Hôm nay,  

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông: Đứa Con Của Biển

26/04/200900:00:00(Xem: 3480)

Chuyện kể hành trình Biển Đông: Đứa con của biển  - Vy Vy Trần

LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cỏ, lá cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...

*

Đứa con của biển, hay là câu chuyện của một hài nhi được sanh ra dưới nước, trong một đêm mưa gió bão bùng, giữa đại dương mênh mông nổi sóng điên cuồng. Đứa con của biển cũng là câu chuyện của nàng, một thiếu phụ Việt Nam, đã sanh con trong hoàn cảnh đắm tầu, hai tay bám chặt vào một cái phao đang bị cuồng phong và sóng bạc đầu đánh tả tơi ngoài khơi Đông Hải. Đứa con của biển còn là một câu chuyện thật của một thiếu niên 17 tuổi, em học sinh Ngô Đình Đa đã hộ sanh sản phụ trong những giờ phút kinh hoàng, trên đỉnh sóng cao vút đang gào thét cùng với gió mưa, giữa đại dương đêm tối hãi hùng...
Câu chuyện bi hùng trên đây bắt đầu vào cuối tháng 7 năm 1979 tại biển Đông Việt Nam. Vào lúc 12 giờ khuya đêm đó, trời mờ mờ tối, gần 350 người được dồn xuống hầm một chiếc tầu đánh cá dài 17 mét rộng 3 mét, máy 6 bloc. Trong số đó có chàng ngồi co ro ôm hai con nhỏ, một trai 3 tuổi và một gái 6 tuổi. Còn nàng thì đã sắp đến giờ sanh, có thể lâm bồn bất cứ lúc nào.
Tầu quá nặng, thủy thủ vất bỏ lưới và nước đá ướp cá. Tài công dùng vải bố bịt ống bô máy cho đỡ ồn. Sáng sớm hôm sau, tầu đã ra xa bờ. Nhiều người hướng vế phía Tây, cố ghi lại lần chót hình ảnh quê hương yêu dấu, lòng bỗng chùng xuống, buồn tha thiết. Núi khuất dần theo những đợt sóng nhấp nhô... Phải chăng lần này ra đi là vĩnh biệt!
Tầu càng xa, sóng càng lớn, sóng lớn như mái nhà, tài công lái tầu theo lườn sóng cho tầu khỏi lật. Ai nấy say sóng, ói mửa, mùi hôi nồng nặc, nhưng nhờ có gió biển nên dễ thở đôi chút.
Tầu quá đông và chật, không ai có thể nằm xuống nghỉ ngơi được, chỉ ngồi bó gối. Thỉnh thoảng nàng lại lấy cái kéo trong cạp quần ra lau chùi sạch sẽ, rồi lại cẩn thận lận kỹ trở lại cùng với cuộn chỉ đen nhỏ. Năm nay nàng trạc 30 tuổi, trông nàng còn có vẻ khoẻ hơn chồng, người đàn ông gầy nhom và nét mặt hốc hác.
Đến trưa thì từ xa một tầu lớn đi tới. Tài công ra hiệu S.O.S, tầu lớn làm ngơ không ngừng. Khi trời chập tối, may quá lại thấy một tầu lớn khác, tài công bắn trái sáng lên làm hiệu, tầu lớn sợ, bỏ chạy luôn. Con tầu nhỏ lại tiếp tục phấn đấu với sóng to gió lớn. Sóng bạc đầu lúc nào cũng như muốn nhận chìm chiếc tầu bé nhỏ, mong manh như chiếc lá tre.
Bỗng bầu trời u ám, mây mưa vần vũ, sấm sét, chớp nổ vang rền. Gió ào ào từ nhiều hướng đổ lại, xoáy vào nhau tạo thành cơn bão dữ dội, kinh hoàng. Đại dương mênh mông nổi sóng, điên cuồng, thịnh nộ. Mưa như thác đổ, con tầu mong manh bị bão tố đánh tả tơi, thê thảm... Có những lúc cả một khối nước bỗng đội tầu lên đỉnh sóng, rồi ném ngayxuống hố sâu thẳm. Mỗi lần như thế, mọi người lại như chết đi sống lại.
Lo lắng, kinh hoàng... Mọi người bắt đầu cầu nguyện. Trong đêm tối, trong tiếng gào thét của sóng, trong tiếng rít của gió và trong tiếng mưa đổ rào rào trên mui tầu, tiếng cầu kinh xen lẫn với tiếng khóc con nít vì đói khát, nghe thật não nùng.
Qua ngày thứ hai, sóng vẫn lớn và gió vẫn dữ dội. Lại không có tầu lớn nào. Nước bắt đầu vô tầu. Mọi người đầu tóc, quần áo vốn đã ướt nhẹp, lại càng ướt sũng hơn. Lúc đầu, nước vô còn ít, về sau mỗi lúc mỗi nhiều, tình trạng thật nguy kịch! Thanh niên phải thay nhau tát nước ra. Mặt nước gần, có thể thò tay xuống. Tài công ra lệnh vất bớt hành lý cho nhẹ tầu.
Một số người đói quá, khát quá cứ từ từ ngất xỉu. Còn nàng, lâu lâu nàng lại lau cây kéo và kiểm soát lại cuộn chỉ nhét trong cạp quần. Lần này nàng lấy một sợi giây lớn buộc chắc cây kéo vào ngang lưng, chỉ sợ tầu lắc lư rơi mất.
Đến xế chiều ngày thứ hai, máy tầu bắt đầu trục trặc. Khói bốc ra ngộp thở. Máy tầu nóng quá, phải ngưng chạy nhiều lần. Mọi người như ngất xỉu phần vì đói khát, phần vì say sóng, vì thế khi chủ tầu và tài công quyết định cho tầu quay mũi trở lại hải phận Việt Nam tránh bão, không có ai phản ứng gì cả.
Đến 10 giờ đêm, tầu đụng phải vật gì cứng, tầu khựng lại. Tài công và thủy thủ la lớn, sang số de. Máy nóng cháy, khói mịt mù. Đang de thì sóng lớn tràn vô tầu. Bỗng như có linh tính cho biết cái chết đã gần kề, mọi người im lặng, con nít ngưng khóc.
Một thiếu niên chừng 17 tuổi, tên Ngô Đình Đa, vội lấy hai thùng nylon làm phao, đưa một thùng cho bố. Em sợ bố không biết bơi nên dặn bố ôm thùng cho thật chặt.
Sóng và nước tạt vào tầu, tầu tróc mái, tả tơi. Tầu lật nghiêng 90 độ, hất người xuống biển như sung. Tiếng la khóc, tiếng chồng gọi vợ, tiếng cha gọi con vang động cả biển trời.
Thiếu niên và bố chui ra, gặp gia đình quen, vợ chồng con cái đứng ôm nhau khóc ở lối ra. Thiếu niên và bố nhảy liều xuồng biển. Chung quanh và trên tầu, tiếng người kêu khóc, cầu cứu vang rền trong đêm giông tố hãi hùng.
Hai bố con bị sóng nhận chìm nhiều lần rồi lại nổi lên. Có lúc bố bị sóng đánh văng ra xa, em phải vận dụng hết sức bơi tới, túm áo kéo bố lên. Một số người còn đứng trên tầu la khóc cầu cứu. Một làn sóng lớn đánh ập tới, em quay lại, không thấy tầu đâu nữa. Những người đứng trên đó cũng mất tiêu luôn. Em ngó quanh không thấy ai, đồ đạc trôi lềnh bềnh.
Bỗng dưới chân như có vật gì đang nổi lên, em đưa tay sờ thì đoán là nắp cabin tầu. Nắp cabin cùng với giây diện chằng chịt, từ từ nổi lên mặt nước. Em bứt giây điện cột chặt người bố vào nắp cabin.
Thỉnh thoảng em lại thấy vài cái đầu đen nổi lên. Em bơi ra túm được một bé trai chừng 13 tuổi ôm phao bằng bánh xe nhỏ. Em lôi đứa bé cột vào nắp cabin cùng vối bố. Phía bên kia mấy ngọn sóng, em lại thấy hai cái đầu đen khi ẩn khi hiện, em bơi tới và túm được mái tóc dài của hai cô gái chừng 15, 16 tuổi. Vận dụng hết sức lực và sau chừng 15 phút chiến đấu với sóng to gió lớn, em đã đưa được hai cô gái tới nắp cabin. Cả 5 người cùng ôm vào nắp cabin dài chừng 4 mét, rộng chừng một mét, nhưng nắp cabin mỗi lúc mỗi thấm nước cứ chìm dần... chìm dần...
Vừa khi đó, 5 người thấy từ đằng xa một đám đen nổi lên. Thiếu niên la to hai lần. Trong tiếng gào thét của sóng, hình như có tiếng người đáp lại, phấn khởi, em la to thêm nữa, lần này quả thật có tiếng người đằng kia đáp lại.
Cả năm người cùng đạp chân, khoảng cách chỉ chừng 50 mét, nhưng phải mất hơn nửa giờ mới tới. Đám đen là một cái bè kết bằng phao dài 1m, rộng chừng 8 tấc, nhưng đã có chín người bám vào đó. Tới gần, thiếu niên rất ngạc nhiên khi thấy người thiếu phụ có bầu và cùng chồng và đứa con trai 3 tuổi đang bám vào bè phao. Không thấy đứa bé gái 6 tuổi đâu cả. Ngoàira còn có hai vợ chồng ông bà chủ tầu và hai con gái nhỏ trên mười tuổi có buộc phao an toàn. Cuối cùng có hai thanh niên chừng 20 tuổi. Tấtcả những người này không một ai biết bơi.
Khi nắp cabin thấm nước chìm hẳn thì cả năm người bám qua bè phao, số người tăng lên 14. Bè phao nổi lưng chừng, nước ngập trên gang tay.


Cuồng phong càng lúc càng gầm thét dữ dội, sóng bạc đầu trùng trùng lớp lớp, ầm ầm vây bủa tứ bề, vùi dập chiếc bè cùng với 14 người ốm yếu, đói khát. Nước lạnh căm, toàn thân thiếu niên đều nổi da gà. Có tiếng hàm răng đánh vào nhau kêu lắc cắc.
Người chồng quay qua thiếu niên, giọng nói thất thanh qua tiếng sóng: "Vợ tôi sắp sanh... nhờ cậu giúp..." Thiếu phụ hai tay bám vào thành bè, cố ngước mặt lên khỏi mặt nước thở, thỉnh thoảng nàng rên nho nhỏ... Có lẽ nàng chuyển bụng sắp sanh. Hình như nàng không còn có thể khóc được nữa....
Thiếu niên hốt hoảng, yêu cầu hai cô con gái ông bà chủ tầu nhường chỗ trên bè vì lúc đó hai bé gái nhoài người nửa trên bè nửa dưới nước. Ông bà chủ từ chối, viện lý do hai con sẽ bị sóng đánh văng ra. Cực chẳng đã, thiếu niên phải dọa: "Tôi nói ông không nghe thì tôi phải kéo chúng nó xuống." Lúc đó vợ chồng chủ tầu mới chịu bỏ hai con tụt xuống, trên người hai em đều có buộc phao.
Thiếu niên và một thanh niên nữa giúp đẩy thiếu phụ sắp sanh lên bè. Nàng nằm đó nhưng nửa người nằm dưới nước lạnh căm. Đại dương, đêm tối, mưa bão mịt mù, trong tiếng sóng đổ ầm ầm, trong tiếng gió gào thét ào ào có tiếng rên la, mong manh, yếu ớt của thiếu phụ Việt Nam sắp lâm bồn.
Bỗng thiếu phụ nhỏm dậy la to: "Sắp sanh rồi..." La không hết câu, nàng nằm vật xuống rên khe khẽ. Thiếu niên kêu bà chủ tàu hộ sanh. Bà từ chối, viện lý do chưa bao giờ hộ sanh, và cũng không biết hộ sanh.
Sau một vài phút rên, thiếu phụ lại nằm xuống, ngâm bụng bầu dưới nước lạnh buốt, rồi la lớn: "Nó ra rồi! Nó ra rồi!"
Quýnh quá, thiếu niên kêu hai cô gái lớn ra phụ. Một cô khóc òa lên. Một cô vừa mếu máo vừa đưa tay xuống nước, sờ phải đầu hài nhi, òa lên khóc, còn khóc lớn hơn cô kia.
Người chồng, một tay bám vào bè, một tay ôm chặt đứa con trai 3 tuổi, nói với thiếu niên: "Chắc số cháu không sống được đâu, thôi để nó chết!!!...."
Lúc đó là nửa đêm, trận bão đang ở thời điểm tàn phá dữ dội nhất. Tất cả đều kiệt sức, mạng sống như sợi chỉ treo mành. Ban ngày, khi sắp sanh thì các tầu buôn lớn làm ngơ không cứu. Hoàn cảnh này có khác nào hoàn cảnh của Thánh Maria hai ngàn năm về trước. Trong đêm đông giá lạnh, thánh Maria sắp đến giờ sanh, cùng thánh Giu-Se tới gõ cửa nhiều nhà trong thành phố, nhưng không có nhà nào chấp nhận. Chúa Giê-Su hài đồng đã được sinh ra trong máng cỏ của chiên, lừa trong hang đá lạnh lẽo.
Không biết nhờ ai hộ sanh nữa, thiếu niên đánh liều, mặc dù có cảm giác rờn rợn. Em dùng hai chân bơi để giữ thăng bằng, hai tay thò xuống nước đụng phải đầu hài nhi. Một làn sóng đánh ập tới, em bị hất văng ra xa. Tiếng thở hổn hển của thiếu phụ mỗi lúc một khó khăn, dồn dập. Thiếu niên sải tay, đạp sóng bơi trở lại, nhờ hai thanh niên giữ giùm người mình cho chắc. Em đưa tay xuống nước tìm đầu hài nhi. Cái đầu nhỏ thó đã ra ngoài, nhưng còn vướng cái vai, em không biết có nên kéo mạnh ra không, hay là cứ chờ sản phụ vận sức đẩy hài nhi ra. Đang phân vân thì bỗng sản phụ rên lớn lên một tiếng và em cảm thấy toàn bộ hài nhi đã lọt ra gần hết, chỉ còn hai bàn chân. Em đánh bạo từ từ kéo hài nhi ra luôn. Hài nhi ra ngoài cùng với nhau bầy nhầy. Em lúng túng, không biết làm gì hơn là ôm cả hài nhi lẫn đống nhau bầy nhầy lên khỏi mặt nước.
Người mẹ nhoài người lấy cây kéo cũ lúc nào cũng buộc ngang thắt lưng. Bà nhờ em cắt cuống rốn hài nhi. Vì sóng lớn quá, lúng túng mãi em mới cắt được cuống rốn và để dài chừng một gang tay như lời người thiếu phụ căn dặn: "Cậu nhớ giữ chặt cuống rốn, kẻo gió cháu chết mất!" Thiếu niên một tay ôm hài nhi và bám vào thành bè, một tay bóp cuống rốn thật chặt. Sau một hồi lâu sản phụ mới tìm thấy cuộn chỉ đen lẫn trong cạp quần nhét giữa hai cái phao. Bà nhờ em cột rốn hài nhi, nhưng em không biết cột ra sao, trời thì nhá nhem tối, sóng đánh liên tục và quá mạnh muốn văng cả em lẫn hài nhi ra xa, sợi chỉ lại quá nhỏ. Lúc đó người chồng một tay ôm con trai 3 tuổi và bám vào bè, một tay cột rốn phụ với thiếu niên.
Bây giờ hài nhi bé nhỏ nằm gọn trong khuỷu tay thiếu niên, trơ trơ giữa trời nước, có mưa buốt lạnh đan áo, có sóng bạc đầu đưa nôi, có gió gào thét đưa ngủ. Hài nhi vẫn an nhiên tiếp tục giấc ngủ thiên thần từ trong lòng mẹ.
Đã gần nửa giờ qua đi mà chưa nghe hài nhi khóc oe một tiếng. Bà mẹ nhổm dậy, nhìn qua hài nhi như mừng rỡ. Dưới ánh trăng lờ mờ có những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt người mẹ. Thiếu niên mừng thầm, hy vọng hài nhi sẽ sống sót. Bỗng từ xa một đợt sóng lớn và dài như dãy núi đen ngòm đang ầm ầm đổ tới. Thiếu niên thầm nguyện: "Lạy Chúa, xin cứu chúng con." Em vội la lớn cho mọi người bám chặt vào bè. Cả khối nước lớn ầm ầm phủ chụp xuống. Thiếu niên vội cúi đầu che chở cho hài nhi. Hài nhi đang khóc bỗng im bặt. Chắc bị ngộp nước mặn. E khó sống. Bà mẹ còn đau, nằm ngửa ngâm dưới nước, nửa trên bè, hai tay bám chặt hai bên thành, bà không biết bà còn đủ sức bám chặt được bao lâu nữa trước khi bị sóng đánh văng ra.
Thiếu niên ôm hài nhi đã lâu, quá mỏi tay, nhờ ông chủ tầu ôm giùm. Ông ta từ chối, viện lý do không biết bơi. Một lần nữa em phải dọa :"Ông không ẵm giùm, tôi lôi ông xuống ". Ông chủ tầu đành phải ôm hài nhi, nhoài một nửa người lên bè phao cho hài nhi bớt ướt. Hai thanh niên bên cạnh không biết bơi, không dám giúp gì, chỉ biết nhường hai áo nylon đắp cho em bé khỏi mưa gió lạnh.
Người mẹ muốn cho con bú, nàng lấy tay day day cặp vú một hồi, nhưng xẹp lép, không có lấy một giọt sữa. Có lẽ vì nhịn đói cả hai ngày nay nên không còn chút sữa cho con. Nhìn con mà quá xót xa. Thiếu niên cố bơi ra xa, kéo hành lý trôi lềnh bềnh để tìm thực phẩm, thiếu niên chỉ toàn thấy xác người chết bắt đầu nổi lên.
Sau ba tiếng đồng hồ bị gió dập vùi, nhóm người đắm tầu bỗng thấy có ánh đèn phía xa. Ánh đèn như tia hy vọng sống còn loé lên trong tâm tư mọi người. Tất cả cùng ráng sức đạp chân đẩy bè tiến tới. Khi đến gần chỉ thấy nhiều hàng cột đáy, trên có chòi. Mặc dù cố gắng cách mấy cũng không tới gần được.
Lúc trời vừa sáng, khi tới gần thì bị sứa điện quấn rát quá, lại phải bơi ra xa. Khoảng chín giờ sáng, vẫn không thấy núi, vì thế không biết bè trôi ở vị trí nào.
Bây giờ mọi người mới biết hài nhi là bé trai. Mắt nhắm nghiền, thoi thóp thở, nhỏ thó như con mèo, nước da còn tím thẫm. Nơi đây và giờ này, sản phụ Việt Nam không nằm giường, không bác sĩ, không y tá, không bạn bè, không hoa, không quà. Hài nhi không nôi, không mền, không cả một mảnh vải bao bọc. Từ trong bụng mẹ ấm cúng, ra chào đời là bị quăng ngay vào vòng cuồng phong thịnh nộ, bị vất ngay vào vòng đại dương nổi sóng kinh hoàng. Hài nhi Việt Nam, trần truồng, đầu đội trời chân đạp sóng, an nhiên giấc ngủ thiên thần, mặc cho sóng gió gào thét, mặc cho các tầu lớn làm ngơ tiếp tục hải trình với luật quốc tế về hàng hải bên cạnh thuyền trưởng, mặc cho các nhà cách mạng trên thế giới đang nỗ lực hô hào giải phóng con người, mặc cho các lãnh tụ thế giới đang hăng say thảo luận và hô hào bảo vệ nhân quyền...
Mạng sống của sản phụ và hài nhi mong manh như ngọn đèn trước gió, thời gian là phút giây. Bà mẹ vẫn còn mệt lả, máu đỏ vẫn rỉ ra hòa lẫn với sóng biển. Em thiếu niên ái ngại, nếu máu cứ tiếp tục chảy ra, sản phụ e khó sống. Cá Mập, hung thần đại dương, chúng đánh hơi mùi máu rất lẹ, xa hàng chục cây số, chúng tới tiến công rất nhanh, biết lấy gì chống đỡ! Lo như vậy, nhưng em không dám nói ra. Mọi người đều kiệt sức, phần vì đói, khát, phần vì mất ngủ, say sóng, hơn nữa lại ngâm mình dưới nước lạnh đã khá lâu. Tìm được một ít lương khô, gói nào cũng ướt sũng. Có vài trái chanh, chia nhau mỗi người vài múi.
Đến trưa bão tan dần, bỗng thấy một tầu đánh cá từ xa, vừa mừng vừa lo, nếu là tầu hải tặc Thái Lan, e khó sống. Tuy nhiên cũng đánh liều la lớn, nhưng vì xa không nghe, không thấy nên tầu bỏ đi luôn. Sau đó một tầu đánh cá khác tiến về phía bè. Tầu chạy vòng vòng chung quanh, nghe ngư phủ nói tiếng Việt, mừng quá. Thế là chắc chắn được cứu sống. Tầu đánh cá ngừng lại, kéo mọi người lên. Sau đó thêm một tầu đánh cá nữa tới. Cả hai tầu cùng đi về phía các đáy, kéo lưới lên, hàng trăm xác chết vướng trong đó: Xác đàn ông, xác đàn bà, xác con nít, xác người già, xác chết thanh niên nam nữ!
Trong số gần 350 người ra đi, chỉ còn 14 người sống sót, thêm đứa con của biển mới sanh giữa những mảnh vụn của con tầu bị bão tố đánh vỡ tan tành trong đêm tối. Những người sống sót này lại trở về điểm khởi hành. Còn hơn 300 người kia, lúc ra đi họ không ngờ rằng đây là cuộc hành trình chót của đời họ. Cuộc hành trình của họ trên biển Đông đã trở thành cuộc hành trình vượt thoát ra khỏi thế giới loài người, cái thế giới có quá nhiều hận thù nhưng có quá ít tình thương, cái thế giới chìm đắm trong bóng tối tội lỗi, sống trong u mê với quá nhiều khổ đau.
Cuộc hành trình trên biển Đông đã đưa hơn 300 anh linh về cõi bất diệt, nơi không còn hận thù, không còn ước muốn, không còn bóng tối u mê, nơi chỉ có hạnh phúc toàn vẹn, vĩnh cửu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.