Hôm nay,  

Benedictô Xvi, Vị Giáo Hoàng ‘tân Bảo Thủ’

20/04/200500:00:00(Xem: 5040)
Chính quyền Bush có thể nhấp một ly Benedictine mừng tân Giáo hoàng, một vị chủ chăn… "tân bảo thủ".
Sau khi tạ thế, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolồ Đệ nhị tiếp tục dẫn dắt Giáo hội theo con đường của ngài khi các Hồng y nhanh chóng đề cử vị Hồng y thân tín và gẫn gũi nhất của ngài vào ngôi Giáo hoàng. Đó là Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Niên trưởng Hồng y đoàn, cố vấn về thần học cho Gioan Phaolồ và nguyên Bộ trưởng của Thánh bộ Giáo lý Đức tin.
Tân Giáo hoàng chọn tên Benedictô có lẽ cũng để chia sẻ tôn chỉ thần học của Benedict XV, người lãnh đạo Giáo hội từ 1914 đến 1922 và nổi tiếng ở chủ trương chấn chỉnh giáo hội chống lại những học thuyết "tân tiến" của các xã hội công nghiệp thời ấy. Cuộc tranh luận "tân/cổ", cấp tiến hay "trọng căn" (fundamentalist) từ thời Benedict XV sẽ càng sáng tỏ với Benedict XVI.
Hôm Thứ Hai 18, khi khai mạc buổi họp của Cơ Mật Viện và thực tế - hay phàm tục - mở màn cho cuộc "tranh cử", Hồng y Ratzinger đã nói rất rõ quan điểm của mình trong bài giảng được dư luận chú ý.
Ngài cảnh báo Hồng y đoàn về nỗi hoang mang dật dờ của nhiều tín hữu Công giáo, khi tư duy nghiêng ngả từ thái cực này qua thái cực khác, từ chủ nghĩa Mác-xít tới chủ nghĩa tự do, thậm chí chủ nghĩa phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa thần bí mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín ("không thể biết về sự hiện hữu hay không của Thượng đế") đến chủ nghĩa hỗn dung (tiếp nhận hầm bà lằng mọi lý luận)….
Nói theo lối giật gân của báo chí, thì đây đó đã nổi lên một vụ "khủng hoảng về đức tin".
Trước khi Hồng y đoàn vào phòng kín bầu lên tân Giáo hoàng, đức Hồng y Ratzinger nhắc nhở mọi người là nhiều tín hữu Công giáo như bị sóng đánh từ đức tin này qua đức tin khác, nhiều giáo phái nảy sinh để lôi kéo con người vào sự lầm lạc. Trong khi người theo sát đức tin của Giáo hội bị phê phán là cuồng tín, bảo thủ, trọng căn (đề cao căn cước hay bản sắc) thì người ta đã thực tế trôi dạt vào một chế độ độc đoán của chủ nghĩa tương đối: không có chân lý tối thượng mà chỉ lấy những tư duy và ý muốn của mình làm mẫu mực. Đa nguyên thì chưa chắc nhưng rõ là đa đoan đa sự khiến người Công giáo có thể mất định hướng.
Cảnh báo rồi, ngài khẳng định giá trị của mẫu mực Công giáo: Đức tin chín chắn và trưởng thành là đức tin đã ăn rễ sâu xa nơi tình bằng hữu với chúa Kytô. Mức độ hợp nhất chân lý và bác ái của các tín hữu tùy thuộc vào sự gần gũi với chúa Kytô trong cuộc sống hàng ngày.
Hồng y đoàn dường như đồng ý với quan điểm ấy khi nhanh chóng bầu đức Hồng y Ratzinger vào ngôi vị chủ chăn của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ. Chủ trương bảo thủ về thần học và giáo luật của Gioan Phaolồ được tôn vinh và duy trì.
Tân Giáo hoàng đã 78 tuổi (ngài sẽ mừng sinh nhật 78 vào Thứ Bảy này) nên có thể chỉ là một khuôn mặt "chuyển tiếp" trong năm bảy năm sau 26 năm trị vì đầy cứng rắn mà linh động biến báo của Gioan Phaolồ. Dư luận đồn đoán như vậy. Nhưng "chuyển tiếp" về đâu, ra nơi nào" Chúng tôi không tin vào lý luận chuyển tiếp này mà cho rằng Giáo hội Công giáo tiếp tục củng cố và tăng trường chiều hướng bảo thủ hiện nay - và theo thiển ý của người viết đây không hẳn là điều xấu.
Quả thật là đức tin Công giáo có bị thách thức bởi nhiều trào lưu mới trong các xã hội "hậu kỹ nghệ", bởi những lý luận phóng túng mơ hồ và rất nhiều mâu thuẫn trong cách hành xử hàng ngày. Giới xã hội học Mỹ có nói về trào lưu "deconstructionist" ấy tại Hoa Kỳ: mọi quan niệm giáo dục, đạo đức hay đúng sai đều chỉ là tương đối nên cần thông cảm với tội ác hay tính xấu của con người.
Gioan Phaolồ đã tung ra cái neo giàng chặt đức tin vào những giáo luật bảo thủ, nhưng đồng thời cải cách mối giao tiếp của Giáo hội với các tín ngưỡng khác và mở rộng sự can thiệp của tôn giáo vào các lãnh vực lớn của xã hội con người, như công bằng trong phát triển, như tự do và dân chủ, tình liên đới và trách nhiệm giữa các nước với nhau. Dưới sự dẫn dắt của ngài, Giáo hội có quan điểm bảo thủ hơn về thần học và giáo luật nhưng lại cấp tiến về xã hội và chính trị. Chiều hướng ấy sẽ còn tiếp tục.

Tân Giáo hoàng là người Âu châu, sinh trưởng tại vùng đất bảo thủ và Công giáo nhất của Đức, vùng Baviera (quê hương của xe BMW cho những người phàm tục). Thực ra, ngài có quan điểm bảo thủ không do nơi sinh trưởng. Ngài là một nhà trí thức từng có lập trường cấp tiến, thiên tả nói theo chính trị học. Năm 1963, ngài đã từng viết cho Hồng y Josepht Fring bài diễn văn nổi tiếng và đả kích Giáo triều như một "nguyên nhân gây tai tiếng cho thế giới". Cũng do biến cố này mà Giáo hoàng Phaolồ Đệ lục đã đảo ngược ưu tiên của Công đồng Vatican II. Nhưng vụ nổi loạn của sinh viên Âu châu vào năm 1968 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bị sóng đánh cho lạc hướng; về sự hỗn loạn trong giới trẻ do những cám dỗ của chủ nghĩa Mácxít. Ngài rời khỏi đại học thiên tả tại Tubingen qua giảng dạy tại Đại học Regensburg ở Bavaria. Từ đấy, ngài trở thành một khuôn mặt trí thức bảo thủ - định nghĩa của chữ "tân bảo thủ" ngày nay!
Vào Vatican phục vụ Gioan Phaolồ, ngài nổi tiếng ở những quyết định về kỷ luật nhằm bảo vệ giáo luật: chống phá thai, trợ tử (euthanasia), hôn nhân đồng tính, việc sao bản từ phôi bào (cloning),v.v…. Một số khuynh hướng cải cách thì cho rằng ngài là người có lý trí mạnh nhưng dễ gây tranh luận vì lập trường bảo thủ của mình.
Nhưng, trong tang lễ của Gioan Phaolồ, vị Niên trưởng Hồng y đoàn đã cho thấy một chân dung khác của mình: một con người đầy lòng nhân.
Những người theo dõi 24 năm phục vụ của Hồng y Ratzinger trong Tòa thánh còn nói đến đức tính xử thế khéo léo của ngài. Tại Giáo triều Vatican, ngài là thành viên của Ủy ban Mỹ châu Latinh, Ủy ban Giáo hội Chúa, Hội đồng Tòa thánh về Hiệp nhất các Tín hữu Kytô, Hội đồng Tòa thánh Đặc trách Văn hóa, Bộ Giáo hội Đông phương, Bộ Rao Giảng Tin mừng cho các Dân tộc, Bộ Giáo dục Công giáo, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Bộ Giám mục, Bộ Quan hệ với các Dân tộc và Quốc gia,v.v… Nghĩa là Joseph Ratzinger có nhiều kinh nghiệm quốc tế và giao tế, chứ không đơn giản là một khuôn mặt thủ cựu về tư tưởng, một con người hắc ám và nghiệt ngã đằng sau Gioan Phaolồ mà người bên ngoài có thể nghĩ.
Hơn tất cả, ngài cũng được sự kính trọng đặc biệt của các vị Hồng y, và trở thành người có thế lực nhất trong mấy tuần qua, kể từ khi Gioan Phaolồ tạ thế. Tân Giáo hoàng không chỉ là một nhà lý luận tân bảo thủ mà còn có thể là một chính khách có tài về ngoại giao. Chưa nói đến một chi tiết khác: ngài là một dương cầm thủ rất thích chơi nhạc Beethoven và Mozart.
Giáo hội Vatican rất cần một nhân vật như vậy trong thời gian tới.
Tại Âu châu, dư luận chỉ chú ý đến lập trường bảo thủ của tân Giáo hoàng, trong khi dân Âu châu (và cả Bắc Mỹ) mất dần đức tin tôn giáo và rơi vào chủ thuyết tương đối. Nhưng, dư luận ấy chỉ ngó vào cái rốn của mình mà quên rằng ngày nay, Giáo hội Công giáo đang trở thành Giáo hội của "Thế giới thứ ba", của các nước nghèo tại Nam Mỹ, Phi Châu và Á châu. Trong số 115 vị Hồng y đã bầu lên Giáo hoàng mới, có 41 vị xuất thân từ các nước này. Trong tương lai trước mặt, tòa thánh Vatican không chỉ phải đối phó với các vấn đề đức tin hay thần học của dân da trắng mà còn phải thích ứng với hoàn cảnh mới, là sự có mặt và nỗi khát khao của người dân các nước nghèo. Họ đòi hỏi tự do, công bằng, phát triển và có thể đồng ý với quan điểm bảo thủ về đạo đức của tân Giáo hoàng nhưng quan tâm nhiều hơn đến chủ trương của Benedictô XVI đối với việc tăng cường tiếng nói của thế giới thứ ba trong Giáo hội và lập trường của Vatican giữa hai xu hướng tập quyền của cánh tả và tự do của cánh hữu, nhất là đối với vị trí trọng yếu của Hoa Kỳ ngày nay.
Tại Hoa Kỳ, chính quyền Bush có thể rất hài lòng với sự chọn lựa của Vatican vì chủ trương bảo thủ của Giáo hội rất phù hợp với chủ trương của mình (triệt để phát huy nếp văn hóa coi trọng đời sống, chống phá thai và hôn nhân đồng tính, hạn chế việc nghiên cứu phôi bào stem cell để loài người khỏi sát sinh và đoạt quyền Thượng đế). Vừa được tin, Tổng thống Bush đã ngợi ca tân Giáo hoàng là con người khôn ngoan và thông tuệ. Nhưng con người ấy nghĩ sao về chủ trương "tân bảo thủ" của chính quyền Bush trên địa hạt quốc tế" Có xóa nợ giảm lãi cho các nước nghèo hay không" Có gia tăng viện trợ chống bệnh Liệt kháng hay không" Có hạn chế tự do kinh tế để bảo vệ công bằng xã hội hay không" Trong chủ trương phát huy dân chủ, có bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và truyền đạo hay không" Có coi trào lưu "trọng căn" của Giáo hội là phương thuốc ngăn ngừa Thánh chiến Hồi giáo không" Vân vân….
Nói vắn tắt, tân Giáo hoàng sẽ là đồng minh của Bush hay trở thành lực đối trọng của Thế giới Thứ ba chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên các vấn đề quốc tế" Câu hỏi có thể là quá sớm khi thế giới còn đang chào mừng tân Giáo hoàng, nhưng hẳn là đã được nhiều người nêu ra từ lâu….

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.