Hôm nay,  

Tin Nước Úc

21/02/201000:00:00(Xem: 2351)

Tin nước Úc

VIC: THỦ HIẾN BRUMBY HỨA HÀNH ĐỘNG SAU BẦU CỬ BỔ SUNG ALTONA

MELBOURNE: Sau phản ứng mạnh mẽ của cử tri trong kỳ bầu cử bổ sung ở đơn vị Altona hôm thứ Bảy 13/2/10 vừa qua thì thủ hiến John Brumby hứa hẹn sẽ cố tiến hành nhanh chóng những dự án về giao thông chuyên chở công cộng cũng như các kế hoạch nhằm đối phó với các vụ bạo động dính líu đến rượu bia.
Ứng cử viên của đảng Lao động là bà Jill Hennessy giữ được ghế Altona cho chính phủ, thế nhưng tỷ lệ 12% cử tri bỏ Lao động để yểm trợ cho Tự Do là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chính phủ tiểu bang Victoria có thể sẽ rất vất vả trong kỳ bầu cử tiểu bang vào tháng 11/2010 tới đây. Ông Brumby cho biết ông đang “lắng nghe” những người đã chỉ trích chính phủ ông trong thời gian vận động bầu cử cho đơn vị Altona, đặc biệt là về hai vấn đề giao thông chuyên chở công cộng và an ninh. Ông nói: “Hai vấn đề được bày tỏ mạnh mẽ nhất là việc chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa trong vấn đề giao thông chuyên chở công cộng và cần phải làm nhiều hơn nữa trong việc đối phó với những bạo động bắt nguồn gốc từ say xỉn, rượu bia. Tôi nghĩ rằng kế hoạch của chúng tôi trong hai lãnh vực này là kế hoạch đúng đắn, nhưng tôi nghĩ rằng chuyện mà người dân Altona bảo tôi là họ muốn chúng tôi phải có hành động nhanh chóng hơn. Họ muốn chúng tôi làm nhiều hơn, họ muốn chúng tôi tiến hành với những dự án này một cách mau chóng hơn và tôi vững tin rằng chúng tôi có thể làm chuyện ấy”.
Ông Brumby cho biết ông cũng thấy bực mình vì những sự trì trệ trong việc thực hành những kế hoạch của chính phủ. Ông hứa hẹn sẽ làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự việc nhanh chóng hơn. Ông khẳng định: “Suốt phần còn lại của năm nay quý vị sẽ thấy nó là một năm của hoạt động tích cực và hành động”.
Với 85% số phiếu được đếm vào chiếu Thứ Bảy 13/2/10 thì bà Hennessy đã chiếm được 58% phiếu, tính theo sự chọn lựa giữa hai đảng, còn ông Mark Rose ứng cử viên Tự Do được 42%.
Tuy nhiên, phe đối lập tiểu bang chỉ cần sự thay chiều đổi hướng của 5,4% cử tri toàn tiểu bang là có thể giành được chính quyền.
Lãnh tụ đối lập Victoria, ông Ted Baillieu tuyên bố trên đài truyền thanh 3AW rằng sự thiếu hụt cảnh sát là một mối quan ngại lớn lao của cử trị. Ông nói: “Chúng ta được nghe nhiều sự vẽ vời, nhưng chúng ta không hề có được thêm cảnh sát viên trên đường phố”. Bà Hennessy được xem như một ngôi sao đang lên trong nội bộ đảng Lao động và có thể sẽ là một bộ trưởng nếu chính phủ của ông Brumby được tái đắc cử trong kỳ bầu cử cuối năm nay.
Tưởng cũng nên nhắc lại cuộc bầu cử bổ sung này được tổ chức sau khi nữ bộ trưởng giao thông Lynne Kosky đột ngột từ nhiệm hôm 18/1/2010 vừa qua.

KẸT XE LÂU HƠN TRONG GIỜ CAO ĐIỂM
SYDNEY: Kể từ thứ Ba 16/2/10 vừa qua, người dân ở miền Tây Sydney lái xe đi làm sẽ phải bị kẹt xe lâu hơn trong giờ cao điểm vì xa lộ M4 trở thành miễn phí sau 17 năm phải nộp tiền lệ phí sử dụng. Thời gian di chuyển trên con đường huyết mạch chính này của Sydney, vốn đang được 110.000 tài xế sử dụng hàng ngày, sẽ gia tăng thêm ít nhất là 27% sau khi trở thành miễn phí.
Một bản báo cáo của Tổng Giám Sát Ngân Khố (auditor-general) được soạn thảo trong năm 2009 vừa qua để chuẩn bị cho việc bãi bỏ lệ phí sử dụng cho thấy một chuyến đi từ miền Tây vào thành phố sẽ kéo dài từ 24 phút lên 30 phút rưỡi. Sở Giao Thông (Roads and Traffic Authority- RTA) đã lên tiếng cảnh cáo hôm đầu tuần rằng trong vài tuần lễ tới đây sẽ có thêm nhiều tài xế sử dụng xa lộ này để “thử đường mới đi đi về về thành phố”.
Lãnh tụ đối lập tiểu bang, ông Barry O’Farrell cho rằng gánh nặng này lẽ ra đã được giảm thiểu nếu chính phủ tiểu bang trước đây chịu đầu tư vào các phương tiện giao thông chuyên chở công cộng cho miền Tây Sydney. Ông nói hôm thứ Hai 15/2/10: “Chính phủ Lao động đã biết từ 15 năm về trước là lệ phí sử dụng M4 sẽ được bãi bỏ ngày mai”. Tuy nhiên, chính phủ vẫn không hề hối hận gì về việc bãi bỏ lệ phí sử dụng xa lộ, vốn được chính phủ Tự Do đề ra từ năm 1993. Bộ trưởng Giao Thông David Campbell tuyên bố: “Đây là một tin vui cho người lái xe, đặc biệt là cho những gia đình sinh sống ở miền Tây Sydney”.
Bản báo cáo của tổng giám sát cũng cảnh cáo rằng thời gian xếp hàng chờ đợi vào được xa lộ cũng sẽ gia tăng. Đến sang năm thì sẽ có thêm ít nhất 500 xe mỗi giờ sử dụng xa lộ vì nó trở thành miễn phí so với lượng xe trong tháng 10/09. Thêm vào đó sẽ có thêm 1.500 xe mỗi giờ từ sự phát triển bình thường.

HĐTP FRANKSTON THUÊ CẢNH SÁT

MELBOURNE: Một HĐTP ở Melbourne, quá chán ngấy với việc thiếu hụt cảnh sát để đối phó với tội ác nên đã tung tiền ra thuê một lực lượng bảo an tư nhân tuần tiễu đường phố địa phương của họ. HĐTP Frasnkston sẽ chi ra khoảng $250.000 Úc Kim để thuê 8 nhân viên bảo an tuần tiễu trong một cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tháng nhằm đối phó với tệ nạn phạm pháp và những hành vi chống phá xã hội.
Phó thị trưởng Brian Cunial- một cảnh sát viên đang tòng sự tại đồn cảnh sát Frankston- cũng nằm trong số những nghị viên thuộc HĐTP yểm trợ chương trình “thuê cảnh sát” này. Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một trận ẩu đả dữ dội ở Skye, gần Frnakston trong đêm Thứ Bảy 13/2/10 vừa qua thì một chai bia đã được ném vào kiếng xe cảnh sát khiến nó vỡ tan và mảnh văng tung tóe vào các cảnh sát viên trong xe.
Thị trưởng Christine Richards cho biết sự thiếu hụt cảnh sát trầm trọng đã khiến HĐTP không còn sự chọn lựa nào khác cả. Bà cũng bực dọc nói rằng lẽ ra không một HĐTP nào phải chọn lựa giải pháp này cả. Bà nói: “Đây là trách nhiệm của chính phủ tiểu bang. Cảnh sát địa phương của chúng ta làm việc rất tích cực, nhưng họ không có đủ tài nguyên để đi bộ đi tuần (foot patrols) và vì thế, chúng tôi phải điền khuyết vào chỗ trống. Chúng tôi không phải đơn độc trong vấn đề này. Nhiều HĐTP khác cũng gặp khó khăn tương tự về sự thiếu hụt cảnh sát”.
Bà cũng cho biết thêm là các thương nghiệp, bệnh viện và thậm chí ngay cả đại học Monash University đều cho biết họ khó thuê được nhân viên bởi vì cái xú danh của Frankston hiện nay. Chánh thanh tra Ron Cooke thuộc đồn cảnh sát Frankston cũng lên tiếng yểm trợ kế hoạch này. Ông nói: “Bất kỳ một sáng kiến nào khả dĩ cải thiện an ninh xã hội và tái lập sự tin tưởng của dân chúng cũng tốt cả”.

KHÔNG GIẤY PHÉP KHAI THÁC THAN MÀ ĐÒI BÁN THAN

BRIBANE: Tỷ phú Clive Palmer không hề nộp đơn xin quyền khai thác hầm mỏ (lease of mine) với hàng trăm triệu tấn than mà ông đã ký hợp đồng xuất cảng cho các công ty điện lực ở Trung Hoa. Một phát ngôn nhân của Bộ Nhân Dụng, Phát Triển Kinh Tế và Sáng Kiến (Department of Employment, Economic Development and Innovation- DEEDI) xác nhận rằng tay đại bản này chỉ xin được giấy phép khảo sát (exploration permits) cái mà ông đại bản này cho là dự án hầm mỏ vĩ đại nhất thế giới ở bể than Galilee ở miền trung Queensland mà thôi.
DEEDI cho biết tất cả các đơn xin phép đều sẽ phải trải qua “một tiến trình duyệt xét nghiêm khắc”, trong lúc các nhóm bảo vệ môi sinh tuyên bố rằng dự án khai thác hầm mỏ khó thể nào khởi công được trong cuối năm nay nếu những cuộc khảo sát kỹ lưỡng về tầm ảnh hưởng của nó được thi hành đúng đắn. Bà Patricia Julien, chủ tịch một liên minh của nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh tại những khu vực bị ảnh hưởng từ dự án này cho biết: “Nếu những thủ tục đúng đắn được tuân thủ thì không thể nào trong khoảng thời gian này mà nó có thể xảy ra được. Những thủ tục này được đặt ra để bảo vệ giá trị môi sinh của đất nước này, ấy vậy mà cả chính phủ tiểu bang lẫn ông Palmer đều dùng những ngôn ngữ vốn gợi lên một cách thật mạnh mẽ cái ý tưởng là chính phủ Queensland, trong sự tuyệt vọng muốn cải thiện hoàn cảnh kinh tế của tiểu bang, sẽ cố hết sức để thông qua hợp đồng này và chỉ đóng mộc lấy lệ mà thôi”.
Tưởng cũng nên nhắc lại ông Palmer và thủ hiến Anna Bligh tuần qua đã đưa ra một bản thông cáo chung về hợp đồng bán 30 triệu tấn than đá cho một công ty điện lực Trung Hoa và trong suốt tuần qua ông phải trả lời những nghi vấn về hợp đồng này, kể cả việc thú nhận rằng ông đã nêu sai danh tính của công ty mà ông thương lượng cũng như một số thông cáo báo chí từ công ty này. Ông cũng thú nhận rằng đấy không phải là một hợp đồng kinh doanh thực sự, mà chỉ là “một cái sườn về sự thỏa thuận” mà thôi!
Hơn thế nữa, ông Palmer cũng phải thú nhận rằng cái con số $69 tỷ Úc Kim mà ông cho là trị giá của hợp đồng thật ra đó chỉ là con số mà ông ước lượng, dựa theo sự phỏng đoán của ông về giá than đá trong thời gian 20 năm nữa!

CẢNH SÁT VICTORIA CÓ DÍNH LÍU VÀO VỤ CƯỚP THUỐC LÁ $4 TRIỆU"!

MELBOURNE: Theo nhật báo Herald Sun ngày 16/2/10 vừa qua thì một cảnh sát viên đương nhiệm ở Victoria đang bị điều tra vì bị cho rằng đã “bật đèn xanh” cho một vụ cướp có võ trang khổng lồ. Tuy tờ báo không nêu đích danh cảnh sát viên này, nhưng bản tin cho biết Văn Phòng Kiểm Soát Hạnh Kiểm Cảnh Sát (Office of Police Integrity- OPI) gần đây đã mở lại hồ sơ để nghiên cứu vụ cướp thuốc lá trị giá $4 triệu Úc Kim trong thập niên 1990 tại một kho chở hàng bởi một bọn cướp có võ trang.
Hai nhân viên an ninh bị bọn cướp đeo mặt nạ dùng súng uy hiếp lúc bấy giờ là cảnh sát viên từ một đồn cảnh sát trong thành phố làm việc thêm trong giờ nghỉ. Bài báo cũng cho biết thêm rằng đã từ lâu, các chuyên viên điều tra chống tham nhũng vẫn nghi ngờ có sự dính líu của cảnh sát vào vụ cướp. Ít nhất 10 cảnh sát viên sau đó đã bị thẩm vấn về vụ cướp này, lúc bấy giờ là vụ cướp lớn nhất ở Úc.
Tờ Herald Sun cho rằng những mối liên hệ giữa những kẻ bị điều tra về vụ cướp và người cảnh sát viên hiện đang bị điều tra đã từng được nghiên cứu qua trước đây.
Một trong những kẻ bị tình nghi có dự phần là một tay tội phạm chuyên nghiệp từng bị kết tội cố hối lộ cảnh sát và tội trồng cần sa ở tầm cỡ lớn. Sự quan ngại về những mối quan hệ ngoài giờ làm việc của cảnh sát viên bị điều tra này lên đến tận những cấp cao nhất trong lực lượng cảnh sát Victoria. Có một dạo sự qua lại của ông ta với ông trùm của một trong những gia đình tội phạm lẫy lừng nhất Melbourne cũng bị dò xét cẩn thận.
Cũng theo tờ Herald Sun thì trong thời gian mà ông trùm bị theo dõi thì những điều tra viên chống tham nhũng để ý thấy rằng trong nhật ký làm việc của cảnh sát viên này không ghi chép nhiều cuộc gặp gỡ với ông trùm, vốn là một tay buôn nha phiến và đồng thời là một kẻ trộm.
Một phát ngôn nhân của OPI cho biết OPI đang duyệt xét lại hồ sơ từ Ethical Standards Department và những cuộc điều tra trước đây. Phát ngôn nhân này nói: “Chúng tôi không thể bình luận về việc tái duyệt này cũng như về bất kỳ một cuộc điều tra nào đang tiến hành”.
Lực lượng cảnh sát Victoria từ chối không lên tiếng.

TONY ABBOTT SẼ LẬP WORKCHOICE

CANBERRA: Lãnh tụ đối lập liên bang Tony Abbott cho biết ông muốn tái áp dụng một số phần của đạo luật quan hệ lao tư WorkChoices của chính phủ John Howard, mặc dù ông vẫn khư khư tuyên bố rằng đạo luật này đã thực sự chết rồi. Ông cho biết ông muốn nới lỏng luật về sa thải bất công cho giới tiểu thương và đồng thời mang trở lại những hợp đồng cá nhân không dính líu đến công đoàn nếu ông thắng cử trong kỳ tổng tuyển cử năm nay. Ông nói: “Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho thương giới có lời nhiều hơn và cho công nhân được nhiều lương hơn. Đó là điều mà chúng ta có được dưới thời chính phủ John Howard. Và đó là điều mà chúng ta cần để có thể tiến tới ở đất nước này”.


Tưởng cũng nên nhắc lại, dưới luật WorkChoices của John Howard, vô số người làm công ăn lương, thợ thuyền, công nhân đã bị chủ nhân ép buộc phải ký hợp đồng cá nhân để không được tăng lương trong nhiều năm, hoặc chỉ tăng lương 2 xu (như vụ chuỗi tiệm Spotlight) và phải làm việc dài giờ mà không được hưởng tiền overtime.vv.
Chính phủ liên bang cho biết những thay đổi của chính phủ trong lãnh vực quan hệ lao tư được áp dụng để đơn giản hóa hành chánh cho thương giới và bảo vệ người lao động  tốt hơn. Tuy nhiên, ông Abbott cho biết đạo luật Fair Work hiện nay đã nâng cao tiền giờ phụ trội (penalty rate) và dẫn đến việc giới chủ nhân phải tốn thêm nhiều tiền trả lương cho nhân công. Ông tuyên bố rằng hiện nay giới chủ nhân, người lao động làm việc ăn lương và giới tiêu thụ đều bị thiệt thòi hơn xưa.
Đây là một sự mâu thuẫn không nhỏ với điều mà ông nói là công nhân thợ thuyền dưới thời WorkChoices công nhân được lãnh lương nhiều hơn hiện nay. Phó thủ tướng Julia Gillard cho biết những dự định của ông Abbott là một bước lùi đáng kể cho những người làm việc ăn lương. Bà nói: “Có một câu ngạn ngữ rằng nếu nó  lạch bạch như một con vịt, và nó cạp cạp như một con vịt, thì nó phải là một con vịt. Nếu đạo luật nào cho phép hợp đồng cá nhân cày nát cái lưới bảo vệ tối thiểu, nếu nó gạt mất quyền được bảo vệ không bị sa thải bất công thì nó đích thị là WorkChoices”.
Bà Gillard cho biết luật lao tư của chính phủ hiện nay rất công bình.  Bà nói: “Khi chúng ta xem xét lại con số thống kê về đạo luật  Fair Work của chúng tôi thì con số vụ đình công giảm sụt rõ rang. Dĩ nhiên chuyện mà chúng ta thấy được hiện nay là một sự gia tăng lương hướng rất khiêm tốn, nhưng đấy là phản ảnh  của hoàn cảnh kinh tế của chúng ta”.
Trong khi đó thì phong trào công đoàn ở Úc cũng ráo riết chuẩn bị để chống trả lại chính sách lao tư của phe liên đảng đối lập sau  khi một cuộc nghiên cứu cho thấy 53% người lao động ăn lương tin rằng ông Abbott sẽ tái lập WorkChoices. Bà sharan Burrow, chủ tịch tổng liên đoàn lao công ACTU cho biết thành viên của các công đoàn đã đưa ra một thông điệp thật mạnh mẽ. Bà nói: “Họ chắc chắn không muốn nghị trình WorkChoices của Tony Abbott”.

TỔNG TRƯỞNG TRUYỀN THÔNG “HỌP MẬT” VỚI XÌ THẨU TRUYỀN HÌNH

CANBERRA: Theo tuần báo Sunday Herald Sun hôm 14/2/10 vừa qua thì  TT truyền thông Stephen Conroy (trong hình) đã có một cuộc họp mật và đi trượt tuyết với tỷ phú Kerry Stokes, chủ nhân đài truyền hình số 7 tại một trung tâm du lịch sang trọng Hoa Kỳ chỉ vài tuần trước khi trao cho các đài truyền  hình miễn phí (free to air networks) một món quà hậu hĩnh trị giá $250 triệu Úc Kim. Theo tờ Sunday Herald Sun thì TNS Conroy, một người thích trượt tuyết, gặp ông Stokes ở Vail, Colorado, vào tháng 1/2010, trong lúc chính phủ liên bang đang nghiên cứu về những yêu cầu của kỹ nghệ truyền hình miễn phí xin cắt giảm lệ phí giấy phép hành nghề của họ.
Ông Stokes đã mua nhiều bất động sản ở vùng Beaver Creek, kể cả một căn penthouse sang trọng trị giá $15,5 triệu Úc Kim. Cuộc họp mặt này xảy ra một tháng trước khi TNS Conroy cắt giảm lệ phí mà các đài 7, 9 và 10 phải trả trong hai năm tới đây, và qua đó, khiến cho chính phủ liên bang phải thiệt thòi khoảng $250 triệu Úc Kim tiền thuế thu nhập.
Quyết định cắt giảm lệ phí này tạo nhiều tranh cãi bởi vì TNS Senator Conroy cho rằng nó được đề ra nhằm bảo vệ nội dung sản xuất từ Úc của các đài này, tuy nhiên nó lại không có những điều khoản nào mang tính trói buộc các đài này phải sử dụng khoản tiền ấy cho những chương trình sản xuất ở Úc. Thay vào đó thì số tiền này đi thẳng vào phần lợi nhuận của họ.
Cả TNS Conroy lẫn ông Stokes đều từ chối không cho biết họ đã thảo luận điều gì trong cuộc họp riêng lẻ nói trên trong tháng 1/2010. Ông Stokes, qua một phát ngôn nhân, cho biết ông “thực sự thích thú” được trượt tuyết với TNS Conroy. TNS Conroy thừa nhận về buổi họp mật và cho biết cách hành xử của ông “hoàn toàn thích hợp”. Ông không hề nhắc đến việc cùng trượt tuyết với ông Stokes.  Ông nói: “Tháng rồi tôi viếng thăm Colorado trong kỳ nghỉ mát cá nhân, do chính tôi tự đài thọ, kể cả tiền vé máy bay từ Úc sang Colorado. Trong một ngày trong chuyến đi này thì tôi viếng thăm ông Stokes rồi trở về nơi tôi ở vào buổi chiều cùng ngày”.
TNS Conroy cho biết thêm ông thường xuyên họp với những người quan trọng trong ngành truyền thông để thảo luận về những vấn đề liên quan đến vai trò của ông là một Tổng Trưởng về Truyền Thông Quảng Đại và Nền Kinh Tế Điện Số (Minister for Broadband Communications and the Digital Economy). Ông nhấn mạnh: “Những người này bao gồm ông Stokes và những người cao cấp trong các công ty của ông ta, ông John Hartigan (TGĐ kiêm Chủ Tịch HĐQT của News Ltd), ông Kim Williams (TGĐ Foxtel), ông John Porter (TGĐ Austar) và ông David Gyngel (TGĐ đài số 9). Tất cả mọi cách hành xử của tôi đối với ông Stokes và những người phụ tá của ông cũng như tất cả những người khác đều hoàn toàn đúng đắn, thích hợp”.

“THỬ TÂM LÝ” CÁC TÀI XẾ NHỎ TUỔI

MELBOURNE: Một nhà tâm lý học hàng đầu đã lên tiếng kêu gọi chính phủ phải đưa ra một cuộc thí nghiệm tâm lý mang tính cưỡng bách để bảo đảm rằng chỉ có những thanh thiếu niên nào có bộ óc “trưởng thành” mới được cấp bằng lái xe mà thôi. Tiến sĩ John Reid, thuộc đại học Monash, tuyên bố rằng phương pháp duy nhất để cắt giảm số tử vong trong hàng ngũ tài xế trẻ tuổi mang bằng P là xác định được những tài xế trẻ tuổi nào có nguy cơ sẽ hành xử một cách vô trách nhiệm.
Ông cho biết mức độ trưởng thành của bộ óc thay đổi đáng kể từ người này sang người khác mặc dầu thông thường thì quá trình trưởng thành này sẽ hoàn tất trong khoảng thời gian từ 18, 19 tuổi đến khoảng 25 hoặc 29 tuổi. Con số tài xế trẻ tuổi có bộ óc chưa đủ trưởng thành có thể ở vào khoảng 5% đến 70%. TS Reid cho biết: “5% tài xế dễ có nguy cơ gây tai nạn đụng xe chết người cũng vẫn là một tỷ lệ rất cao”.
Các cuộc thử nghiệm sẽ tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra trong bộ não và cách thức mà những người trẻ tuổi này suy nghĩ cặn kẽ về những hậu quả của các hành động. TS Reid cho rằng cuộc thử nghiệm này nên là một cuộc thử nghiệm cưỡng bách cho tất cả mọi người xin bằng lái xe, tuy nhiên “chính phủ có đủ nghị lực chính trị để làm chuyện này hay không thì tôi không biết, bởi vì chắc chắn sẽ có nhiều sự chống đối ồn ào”.
Ông cũng cho biết thêm là chuyện nâng cao tuổi được cấp bằng lái là một chuyện “bất công” bởi vì nó chỉ trừng phạt một cách vô lý những cô cậu thanh thiếu niên mà bộ óc đã trưởng thành mà thôi. Những kẻ thi rớt cuộc thử nghiệm  có thể được cấp bằng lái có nhiều hạn chế hoặc có thể tự trả tiền đi chụp hình bộ não qua một phương pháp thật đắt tiền là “diffuser tension imaging” nếu họ cho rằng họ bị xếp hạng không đúng. w
NHÀ XE ĐẮT NHẤT SYDNEY

SYDNEY: Một cái nhà xe tồi tàn xập xệ chỉ cách bãi biển Bondi vài thước đã được bán với giá là $240.000 Úc Kim và qua đó tạo nên một kỷ lục mới về địa ốc ở Sydney. Cái gia đình mê biển, thừa tiền lắm bạc bỏ ra số tiền khổng lồ này không dùng cái nhà xe có diện tích 16 thước vuông để đậu xe mà để cất đồ trượt nước (surfboard & surfski) của họ.
Cách đây 4 tháng thì một căn chung cư một phòng ngủ cũng trong tòa nhà cũ kỹ, được xây từ thập niên 1920 này trên đường Brighton Boulevard được bán với giá $275.000 Úc Kim, chỉ đắt hơn cái nhà xe này có $35.000 mà thôi.
Chuyên viên địa ốc Ric Serrao thuộc công ty Raine & Horne Double Bay cho biết cái nhà xe này đã được rao bán trước đó với giá $150.000 Úc Kim nhưng chẳng ai thèm mua cả. Và cuối cùng thì sự kiên nhẫn đã mang đến lợi nhuận hậu hĩ cho người bán khi hàng xóm của họ ở Bondi ký một cái ngân phiếu là $240.000 để mua nó.
Với số tiền này, người ta có thể mua được một căn nhà ba phòng ngủ khang trang ở Mudgee. Ông Serrao nói: “Đấy là một cái giá kỷ lục cho một cái nhà xe, nhưng không phải là giá kỷ lục nếu tính thành giá mỗi thước vuông”.

NGÀY CÀNG NHIỀU NGƯỜI CẦN GIÚP ĐỠ

CANBERRA: Con số các gia đình cùng những người trẻ tìm đến các tổ chức phúc lợi xã hội xin giúp đỡ khẩn cấp ngày càng gia tăng. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của Hội Đồng Các Dịch Vụ  Xã Hội (Australian Council of Social Service- ACOSS) cho thấy những yêu cầu giúp đỡ tìm nơi trú ngụ ngày càng gia tăng bởi vì càng ngày càng có nhiều người bị ép ra khỏi thị trường thuê mướn nhà cửa vì không đủ khả năng tài chánh.
Bà Clare Martin, tổng giám đốc ACOSS cho biết những người yếu thế vẫn còn phải bị nhiều nguy cơ từ dư âm của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Bà nói: “Đây là chiến tuyến của chiều hướng chung của nền kinh tế, với những vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, danh sách chờ đợi nhà chính phủ rất dài và sự thiếu vắng những dịch vụ y tế  với giá cả phải chăng, chẳng hạn như về chăm sóc răng miệng. v.v… Quả thật là một việc đáng quan ngại khi thấy có quá nhiều người trẻ phải dựa vào sự trợ giúp của các tổ chức dịch vụ cộng đồng và bị từ chối vì sự yêu cầu nhiều hơn khả năng cung ứng của các tổ chức này”.
Cuộc nghiên cứu năm 2009 về các tổ chức phúc lợi cho thấy có sự gia tăng về nhu cầu cho các dịch vụ này cũng như sự gia tăng con số những người phải bị từ chối vì không đủ khả năng cung ứng. Các dịch vụ này nhận được 4,3 triệu lượt yêu cầu giúp đỡ, cao hơn năm trước 4%. Gần 60% các dịch vụ tham dự vào cuộc nghiên cứu cho biết họ không thể giúp đỡ tất cả mọi người tìm sự trợ giúp.
Các dịch vụ nhận được nhiều yêu cầu nhất bao gồm dịch vụ trợ giúp huấn nghệ và tìm việc làm và dịch vụ phúc lợi thanh thiếu niên với tổng cộng là 520.198 người xin giúp đỡ. Các tổ chức này phải từ chối 115.685 người đến xin trợ giúp.
Những người độc thân cùng các gia đình cần tiền mặt khẩn cấp, tem phiếu thực phẩm, quần áo là lãnh vực có nhu cầu cao thứ nhì, nhưng các tổ chức phúc lợi đã phải từ chối không giúp đỡ được cho 92.862 người.
Bà Tracy Sheather, người điều hành dịch vụ tạm trú khẩn cấp dành cho thanh thiếu niên là ParraHouse thuộc tổ chức Parramatta Mission, cho biết trước đây bà chưa bao giờ thấy cảnh cả gia đình buộc lòng phải tìm nơi tạm trú khẩn cấp chỉ vì họ không đủ sức trả tiền thuê nhà. Bà nói: “Năm ngoái chúng tôi gặp trường hợp đầu tiên. Đó là một cậu thiếu niên phải tìm nơi tạm trú khẩn cấp vì cả gia đình cậu trở thành vô gia cư. Mẹ cậu phải vào nhà tạm trú cho phụ nữ còn cha cậu thì ngủ bụi trong xe hơi”.
Bà Sheather cho biết con số người được gởi đến ParraHouse gia tăng mỗi năm trong 3 năm qua. Trong năm 2009, bà nhận được 669 lời yêu cầu trợ giúp nhưng chỉ có thể giúp được có 79 người mà thôi. Bà cũng cho biết thêm lý do chính mà thanh thiếu niên bị buộc phải rời khỏi mái ấm gia đình là sự khó khăn về tài chánh vì họ không tìm được việc làm. Bà nói: “Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi cho biết tài chánh là lý do chính khiến họ tìm đến ParraHouse. Họ nói họ cãi nhau với cha mẹ khi cha mẹ họ muốn họ tìm công việc làm mà họ không thể nào tìm được công việc nào cả”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.