Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

08/03/200900:00:00(Xem: 2266)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Trong buồng chúng tôi đều hiểu, chúng bắn tràng súng là để dọa đuổi hổ đi, chứ sức mấy đứa nào dám mò ra rừng khuya, giữa lúc mưa lạnh thế này. Chẳng ai dám bàn tán, nhưng nhìn nhau, mắt ai cũng ánh lên niềm vui. Hẳn trong lòng mỗi người, ai cũng đều hớn hở chào mừng “bác” hay “cụ” mồi. Bởi vì, theo anh em, những năm trước đã có nhiều cụ hổ về bắt trâu của trại. Mỗi lần như vậy, thể nào trại cũng có bữa tươi; vì thường thường ông hổ chả ăn hết con trâu. Đó là ân huệ của ông để lại cho đám người cùng khổ.
Sáng hôm sau, nguồn tin sốt dẻo đã có sớm: cụ hổ đã bắt con trâu mộng đầu đàn đem đi mất tiêu hôm qua! Người ta nhìn thấy vết chân hổ to như bàn tay xòe, dẵm nát cỏ cây chung quanh chuồng trâu. Có một cái điều làm cho cán bộ cũng như tù ồn ào, bàn tán không ít là cửa và hàng rào của chuồng trâu vẫn không sao cả. Hàng rào cao khoảng 1 mét rưỡi gần ngang cổ của người lớn. Người ta tự hỏi, con trâu mộng to như vậy, chả lẽ cụ hổ cõng trâu nhẩy qua" Nghĩa là sự việc đó khó tin được; nhưng cụ thể là con trâu đã mất.
Ngay từ sáng sớm, 4 tên vừa cán bộ vừa bộ đội dẫn theo 4 tên tù tự giác. Cơm đùm, cơm nắm dõi theo vết chân của lão chúa sơn làm vào nơi thâm u của núi rừng hoang dã. Cả trại đi lao động ngày hôm ấy đều phập phồng mang theo niềm hy vọng đợi chờ.
Nhưng cho tới chiều tối, đoàn người đi tìm mệt mỏi trở về không và niềm đợi chờ, mong ngóng của anh em cũng xẹp xuống. Mặc dù thế, toán đi tìm hôm sau vẫn tiếp tục. Nhưng người ta cũng kháo nhau nhiều chuyện chung quanh cụ hổ bắt trâu này như những huyền thoại thần bí, linh thiêng của rừng già.
Hôm sau, gần về trưa trại xôn xao, náo nhiệt hẳn lên. Đoàn đi tìm đã hì hục khênh, gánh về cái đầu, 2 đùi trước với bộ lòng của con trâu. Cụ hổ đã ăn hết hẳn nửa sau của con trâu. Hai đùi và chỗ thịt ngon, gồm trên 50 kg thì được khênh về khu vũ trang và giám thị (như vậy cụ hổ cũng là ân nhân của lũ cán bộ nữa). Đầu, cẳng chân, xương, da và ruột thì phần trại tù. Tất nhiên cũng phải cân lường kỹ càng để tính tiền trong những kết toán hàng quý, hàng năm của trại. Nhưng phải nói rằng, giữa rừng núi hiếm hoi, có thịt, xương mà mua là tuyệt rồi. Xương lọc kỹ không kể, thịt được 15 kg, với bộ da và bộ lòng cho nhân số hơn 400 thì mỗi người cũng chỉ được một vài miếng nho nhỏ.
Nhưng điều tôi chú ý hơn cả, và có thể nhiều người khác cũng vậy. Chúng tôi chen lấn nhau đổ xô xuống sân nhà bếp để nhìn cái đầu con trâu mộng. Tôi chả nhìn thấy mình con trâu, nhưng cứ nhìn cái đầu đồ sộ ngoại cỡ của nó thì tôi đã hình dung ra con trâu đầu đàn to khỏe như thế nào rồi. Một bên sừng bị gẫy một nửa, để lòi ra một đám tủy trắng đỏ, nhờn nhợt. Một mắt lõm sâu, lua tua vài miếng thịt, con ngươi văng đâu mất. Hàm răng nhe ra, rãi và máu đóng lại thành bờ. Da mặt bị cào xé rách nát. Tôi cứ đứng hàng giờ chằm chằm nhìn con trâu. Tôi hình dung một cuộc chiến đấu ác liệt, dai dẳng giữa con hổ và con trâu mộng này. Hẳn rằng trước khi chết, đành gục xuống phó mặc cho con hổ nhai thịt của mình; con trâu đã vì sự sống của mình, nó vừa run sợ, vừa phải chiến đấu dù với một cách não nề, vô vọng với một kẻ thù có truyền thống ăn thịt loài của mình. Tôi cứ nhìn con mắt thất thần còn lại của nó, trợn ngược, trắng dã. Hẳn nó phải chết trong nỗi kinh hồn, khiếp đảm, thảm thương.
Như trên tôi đã nói, chuyện con trâu này đã gợi nhớ cho tôi một cái mốc của thời gian, đến đây cũng chưa phải, mà chính là một sự việc như sau: do cái tài xoay sở, khéo léo của Gôm đã quan hệ thế nào đó với một đường dây tự giác rất đặc biệt. Gôm và tôi góp nhau mỗi người một đồng. Ngày hôm sau ra lán thủ công, đã có một bọc da trâu đến 2 kg thui rồi, giấu trong một đống vỏ bào đã dặn trước. Do những yêu cầu về nấu nướng, chúng tôi chỉ bí mật cộng tác với bác Chánh già làm vệ sinh. Người canh, người cạo rửa rồi cho vào một cái gầu bằng tôn ninh nhừ. Gôm còn ngoại giao đổi chác với nhà bếp để có ít muối.
Buổi chiều hôm ấy, làm sao tôi quên được. Ba chúng tôi: bác Chánh, Gôm và tôi hò hẹn chui vào một bụi bìm bìm phía sau lán. Do sự quy ước chặt chẽ với nhau là không cho người thứ tư biết, vì thế tuyệt đối không được cho ai và phải ăn hết tại chỗ. Thôi thì nắng hạn gặp mưa rào. Rét nhiều nên mới có ngày mồ hôi!
Chúng tôi vừa trợn trừng nhai vừa nhìn nhau. Mồm nhai chưa nuốt xong, tay đã cầm sẵn miếng khác chờ chực đút vào rồi. Ăn lấy, ăn để. Thế là chỉ một loáng đã sạch trơn, Hai ký da trâu đã chui béng vào bụng ba người. Nhưng mà trời đất hỡi! Cái đêm hôm ấy người tôi như có ai thổi lửa vào hậu môn. Bụng nóng hừng hực, người nôn nao quay cuồng. Tôi bỏ màn đi ngủ sớm. Tôi liếc nhìn lên sàn trên chỗ Gôm, cũng đã thấy bỏ màn rồi. Tôi cố dằn nằm yên, tay xoa bụng. Thỉnh thoảng thấy Gôm mặt đỏ rừ chạy vào nhà cầu.
Nhưng thật oan gia là bác Chánh, có lẽ vì bác già yếu nên đã không chịu nổi như chúng tôi. Bác ngồi trên sàn ồng ộc, nôn thốc, nôn tháo xuống đất. Bác cứ vặn vẹo người, nước mắt, nước mũi dầm dề vì nôn chưa hết. Mỗi lần bác ộc ra, từng sợi nhớt dài thoòng, nhễu nhợt nối từ miệng bác với bãi nôn dưới đất. Mùi khăn khẳn, nồng nồng xông lên khắp buồng. Nhiều người bịt mũi đi nằm vậy mà Thân Lân vẫn chịu khó hì hục lấy tay vớt từng miếng da trâu chưa nát vì ăn vội, nhét vào chiếc “hồ lô.” Mặt anh tươi roi rói, phởn phơ của một ngày vớ bở. Phần tôi tuy không nôn, nhưng phải một bữa gần chết, cả đêm hôm ấy trằn trọc không ngủ được, nhớ mãi tới bây giờ chưa quên.
Sau này tôi nghĩ lại, thấy thật là dại, da trâu ninh nhừ ăn để chống đói thì thật là tuyệt nhưng với điều kiện ăn vừa thôi. Chỉ vì đói, thiếu lâu ngày, nay vớ được, ăn cho đã cái miệng nên mới bị như vậy.

Chương Bốn Mươi Hai: Một Chiến Hữu Đồng Nghiệp... "Hang Một Lỗ"

Trưa hôm nay, sau một buổi sáng lao động mệt mỏi, hầu hết anh em tù, ai cũng tranh thủ nằm chợp mắt mươi mười lăm phút cho lại sức, để tiếp tục đi lao động buổi chiều.
Nằm trằn trọc mãi với bao nhiêu nỗi niềm ngang, dọc của cuộc đời, tôi bò dậy xếp gọn chỗ nằm. Như mọi khi, lững thững ra phía cuối hội trường, tôi ngồi trầm ngâm cho hồn lãng đãng, tai buông lơi nghe gió chiều xào xạc trong bụi nứa. Tiếng âm a của bài tập đọc về anh hùng La Văn Cầu của lớp bổ túc văn hóa buổi trưa ở trong hội trường làm tôi chú ý, quay lại.
Hơn mười người, hầu hết là dân tộc thiểu số, trong đó chỉ có 2 – 3 người kinh; đặc biệt nhất là anh Lê Văn Bưởi. Câu chuyện anh Bưởi lẽo đẽo theo học lớp bổ túc văn hóa lớp hai của trại, hơn hai tháng nay đã làm cho một số anh em trong trại bàn tán. Bởi vì học lớp hai bổ túc văn hóa là tập đọc tiếng Việt và tập làm tính trừ, tính cộng. Người ta bàn tán chỉ vì có nhiều mâu thuẫn, trở thành như lập dị. Theo như bản lý lịch mà tù nhân nào cũng phải tự viết, khai trong bản kiểm điểm của hàng quý và hàng năm thì lý lịch của anh Lê Văn Bưởi như sau: sinh ngày 10 tháng 2 năm 1931 tại thị xã tỉnh Quảng Yên. Cấp bực đại úy của Việt Nam Cộng Hòa. Can tội vượt tuyến ra Bắc để hoạt động gián điệp. Án phạt 20 năm. Vậy mà mỗi buổi trưa, lại cắp vở theo những người dân tộc đi học lớp 2 bổ túc văn hóa.
Như tôi đã nói đến ở trên, ngay từ khi anh Lê Văn Bưởi được chuyển từ trại Vịnh Tiến về trại này. Khi được biết anh cũng cũng một cái “nghiệp hang một lỗ” như tôi, tôi đã lựa thế làm loãng phần nào sự chú ý của những tên Joóc, rồi sau đó đã liên tục tiếp xúc với anh. Đến bây giờ hơn 7 – 8 tháng rồi, anh và tôi đã trở thành đôi bạn. Nhất là từ gần một tháng nay, tôi làm tổ trưởng tổ học nghề mộc, tổ gồm 6 người, trong đó lại có anh.
Cái việc anh đi học bổ túc văn hóa, do chủ trương và quyền tự do của anh, tôi không có ý kiến. Nhưng theo quan điểm của tôi, làm việc gì cũng cần phải biết mình và biết người. Anh đi học như vậy nó trở thành một trò cười, mà người khác, nhất là đối phương đã nhìn thấy cái hời hợt, ngây thơ của anh; hoặc gây sự chú ý cho họ. Dù tôi nghĩ như vậy nhưng tôi cũng cứ để cho thời gian làm sáng tỏ. Tôi chưa kết luận, vì biết đâu đây chẳng là một ý đồ để kẻ thù đánh giá anh non nớt, hời hợt, một chiến thuật cao tay hơn. Chính Hoàng Thanh đã có lần y đặt vấn đề hỏi tôi:


- Này, theo cái nhìn của anh thế nào" Chả lẽ anh Bưởi lại là một đại úy tình báo của miền Nam"
Y vừa cười vừa hỏi tôi với một ánh mắt dò xét thái độ trả lời của tôi. Tôi cũng nói thực ý nghĩ của tôi là tôi cũng không hiểu thế nào, tuy trong lòng tôi có phần ngạc nhiên. Ngay tình tiết sự việc của anh ra ngoài miền Bắc cũng đầy rẫy những khoảng mù mịt như những lời anh đã tâm sự với tôi. Đã bao nhiêu lần anh với tôi trao đổi tâm tình qua những sự việc của anh ra ngoài Bắc và cả của đời anh nữa. Sơ lược như thế này...
Quê anh ở Quảng Yên, cái vùng có thật nhiều biển và cũng thật nhiều núi. Ngày từ lúc anh 19 tuổi, sau khi đã tốt nghiệp bằng Thành Chung, anh đã tình nguyện gia nhập quân đội Pháp kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1950, tại phòng hai tiểu khu Quảng Yên.
Năm 1953 anh tốt nghiệp chuẩn úy tại trung tâm huấn luyện Quảng Yên. Rồi giữa năm 1954, anh được chính thức đeo lon thiếu úy. Cùng năm đó, anh được thiếu tướng Congie tặng thưởng một huy chương Lá Liễu và hứa sẽ đưa anh về Pháp trau dồi thêm nghiệp vụ. Nhưng rồi tình hình dồn dập biến chuyển nên lời hứa đó đã không thực hiện được. Trong suốt thời gian anh phục vụ ở F2 (tôi không hỏi F2 là gì) anh đã được cấp trên tặng thưởng thêm 2 huy chương Lá Liễu nữa và 4 ngôi sao các loại cùng nhiều bằng khen.
Sau hiệp định Genève 1954 về Đông Dương. đơn vị và cơ sở của anh rút vào bên trong vĩ tuyến 17. Đất nước lúc này đang chuyển vần, nghiêng ngả từng ngày. Sau một số ngày đêm đấu tranh suy nghĩ, cuối cùng anh quyết định gia nhập quân đội Quốc Gia tại thị xã Quảng Trị. Do những quá trình chuyên môn nghiệp vụ của anh, anh được vào Sài Gòn dự một lớp tu nghiệp đặc biệt. Sau đấy trở lại làm việc tại phòng tình báo của ông Ngô Đình Cẩn trong thành phố Huế đặc trách khu vực giới tuyến 17.
Giai đoạn này anh thường xuyên chuyên trách nghiên cứu những tài liệu và tin tức tình báo giữa miền Nam và miền Bắc. Dần dà do những yêu cầu của tình hình thực tế anh đã tình nguyện ra Bắc để nghiên cứu tại chỗ, cũng như tạo lập những màng lưới hoạt động bí mật ngay trong lòng địch. Phòng tình báo miền Trung và anh đã miệt mài nghiên cứu một kế hoạch tỉ mỉ, một công tác dài hạn trong đất kẻ thù. Theo anh nói: anh có một người mẹ với một đứa con gái hiện còn đang ở vùng quê hương Quảng Yên của anh. Do tình hình và điều kiện ngặt nghèo của 1954, anh đã không thể đón mẹ và con gái anh cùng vào Nam. Con gái anh đã sống với bà nội ở một làng quê mà Việt Minh đã kiểm soát.
Chính vì vậy, trong kế hoạch anh ra miền Bắc. Anh đóng vai là một trung sĩ cảnh sát, nhớ mẹ già, thương con gái, đồng thời chán chường chế độ độc tài, gia đình trị họ Ngô, anh muốn về với người mẹ và đứa con gái ở miền Bắc.
Mỗi tuần 2 ngày, anh phải ra đứng gác ở cầu Hiền Lương trên bờ sông Bến Hải theo những tiến trình của công tác đã vạch ra cho từng khâu. Những người cảnh sát phía bờ Nam và những tên công an phía bờ Bắc cùng gác trên cầu Hiền Lương; do nhiều lần thấy nhau nên quen mặt. Bởi vậy đôi khi cũng chuyện trò dăm ba câu về trời mưa, trời nắng.
Những tên công an bờ Bắc thỉnh thoảng mồi chài, lôi kéo, rủ rê những anh cảnh sát bờ Nam ra miền Bắc, về với nhân dân, về với cách mạng. Anh Bưởi đã lợi dụng hình thái này, nghĩa là anh cũng đã để cho những tên công an bờ Bắc rủ rê nhiều lần. Và lần đó, ngày 6/6/1962, anh đã ôm một bọc quần áo chạy bừa sang phía bên kia cầu bờ Bắc theo đúng những lời chỉ bảo của một tên công an.
Anh được dân chúng và cán bộ nồng nhiệt đón anh đưa về huyện Vĩnh Linh. Sau mấy ngày tiệc tùng, chào mừng, hàng ngày anh phải đến một bàn giấy để khai báo chi tiết, tỉ mỉ về thân thế, gia đình trong Nam cũng như ở ngoài miền Bắc. Từ ngày vào Nam, làm gì, ở đâu, từng thời gian. Hết hỏi han, khai báo rồi chúng đưa giấy bút, bắt anh phải tự viết tường thuật lại từ khi mới lớn lên ở miền Bắc cho đến vào miền Nam.
Cứ viết một thời gian, lại hỏi, rồi lại viết. Hơn một năm trời với bao nhiêu hình thức thủ đoạn mua chuộc, khích lệ, hứa hẹn và đe dọa. Thỉnh thoảng, chúng cho đi tham quan những cơ sở này, xí nghiệp kia rồi lại về truy tìm, hỏi han. Sinh hoạt ăn, ở của anh bị chúng nó quản lý chặt chẽ. Bao nhiêu lần anh xin về quê ở Quảng Yên để thăm mẹ già và con gái nhưng chúng đều hứa hẹn, anh phải thành khẩn khai báo tốt thì chúng mới cho về. Hơn nữa chúng nhấn mạnh, chúng đã biết hết về âm mưu ý đồ của anh ra miền Bắc. Chúng đã có tài liệu đầy đủ, chỉ vì chúng có rất nhiều người nằm ngay trong cơ quan tình báo của Ngô Đình Cẩn v.v…
Đến đây, anh Bưởi không nói rõ, nhưng qua tình tiết diễn tiến, tôi suy đoán, có thể anh đã khai báo phần nào sự thật. Cộng Sản đã hiểu chế độ của chúng chỉ có đói khổ, nên chúng không bao giờ tin những lý do vớ vẩn như vậy mà người ta lại bỏ một chỗ ấm, no để vào một chỗ đói khổ. Nghĩa là anh ra miền Bắc phải nhằm hoạt động tình báo. Cho nên chúng đã kéo dài thời gian đến 16 tháng để tìm hiểu, điều tra, nghiên cứu về anh. Cuối cùng, chúng thả anh ra, cho anh đi tự do về quê. Nhưng khi anh mới đi đến Quảng Bình, chúng đã đem xe theo đón bắt anh với lệnh của bộ công an vào ngày 23 tháng 10 năm 1963. Chúng đem anh trở lại Vĩnh Linh tiếp tục khai thác. Sau một thời gian, chúng đưa anh ra trước tòa án nhân dân khu vực Vĩnh Linh, xử phạt anh 20 năm, với tội danh: gián điệp xâm nhập miền Bắc để hoạt động chống phá cách mạng.
Anh và tôi càng ngày càng thân nhau, đã kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện về gia đình, cuộc đời từ nhỏ cho tôi lúc trưởng thành vào đời. Theo anh nói: gia đình anh cũng là một gia đình thế phiệt, gia giáo, trong miền Nam rất có thần thế. Anh được gặp ông Cẩn, ông Nhu là chuyện thường; chú anh sau này là chuẩn tướng Lê Văn Hưng v.v… Cho nên tuy anh chỉ là một đại úy nhưng anh đã được ông Cẩn tin tưởng, coi như người nhà.
Mới hôm Chủ Nhật vừa qua, buổi chiều, tôi và anh Bưởi rủ nhau ra giếng tắm giặt xong. Về buồng, tôi xuống chỗ anh Bưởi, hai anh em nằm chèo khoeo chuyện trò tâm sự. Sau một vài câu chuyện bình thường như mọi khi, đột nhiên anh quay sang, dịch gần sát lại phía tôi, hạ thấp giọng:
- Tôi coi Bình cũng như anh em, tôi nói cho Bình nghe một chuyện mà tôi đã ôm chặt trong lòng hơn một năm nay. Từ ngày tôi ở trại Vĩnh Tiến đến bây giờ, không một ai trong tù này biết.
Thấy vẻ mặt và giọng nói của anh đầy vẻ thân tình nhưng nghiêm trọng, tôi cũng nghiêng hẳn người lại sốt sắng, chờ lắng nghe. Nội dung: anh nói là anh có công rất lớn với nhà nước, với cách mạng. Anh đang chờ, không những anh sẽ ra khỏi tù mà anh còn phải làm việc nhiều nữa, lúc đó anh sẽ không quên tôi. Anh kể tiếp, khoảng đầu năm 1960. Một buổi chiều muộn trong tư dinh của ông Cẩn. Lẽ ra mọi khi, giờ đó anh đã trở về buồng mình để tắm rửa nghỉ ngơi, nhưng hôm đó vì anh được mời uống hai ly rượu mạnh. Vừa mệt, vừa buồn ngủ, anh đã nằm ngay tại một phòng dụng cụ ở chỗ làm việc, rồi ngủ quên luôn. Gần về khuya, giật mình anh tỉnh dậy, nhìn đồng hồ đã 11 giờ 30. Tai anh nghe thoáng có tiếng rì rầm ở phòng bên, nhất là lại có ánh đèn sáng trưng. Tò mò, anh lựa thế nhìn qua một khe cửa sổ thì thấy có 3 người là ông Cẩn, ông Nhu và bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ba người đang ngồi châu vào một cái bàn với một chồng sổ sách ở trên bàn. Anh không ngờ ông Nhu và ông Tuyến từ Sài Gòn ra ngay từ chập tối mà anh không biết.
Thấy thái độ bí mật và nghiêm trọng của mỗi người nên anh càng tò mò đứng nhìn và lắng nghe. Ba người đang họp bàn để quyết định những công tác có tính cách chiến lược của một số mạng lưới ở miền Bắc, có liên quan đến phòng nhì của Pháp và CIA, của Mỹ. Anh đã lắng nghe được tên cũng như chức vụ của hơn 10 người từ giám đốc một cơ quan đến những cán bộ trung ương ở miền Bắc. Anh hiểu đây là một bí mật to lớn của đất nước. Anh chỉ hiểu như vậy một mình anh, và chôn chặt trong đáy lòng từ 7 – 8 năm nay. Ngay cả khi ra miền Bắc rồi bị bắt, dù phải trải qua biết bao nhiêu cay đắng, khốn cùng của những năm tháng dài khai thác và tù đầy, anh cũng không tiết lộ. Nhưng năm ngoái, một cán bộ cao cấp của bộ công an xuống gặp anh ở trại Vĩnh Tiến. Sau nhiều ngày đêm đấu tranh, giằng co gay gắt trong tư tưởng anh đã muốn lập công với cách mạng nên anh đã khai hết với ông cán bộ đó. Sau đấy, nhiều cán bộ dưới Hà Nội xuống trại tập trung anh liên tục trong gần một tháng trời, trước khi chuyển anh về trại này.
Nghe anh Bưởi thổ lộ đến đây, tôi lướt nhanh suy nghĩ lại toàn bộ sự việc của anh. Nhất là nhìn thái độ của anh nói, mắt anh còn long lanh sáng, mang nhiều hy vọng đợi chờ. Đành rằng những suy nghĩ, nhận định của tôi chỉ là chủ quan nên chưa hẳn đã là đúng.
Anh Bưởi chỉ là một con bài của ông Nhu và Cẩn. Chính ông Nhu và Cẩn đã cố ý tạo nên một buổi họp và cố ý vô tình để cho anh Bưởi biết. Hẳn ông Nhu và ông Cẩn đã nhận định, soi kỹ về con người của anh Bưởi; kể cả về bản tính. Anh không đủ nội lực để đảm trách những công việc tương xứng với chức vụ, mà do tình cờ nghe, biết, nắm giữ được những điều bí mật, tối quan trọng. Bản chất một người như vậy, khi đã ở trong tay của Cộng Sản, không sớm thì muộn, để cứu thoát bản thân, anh sẽ trình bầy với Cộng Sản để lập công. Lúc đó tùy theo mức độ sẽ làm lũng đoạn, mâu thuẫn trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo của Cộng Sản miền Bắc.
Ông Nhu và ông Cẩn, tình báo của miền Nam hẳn cũng đã hiểu: với sự cảnh giác đến chân răng kẽ rốn của Cộng Sản, không bao giờ chúng có thể tin được anh Bưởi. Một người đã bỏ mẹ và con gái để đi vào Nam năm 1954. Bây giờ lại bỏ một xã hội vật chất dư thừa, thoải mái tự do để tìm về một xã hội vật chất thiếu đói, hạn hẹp gò bó về sinh hoạt, chỉ vì nhớ mẹ và con gái. Về chơi rồi đi thì người ta mới tin được.
Khi mà Cộng Sản đã không tin, thì chẳng có điều gì có thể ngăn chận chúng không bắt anh khai thác. Mà chúng đã đặt vấn đề nghi ngờ để điều tra khai thác thì sẽ phải ra. Cứ đặt giả thuyết, đây là một đòn cao, một đòn sâu của ông Nhu, ông Cẩn và tình báo miền Nam đi nữa thì Cộng Sản cũng không dại dột mắc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.