Hôm nay,  

Hủ Tục Cản Trở Kinh Doanh

14/09/200400:00:00(Xem: 4797)
Hôm mùng tám, Ngân hàng Thế giới đã công bố kết quả khảo sát việc cải cách môi trường kinh doanh của các nước trong một báo cáo gọi là "Kinh doanh năm 2005". Việt Nam thực tế ra sao"
Đài RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài này như sau.
Hỏi: Thưa ông, nhân dịp Ngân hàng Thế giới vừa công bố phúc trình về cải cách doanh trường các nước, xin ông trước hết cho thính giả biết về bối cảnh của bản báo cáo này.
-- Đây là kết quả công trình nghiên cứu được hai tổ chức bảo trợ là Ngân hàng Thế giới và cơ quan chuyên tài trợ tư doanh International Finance Corporation của Ngân hàng Thế giới, gọi tắt là IFC. Bảûn phúc trình công bố tuần qua tên là "Doing Business in 2005" là báo cáo năm thứ nhì, có khá nhiều cải tiến so với năm ngoái. Nội dung khảo sát là tìm hiểu về các yếu tố cản trở kinh doanh trong 145 quốc gia thuộc đủ loại giàu-nghèo tự nguyện tham dự việc khảo sát, xếp theo thành quả cải cách thành bốn nhóm "tứ phân", mỗi nhóm là một phần tư số khảo sát. Mục tiêu khảo sát là để tháo gỡ những cản trở hầu giúp các quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, về lượng và phẩm. Đây là công trình nghiên cứu hàng năm, nhằm kiểm điểm việc cải tiến các thủ tục áp dụng trong năm qua hầu phá bỏ những cản trở cho việc kinh doanh trong năm nay. Từ đó, người ta có thể thấy ra mối liên hệ trực tiếp và rõ rệt nhất giữa cải cách môi trường kinh doanh và thành quả kinh tế xã hội.
Hỏi: Thưa ông, phương pháp khảo sát của công trình nghiên cứu này có đặc điểm gì"
-- Thưa nhóm nghiên cứu tổng kết nỗ lực của hơn ba ngàn chuyên gia địa phương, từ tư vấn và luật sư kinh doanh đến viên chức nhà nước của các quốc gia được khảo sát, với sự hợp tác của các học giả có uy tín quốc tế. Về phương pháp, họ đề ra năm lãnh vực khảo sát sau đây. Thứ nhất là "gia nhập doanh trường", gồm các thủ tục cho phép tư nhân thành lập cơ sở kinh doanh, như đòi các điều kiện gì, tốn kém ra sao, bao lâu thì hoàn tất. Thứ hai là "tuyển dụng và sa thải", gồm luật lệ lao động và bồi thường khi cần sa thải nhân viên. Thứ ba là "chấp hành hợp đồng", là các thủ tục và tốn kém khi giải quyết tranh chấp vì vi phạm hợp đồng. Thứ tư là "tìm nguồn tín dụng" là những điều kiện đòi hỏi khi doanh nhân phải đi vay tiền. Sau cùng, thứ năm, là "đóng cửa doanh nghiệp", là thủ tục liên hệ đến phá sản, thanh toán nợ nần, bảo vệ quyền lợi của chủ nợ. Năm nay, họ còn tìm hiểu thêm hai loại vấn đề là thủ tục "đăng ký tài sản" và "bảo vệ giới đầu tư" qua thông tin về tài chính và quản lý của doanh nghiệp.
Hỏi: Bây giờ ta đi vào nội dung, bản báo cáo năm nay có những phát giác gì đáng kể"
-- Trong số 145 quốc gia tham dự, năm qua có 58 nước đã có cải cách trên doanh trường, giúp doanh gia làm ăn dễ dàng hơn nhờ đó gia tăng sản xuất và tuyển thêm người. Trong số 58 nước này, chỉ có dưới một phần ba là các nước thuộc loại nghèo, tức là đa số có cải cách lại ở các nước giàu. Trong 10 nước cải cách nhiều nhất và có môi trường kinh doanh thông thoáng tốt đẹp thì có tám xứ Âu châu. Lý do là yếu tố cạnh tranh khiến các nước mới gia nhập Liên hiệp Âu châu phải sớm cải tổ và thành công, làm các hội viên Âu châu cũ phải ráo riết cải thiện thủ tục hành chính để khỏi thua kém. Đứng đầu về thành quả là Cộng hòa Slovakia, xưa kia tách rời từ là Cộng hòa Tiệp Khắc ra và Lithuania, một trong ba nước Cộng hoà vùng biển Baltic. Trong nhóm các nước nghèo, lý do thúc đẩy cải cách năm qua là sự đòi hỏi của cơ quan viện trợ quốc tế International Development Agency và do một sáng kiến do Hoa Kỳ đề xướng. Về đại thể, người ta thấy các nước giàu tiến hành cải tổ một cách đồng bộ, trong cả năm lãnh vực kinh doanh ta vừa nói; ngược lại, các nước nghèo thì mới chỉ cải tổ thủ tục cho việc gia nhập doanh trường, trong các địa hạt khác thì còn chậm, hoặc ít. Trong chi tiết, người ta phát giác ra nhiều điều rất lý thú, hoặc rất đau lòng cho các xứ nghèo.
Hỏi: Xin ông trình bày một số điều khám phá đó cho thính giả.
-- Nghịch lý đầu tiên là tại các nước nghèo, doanh gia bị ách hành chánh nặng nề hơn là tại các nước giàu nên họ bị loại ra khỏi doanh trường. Tại Haiti chẳng hạn, trung bình họ mất 203 ngày để giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh, tại Úc thì chỉ mất hai ngày, nên doanh gia Úc lợi được 201 ngày; Việt Nam mất chừng 56 ngày, qua 11 thủ tục. Việc gia nhập đó ở Sierra Leone tốn mất 1.280% mức lợi tức bình quân một đầu người, Việt Nam mất gần 30%, tại Đan Mạch thì miễn phí. Xứ Đan Mạch này cần 15 thủ tục để chấp hành một hợp đồng, tại Lào, người ta phải trải qua 53 thủ tục, Việt Nam mất hơn một năm, 404 ngày, qua 37 thủ tục. Nôm na ra thì không phải mọi quốc gia đều xoá bỏ hết luật lệ hay thủ tục hành chánh cho việc kinh doanh, nhưng các xứ giàu đòi hỏi điều kiện giản lược hơn cho nên ít gây khó khăn và tốn kém cho người dân. Các nước Phi châu là nhóm ít cải cách nhất về hành chính và luật lệ, và đấy có thể là lý do giải thích trình độ phát triển kinh tế rất thấp của họ. Tại Ethiopia, khi lập công ty kinh doanh, nhà đầu tư phải mở tài khoản ký thác một số tiền tương đương với lợi tức của 18 năm đi làm, và sau đó khoản tài sản này cứ nằm chết trong ngân hàng.
Hỏi: Tuy nhiên, phải chăng chính quyền các nước nghèo cũng có biện pháp nâng đỡ người dân, việc đó không cải thiện được gì sao"

-- Tôi thiển nghĩ là chính quyền các nước nghèo cần tiếp nhận một bài học kinh tế loại nhập môn là quy luật "hậu quả bất ngờ", tức là khi ban hành một biện pháp kinh tế vì mục tiêu cao đẹp nào đó lại gặp hậu quả trái ngược với mục tiêu đó. Phúc trình khảo sát có nêu một ví dụ rất đáng chú ý. Để bảo vệ lao động phụ nữ chẳng hạn, xứ Turkey quy định là phụ nữ có gia thất có quyền quyết định trong một năm là có đi làm tiếp hay không, và nếu không thì sẽ được thanh toán tiền nghỉ rất hậu hĩnh. Kết quả là các doanh nghiệp hết dám tuyển dụng phụ nữ và chỉ 16% phụ nữ xứ Turkey là có việc làm chính thức. Cũng vậy, luật lệ lao động cứng ngắc như lương tối thiểu pháp định quá cao, điều kiện bảo vệ lao động trẻ hoặc công nhân thiếu tay nghề quá chặt chẽ lại dẫn tới nạn thất nghiệp cao trong các thành phần dân số mà nhà nước muốn nâng đỡ. Một hậu quả khác của những biện pháp bảo vệ ấy là nạn lao động chui, nạn kinh doanh không khai báo, làm nhà nước không thu được thuế và kinh tế chỉ toàn những cơ sở sản xuất loại nhỏ, dễ bị thăng trầm khốn đốn nhất. Thí dụ được trình bày trong báo cáo là ách tắc hành chính khi gia nhập thị trường và thủ tục nhiêu khê để đăng bạ tài sản kinh doanh, như đất đai chả hạn, khiến người ta phải làm chui, trong nền kinh tế ngầm.
Hỏi: Cách đây đúng năm tháng, cũng trên diễn đàn này, ông có giới thiệu lý luận của kinh tế gia Peru, ông Hernando de Soto, về hiện tượng kinh doanh chui tại các nước nghèo. Hiện tượng ấy có xuất phát từ ách tắc hành chính trên doanh trường không"
-- Thưa đúng, các nước nghèo có ách hành chánh quá nặng và lại lỏng lẻo trong việc bảo vệ quyền tư hữu khiến doanh gia khó làm ăn công khai chính thức, tài sản kinh doanh vì không đăng ký nên khó thế chấp ở ngân hàng khi cần vay tiền, hậu quả là họ phải làm chui và tài sản của họ được ông de Soto gọi là "tư bản chết" vì không gây được tác dụng đòn bẩy- tức là không giúp doanh gia lấy đó để đi vay tiền được. Phúc trình của Ngân hàng Thế giới có nhắc đến những phát hiện của ông de Soto và còn giải thích thêm một vấn đề khác. Đó là sau khi chú ý đến thủ tục đăng ký tài sản, một đề mục khảo sát năm nay so với năm ngoái, người ta phải cải thiện hệ thống trắc địa, đo đạc đất đai, hệ thống luật lệ về thế chấp, về thủ tục chuyển nhượng và tố tụng nữa. Nếu không, doanh nhân sẽ lại buôn bán chui, tức là chuyển nhượng không khai báo vì quá tốn kém, và lại trở về cái nghiệp làm ăn lén lút. Chi tiết đáng chú ý năm nay là cải tổ không đồng bộ thì kết quả khả quan năm đầu sẽ lại tiêu tán trong mấy năm sau.
Hỏi: Xét vậy thì liệu việc cải cách thủ tục kinh doanh có quá nhiều khó khăn chăng"
-- Thưa không, và đây cũng là điểm đáng chú ý của bản báo cáo. Thứ nhất là thủ tục hành chính càng giản lược thì lợi ích kinh tế và nhất là xã hội càng cao. Khi do dự giữa bỏ và giữ một thủ tục nào đó thì nên bỏ. Thứ hai là so với những tốn kém của việc cải cách thì lợi ích cao hơn gấp bội, có thể gấp 25 lần. Tại các nước cải cách nhiều nhất, ở nhóm tứ phân cao nhất, hiệu quả được định lượng là làm kinh tế tăng trưởng thêm được hơn 2%. Lý do là doanh nghiệp tốn ít thời giờ công sức hơn cho việc hành chánh và cả việc đi vay, và nhà nước tốn ít công quỹ hơn và có thể dồn nhân lực đi thanh tra ruồng xét qua các dịch vụ xã hội cần thiết hơn. Vấn đề nằm trong việc so sánh lợi ích với phí tổn của việc cải cách và có quyết tâm thúc đẩy để khỏi lơ là thối lui khi chớm thấy kết quả. Năm tới, công trình nghiên cứu còn mở rộng ra hai địa hạt là yểm trợ ngoại thương và thuế doanh nghiệp, với nhiều nước khác sẽ tham gia.
Hỏi: Trong bản báo cáo này, Việt Nam được đánh giá ra sao"
-- Nói ngắn gọn thì có cải cách mà còn quá chậm. Việt Nam thuộc nhóm tứ phân thấp nhất, là loại cải cách ít nhất. Việt Nam được khen là thiết lập hệ thống đăng ký kinh doanh bằng điện toán, không đòi hỏi vốn tối thiểu, có điều lệ thống nhất và tham khảo ý kiến doanh gia trước khi cải cách, tuy nhiên bị phê là định mức lương tối thiểu quá cao nên bị hậu quả ngược về xã hội. Nói chung, tôi thiển nghĩ là cải tổ quá chậm. Điển hình là kế hoạch cải cách hành chính được viện trợ từ hơn 12 năm nay mà vẫn chưa tiến và luật lệ càng rườm rà nhiêu khê thì tham nhũng càng nặng. Người khôn của khó mà mình chậm hơn và dại hơn thì càng khó cạnh tranh hơn, làm dân đen bị thiệt.
Hỏi: Câu kết luận cuối của ông về những ách tắc cho doanh trường là gì"
-- Trước tiên, ta có vấn đề kỹ thuật thuộc địa hạt chuyên môn mà cấp lãnh đạo có khi không hiểu và cấp thừa hành thì không muốn trình bày cho rõ vì thấy trong đó những lợi ích cho mình. Có khi họ còn hù dọa lãnh đạo ở trên về những hậu quả không có nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân, hoặc tinh vi hơn thì hứa hẹn những hiệu ứng tốt đẹp cũng không có để giới lãnh đạo tưởng rằng đó là việc ơn ích cho dân. Thứ nữa, ta có vấn đề nhận thức thuộc địa hạt văn hoá, là chính quyền cứ đòi làm cha mẹ dân, với lý cớ là để bảo bọc dân đen ở dưới. Hơn 40 năm trước, trên cao điểm của phong trào giải thực tại các nước Á Phi, người ta lý luận là các nước kém phát triển sở dĩ nghèo là do sự bóc lột của các nước giàu có, rồi đòi làm cách mạng. Giờ đây ta thấy lý luận sai lầm ấy chỉ biện minh cho quyền bao biện tới phi lý của nhà nước vì chính là nhà nước ngày nay mới là vấn đề khiến dân khó làm ăn và kinh tế chậm phát triển. Thực tế thì từ hơn hai ngàn năm trước, Đông phương đã có một phương châm tương truyền là của Khương Tử Nha của Trung Hoa, theo đó triều đình càng ít sưu dịch - nôm na là thuế nhẹ, công chức ít - thì quốc gia càng giàu mạnh. Phúc trình của Ngân hàng Thế giới tái xác nhận chuyện đó, vào đầu thế kỷ 21 này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.