Hôm nay,  

Tranh Luận Và Tranh Cử: Kerry Không Thua

01/10/200400:00:00(Xem: 4874)
Tranh luận với các đồng viện trong nghị trường và tranh luận với một người, dưới sự theo dõi của hàng trăm triệu người có khác nhau. Nghị sĩ Kerry biết điều đó trong cuộc tranh luận sinh tử đầu tiên tối hôm qua, với Tổng thống Bush...

Ban tổ chức cuộc tranh luận tối Thứ Năm hẳn là những người nho nhã và.... Nho học. Họ học đúng lời khuyên của cụ Khổng: thi tài cao điệu nhất là bắn cung, không bắn nhau.
Tấm bia là do nhà báo Jim Lehrer của hệ thống PBS đưa ra, hai ứng cử viên George W. Bush và John F. Kerry cứ nhắm vào đó mà bắn, trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ. Bắn vào nhau, tức là đấu khẩu với nhau, là mất điểm. Đề tài thi đua kỳ này là chánh sách đối ngoại an ninh nội địa, bộ môn được coi là sở trường của Bush. Kỳ sau, đôi bên sẽ đảo ngược phép giao đấu là... bắt tên của thiên hạ từ dưới bắn lên, về các đề tài kinh tế xã hội, lãnh vực mà Kerry được coi là có ưu thế.
Lần này, khi thi bắn thì hai ứng viên khảo thí không ngồi, đi đứng phải đàng hoàng, trong khoảnh cách do các quan khảo thí định ra. Ban khảo thí là đại diện hai ban tranh cử và ban tổ chức. Đây là cuộc tranh luận sinh tử cho John Kerry: đến 20% cử tri chưa biết chủ trương của ông, trong khi mọi người đều có tin hàng ngày từ Iraq, thành tích của Bush!
Hãy nói trước về những chi tiết của việc tổ chức, được hai bên thảo luận và đồng ý trong một tài liệu dài 32 trang!

Tổ chức kỹ lưỡng từng chi tiết
Đôi bên đều có loại luật sư kiêm chánh khách thượng thặng, James Baker phía Bush và Vernon Jordan phía Kerry để thỏa thuận trước về từng chi tiết của cuộc tranh luận.
Vì tầm quan trọng của cuộc thi bắn trong thời chiến tranh và khủng bố, cả ngàn nhân viên an ninh và trật tự đã phải canh chừng để khủng bố khỏi chơi bạo và bắn thật. Bốn năm ngành an ninh và cảnh sát chìm nổi đã phối hợp với nhau, dưới sự điều động thống nhất của sở Mật vụ (Secret Service, thực là là Sở Bảo vệ Yếu nhân).
Thời điểm là chín giờ tối giờ địa phương, sáu giờ chiều giờ miền Tây (ban biên tập Việt Báo phải thức khuya dậy sớm để kịp tường trình tiết mục này). Xạ trường là Đại học Miami tại thị trấn Coral Gables của Florida - lại Florida, nơi đã bị bốn trận bão trong hơn bốn tháng và lãnh hai trận tranh cãi về bầu cử trong vòng bốn năm. Thứ tự giao tên để quyết định ai bắn trước ai bắn sau là gieo đồng tiền xấp ngửa. Cử tọa ngồi dưới là thân nhân và quan khách của hai ứng viên, đằng sau và trên các bục cao là dàn truyền thông, vừa tường thuật vừa bình luận. Họ được trọng tài Jim Lehrer yêu cầu tôn trọng luật chơi: tắt điện thoại di động, không vỗ tay cổ võ, không gây ồn ào, vi phạm là bị mời ra. Dân Mỹ, và cả thế giới nữa, theo dõi trên màn ảnh truyền hình rồi quyết định là ai thắng ai bại. Có khi còn đổi ý khi nghe các thầy bàn, hoặc đọc báo hôm sau.
Trước sau, mỗi xạ thủ có khoảng 15 mũi tên - 15 câu hỏi do Jim Lehrer tự chọn lấy - để thi thố tài năng. Thời gian giao đấu là chưa tới 90 phút nên trung bình mỗi câu sẽ phải trả lời có ba bốn phút. Khó thật. Chuyện quốc gia đại sự nói trong ba phút. Nói trật là thua. Bên được nói trước thì có hai phút, bên kia có 90 giây trả lời và nếu cần có quyền được đáp lễ nhau trong 30 giây. Tới cuối trận đấu, mỗi người có hai phút kết luận. Bắn lạc đề hay nói dai là nói dở, trọng tài sẽ gõ kẻng. Không, đèn đỏ sẽ bật. Mà chuyện đèn đóm này cũng đã là đề tài tranh cãi vài giờ trước cuộc tranh luận, vì lúc chót phe Dân chủ lại không chịu, đòi khi vào là... gỡ bóng đèn. Phe Cộng hoà trả lời: lại bất nhất, như mọi khi!
Trọng tài Jim Lehrer từng bị chê là dù rất khách quan nhưng nhiều khi quá tử tế nên trong các lần trước cứ để các thí sinh bắn loạn, nói tràn cung mây. Vì vậy, lần này ông có vẻ thận trọng hơn, nhưng vẫn không ngăn kịp tiếng vỗ tay của phe Dân chủ khi Kerry nhận là có lỗi trong vụ bỏ phiếu 87 tỷ cho trận chiến Iraq, nhưng Bush có lầm khi tấn công Iraq.
Hai ứng viên đã đến đấu trường rất sớm, nhưng không gặp nhau trước – và không biết trước là sẽ bị hỏi những gì. Đấu trường là một đại sảnh của Đại học, được đặc biệt thiết trí cho cuộc thi. Sân khấu trang trí trang nhã, với màu xanh dương nổi bật dưới ánh sáng chói lòa. Bên trái là John Kerry, bên phải là George Bush.
Nói về chiều cao, Kerry cao hơn nhiều (sáu “phít” bốn - thước chín) so với Bush (chỉ có năm “phít” 11 - thước bảy lăm), nên đôi bên tính rất kỹ, hai người phải cách nhau ba thước, để khi quay từ xa, ống kính truyền hình sẽ không hạ thấp người nào cả. Đã vậy, vì Kerry hay đổ mồ hôi trông xí giai, phe Bush đòi giữ nhiệt độ của hội trường khá cao. Thao trường này mà đổ mồ hôi là mất máu! Cuối cùng, truyền hình vẫn khiến Kerry có vẻ cao và to hơn Bush, điều sẽ được phe Cộng hoà đòi điều chỉnh kỳ tới!
Trước khi ra sân bắn sáng choang đèn đuốc, hai xạ thủ đã thao dợt với hai tay biện thuyết thủ vai đối thủ, chung quanh là các cố vấn và thầy dùi, chưa kể các thầy bàn “miễn phí” ở ngoài, cả tuần nay đã đưa ra lời khuyên cho cả hai bên. Hai người được chăm chút từng chút trong cách xuất hiện, từ bộ quần áo màu xậm, đứng đắn chững chạc, trên nền xanh dương của sân khấu (Bush màu xanh đậm, Kerry màu đen) áo sơ mi nhạt mà không nhòa (Bush màu trắng, Kerry xanh rất lạt), và cà vạt có hoa nhỏ không chói mắt (Kerry màu đỏ xậm, Bush màu xanh lam). Cả hai đều cài quốc kỳ trên ve áo.

Ưu nhược điểm từng người

Bây giờ hãy nói đến sở trường sở đoản của từng ứng viên.
Nửa ngày trước khi cuộc tranh luận mở màn bên Mỹ thì tại Baghdad, ba xe bom nổ dây chuyền nhân lễ khai trương một nhà máy lọc nước khiến một binh lính Mỹ và 42 thường dân Iraq tử vong, trong đó có 36 trẻ em. Biến cố tất nhiên dội vào cuộc tranh luận. John Kerry: “Iraq chưa an ninh, thấy chưa"” George Bush: “An ninh là vấn đề, thấy chưa"” Việc đa số nạn nhân là trẻ em, như trong vụ Beslan tại Nga, có hậu quả là khiến các bà mẹ ưu lo nhiều hơn cho con cái. Họ không còn là “soccer-moms”, hồn nhiên canh chừng con chơi bóng, mà là “security-moms”, các bà ưu tư cho sự an nguy của gia đình.
Điểm này có lợi cho Bush: vì lý do an nguy, ông đã tranh thủ được phụ nữ và cả giới trẻ từ 18 đến 30 tuổi, hai thành phần xưa nay vẫn thiên về đảng Dân chủ. Nhưng, thay vì con nít mà nếu là binh lính Mỹ bị chết hàng loạt thì Kerry có lợi: Iraq là vũng lầy cho lính Mỹ. Bush có ưu thế là cương quyết diệt trừ khủng bố, Kerry phải tấn công thành quả Iraq để vừa lòng phe phản chiến và vừa chứng tỏ là mình còn cương quyết hơn với khủng bố để hy vọng là Tổng tư lệnh thời chiến.
Đó là mục tiêu về lý luận.


John Kerry là nghị sĩ lão thành có gần 20 năm sinh hoạt nghị trường nên rất thạo nghề tranh luận (chưa kể hai năm chuẩn bị tranh cử, theo lời mỉa của Phó tổng thống Dick Cheney). Kerry từng có thành tích “ngựa về ngược” là thắng Thống đốc Bill Weld khi tái tranh cử vào chức vụ Nghị sĩ Massachussetts trong một loạt tám cuộc tranh luận. Ông nổi tiếng là nói và nghĩ nhanh, lại khéo dẫn đối phương vào chủ điểm có lợi cho mình. Tuy nhiên, dù Kerry rất thạo tranh luận đa số lại là với các đồng viện đồng tài nên hay nói dài cho tới dứt điểm mới ngưng. Ông còn bị coi là kênh kiệu, thiếu lôi cuốn và nhất là “hơi Tây quá”, tội rất nặng vì mâu thuẫn Pháp-Mỹ hiện nay.
George Bush cũng là quái chiêu về nghệ thuật tranh luận, lại thủ rất kín dưới vẻ ngờ nghệch ngọng nghịu ngập ngừng – có khi tự chế diễu tật nói sai, kiểu Texas. Ông hay nói thẳng và ngắn, còn có tài châm biếm nên gây cảm nghĩ là người bình dân và nồng nhiệt, không quá trí thức, trừu tượng. Biết vậy, đảng Cộng hoà khéo bật ra tín hiệu (láo) rằng Bush không thạo khoa ăn nói, cho nên bà con đừng chờ đợi một phép lạ. Năm 1994, bà Thống đốc Ann Richard của Texas đã nếm mùi thất bại vì sức bật bất ngờ ấy của Bush. Al Gore cũng vậy, sau tám năm làm Phó tổng thống, ông dẫn trước Bush tám điểm trước khi vào đấu trường tranh luận với Bush, mà sau vẫn thua. Cứ nói nhún rồi đạp ống nhún mà bật. Lên cao hơn đối phương là thắng.
Tuy nhiên, vì mọi người đều biết Bush có biệt tài tự hạ mình để cuối cùng vẫn thắng cho nên rốt cuộc Kerry lại có ưu thế nếu lần này Bush không có vẻ thắng như thiên hạ chờ đợi.
Dù sao, trong tranh luận, yếu tố quyết định lại không phải là lý trí - lý luận đúng hay sai - mà là cảm quan của người xem, trông ai dễ mến hơn. Hãy để ý mà xem, Kerry ăn mặc đẹp và lịch lãm hơn, dạo này còn gài cờ Mỹ trên ve áo, biểu hiệu ái quốc đặc biệt của phe Cộng hoà. Bush thì ít mặc nguyên bộ hoặc khoác áo ngoài khi đi vận động, lại còn hay đeo dây lưng đen khóa trắng kiểu “casual”, hơi cao bồi, tức là bình dân rẻ tiền. Mỗi người đều có tính toán từng chi tiết nhỏ để làm toát ra một dáng vẻ nào đó sao cho có lợi. Dân chủ là một sự tính toán kỹ lưỡng, và có trọng dân người ta mới phải vất vả như vậy.
Luật chơi đã chặt chẽ - và khắc nghiệt - bây giờ nói đến tâm tư thiên hạ, trước buổi thi bắn.

Tâm tư thiên hạ

Có khoảng từ 55 đến 70 triệu dân Mỹ theo dõi cuộc tranh luận, đây là con số dự đoán trước. Sự thực là bao nhiêu nguời thì ta chưa biết, khi báo lên khuôn.
Mức độ chú ý đó là nhiều hay ít" Cuộc thăm dò tuần trước của SRBI/Time cho biết 35% dân Mỹ sẽ theo dõi cả ba cuộc tranh luận, 49% sẽ theo dõi phần này, 14% thì không xem gì cả. Về tầm quan trọng thì 24% cho là các cuộc tranh luận rất quan trọng, 33% cho là có phần nào quan trọng. Theo cuộc thăm dò cũng tuần trước của CBS News, 27% dân Mỹ cho là các cuộc tranh luận sẽ ảnh hưởng tới quyết định của họ, 70% thì cho là họ sẽ bỏ phiếu căn cứ trên những điều khác. Còn hai cuộc khảo sát trước đấy của CBS News và Pew cùng cho một kết quả gần gũi: nói chung, 60-61% cho là Bush sẽ thắng cử, 22-27% cho là Kerry sẽ thắng.
Kết luận ra sao về các cuộc thăm dò này"
Đa số đã có định kiến, còn lại thì gần 30% sẽ quyết định sau khi theo dõi các cuộc tranh luận, nhưng dù bỏ phiếu thế nào đi nữa thì đa số tới 60% vẫn cho là Bush sẽ thắng. Nghĩa là liên danh Dân chủ của ông Kerry phải đạt thành tích nổi bật trong ba cuộc tranh luận thì mới có hy vọng.
Một lần nữa, yếu tố “dễ thương” hay không lại là quyết định: trong thành phần cho biết là sẽ ủng hộ Kerry, chỉ có 40% là ưa ông ta, 40% khác thì bỏ phiếu cho Kerry vì ghét Bush. Trong thành phần ủng hộ Bush, 80% ưa ông ta, chỉ có 10% bỏ phiếu cho Bush vì ghét Kerry. Được hỏi là thích đi ăn tối - tức là kết bạn - với ai trong hai người, trong suốt năm qua đa số đều chọn Bush. Thành thử, cao thấp là ở chỗ làm mềm lòng người hơn là có luận cứ đanh thép.
Tranh thủ lòng người vì vậy vẫn là quy luật của cuộc thi bắn tối qua. Phải bắn trúng tim thiên hạ - tâm công - bằng miệng lưỡi và cử chỉ của mình, trong khi vẫn chứng tỏ là có sự quả cảm để làm tổng thống. Chứ cứ mơn trớn dư luận với vẻ mị dân là bắn trượt.

Cuộc tranh tài

Sau đây là những cảm nghĩ sau cùng, nóng hổi, về cuộc thi bắn này.
George Bush không gây được chấn động tâm lý như đảng Cộng hoà chờ đợi. Ông có vẻ mệt mỏi chán chường với những lời phát biểu của đối phương và đó là điều tối kỵ trong trò thi bắn!
Bush không phơi bày ngay tại chỗ những biện luận của Kerry nhưng có nói đến một cuộc “thử nghiệm toàn diện” (global test) của người sẽ lãnh đạo Hoa Kỳ, một ý niệm rất xác thực cho người phải quyết định về vận mệnh thế giới nhưng quá trừu tượng đối với quần chúng. Ông dẫn đầu trong nửa đầu của cuộc tranh luận, qua phần sau, ông mất bén nhạy và hụt nhiều cơ hội bẻ gãy mũi tên của đối phương quăng xuống đất! Một thí dụ là vụ Bắc Hàn hay Iran, Kerry trách cứ chính quyền Bush mà ông không nói được cho rõ là Hoa Kỳ đã làm đúng và còn làm hơn những gì Kerry muốn làm. Ông có đạn mà không bắn! Phe Cộng hòa tất sẽ vò đầu bứt tai về chuyện này khi biết trước là người đương nhiệm sẽ phải trả lời về thành tích đã qua của mình. Chỉ còn một niềm an ủi: Bush có vẻ chân thật. Và một đòn vớt vát: Jim Lehrer coi bộ nương tay với Kerry!
Phần mình, John Kerry đạt kết quả, dù có hơi run trong mấy phút đầu.
Ông đạt kết quả đầu tiên khi nói ngắn gọn, bằng khẳng định thay vì theo đuổi một chuỗi lý luận khó theo dõi. Ông đạt kết quả khi nhắc lại hàng loạt những lời cáo buộc – trúng sai chưa kể - trong phần trình bày chủ trương của mình. Ông đạt kết quả khi hùng hồn nói về tâm tư người lính chiến – gián tiếp nhắc lại thành tích Việt Nam của mình. Ông cũng đạt kết quả khi tỏ ra là mình nắm vững hồ sơ, dù trong đó có rất nhiều điều sai – nhưng luật chơi vốn như vậy: chính trị fast food của Mỹ là gây ấn tượng tại chỗ đã. Thành công lớn nhất của Kerry là không có vẻ máy móc, chính khách chuyên nghiệp, và có vẻ như trình bày được chủ trương của mình. Rất có vẻ “presidentiable”. Sau cùng lại nhớ đến câu thần chú khi kết thúc “God bless America!” Người Mỹ bảo thủ đòi hỏi điều đó.
Nhưng, chữ “nhưng” khắc nghiệt. Ông càng chứng minh là mình có khả năng làm Tổng tư lệnh thời chiến, ông càng dễ mất lòng thành phần cử tri nòng cốt của mình là những người phản chiến. Đấy là chuyện về sau.
Kết luận sơ khởi đã: Kerry không thua là thắng, ít nhất trong cuộc tranh luận tối qua. Bush gây thất vọng, và ông sẽ phải phục thù trong cuộc tranh luận tới, trên một lãnh vực mà Kerry được coi là có ưu thế, chuyện áo cơm của dân Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.