Hôm nay,  

Hội Trám

23/05/199900:00:00(Xem: 7878)
Dân tộc mình rất mực thơ mộng. Ngay cả những lễ nghi như "cúng sinh thực khí" tưởng như có vẻ sex, nhưng thực ra lại rất là vui nhộn. Các báo quốc nội viết về Hội Trám như sau.
Hội Trám là một hình thức sinh hoạt dân gian được người dân làng Trám thuộc xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Là quê hương của những lễ cúng sinh thực khí cầu mong sự phồn thực ngày xưa nên những nghi lễ trong hội Trám mang tính hài hước, vui nhộn.
Phong Châu (Phú Thọ) là vùng đất của huyền thoại và lễ hội. Các lễ hội được tổ chức thường vào mùa xuân hằng năm. Bên cạnh những lễ hội mang tính truyền thống như lễ hội đền Hùng, lễ hội đền Tây Thiên... còn có những lễ hội mà phần "lễ" chỉ là "nghi lễ" mở đường cho phần "hội" - phần chủ yếu. Những lễ hội loại này thường mang tính giải trí, nhằm làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân hoặc khuyến khích nhân dân trong một ngành nghề nào đó. Trong lễ hội loại này có hội Trám hay như cách gọi dân dã: trò Trám.
Hội Trám - một hình thức sinh hoạt dân gian được tổ chức ở làng Trám, xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ vào ngày 12 tháng 1 âm lịch hằng năm.
Theo chân các già làng, tôi ra thăm miếu Trò. Nằm sát cánh đồng và làng là một vạt đất vuông vắn được bao bọc bởi những hàng cây lưu niên. Miếu cũ không còn, nhưng những "vật linh" - vật thờ - vẫn được dân làng gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Một ngôi miếu mới - theo cấu trúc và vị trí của miếu cũ - đã được dựng lên. Trên nền miếu này, từ bao đời nay, mỗi năm một lần, dân làng Trám đều tiến hành cúng vật linh và biểu diễn những trò vui của mình. Vật linh được thờ trong miếu là 2 vật (được tạc bằng gỗ) biểu hiện cho nam tính và nữ tính, còn gọi là nõ, nường.
Mở đầu lễ hội là lễ mật, còn gọi là lễ "linh tinh tình phộc". Đây là dấu vết của những lễ cúng sinh thực khí ngày xưa, nhằm mục đích cầu mong sinh sôi nảy nở (phồn thực). Lễ được tổ chức vào nửa đêm. Đúng 0 giờ (giờ Tý) ông Từ miếu dẫn 1 đôi nam nữ (nam thanh nữ tú) ra trước miếu. Nam đóng khố, nữ mặc váy yếm đào. Cùng ông Từ, họ làm lễ khấn vái thần linh miếu Trò và xin âm dương. Họ được trao và khi họ giơ cao 2 vật linh nõ nường thì đèn tắt, đồng thời vang lên khẩu lệnh của ông Từ miếu - "linh tinh tình phộc". Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ "phộc" nõ nường vào nhau, đúng 3 lần. Dân làng nín thở chờ đợi, bởi, theo quan niệm của làng, nếu nõ nường "phộc" trúng vào nhau thì năm đó mùa màng sẽ bội thu, cây cối tốt tươi, người vật bình yên khỏe mạnh. (Các cụ kể hầu như chưa có năm nào nõ nường bị trượt, có lẽ bởi vậy, Tứ Xã là một trong những xã thịnh vượng nhất của Phú Thọ).
Sau âm thanh "phộc" vào nhau của nõ nường là tiếng hò rất to của ông Từ miếu: "Tháo khoán". Thoát khỏi mọi ràng buộc, họ ôm nhau reo hò để xua đuổi ma tà quỷ dữ, và để đưa nhau vào những nơi họ được tự do. Những ông già, bà cả đành rút lui chờ lễ tiếp theo - lễ rước lúa thần - được tiến hành vào sáng sớm, khi đã tỏ mặt người.

Sáng 12 tháng Giêng, lễ rước lúa thần được tổ chức hết sức long trọng. Lúa thần là những bông lúa thật to thật mẩy. Lá lúa được tượng trưng bằng lá mía. Lễ rước lúa thần, ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là sự ngợi ca lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa nước.
Phần sau cùng của Trò Trám là hội trình nghề "tứ dân chi nghiệp" (sĩ, nông, công, thương). Nói là "tứ dân" nhưng thực ra có rất nhiều nghề. Họ diễn trò tại sân miếu rồi kéo ra các đường làng. ở Trò Trám không có những trò đề cao tài trí, đề cao tinh thần thượng võ... mà chỉ có những trò (và những lời ca) vui nhộn, thậm chí rất tục, mang tính hài hước, mua vui, rất gần với sinh hoạt đời thường (bởi vậy những trò này còn được gọi là trò "nhây nhả").
Mở đầu hội trình nghề là màn giáo đầu, được thực hiện bởi người cầm loa và người cầm biểu. Với những động tác gây cười, người cầm loa dọn chỗ:
Ôi! loa... loa... loa... loa...
Xin mời đôi bên hàng xứ giãn ra
Để phường Trám tôi ra trình trò
Ôi! loa... loa... loa... loa...
Còn người cầm biểu (biểu là cái mẹt, ghi bốn chữ "tứ dân chi nghiệp") đương nhiên cũng với động tác gây cười, sẽ giải thích thế nào là "tứ dân chi nghiệp", thế nào là "sĩ, nông, công, thương"...
Sau màn giáo đầu là các màn trình trò, xen với hề. Các diễn viên khi trình trò bao giờ cũng phải diễn với những động tác gây cười. Bổ sung cho các động tác là những lời ca, những lời ca ngoa dụ, đầy ẩn ý, luôn gợi mở sự liên tưởng, thanh nhưng tục. Trong khi trình nghề nông, tốp thợ cấy với ánh mắt, dáng người, bàn tay... cùng với câu hát ví ẩn ý:
Này chị em ơi
Khi cấy nhớ gốc chổng lên
Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng
Đã làm cho cánh mày râu cười rung sân miếu, còn các bà, các cô thì nghiêng ngả.
Hay khi trình nghề "công", các diễn viên vừa ca ngợi nghề kéo sợi - cung bông, vừa đưa khán giả vào một sự liên tưởng vui vẻ:
Nữ: Xin đừng quản thấp so cao
Bông em đã nở anh vào mà cung
Nam: Thế là nhất sợi nhì bông
Vừa cán vừa kéo chẳng thông một ngày
Sợi lôi ra bằng cổ chày
Phường chài đến hỏi mua dây kéo thuyền.
Hoặc ngay trong màn dạy học (nghề "sĩ") cũng vậy.
Còn trong nghề "thương", chúng ta sẽ gặp một kiểu mua bán rất lạ. Họ chỉ mua và bán một thứ duy nhất: xuân. Người rao: "Ai mua Xuân nào", kẻ đáp: "Tôi mua Xuân đây" cùng với những lời ca kiểu như:
Ai ơi chơi lấy kẻo già
Măng non có lứa đôi ta có thì
Chơi muộn thì hết xuân đi
Nay lần mai lữa còn gì là xuân!
Lời ca đã thể hiện phần nào bản chất của trò Trám. Còn rất nhiều những trò và những lời ca khác, nhưng tựu trung tất cả đều nhằm đến đích: gây cười. Chính vì vậy mà có câu:
Cuộc đời vất vả sớm hôm
Đi xem trò Trám đủ ôm miệng cười.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nỗi lo thiếu thủy sản… Báo Tiền Phong kể: Các nhà máy chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu trầm trọng…
Nước nghèo, dân số tương đối, nhưng rác nhựa lên hàng dư thừa… Đó là chuyện VN.
Cán bộ tưng bừng bia rượu trong giờ làm việc là thường… Bây giờ sẽ bị cấm.
Thủ đô vẫn luôn luôn không giống ai: Hà Nội không thoát nổi ô nhiễm….
“Giang hồ hiểm ác!” là châm ngôn thường được nhắc tới trong các truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Thực tế giang hồ trong tiểu thuyết và giang hồ ở ngoài đời có lẽ chẳng khác nhau bao nhiêu, như chuyện các tay giang hồ đâm chém nhau tại Sài Gòn, Bình Dương trong mấy ngày qua mà báo mạng VNExpress cho biết dưới đây.
So với mức lương của người dân VN hiện nay thì 1.2 triệu đôla một năm trả cho huấn luyện viên đội tuyển quốc gia VN gốc Nam Hàn Park Hang Seo là rất cao dù so với nhiều nước trên thế giới thì không có gì là cao, nhưng điều lạ là tin này trong nước chưa biết thì Thái Lan, Nam Hàn đã biết
Tại sao phải đợi đến 3 tiếng đồng hồ và phải có thỏa thuận bằng giấy tờ chứ không được nói miệng thì các cơ quan truyền thông mạng mới được đăng lại tin của báo giấy?
Hàng ngàn người dân cư ngụ tại một chung cư tại tỉnh Nghê An đã phải di tản vì chung cư bốc cháy dữ dội, theo bản tin của báo Người Đưa Tin cho biết hôm 6 tháng 11.
Đồng Bằng Sông Cửu Long đang quên đi chuyện nước mặn dâng cao mà tập trung vào cuộc vui lễ hội Ook Om Bok mà trong đó thi đua ghe ngo là hào hứng nhất
Cái gì lâu đời thuộc về văn hóa dù là văn hóa vật thể cũng đều quý hiếm như cây thị 900 tuổi tại Chùa Đồng Phúc thuộc tỉnh Quảng Ninh tại miền Bắc Việt Nam được liệt vào si sản văn hóa của Việt Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.