.
Ăn xong, tôi tiếp tục đi, lúc này đã hai giờ trưa, trời càng nóng dữ. Dọc theo đường không có một bóng cây, chỉ lưa thưa vài bụi cây con hai bên vệ đường, cũng cằn cỗi mốc meo, đầy bụi bặm. Từ mặt đường, hơi nóng hừng hực bốc lên. Tôi đành cuốc bộ, đầu không nón mũ, đi về phía Kỳ Anh. Qua cách lựa lời thăm hỏi, em bé bán hàng đã cho tôi biết, phải về Kỳ Anh nghỉ trọ ở đó, sáng hôm sau mới có xe đi Vinh. Tôi cũng được biết xã này là xã Kỳ Phương. Từ đây về Kỳ Anh còn 18 cây số nữa. Cái nắng thật kinh khủng, tôi tưởng đến khô người đi. Tôi phải lấy chiếc khăn mặt đội lên đầu, rồi cố rảo bước, dưới cái nắng đốt da đốt thịt. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao gió cũng nóng. Học địa dư và thời tiết ngày xưa, vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, từ tháng 5 đến tháng 8 có những ngọn gió Lào thổi qua dẫy Trường Sơn nóng vô cùng, gió nóng đến độ có thể làm héo lá cây.
Tôi đi được chừng 2 cây số, xa xa có một cây to duy nhất ở bên đường. Chiếc bóng râm đen đen choán hẳn một gioi đất, đang đong đưa ngúc ngắc trên mặt đường nóng bỏng, như muốn mời gọi kẻ lữ hành dừng chân trên đường dài đầy nắng lửa.
Trong bóng râm, có một chị phụ nữ mang đôi quang gánh với hai chiếc thúng không, đang ngồi nghỉ. Trông thoáng chị khoảng hai mươi lăm, ba mươi tuổi. Chiếc khăn vuông đen buộc chặt mớ tóc dài trên đầu, làm cho bộ mặt rám nắng của chị như xạm lại. Tôi kéo chiếc khăn lau mồ hôi mặt, rồi cũng ghé vào bóng mát. Tụt một chiếc dép ra lót đít rồi cũng ngồi nghỉ, cách xa chị chừng 2 mét. Tôi ngồi yên lặng, tay cầm chiếc khăn phe phẩy, mắt đăm đăm dõi nhìn giậu mồng tơi trước ngôi nhà con con phía bên kia đường. Giậu mồng tơi không còn lá, chỉ có vài cái ngọn rụt, cằn lưa thưa, còn toàn là dây đỏ quạch, héo tong teo như sắp chết khát. Tuy không quay lại, nhưng tôi biết chị phụ nữ đang nhìn tôi, rồi chị nói bâng quơ:
- Trời nóng quá!
Lúc này tôi mới quay lại nhìn chị. Bàn tay xạm nắng đưa lên nhẹ vuốt mấy sợi tóc mai, môi chị ngập ngừng hơi mỉm cười như chào làm quen một người lạ. Thấy vậy, tôi cũng cười, rồi cũng nói không có chủ từ:
- Nóng đến khô người đi!
Chỉ có hai người, trời nóng, đường vắng, có lẽ thấy tôi có vẻ cởi mở, nên chị nhìn tôi rụt rè nói tiếp:
- Cuộc đời cực nhọc vất vả quá!
Tôi hơi ngạc nhiên, đăm đăm nhìn chị. Chị cuối xuống một lúc, nghiêng người với chiếc khăn con mầu đất, vắt ở đầu quang gánh lau mồ hôi, rồi lại ngửng lên nhìn tôi, dè dặt thăm dò:
- Chẳng biết đến bao giờ dân mình mới đỡ khổ" Bao nhiêu thóc lúa trồng lên cứ phải nhập kho nhà nước hết, còn dân ăn khổ quá!
Câu chuyện và điều kiện đã dồn tôi phải đóng vai một cán bộ để giải thích:
- Bây giờ dân mình cực, vì đang giai đoạn thắt lưng buộc cụng để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, mọi người hãy tạm chịu khổ.
Tuy chị nghe tôi nói như thế, mặt chị vẫn còn đầy vẻ băn khoăn. Im lặng một lúc, rồi chị hỏi tiếp:
- Thế lúa gạo đem đi đâu"
Đã trót thì trét luôn, tôi ra vẻ hơi ngạc nhiên, trả lời:
- Ô hay, mình làm gì đã chế được máy móc, vì thế, mình phải đem gạo đi đổi lấy máy móc chứ. Hơn nữa, vì nghĩa vụ quốc tế, ta còn phải có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân những nước bạn nữa!
Giữa lúc đó, từ phía Quảng Bình, một anh đang cọc cạch đạp chiếc xe đạp đi tới. Sau xe, đèo một số lủng củng những đồ phụ tùng xe đạp đã cũ rỉ. Dáng bộ anh. Từ nét mặt tới cử chỉ, không thể là một tên cộng sản. Tuy thế tôi vẫn ngồi yên, mắt lơ đãng nhìn xa xa phía chân trời. Anh đỗ xe, lục đục mãi mới dựng được, vì chiếc chân xe đã quá già. Anh lật chiếc mũ lưỡi trai trên đầu, đen nhẻm đầy dầu mỡ, chắc cũng cùng tuổi đời với chiếc xe. Anh vừa đi vào bóng râm, giữa chị phụ nữ và tôi, vừa quạt lia lịa tìm một chỗ ngồi, mồm kêu “nóng quá!”. Giọng anh trọ trẹ, tôi khó xác định. Chị phụ nữ lên tiếng:
- Anh ở Quảng Bình ra hỉ"
Anh gật đầu và nói:
- Tôi về Vinh.
Thấy thế, tôi hỏi ngay:
- Anh sẽ đạp xe về Vinh"
Anh cũng chẳng nhìn tôi, mắt anh vẫn để vào chiếc xe đạp màu sơn đã loang lở, chỉ còn một chiếc thắng, đầy bụi đất. Anh vừa lắc đầu vừa nói:
- Tôi đến Kỳ Anh nghỉ, sáng mai mới đi xe đò về Vinh.
Tôi hơi mừng, vì đã có bạn đồng hành, tôi vội vàng đon đả:
- Tôi về Hà Nội chữa bệnh đây, tôi cũng sẽ đi qua Vinh.
Một lúc sau, chị phụ nữ đứng dậy, quay lại mỉm cười gật đầu chào anh đi xe đạp và tôi, rồi rảo bước trên đường. Tôi trông theo mãi chiếc quanh gánh, nhấp nhô một quãng thật xa, rồi rẽ vào một con đường nhỏ phía bên kia quốc lộ, Sau đó, anh đi xe đạp cũng đứng lên, quay lại nói với tôi:
- Tôi đi trước nhé! Có khi về Kỳ Anh sẽ gặp lại.
Quen như xe đạp ở miền Nam, tôi định nhờ anh đèo, hoặc tôi sẽ đèo anh cùng đi. Nhưng khi nhìn lại chiếc xe đạp anh dẫn ra đường, tôi có cảm tưởng chính nó cũng đã phải lặc lè mang một mình anh, nên tôi kìm lại, chỉ tươi cười:
- Ừ! Có thể chúng mình gặp lại nhau ở Kỳ Anh thì vui!
Anh gò lưng đạp chiếc xe lọc cọc trên con đường nóng bỏng, gặp ghềnh như nỗi niềm của người dân sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt của loài người!
Còn lại một mình, đường không một bóng người, tôi chưa muốn đi ngay vì chiếc dép râu cọ vào làm chân đã lột da, đau và xót. Đi giầy đã quen, bây giờ xỏ dép râu, lại phải đi bộ xa nên tôi cứ dùng dằng mãi rồi mới đứng dậy đi. Vừa đi, tôi vừa nhìn cảnh vật nhà cửa hai bên đường. Đất Hà Tĩnh thật nghèo nàn khổ cực. Cây lúa ở ruộng chỉ cao chừng 30 phân, mỗi cây chừng 5, 6 bông nho nhỏ, vì ruộng không những thiếu nước mà còn toàn là cát. Tôi nghĩ rằng, người dân ở đây làm được một bát gạo thì phải đổ một bát mồ hôi. Thế mà, chỉ được hưởng một phần mười của bát gạo đó thôi, do cách quản chế bóc lột tinh quái của cộng sản. Tôi cứ đi khoảng 2, 3 cây số, thấy một chiếc bụi bên đường lại chui vào trốn nắng. Suốt hai bên đường, hàng chục cây số không có một cây to nào, toàn những bụi cây khô cằn thấp lè tè. Cái đất kinh khủng, cây và cỏ cũng khó mọc.
Một lần, tôi đang ngả người nằm nghỉ cạnh một bụi cây ở mé đường, mặt đường nắng chói chang, hơi nóng hừng hực từ mặt đường nhựa bốc lên làm tôi lóa cả mắt. Óc tôi đang miên man tính những chặng đường phải đi tới, bỗng nhiên một tiếng “soạt” như ai ném một hòn đá vào một bụi cây ở gần đấy. Tôi ngồi bật dậy, lắng nghe, lướt nhanh mắt toàn bộ chung quanh, vẫn im vắng. Không thể có người nào ở giữa đường trống nóng như thiêu này. Dù vậy, tôi phải biết nguyên nhân của tiếng động vừa rồi. Tôi khẽ trườn sang phía bụi cây có tiếng động. Sau khi quan sát, tôi thò tay bới đám lá rậm. Bỗng vụt! Một con chim màu nâu, to bằng con chim ngói bay ra. Tôi chả biết chim gì, nhưng thấy nó bay không bình thường, tôi lướt nhanh đuổi theo, và vồ được. Nó thở hổn hển, mỏ vãi máu. Tôi sờ khắp người nó, không có một chỗ nào bị thương. Sau, tôi suy đoán, có thể vì trời nóng quá sức, nó không thể bay tới những nơi có nước. Vì vậy, tôi nhường chiếc khăn che đầu, bọc che nắng cho nó và mang theo.


Đi gần hai cây số nữa, tới một chiếc cầu, nhìn xuống dưới cầu, mãi dưới đáy có một dòng nước nhỏ như con suối con. Cả chim và tôi đều cần nước. Tôi mon men tìm cách xuống tới giòng suối. Tôi vừa len lỏi vừa nhìn lên chiếc cầu cao tít trên mặt đường. Có thể mùa mưa, mùa nước, đây là một dòng sông. Tôi xuống rửa mặt, rồi cho cả người và chim uống nước. Đúng là nó bị khát nước quá, nó uống tới đâu, tình dần tới đó. Thế mà chẳng hiểu vì sao nó lại không bay đi. Tôi phải mang nó theo mãi gần tới Kỳ Anh. Mặt trời đã khuất sau dẫy Trường Sơn. Những chòm xóm hai bên đường đã lác đác bóng người ra ngoài. Đến một con đường đầu làng, thấy một em bé chừng 9-10 tuổi, hai chân toàn bùn đất. Tay đang cầm một chiếc thừng dẫn một con trâu gầy bên vệ đường, tôi gọi và giơ con chim ra hiệu, cho em. Em nhìn con chim một lúc rồi lắc đầu không muốn lấy. Tôi hơi lấy làm lạ về thái độ em bé nhà quê, nghèo này. Ngay khi tôi còn bé, có được một con chim như vậy thật là thích thú. Vậy tại sao em lại không lấy" Tôi đành mang con chim đi một đoạn đường nữa, gặp một bác nông dân gánh hai chiếc thúng, tuy có hai cái nia con đậy, nhưng dáng đi của bác nhẹ tênh. Bác đang đi ngược chiều với tôi phía bên kia đường. Khi ngang qua, từ bên này đường, tôi giơ con chim ra gọi bác, hỏi bác có lấy con chim này không. Bác nhìn tôi một lúc, như xem tôi nói đùa hay nói thực rồi mới gật đầu.
Về con chim, lúc đó chả có một ý nghĩ gì. Chỉ vì tính yêu thiên nhiên và thích chơi đùa nghịch ngợm, nên dù đang trên đường vào sâu trong lòng địch, tôi đã đuổi bắt. Nhưng sau này, tôi kể chuyện cho các anh, các bác trong tù, họ đều nói:
- Đó là cái điềm của cậu đấy, may mà cậu cho con chim ấy đi, nên còn sống. Nếu cậu ăn thịt con chim ấy thì cậu không còn dịp nào kể chuyện lại cho chúng tôi nghe nữa đâu, vì cậu đã hai năm mươi rồi. Người ta kỵ nhất: Chim sa, cá nhẩy.
Nghe để mà nghe, chứ tôi không thể tin được những chuyện vô cớ như thế. Từ óc thực tế, tôi luôn luôn nhìn sự việc trên cơ sở lý luận khoa học. Nhưng con người cũng thật mâu thuẫn. Vì cứ tù mãi, chịu đựng những ngày tháng lê thê cùng cực gần hết cả cuộc đời. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến con chim ấy.
Đi một đoạn đường nữa, xa xa đã thấy một khu chừng vài chục mái nhà tranh, trông thật nghèo nàn lụp xụp. Một chiếc biển gỗ to, đóng ngang trên hai cái cột, dựng ở cạnh đường. Trên tấm biển ghi HUYỆN KỲ ANH bằng chữ mầu trắng trên nền đỏ, nước sơn đã long lở bạc mầu. Lác đác đây đó một số người đi lại. Người ta gọi đây là phố huyện.
Lúc này đã hơn 6 giờ chiều, ánh nắng không còn, người ta ra ngoài đường nhiều hơn. Tôi tiến dần vào phố huyện, đang quan sát thăm dò nghe ngóng, để tùy theo tình hình tìm chỗ trọ, thì may quá, tôi thoáng thấy anh đi xe đạp đã gặp ở gốc cây, gần xã Kỳ Phương đang từ trong đó đi ra phía tôi. Thật nhẹ cả lòng! Tôi tiến đến chận đầu anh, cười niềm nở:
- Đi đâu mà ra đây"
Đôi mắt anh nhìn tôi ngỡ ngàng, xa lạ. Rồi như chợt nhớ ra, anh vồ cả hai tay vào vai tôi, vồn vã hỏi:
- Bây giờ mới tới đây à"
Tôi trả lời:
- Ừ! Trời nắng quá, tôi đợi mát, đi dần.
Qua thái độ trên của anh, tôi thấy anh toát ra một con người hiền lành thật thà mà còn vô tâm nữa. Tôi nhắc lại câu hỏi khi nãy:
- Anh đi đâu ra đây, xe đạp đâu rồi và trọ ở đâu"
Mắt anh long lanh, miệng anh rối rít, tay chỉ về phía một dãy chòi con con chéo đấy:
- Xe tôi gửi ở nhà trọ. Tôi vào trong kia đi tiêu một chút, chờ tôi một tý thôi, rồi tôi ra mua thuốc lá cho mà hút. Chúng mình về cùng trọ một chỗ nói chuyện cho vui.
Tôi còn chân ướt chân ráo, ngơ ngác chưa biết trọ ở đâu, cách thức trọ ra sao, giờ gặp anh thì nhất rồi còn gì! Chừng năm phút sau, anh ra. Anh kéo tay tôi dẫn vào một cửa hàng tạp hóa nhỏ treo một tấm biển: Bach Hóa Tổng Hợp. Anh mua một hào được 6 điếu thuốc Trường Sơn. Nếu mua cả gói thì 3 hào. Anh vỗ vai, đưa tôi một điếu. Thái độ của anh tỏ vẻ như đây là một ân tình đặc biệt anh dành cho tôi. Đã mấy ngày không ăn cơm, lại vừa cuốc bộ một đoạn đường dài, lúc này mới thấy đói và mệt, nên tôi hỏi anh:
- Anh đã ăn cơm chiều chưa"
Anh lắc đầu, tay chỉ vào phía trong:
- Chưa, tý nữa vào kia, chúng mình cùng đi ăn.
Tôi kéo anh trở lại hiệu bách hóa:
- Tiện, tôi cũng mua một hào thuốc để hút.
Nhà trọ là hai căn nhà tranh nhỏ, mỗi nhà có hai dẫy giường dài bằng những cây nứa bổ đôi ghép lại. Những chiếc chiếu cói đã cũ mèm, rách nhiều chỗ. Vì thế, nằm giường nhưng như nằm trên đống củi, vừa đau người lại vừa ọp ẹp. Đưa giấy thông hành nộp cho bà chủ trọ. Hai hào thì không có mùng, bốn hào thì có mùng. Trí nói:
- Chúng mình hai người một mùng thôi, đỡ tốn.
Tôi đồng ý. Lúc này, tôi đã biết tên anh là Trí. Anh cũng gọi tôi là Hùng theo giấy tờ. Khi sang tới quán cơm quốc doanh, cũng là chỗ bán hàng cơm duy nhất ở phố huyện, tôi có ý định mời Trí ăn cơm. Tôi còn đang do dự, Trí đã quay lại hỏi:
- Hùng định ăn 2 hào hay 4 hào" Hãy xếp hàng sau tôi.
Tôi chưa biết rõ thế nào, nên trả lời:
- Để cho vui, tôi sẽ ăn theo anh, anh ăn gì tôi ăn nấy!
Thấy Trí lấy 4 hào ra cầm tay, tôi cũng lấy 4 hào. Đã mấy ngày nay chưa có hạt cơm nào trong bụng, tôi đinh ninh rằng sẽ phải chén hai đĩa mới thỏa. Đây cũng là lần đầu tiêu nếm cơm xã hội chủ nghĩa, đỉnh cao trí tuệ loài người. Tay tôi vừa cầm đĩa cơm theo Trí ra một chiếc bàn trống, vừa nhìn đĩa cơm. Hai phần là cơm, một phần là sắn khô thái mỏng. Những miếng sắn, có lẽ lâu ngày, hoặc khi phơi không được nắng nên mầu đen đen. Cả cơm và sắn nấu lẫn lộn thành một thứ cơm xam xám. Một miếng cá khô bằng hai ngón tay và nửa lá rau riếp. Trên mỗi đĩa cơm đã cắm sẵn một cái thìa nhôm. Tôi theo Trí đến một mé vách có treo một cái ống bương to đựng đũa để lấy một đôi đũa tre.
Bàn nào cũng trống trơn, chẳng có nước mắm hay ớt. Tôi lựa xúc chỗ cơm không cho vào miệng. Nó vừa chát vừa đắng ngắt. Nhìn Trí, nhìn người khác, họ vẫn ăn ngon lành, ấy là nhiều người họ ăn loại hai hào, đĩa cơm chỉ rưới tí nước mắm thôi đấy. Mình đã lịch sự, cao cấp hơn, có cá, thế mà, tuy bụng đói, tôi phải cố gắng tọng vào, nhai như mọi người, cho có vẻ hòa đồng. Miệng nhai nhóp nhép, tâm tư tôi chạnh tưởng về một cảnh đời ở một phương trời bên ấy. Chỉ mới hai ngày trước đây thôi, những người họ đang ăn uống phè phỡn, thừa thãi thức ngon vật lạ, họ có thấy được đầy đủ giá trị của cuộc sống" Hai không gian, hai cảnh đời, tuy cùng chung một mảnh dư đồ nước non!
Tôi đã cố gắng ăn, nhưng cũng chỉ được nửa đĩa. Tôi sợ họ thấy lạ, nên tôi ghé sang Trí ôm bụng, mặt nhăn nhó:
- Không hiểu sao, tôi đang ăn, đau bụng quá!
Tôi vẫn xoa bụng, trong khi Trí băn khoăn bảo tôi hãy ăn cố đi. Tôi vừa đẩy đĩa cơm sang Trí, vừa lắc đầu:
- Tôi đau lắm! Quen rồi, đã đau mà còn ăn nữa, lại càng đau thêm. Trí ăn hộ đi!
Ngần ngừ một lúc, rồi Trí ăn ngon lành. Tôi cứ giả vờ ngồi ôm bụng nhăn nhó. Khi về tới nhà trọ, trời đã tối. Nóng vô cùng. Trí dẫn tôi ra mua hai cái quạt giấy, mỗi cái một hào. Mỗi người đều trả riêng. Thực ra tôi không thiếu tiền, nhưng tôi phải giữ ý với Trí.
Bắt đầu thân, khi vào trong mùng. Trí than cuộc sống ở đây khổ cực quá. Trí rút ví lấy cho tôi xem một cái ảnh vợ anh đang bế hai đứa con nhỏ. Nằm bên nhau, Trí và tôi tâm sự. Tôi được biết, Trí cùng vợ con và bố mẹ ở Thái Lan về nước năm 1956. Bây giờ, nhà nước đưa về Bến Thủy (Vinh). Bố mẹ Trí làm nghề đánh cá, còn Trí sửa chữa xe đạp. Trí khoe, ngày còn ở Thái Lan, cuộc đời thật thảnh thơi, chẳng bao giờ phải lo nghĩ đến chuyện ăn uống. Thường có nhiều bạn bè chơi bời, chuyện trò thân mật. Chủ Nhật ngày nghỉ thường rủ nhau đi chụp ảnh, rất vui. Bây giờ nghèo nàn vất vả quá. Có cái gì cũng cứ phải bán dần để ăn, cuối cùng còn ít nào phải mua vội một chiếc nhà tranh để ở. Trí nói rất quý tôi, cứ căn dặn khi đi Hà Nội chữa bệnh trở về, thế nào cũng vào chơi. Trí sẽ giới thiệu bố mẹ và vợ, rồi nhất định phải giết một con gà cho ăn (7 năm đã tiêm nhiễm phong cách xã hội chủ nghĩa, giết gà là một chuyện ghê gớm và đặc biệt).
Sáng hôm sau, chúng tôi ra lấy giấy tờ. Trí cũng định đi xe đò với tôi, nhưng chờ mãi 8 giờ chưa có xe. Mấy người có xe đạp họ rủ nhau đi trước. Đoạn đường 52 cây số từ Kỳ Anh tới thị xã Hà Tĩnh. Trí đi theo họ nên từ giã tôi, căn dặn, tả nhà cửa v.v… là thế nào đi về cũng ghé vào. Tôi đồng ý. Tôi ở lại cùng bao nhiêu người khác chờ xe để đi thị xã Hà Tĩnh. Mãi tới 10 giờ mới có một chiếc xe kiểu “Dodge 4” xọc xạch, cổ lỗ sĩ có thể từ thời 1954, thùng xe đã phải chấp vá lung tung, không mui. Một đồng rưỡi một vé ra thị xã Hà Tĩnh. Hành khách chen chúc, không có ghế, toàn đứng nêm vào nhau. Đường xóc vô kể. Trên xe, người cứ ngã nghiêng xiêu vẹo. Phụ nữ ngồi, đàn ông đứng, thật hỗn độn. Tôi đứng cạnh một anh Hải Quân chừng 23, 24 tuổi. Nhiều lúc xô mạnh như những người say rượu vì đường quá xấu, nên đôi khi phải ôm chầm vào nhau.
Khi tới Hà Tĩnh, tôi thấy thị xã gì mà như phố huyện ngày xưa, toàn nhà tranh, thỉnh thoảng mới có một cái nhà xây cũng cóc gặm và đen nhẻm do những năm tháng nghèo nàn, nên không hề sửa sang. Tôi và anh Hải Quân đi với nhau. Anh rất có cảm tình với tôi. Phần tôi, bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng đóng vai một học sinh ở Vĩnh Linh. Tôi theo anh thì tuyệt quá! Đi với một Hải Quân (tên anh là Hảo, anh mặc đồng phục Hải Quân,) vừa không phải bỡ ngỡ từ cảnh vật xa lạ tới mọi cách sinh hoạt đi đường. Lại còn được một “vỏ bọc” vững vàng, ít bị để ý. Anh cho tôi địa chỉ viết thư, đơn vị anh đóng ở Vinh, anh bảo:
- Chỗ đơn vị đóng thường bí mật, chỉ giao thiệp thư từ với người nhà, tuyệt đối không được cho một ai biết. Đây là địa chỉ người quen ở Vinh, thỉnh thoảng tôi ra nhận thư. Tôi muốn làm bạn với Hùng. Khi Hùng chữa bệnh về, thế nào cũng viết thư cho tôi nhé. Suốt quãng đường từ thị xã Hà Tĩnh ra thị xã Vinh, tôi với anh là một cặp. Đi với Hảo tôi rất thoải mái. Có lúc Hảo thân mật:
- Đơn vị đóng ở Bến Thủy từ hai năm nay được lệnh tăng cường “phòng gián bảo mật” vì miền Nam nó đang tung gián điệp ra ngoài Bắc.
Tôi hỏi:
- Thế ta đã bắt được vụ nào chưa"
- Thế Hùng không nghe ta bắn rơi chiếc C-47 ở Cồn Thoi hay sao"
Tôi gật đầu:
- Tôi muốn hỏi là bắt được ở trong nội địa cơ"
Y lắc đầu:
- Cái đó, mình làm sao mà biết được.
Đến Bến Thủy, khi còn ở phía bên này sông, tôi thoáng thấy Trí trong căn nhà tranh nhỏ Trí đã tả. Trí đứng ở cửa cố nhìn lên xe tìm tôi, nhưng tôi nép vào chỗ khuất. Đến phà Bến Thủy, Hảo bắt tay từ giã tôi. Tôi theo xe về thị xã Vinh. Về tới Vinh, trời đã cập quạng, khoảng 7 giờ rưỡi gì đó. Tôi theo những người đi trọ ở một nhà trọ tập thể để mai lấy vé đi Hà Nội.
Nhìn thoáng thành phố Vinh, ngoài một số xí nghiệp, nhà máy ở vùng ven, trong thành phố thật quê mùa, một nửa là nhà tranh. Khách bộ hành trên đường phố, nếu không đi dép râu là đi… đất. Trong khi xếp hàng nộp giấy thông hành lấy vé trọ, trời thì tối, tôi đứng sau một anh bộ đội mang ba lô và mang lon Trung sĩ. Tại một chiếc bàn nhỏ, trên đặt một ngọn đèn chai, một cậu chừng mười lăm, mười sáu đang xem giấy tờ của từng người rồi bán vé. Người nào nó xem giấy, nó cũng hạch hỏi nào là:
- Đến Vinh để làm gì"
- Năm nay đã đến Vinh mấy lần"
- Gốc quê ở đâu"
- Còn giấy tờ gì nữa" v.v…
Mọi người xếp hàng sốt ruột. Khi gần tới viên Trung sĩ, thấy nó cứ hạch hỏi người trước anh mãi, anh ta bực quát:
- Cái thằng này, mày làm cái gì mà mày hạch hỏi người ta nhiều vậy" Mày làm như ở đây có gián điệp không bằng!
Tôi cười thầm, “gián điệp đang đứng ngay sau mày đây!”
Cũng nhờ anh đó quát tháo, những người sau đỡ bị vặn hỏi. Nhà trọ bến xe Vinh cũng là nhà tranh, nhưng hai dẫy dài hơn. Cũng một giá tiền, hai hào không mùng và bốn hào có mùng. Cũng sàn nứa ọp ẹp lùng bùng như ở Kỳ Anh. Cái mùng cá nhân đen xì, rách lung tung và sực mùi hôi khăn khẳn của nhiều người và nhiều ngày không giặt. Đêm đó rệp cắn ngứa ngáy suốt đêm, tôi thật khó ngủ. Khoảng một giờ đêm, thấy ngưòi ta hét lên kêu mất trộm inh ỏi ở dẫy bên, tôi cũng phải sờ lên cái túi gối ở đầu, rồi buồn cười nghĩ thầm: “Là một điệp viên thừa sống, thiếu chết, vào được đất địch rồi, ngủ, có cái túi dết vật dụng lại để bị mất trộm.”
Sáng hôm sau, mới 5 giờ sáng đã có tiếng loa gọi khách dậy ra lấy giấy tờ. Đã quen thuộc, nên tôi ít phải ngỡ ngàng khi lấy vé xe lên Hà Nội. Xe đò đi Hà Nội có ghế ngồi, mặc dù cũng cóc gặm rách như tổ đỉa. Đoạn đường từ Vinh lên Hà Nội, có lúc hành khách phải xuống xe đi bộ qua cầu, vì cầu cũ kỹ không chịu nổi sức quá nặng khi chở cả người, như cầu Lèn Thanh Hóa, cầu Quất Ninh Bình, v.v… Đường đi thật ghê, thậm chí có lúc xe xóc đầu hành khách va cả lên mui xe. Tôi nghĩ những người thợ vặn những con tán (vít) của xe thật tài. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.