Hôm nay,  

Trăm Sự Tự Mình

28/07/200800:00:00(Xem: 2510)
Tiết Tôn Nghĩa, người ờ Hà đông, sắp đi làm quan ở Thiểm tây. Bạn thân là Liễu Tôn Nguyên làm tiệc tiễn hành ở bờ sông, rót chén rượu mời Tôn Nghĩa mà nói rằng:

- Thuốc đắng đả tật, lời thật mất lòng. Chẳng hay với chén thuốc này, hiền huynh chịu nhận hay chăng"

Nghĩa ưỡn ngực đáp:

- Lời phải thì nghe. Trái tai thì bỏ. Thân mang trọng trách với triều đình. Lẽ nào một hai câu nói mà lại sợ hay sao"

Nguyên nghe vậy, mới hít vội hơi sâu, thong thả mà rằng:

- Phàm ra làm quan ở địa phương nào, phải biết chức phận của mình là người làm việc cho dân. Chớ không phải sai dân làm việc cho mình, bởi, dân ở địa phương đã chịu nộp thuế để lấy tiền nuôi quan, thì quan phải biết lấy sự công minh mà truy tìm lẽ phải. Chứ đừng thấy tiền thì chụp, còn việc dân thời bê trễ, thì trước là ăn cắp của dân, sao bỗng lộc nuốt vô cũng có ngày… hóc chết!

Tôn Nghĩa đầu thì gật, tay đưa ra nhận. Run run nói:

- Làm đầy tớ cho dân, thì phải lo cho dân trước, lo cho mình sau. Có phải vậy chăng"

Nguyên mặt mày tươi rói. Lẹ miệng đáp:

- Phải! Phải!

Nghĩa lại nói:

- Quan nhất thời, dân vạn đại. Dân thì nhiều vô kể. Rụng đợt này đã lòi ra đợt khác. Vậy thì lúc nào lo cho mình" Chẳng lẽ xuôi xị mà chịu được hay sao"

Nguyên đang dạt dào trong lòng, bỗng xì như bánh tráng gặp mưa. Ú ớ đáp:

- Đã nhận bỗng lộc của dân, thì phải coi việc nước như việc nhà, coi bá tánh như anh em, và phải lấy hạnh phúc của dân đặt trước thân mình đó vậy.

Đoạn, xoay mình nhìn qua chỗ khác. Nghĩa thấy vậy, mới tận tay trả lại ly rượu cho Nguyên. Chắc nịch nói rằng:

- Cả đời lo cho dân mà không lo cho vợ, thì chẳng những thân không được yên để mà lo lắng cho dân, lại còn khổ sở đi tìm hình bóng vợ, thì họa nhiều hơn vui. Đau nhiều hơn sướng!

Rồi, quay người đi tuốt. Lúc ấy, có Quế Bưu là người hàng xóm, chạy theo níu áo. Hỏi:

- Lời của Tôn Nguyên là lời dạy của người xưa. Sao huynh lại lắc đầu không khoái"

Nghĩa xua tay đáp:

- Nghe là một chuyện. Thực hành là một chuyện khác. Vả lại, có khi người ta gởi lại ước nguyện một đời không làm được - cho thế hệ mai sau - thì nay ta cũng theo dấu người xưa để lại cho đời sau ta đó!

Quế Bưu lại nói:

- Huynh và Tôn Nguyên là bè bạn thâm giao, thân thiết từ trường… mầm, mà nay lá, chồi, tanh bành như vậy. Chẳng uổng lắm ư"

Nghĩa lặng người đi một chút, rồi bộc trực đáp:

- Làm quan mà lễ vật nhiều thì tình nghĩa nhiều, mà một khi tình nghĩa nhiều thì đường danh vọng mới rộng bước thang mây, nên ta không thể vì chút thâm giao mà hy sinh… tiền bạc nhiều đến thế!

Ngày nọ, Khổng Tử cùng đám học trò đi đến Thiểm tây, lúc nghỉ chân ở quán ăn dọc đường, bất chợt gặp một lão trượng tướng tá ngon ăn, tay ôm bầu rượu, một chân gác lên ghế. Oang oang nói:

- Địa phương ta sắp có quan mới. Nghe nói người này trước đây làm quan huyện ở Linh lăng, rất được bá tánh nơi đó thập phần quý trọng. Nay về cầm cân nẩy mực ở xứ này, thì chắc hẳn bá tánh đặng yên vui, ngàn hôm khoan khoái.

Rồi ngửa cổ ra mà ực, bất chợt có kẻ nói rằng:

- Vậy theo ý lão trượng. Quan tốt thì phải làm sao"

Lão sảng khoái đáp:

- Người làm quan tốt thì không đồng lõa với hành vi xấu. Chỉ có vậy thôi!

Kẻ khác lại hỏi:

- Quan xấu thì thế nào"

Lão đáp:

- Trộm cướp nổi lên mà vẫn cho là yên. Thiên tai xảy đến vẫn không cho là họa. Ăn chơi bạo ngược vẫn lấy làm vui sướng. Thứ đó ra làm quan thì luân thường đảo lộn, sẩy nghé tan đàn, trái phải chẳng phân. Thiệt hổng ra cái giống gì hết cả. Chẳng vậy bọn trẻ mới hát câu: Thương lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh. Thương lang chi thủy trạc hề, khả dĩ trạc ngã túc. Tạm dịch là: Nước sông Thương lang nếu mà trong, thì ta dùng để giặt giải mũ. Nước sông Thương lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân. Tóm tắt là dẫu đục dẫu trong, thì ta cũng phải bặm môi mà cố sống.

Đức Khổng Tử nghe thế, liền bảo học trò rằng:

- Các ngươi đã rõ ràng chưa" Nước trong thì người ta giặt, nước đục thì để rửa chân. Đó là đều do nước tự ên mà gây ra cả!

Lúc ấy, có Bật Tử Tiện ngồi ở gần bên. Vòng tay thưa rằng:

- Con thuộc loại nghe mười hiểu một. Dám xin thầy phân giải đôi lời cho thấu rõ được chăng"

Khổng Tử liếc qua một vòng, thấy bao ánh mắt ngưỡng mộ hướng về mình như chờ như đợi, liền cao hứng đáp:

- Các con hãy lặng ngắm mà xem. Việc thiên hạ, cái gì cũng tự… gieo gió mà ra cả. Chớ đang không chẳng ai quởn mà mang tới cho mình. Người ta tất phải tự khinh thân mình trước, rồi bá tánh bên ngoài mới thủng thẳng khinh sau, cũng như nước mình tất phải sâu mọt trước, thì hàng xóm bên ngoài mới nhào vào hủy diệt mình sau. Chớ có đâu nước hùng dân mạnh, mà lại mất đi vào tay kẻ khác bao giờ"

Rồi đưa tay vuốt râu một cái. Cao giọng mà rằng:

- Bởi vậy mới có câu: Thiên tác nghiệt, do khả vi. Tự tác nghiệt, bất khả hoặc. Nghĩa là trời làm tai vạ thì ráng tu tỉnh còn trông mong tránh được. Chớ mình gây ra tai vạ thì chẳng thể nào trốn tránh được đâu!

Bật Tử Tiện nghe thầy giảng cho một lèo, trong bụng khoái khoan, bất chợt dựng ngược chân mày lên. Sửng sốt nói:

- Hôm nọ tại nhà viên ngoại họ Thôi ở đất Tần, Thầy có dặn: "Người hại không sợ. Trời hại mới sợ.". Nay dưỡng tánh tu tâm thì khỏi sợ Trời. Có phải vậy chăng"

Khổng Tử hài lòng đáp:

- Phải! Phải!

Tử Tiện lại hỏi:

- Nếu mình bị người ta hại, đến nỗi thần sắc đảo điên, hoảng loạn đến cùng cực, tới độ không còn bình tâm dưỡng tánh tu thân, để cầu cứu với Trời, thì phải làm sao"

Khổng Tử đi du thuyết đã nhiều, gian nan từng trải, nên hiểu được một khi đã lý lẽ với nhau thì không bao giờ cạn, bèn tức tốc gắt:

- Coi như mình nợ người ta từ kiếp trước, thì kiếp này vui lòng mà trả, để khỏi nợ qua kiếp sau, mà… thêm lời vô vốn!

Rồi kéo áo đứng dậy toan đi. Chợt thầy Mạnh Tử vòng tay thưa rằng:

- Thưa thầy! Nước sông Thương lang dù có trong, nhưng vẫn không thiếu người đến đó tắm giặt, bởi không phải ai cũng có giải mũ mà mang đến đó. Lại nữa, nước sông Thương lang dù có đục, nhưng bá tánh vẫn xách về lóng phèn xài lại. Chớ không chỉ để rửa chân. Con nghĩ: Nước sông Thương lang dẫu đục hay trong cũng chưa là quan trọng, điều quan trọng là thế nhân phải biết dùng đến nó. Xét như vậy thì dẫu có lỡ làm nhơ nhuốc thanh danh, cũng không có nghĩa là… tắt đường rồi đó vậy!

Khổng Tử toan không trả lời, nhưng đến lúc đảo mắt nhìn quanh, thời thấy bao nhiêu cặp mắt trong quán đang hướng về mình, thì biết lời lỡ nói ra không bao giờ lấy lại được, bèn từ tốn hỏi:

- Các ngươi theo ta học hành. Có đóng học phí hay không"

Chúng môn đồ thưa:

- Dạ có!

Khổng Tử lại nói:

- Bao năm các ngươi theo ta hành đạo. Có bao giờ trong quán ăn thấy ta giảng đạo Thánh hiền chưa"

Chúng đệ tử thưa:

- Dạ chưa!

Lúc ấy, Khổng Tử mới chậm rãi nói:

- Ở đây là quán ăn, lại nhiều người chưa đóng tiền, nên ta không thể phân giải ngọn ngành cho các ngươi hiểu được. Đợi khi về đến gia trang, thì mọi việc sẽ trào tuôn bay láng.

Rồi lật đật bước đi. Tử Tiện thấy vậy, mới khều tay của Khổng Miệt mà nói rằng:

- Lần lần lữa lữa, bữa nọ bữa kia, thì chỉ ít hôm chẳng còn ai nhớ được. Thiệt là hết ý!

Lại nói về Tôn Nghĩa. Lúc đến nhà, có vợ là Hàn thị lúp xúp từ trong bếp chạy ra. Hơ hãi nói:

- Chàng từ bờ sông trở về. Lẽ ra phải mặt mày tươi tỉnh, thần sắc ngon ăn. Hà cớ chi lại sầm sập như trời mưa như thế"

Nghĩa chán nản đáp:

- Chỉ có một ly rượu mà tai phải nhức, đầu phải đau, còn ruột gan thì rối bời như hung tin cha bị té giếng mà thác. Vui được hay sao"

Hàn thị nghe vậy, liền đưa tay vuốt lưng của Nghĩa mấy cái, rồi từ tốn nói:

- Tôn Nguyên là bạn thân của chàng từ thời còn để chỏm, thì sao lại chấp nhất với nhau làm gì" Chẳng những chàng không được vui, mà tình bạn không khéo lại… mòn ra thêm nữa!

Nghĩa thấy vợ tỏ ý binh bạn mình, mà không lý gì đến chữ phu thê, liền lớn giọng gắt:

- Mất tình bạn thì đã chết ai" Sao nàng lại ưu tư nhiều đến thế"

Hàn thị mĩm cười một nụ. Nhỏ nhẹ đáp:

- Thiếp đã từng nói với chàng: Làm người ai mà không lầm lỗi, thì đừng khó khăn với người ta, mà nên khoan thứ đặng tập lòng quảng đại. Chàng cũng đừng vì người ta khác ý với mình, mà cắt sợi dây chuông, thì ít nữa mai kia lấy ai bầu với bạn" Lại nữa, thiếp hãm mình ăn chay, làm điều phước thiện, chẳng qua chỉ mong chàng đừng đi theo con đường của… má - bởi một người muốn thành công - thì trước hết phải đòi hỏi bản thân của mình cái đã. Chớ bộp chộp trách người, rồi đá nọ liệng kia, thì đời sống tâm linh bao giờ mới khá được…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.