Hôm nay,  

Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông: Con Thuyền Định Mệnh

05/08/200800:00:00(Xem: 3275)
LTS: Trong suốt 8 thập niên kể từ khi thành lập vào năm 1930, CSVN đã gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác trên quê hương Việt Nam. Có thể nói, trên từng tấc đất, ngọn cây, hòn đá... của quê hương Việt Nam, dưới mỗi mái gia đình, trong mỗi thân phận người Việt, đều có những dấu ấn ghi lại những tội ác kinh tâm động phách do người cộng sản gây ra. Đặc biệt, sau khi ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Geneva, xâm lăng và chiếm đóng Miền Nam kể từ 30 tháng 4 năm 1975, CSVN đã thực hiện hàng loạt chiến dịch đàn áp, khủng bố, thủ tiêu, bắt bớ... dã man trên khắp lãnh thổ Miền Nam, để một mặt ăn cướp trắng trợn tài sản của người dân, mặt khác nghiền nát mọi sức đề kháng, chống đối của những người yêu nước, khiến hàng triệu người dân Miền Nam phải vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hậu quả, trong thời gian hơn hai thập niên kể từ sau 1975, hàng trăm ngàn người Việt, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già,... đã bị thảm tử trên biển cả, trong rừng sâu, ngoài hoang đảo.... sau khi phải trải qua những bi kịch kinh tâm động phách, muôn vạn phần đau đớn. Không những thế, ngay cả với những người sống sót, những bi kịch kinh tâm động phách đó vẫn còn mãi mãi tiếp tục ám ảnh, giầy vò, tra tấn họ, cho dù họ có sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, có đi đến bất cứ chân trời góc biển nào... Để có thể tái tạo một trong muôn vàn tội ác của cộng sản Việt Nam đối với người vượt biên tìm tự do, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những đoạn hồi ký trích trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông". Hy vọng, qua những dòng chữ được viết bằng máu và nước mắt của chính những người trong cuộc, qúy độc giả, với tấm lòng xót xa và những giọt nước mắt đau đớn của những người tỵ nạn cộng sản cùng cảnh ngộ, sẽ hiểu được, tội ác của chánh phạm CSVN đằng sau muôn ngàn bi kịch rùng rợn của người vượt biển. Qua đó, chúng ta sẽ thức ngộ được, lần đầu tiên trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc VN, và có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác của một chế độ đối với chính người dân của chế độ, như chế độ CSVN, quả thực đã vượt khỏi biên cương quốc gia, tung hoành trong mỗi gia đình, mỗi cuộc đời, để rồi tiếp tục tràn lan trên khắp bề mặt địa cầu...

*

Sáng nay bầu trời bỗng dưng có vẻ như buồn bã ủ rũ không vui, khí trời lành lạnh, mặt trời như còn rã rượi say ngủ sau những hàng mây xám dăng dăng từng lớp mỏng, đã hơn 9 giờ sáng rồi mà ánh bình minh vẫn chưa lố dạng, tôi thì cũng đã quá mệt mỏi suốt bao ngày mong đợi, nhất là tối qua, tôi không thể nào chợp mắt vì cứ mãi hồi hộp âu lo, chỉ cầu mong cho đêm chóng qua và mau đến giờ tôi đang mỏi đợi.

Theo sự ước hẹn thì sáng hôm nay ngày 18 tháng 11 năm 1984, khoảng 11 giờ sẽ có người đến nhà để đưa tôi đi vượt biên được phát xuất từ Bà Rịa Vũng Tàu, mọi thứ tôi đã chuẩn bị xong, nói thế chứ thật ra chỉ có vài gói thuốc lá, vài viên thuốc say sóng và khoảng hơn mười ngàn đồng để phòng hờ khi có rủi ro gì đó thì có chút tiền để lo lắng và đi xe về nhà, đã có hơn một lần đi vượt biên không thành, nên tôi cũng có chút ít kinh nghiệm để đối đầu với sự việc không may, nếu có xẩy ra.

Còn hơn mười phút nữa là 11 giờ thì Quân người dẫn đường đến, tôi và Quân không còn xa lạ gì vì chúng tôi đã quen biết nhau qua những lần trước, tôi đón Quân vào nhà rồi cẩn thận đóng cửa

-Chuẩn bị xong chưa - Quân hỏi.

-Chỉ có vầy thôi, có gì nữa đâu mà chuẩn bị

-Bận thêm áo khoác đi, nếu không sẽ bị lạnh đó

-Tôi có mặc áo lót bên trong rồi, xóm nầy họ tai mắt lắm, đánh mùi cũng hay nữa, cẩn thận là hơn.

Tôi cùng Quân bước ra ngoài, Quân có vào nhà tôi vài lần nên cũng không làm cho hàng xóm chú ý lắm, dân Sài Gòn lúc nầy là thế đó cứ thấy có người lạ vào thì hay nhìn một cách soi mói rồi bàn tán, chẳng qua chỉ vì họ không có việc chi để làm. Ra tới ngã ba đường Quân gọi một chiếc Honda ôm vừa chạy trờ tới:

-Ra bến xe Văn Thánh, chở hai người được không"

-Được, ba ngàn nghe.

-Gì dử vậy cha nội, ngàn rưởi đi không"

-Rồi lên đi.

Từ Bến Chương Dương ra đến bến xe Văn Thánh cũng không lâu lắm, nhưng tôi phải ở đây hơn nửa tiếng nữa vì phải chờ thêm vài người khác, đến khi Quân kêu lên xe, tuy rằng không ngồi chung nhau nhưng tôi đoán có khoảng 6 người đi cùng chuyến. Tới chợ mới Bà Rịa khoảng hơn 3 giờ chiều Quân đưa chúng tôi vào quán ăn cơm, nhưng chia ra ngồi hai bàn và xem như là không quen biết nhau, quán ăn gần đồn công an số 1 Bà Rịa nên bọn công an cứ đi tới lui làm tôi cũng chói mắt. Ăn uống xong Quân đưa bọn tôi vòng qua rạp hát Bà Rịa rồi vào một xóm nhỏ, nhà cửa san sát cây cối um tùm (sau nầy tôi hỏi thì người ta cho biết đó là xóm Đình chợ mới Bà Rịa). Khi đồng ý giá cả phải trả cho chuyến đi vượt biển nầy, tôi được Quân cho biết là có mua bãi bến hết rồi, chỉ là cẩn thận thôi cho nên tôi cũng an tâm, Quân đưa bọn tôi vào một căn nhà lá thấp lè tè phía sau căn nhà lớn ( hình như là nhà của Quân tôi nghĩ) nhà có vẻ vắng và yên tịnh, Quân nói giọng nho nhỏ:

-Bây giờ ở đây nghĩ, khoảng 8 giờ tối mình xuống bến.

Sáu người chúng tôi không ai trả lời chỉ im lặng đưa mắt nhìn nhau, rồi mỗi người một nơi tìm chỗ nghỉ lưng, tôi đến một lu nước bằng đất cạnh gốc nhà, lấy cái lon sữa bò để bên trên múc chút nước uống, cho thắm cái cuống họng của tôi đang bị khô cháy. Người nhắm mắt để đó, kẻ mỏi mắt trông chờ, mỗi người như đang thả dòng tư tưởng vào một cõi xa mơ nào đó, thời gian thấp thỏm trôi qua, bầu trời đà sụp tối, được thay bằng những bóng đèn đường vàng ói, leo lét, ánh sáng chỉ đủ để soi những bóng đời mờ mịt trong một xã hội đầy đen tối nầy. Có tiếng chân bước vào, tôi nghe tiếng nói của Quân giọng nho nhỏ:

-Chuẩn bị đi nghe bà con.

Sau Quân còn có hai người khác theo vào, họ im lặng không nói gì, Quân mang cho mỗi người chúng tôi một ổ bánh mì rồi bảo:

-Ăn bánh mì đi rồi xuống bến, nếu không thì bị đói đó.

Tôi không thấy đói bụng chỉ thấy tâm hồn cứ lâng lâng lo lắng sợ sệt, tim thì cứ đập thình thịch, tôi cũng ráng nuốt ổ bánh mì khô khan mà không có một chút cảm giác ngon hay dở. Ăn uống xong đâu đấy sáu người chúng tôi được chia ra làm hai đi theo hai người Quân vừa dẫn đến, đường đi khá xa, sáu người chúng tôi sau cùng cũng được đưa vào một điểm. Vẫn lại là khu nhà lá nghèo nàn ẩm thấp (sau nầy tôi được biết đó là xóm lò than Bà Rịa) trời tối đen mù mịt nơi đây không có đèn đường vì là khu vực rừng sác, có chăng chỉ là những ngọn đèn dầu leo lét, trong những căn nhà lá thấp lè tè thưa thớt cạnh bờ sông và có thêm một loại ánh sáng bàng bạc nhấp nhô từ những lọn sóng nhỏ lăn tăn trên mặt nước của con sông, tạo nên một vẻ mờ mờ ảo ảo giữa đêm trường tịch mịch đầy đen tối. Căn nhà lá chúng tôi vào, nằm cạnh bờ sông, cho nên tôi nghe được tiếng nước đập lách tách bên bờ, trong số sáu người chúng tôi, được kêu bốn người trong đó có tôi, ra sau nhà rồi xuống một chiếc ghe nhỏ nhắn nằm sát cạnh bờ sông, chúng tôi phải nằm sát trên ghe và được phủ lên người bằng những tấm lưới tanh hôi mùi tôm cá, hòa lẫn mùi bùn sình nước mặn, hăng hăng đến độ buồn nôn, rồi có người chèo thuyền đưa chúng tôi ra khu rừng sác phía ngoài cầu mới Bà Rịa.

Đi một khoảng lâu, sau đó người chèo thuyền dừng lại ở một gốc của con sông nhỏ có vài gốc cây đước già nua bên cạnh một cây bần to lớn rồi nói với chúng tôi: "Nằm im nghe, chờ tới giờ thì qua tàu lớn."

Tôi nằm im chờ đợi, mình mẩy như có con gì đó đâm chích vào, làm ngứa ngáy cảm giác thật khó chịu nhưng không làm cách nào khác hơn là cứ nằm im chịu đựng, tôi vạch nhẹ tấm lưới trên mặt, nhìn lên vòm trời cao thanh thỏa với lưa thưa vài chiếc sao đơn trong vòm trời vắng, chiếc ghe thì cứ lắc lư nhè nhẹ, tiếng nước vỗ vào mạn ghe nghe lách tách, vài tiếng côn trùng hòa lẫn tiếng tim đập thình thịch trong lòng ngực tôi, tạo nên một loại âm thanh kỳ lạ nào đó văng vẳng vang vang mà cả đời tôi chưa một lần nào nghe được. Thời gian thoi đưa, tôi chợt nghe có một tiếng là lạ như là để báo hiệu gì đó, thì chợt tiếng động lụp cụp trên ghe vang động và tiếng chèo khua nước một cách mạnh mẽ, tôi có cảm giác chiếc ghe nhỏ tôi đang nằm, được lướt trên sông với một tốc độ thật nhanh, rồi những tiếng rì rào của nhiều người to dần to dần, thì ra chúng tôi đã đến thuyền lớn, tiếng la ó ồn ào, tiếng kêu réo gọi nhau, tiếng thét gào rên rỉ, gây ra một âm vang hỗn độn trên giữa dòng sông vắng. Tôi được lên thuyền lớn sau khi đưa ra một tín hiệu riêng mà người ta đã trao cho tôi lúc tôi giao vàng để đi vượt biển, càng lúc càng đông người hơn, nhiều tiếng kêu la hơn:

-Mấy thằng canh me. ĐM tụi bây đi xuống.

-Anh là khách của ai"

-Ai đưa anh tới"

-Mầy canh me hả"

-Leo xuống.

-Anh ba ơi.

-Anh Bẩy ơi.

-Tao đập bể đầu tụi bây bây giờ.

-Nhổ neo đi, khẩm quá rồi.

-Tàu chìm bây giờ...

Tiếng la hét, chưởi bới vẫn tiếp tục vang vang, tiếng của người trên thuyền xua đuổi những người canh me đi hôi và đang gây hỗn loạn.

Tôi bị nhét dưới hầm thuyền, áo quần đã bị thấm ướt, chẳng những không lạnh mà còn ngộp thở bởi hơi người bốc ra nồng nực. Thuyền lớn rồi cũng từ từ lướt sóng, tôi nhìn đồng hồ lúc nầy là 0 giờ 16 phút ngày 19 tháng 11 năm 1984, tôi nghe tiếng nổ ròn tan của máy tàu, tiếng nổ như để tạo một sức mạnh phi thường, để đưa con thuyền viễn xứ từ từ lướt sóng ra khơi. Bỏ lại tất cả yêu thương của cuộc đời, bỏ lại một quê hương đang quằn quại trong sầu đau khổ hận, bỏ lại người cha kính mến, anh chị em những tình thân ruột thịt và người mẹ vô cùng thương yêu, người mẹ đã từng gánh chịu biết bao gian khổ, cưu mang sinh dưỡng để tạo nên hình hài vốc thể nầy. Tôi không khóc nhưng hình như những giọt lệ thương yêu đang tức tưởi lăn tròn trên má, lúc nầy tôi không còn nghe tiếng động nào ngoài tiếng máy nổ của con thuyền, hòa với nhịp đập của tim tôi, mọi vật đều im lặng, im lặng một cách tự nhiên không cần ai nhắc nhở. Sau một thời gian ngắn lắng dịu, con thuyền bềnh bồng mỗi lúc mỗi mạnh hơn.

Chắc là thuyền đã ra cửa biển Vũng Tàu cho nên bị sóng biển nhồi khá mạnh, tôi nghĩ. Và đúng vậy, con thuyền đang bắt đầu cho cuộc hành trình mà chắc rằng sẽ gian nan vất vả và những sự đau thương, sống chết đang chực chờ trên vùng biển đông xa thẳm để áp đổ xuống đầu những thuyền nhân khốn khổ trên đường vượt biển, sau khi trải qua một cuộc run rủi dưới những đoạn đường lo âu hồi hộp trên mặt đất.

Mệt mỏi vì có chút say sóng, tôi ngồi vùi dưới khoang thuyền mãi đến xế chiều tôi mới được lên trên khoang thuyền để nhìn trời mây nước. Thuyền đang lướt sóng bỗng đâu biển trời giận dữ, những cơn gió hung bạo, những đợt sóng to cuồng nộ nổi lên, thuyền không còn lướt sóng được nữa và cứ bấp bênh, bềnh bồng xoay vòng một chỗ, mọi người phải vào bên trong và xuống dưới khoang thuyền để tránh cơn sóng dữ cũng như để cho con thuyền đừng bị chao đảo với những con sóng to hung bạo, cuốn chồm lên và sẵn sàng nhận chìm con thuyền ở bất cứ lúc nào. Tiếng la sợ, tiếng nguyện cầu, tiếng lạy phật, tiếng lạy chúa và những câu kinh cầu nguyện nho nhỏ chứa đựng một niềm tin hy vọng bao la của con người trước một cảnh tình cực kỳ nguy hiểm cho mạng sống. Bây giờ thì con thuyền có ra thế nào và mạng sống của bao nhiêu người chỉ còn trông nhờ vào kinh nghiệm lèo lái con thuyền trước cơn bão dử của người tài công. Cứ như thế con thuyền phải chịu đựng cho đến ngày thứ hai thì biển trời lắng dịu và con thuyền mới tiếp tục được cuộc hành trình như đã định. Nhưng thuyền phải trả giá hết một mạng người lúc giữa đêm bão ngày thứ nhất, bão đã đánh rớt một người xuống biển và cuốn trôi mất trong lòng biển sâu mà không ai làm sao cứu kịp dưới trời đêm bão nổi.

Trời êm gió lặng tôi lên mũi thuyền hướng mắt về bốn chân trời xa thẳm chỉ thấy toàn mây nước, và chợt thấy con thuyền thật mong manh trên biển cả, từ dòng nước xanh lơ rồi đậm dần, đậm dần cho đến khi thuyền đến một đường nước xanh đen thăm thẳm thì một số người trên khoang thuyền reo lên:

-Ra tới hải phận rồi, ra tới hải phận rồi bà con ơi.

Mọi người như quên đi cảnh tượng hãi hùng của cơn bão vừa qua, niềm vui rộn rã hiện lên từng nét mặt xanh xao mòn mỏi, tôi cũng rất vui mừng trong lòng nhưng lúc nào cũng cầu nguyện cho thuyền đừng gặp hải tặc, đó là một bọn cướp biển hung hăng tàn bạo hơn cơn bão táp, thế là thuyền vui lướt sóng, trên thuyền thức ăn thức uống cũng như dầu để chạy máy vẫn còn đầy đủ, đến chiều ngày thứ 3 của cuộc hành trình thuyền chúng tôi đến được một giàn khoan dầu của Malaysia, sau khi bàn tính thì có người tình nguyện lội vào giàn khoan để nói chuyện và xin họ cứu vớt, nhưng những người nhân viên nầy nói họ không có phương tiện để cứu vớt trong lúc nầy, sau đó họ cho thêm dầu chạy máy, bánh để ăn và sửa để uống, cuối cùng họ chỉ cho hướng đi vào đất liền và nói:

-Chạy khoảng hơn mười tiếng đồng hồ nữa là đến nơi. Yên tâm đi, nơi đây đã thuộc lãnh hải của Malaysia rồi không bị cộng sản bắt lại đâu...

Theo hướng chỉ của người chuyên gia dầu hỏa, thuyền chạy đến xế trưa hôm sau (tức ngày thứ tư của cuộc hành trình) khoảng 1:15 ngày 23 tháng 11 năm 1984 thì thuyền đến được bờ biển của Kuala Trengganu, Malaysia. Tôi thấy có hai chiếc ca nô của cảnh sát biên phòng Malaysia chạy ra cập hai bên hông chiếc thuyền và ra dấu bảo tài công chạy thẳng vô bờ, tài công nghe lời và kéo hết ga, thuyền rướn lên bờ biển một phần ba con thuyền, chúng tôi người bò, người lết, người đi quờ quạng lảo đảo, kẻ cười người khóc, quần áo sốc sếch dơ bẩn. Chúng tôi dìu dắt, đỡ đần nhau trong tình yêu thương của người đồng cảnh ngộ, từ từ rời bỏ con thuyền nằm bơ vơ một mình trên bãi vắng, rồi cụm lại trên bãi cát vàng tươi thắm mọi người như có chút an bình trong tâm hồn vì đang được hít thở không khí tự do. Nhưng dù khóc hay cười, trong từng khuôn mặt của mọi người vẫn hiện lên rõ ràng những nét rạng rỡ, tươi vui trên vùng đất tự do nầy, tất cả lần lượt đến khu vực được qui định của cảnh sát và được cấp phát ngay những gói mì thơm tho cũng như bánh và sửa để uống. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau tôi thấy họ làm hai bàn giấy ngoài trời và hai phòng khám xét dã chiến với bốn tấm vải bao quanh, rồi họ kêu mọi người ra đứng xếp hàng và nói:

-Ai là quân nhân, công chức làm việc trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì qua đây. Tất cả còn lại thì qua bên kia. Có ai là cộng sản không"

Mọi người đều im lặng, vì là cựu quân nhân tôi đi qua hướng người ta chỉ đến phòng khám xét trước, sau đó qua bàn giấy khai sơ qua tên họ, tuổi, số quân, đơn vị, nơi đóng quân, rồi trở lại điểm qui định để tiếp tục chờ đợi. Khoảng 5:50 chiều cùng ngày chúng tôi được xe chở khách của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thuê, đến đón và đưa về một trại chuyển tiếp Marrang thuộc Kuala Trengganu. Nhìn lại con thuyền lần cuối trước khi bỏ lại sau lưng, lòng tôi thật có nhiều lưu luyến và thương mến vì nó đã mang chúng tôi ra khỏi bàn tay của tử thần trên vùng biển xa xôi, đã gồng gánh chúng tôi trong suốt cuộc hành trình gian khổ trên biển đông, cũng như trước đây bốn ngày tôi đã bỏ lại sau lưng một quê hương đầy thương yêu của cuộc đời, để bắt đầu cho những bước chân đơn độc, làm viễn khách trên những đoạn đường tỵ nạn CS.

Đến trại chuyển tiếp Marrang, sau khi ổn định chỗ nấu ăn, chỗ ngủ, nơi tắm giặc, tôi đi một vòng và biết được có một số người từ ngoài đảo Pulau Bidong được chuyển vào trại Sungei Besi để tuyên thệ đi Hoa Kỳ và một vài quốc gia khác. Nghe người ta nói gởi thư bên nầy nhanh hơn ngoài đảo, tôi cũng vội xin giấy mượn bút của người đi trước viết vội vàng lá thư gởi về cho mẹ tôi, chính là để báo tin cho gia đình tôi rằng tôi đã đến được Malaysia và đang hít thở không khí tự do mà tôi đã đánh mất tự hôm nào. Những người được chuyển qua trại Sungei Besi rất nhiệt tình, người nào cũng giành lấy thư gởi giùm, tôi cảm thấy thật an ủi trong tâm hồn và thấy được tình người cho nhau trên bước đường tị nạn thật nồng thắm. Chuyện đâu vào đó thì đã nửa đêm, chợt cơn mưa bão lại ồ ạt tới và kéo dài suốt bốn ngày. Trong những ngày nầy nhân viên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp phát cho chúng tôi quần áo, thức ăn, thức uống thuốc men cho người yếu bệnh và có nói cho chúng tôi biết, chúng tôi thật may mắn, nếu đến trễ một ngày thôi là thuyền của chúng tôi có thể bị chìm với con bão cấp sáu nầy rồi.

Thật hú hồn cho tất cả mọi người, nhưng dù thế nào tôi cũng không quên cảm ơn thượng đế đã ban đến cho chúng tôi những tột cùng may mắn cũng như đã ban đến cho chúng tôi thật nhiều hồng ân trong cuộc hành trình vượt biển đông nầy. Sau cơn bão dữ, trời biển trở lại êm đềm chúng tôi được chuyển ra đảo Pulau Bidong, cũng thuộc Kuala Trengganu, để ổn định nơi tạm trú, thiết lập hồ sơ và chờ gặp phái đoàn của các đệ tam quốc gia vào phỏng vấn để được đi định cư nếu quốc gia đó nhận.

Những ngày lênh đênh trên biển đã qua, giờ chúng tôi lại bắt đầu cho cuộc hành trình mới, những đoạn đường đang chờ đợi kế tiếp nầy có lẻ cũng không kém phần vất vả. Tôi chỉ mong sao cho cá nhân tôi cũng như tất cả những thuyền nhân khác, đang gánh chịu những tột cùng khốn khổ còn được nhiều may mắn hơn trên bước đường đi tìm tự do cho cuộc sống, cũng như được đến một đệ tam quốc gia thật bình yên trong tâm hồn. Riêng cá nhân tôi thì trên đoạn đường còn lại của cuộc đời, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chăng nữa, thì những cảnh tượng hãi hùng đã đưa đến cho tôi cũng như muôn ngàn thuyền nhân khác trên biển đông vẫn luôn mãi là một bức tranh kinh hoàng của cuộc đời và trong tâm hồn tôi mãi mãi khắc ghi hình bóng con thuyền viễn xứ mang tên DN-1071/TS đã cưu mang 84 người chúng tôi vượt thoát đến bến bờ tự do, sau khi giành được chúng tôi từ đôi tay của tử thần trên vùng biển đông xa vắng, nhưng cũng đã bỏ lại trong lòng biển sâu một người dưới cơn giông bão và được chính thức trở thành con thuyền mang số MB 268 thuộc đảo Pulau Bidong, Kuala Trengganu, Malaysia ngày 23 tháng 11 năm 1984.

*

Bidong đang bước vào mùa xuân, mùa xuân của những tâm hồn viễn khách tha hương, của những người Việt Nam tị nạn cộng sản. Ngày tết sắp đến, tôi không được thấy gì ngoài những dòng nước mắt, những thao thức suy tư của hầu hết mọi người, nhưng bên cạnh đó cũng có một số người có vẻ như hớn hở vui tươi như không có chút gì để vấn vương vương vấn, có lẻ họ đã quen rồi cái kiếp sống của cuộc đời lữ thứ tha phương, họ tìm đủ mọi cách để sinh nhai, như câu cá đưa ra chợ bán, đi hái củi bán cho mọi người hay làm công cho những cửa hàng mua bán trên đảo. Tôi đến Pulau Bidong đã hơn tháng rồi mà vẫn chưa gặp được phái đoàn nào của đệ tam quốc gia vào phỏng vấn, hình như mệnh số của những người vượt thoát tị nạn cộng sản là thế đó, chỉ biết sống trong chờ đợi lo âu và buồn tủi, những ngày đầu vừa mới đến Bidong, tôi được biết có những thuyền nhân đến và ở đây trên đảo Pulau Bidong nầy những bốn, năm năm trời, nhưng vẫn chưa được quốc gia nào chịu cưu mang họ, vì thế cuộc sống của những người ấy có vẻ như đã bất cần, và họ cũng không màng nghĩ đến tương lai, cuộc đời đôi lúc cũng có lắm những bất công. Tôi lần bước xuống khu A, nơi đây cũng có một chợ xổm do một số người sống trên đảo khá lâu tổ chức, đại khái những hàng bún riêu, bánh khọt ăn sáng, rau cải thịt cá và những gian hàng buôn bán quần áo và những vật dụng khác do người Mã Lai làm chủ.

Pulau Bidong được chia ra làm sáu khu bắt đầu là khu A đến khu F, nơi đây cũng có một ngôi chùa khá lớn, có một gia đình phật tử thường xuyên tổ chức sinh hoạt, một giáo đường khang trang cũng như một đội thiếu nhi thánh thể. Trong hoàn cảnh nầy, người người có thể đến giáo đường hay chùa để thờ phượng cúng bái theo sự tín ngưỡng của riêng mình. Ngoài xã hội thì cũng có một liên đoàn hướng đạo Vượt Sóng, trước kia nơi quê nhà tôi cũng là một hướng đạo cho nên tôi cũng tham gia sinh hoạt trong liên đoàn Vượt Sóng để cùng siết chặt tay nhau, trao cho nhau những yêu thương của con người và con người.

Rải rác đó đây vòng quanh đảo tôi còn thấy được những chiếc thuyền con nhỏ bé nằm lưa thưa trên bãi biển bị bỏ lại đó chơ vơ trong hoang tàn bể nát, cạnh cầu Jetty có một chiếc tàu lớn mà theo người đi trước kể lại cho tôi nghe hình như trên tàu có khoảng bốn năm trăm người, chiếc tàu nầy do cộng sản tổ chức để thâu góp vàng của nhân dân rồi cho đi tự do, không biết vì sao vào đến gần đảo Pulau Bidong thì bị chìm, hình như không còn ai sống sót. Chiếc tàu nầy được chính quyền Malaysia cho kéo vào đặt trước khu vực cửa ra vào đảo Pulau Bidong, bên cạnh Cầu Jetty, coi như là một di tích của những thuyền nhân bỏ nước ra đi tìm tự do trên vùng biển đông xa thẳm.

Hàng tuần có những chiếc sà lan đưa thực phẩm từ đất liền ra để cấp phát cho người tị nạn, như trứng, thịt, cá, mì gói, rau cải cũng như nước uống và tắm nhưng rất hạn chế, chúng tôi phải dùng thêm nước giếng mới đủ cho việc tắm giặc, quần áo thì do những cơ quan thiện nguyện cung cấp, những bộ quần áo tuy không được mới nhưng đã ấp ủ chúng tôi những nồng ấm trong tình người.

Thường những buổi trưa buồn trên đảo vắng, tôi hay đong đưa trên chiếc võng cũ rích từ những người đi trước để lại, chiếc võng đã từng ru tôi những giấc ngủ cô đơn với nhiều mộng mị, bầu trời Bidong thay đổi rất bất thường, khi mưa, khi nắng, những cơn nắng dịu dàng êm ả những cơn nắng chói chang, gay gắt, những cơn mưa mây nhẹ nhàng rải rác đó đây, những cơn mưa tầm tả đến vài ngày, như để trút xuống đầu những người thuyền nhân tị nạn một nỗi hờn câm mà ai đó đã gây ra, đang thả hồn vào những suy tư không dứt tôi bổng nghe thoang thoảng trong làn gió.

"Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rũ lê thê gọi bờ cát trắng..." Đúng vậy, đó là bản nhạc "Ngày mai em đi" được ban phát thanh của khối thông tin phát, tôi vội xuống võng và đi ra ngoài hướng về phía bãi biển của khu A, bà con cũng tấp nập tuôn ra, nơi đây không ai còn xa lạ gì khi nghe bản nhạc đó, vì cứ mỗi lần có thuyền nhân tị nạn đến đảo hay được cao ủy tị nạn chuyển đến từ những nơi khác, thì ban phát thanh phát ngay bài hát nầy và rồi nó đã trở thành quen thuộc. Cũng như mỗi khi có người được rời đảo vào đất liền để đi định cư ở đệ tam quốc gia nào đó hay được vào trại Sugei Besi để chờ tuyên thệ với bàn 4 (nếu đi Mỹ ) thì ban phát thanh cho đồng bào nơi đây nghe ngay bài hát "Nghìn trùng xa cách".

Bài nhạc nào cũng làm tôi rướm lệ, như có gì đó đau nhói trong tim, như có gì đó làm cho nức nở nghẹn ngào mà không làm sao diễn đạt.

Tôi đến nơi, thì khoảng gần hai mươi người dưới một chiếc thuyền mong manh đã được đưa lên khối R.B ( Record Branch ), những thân hình gầy đét, đầu cổ phất phơ, quần áo xốc xếch, có vài người phải đưa ngay vào bệnh viện để cấp cứu trong đó có một thiếu nữ đang quằn quại chống đỡ với tử thần sau bao ngày đói khát và những lần bị hải tặc hãm hiếp giữa trời biển mênh mông. Nhìn cô, nhìn mọi người hốc hác tiều tụy đôi mắt bơ phờ, lòng tôi bổng ngập tràn những đắng cay đau xót, trong tôi như có một niềm uất hận dâng lên, tôi nghe man mác hình như đang có những giọt lệ thương đau đang lăn tròn trên má. Thù hận ai đây" Oán trách ai đây" Cộng sản, nguồn gốc của mọi tội ác" Hay loài quỷ dữ hải tặc Thái Lan đang hoành hành dã man trên biển cả"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.