Hôm nay,  

Ngư Dân Đầy Gian Nan

16/09/201600:00:00(Xem: 2956)
Họ ở tuyến đầu biên giới biển. Họ là hình ảnh cột mốc biên giới lưu động trên sóng nước Biển Đông. Và họ chèo chống giữa những trận bão, đôi khi rất là cô đơn. Họ là các ngư dân, ra gìn giữ biên giới biển trong khi mưu sinh trên những chiếc tàu cá bị sóng gió vùi dập. Và là nhiều loại sóng gió.

Báo Thanh Niên hôm 13/9/2016 kể chuyện: Hai tàu cá và 5 ngư dân Hà Tĩnh mất tích trên biển.

Bản tin nói, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn cấp tìm kiếm 2 tàu cá và 5 ngư dân mất tích trên biển.

Bản tin báo Thanh Niên ghi lời ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, khoảng 13 giờ ngày 12.9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, hai tàu cá có công suất 24 CV và 41 CV của gia đình ông Chu Văn Uẩn (ngụ thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) đang trên đường từ vùng biển Quảng Ninh về vùng biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) đã bị mất tích…

Đó là sóng gió thường gặp ở Biển Đông. Nhưng cũng có khi, có nơi ngư dân bị sóng gió trên bờ.

Như bản tin VTV tuần trước kể chuyện: Đằng sau hiện tượng bán tàu cá ở vùng biển Phú Yên…

VTV nêu lên câu hỏi nhức nhối: Với ngư dân, tàu cá là tài sản, là cuộc sống của gia đình. Vậy vì sao họ lại phải bán tàu? Điều này là bất thường hay bình thường?

Trước đây, ở vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ, hiếm hoi lắm, ngư dân mới rao bán tàu cá. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, hiện tượng bán tàu cá lại trở nên thường xuyên và xảy ra ở nhiều làng biển.

Bản tin kể rằng một chuyến khai thác cá ngừ đại dương, phí tổn bỏ ra ít cũng lên đến 80 triệu đồng. Vậy mà hai năm nay, lượng cá khai thác của mỗi tàu lại giảm sút trầm trọng. Theo tính toán của nhiều ngư dân, cứ 10 tàu khai thác cá ngừ đại dương thì 2/3 lỗ tổn phí hoặc chỉ hòa vốn. Trong khi đó, để mở biển, các chủ tàu cá chịu áp lực gay gắt do khan hiếm lao động đi biển.

Những khó khăn trên là lý do chính khiến cho trong vòng hai năm nay, chỉ riêng hai địa phương đứng đầu tỉnh Phú Yên về khai thác xa bờ là phường Phú Đông và phường 6, thành phố Tuy Hòa, hàng chục tàu cá đã được bán đi.

Vấn đề được VTV nêu lên:

“Tàu cá là tài sản của ngư dân. Mua bán tàu cá nghĩa là khối tàu sản được chuyển nhượng. Đó là điều bình thường. Tuy nhiên, đằng sau hiện tượng rao bán tàu cá rõ ràng là điều bất thường. Bất thường chính ở chỗ nghề biển đang bộc lộ nhiều hạn chế khiến cho một bộ phận ngư dân không giữ được nghề, buộc phải bán tàu cá.”

Còn chuyện Formosa vẫn chưa êm, và có thể tác hại sẽ kéo dài nhiều thập niên.

Báo Thanh Niên hôm 9/9/2016 kể chuyện: Ngư dân khốn đốn vì cá không bán được.

Bản tin TN nói rằng trong khi cơ quan chức năng còn loay hoay với việc có tiếp tục cho Formosa xả thải ra biển hay không thì ở 4 tỉnh miền Trung ngư dân vẫn đang chịu hậu quả vì thảm họa do Formosa gây ra. Mà có đánh bắt xa bờ cũng thua…

Chiều 8.9, tại 2 cảng cá của Hà Tĩnh là Cửa Sót và Cửa Nhượng, nhiều tàu cập bến đầy ắp cá, tôm, cua, sò... Tuy nhiên lượng đánh bắt chỉ bằng một nửa năm 2015 và sức mua giảm mạnh nên thu nhập của ngư dân bị giảm thê thảm.

Báo Thanh Niên kể chuyện Hà Tĩnh: Là người trực tiếp buôn bán hải sản tại cảng cá Cửa Sót, chị Nguyễn Thị Yến (43 tuổi, ngụ xã Thạch Kim, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết tâm lý người dân còn e dè, chưa dám ăn hải sản như trước nên lượng bán ra sụt giảm. Có nhiều loại cá biển như cá trích, cá lẹp, lòi... không ai mua.

Tại Quảng Bình cũng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bảo Ninh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình), cho biết đến thời điểm hiện tại tình hình tiêu thụ thủy hải sản vẫn chưa có chuyển biến tích cực, người dân vẫn dè chừng với thủy hải sản đánh bắt từ biển. Vì thế, việc mua bán ế ẩm, giá cả rớt xuống bằng 1/3 so với thời điểm chưa xảy ra sự cố môi trường biển.

Đặc biệt, ngư dân bị các đầu nậu thu mua ép giá nhưng buộc phải bán để có thu nhập, chi phí trang trải cuộc sống. Xã Bảo Ninh có 216 tàu đánh bắt gần bờ, vì người dân không có nghề khác nên hầu hết các tàu thuyền đều ra biển đánh bắt. Tuy nhiên, theo ngư dân Lại Minh Tân (ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới), thủy sản đánh bắt về bán chẳng mấy người mua. Ngoài ra, theo tìm hiểu của báo Thanh Niên, hiện các cơ sở thu mua hải sản xa bờ đang tồn một lượng hàng lớn thu gom thời gian qua.

Có một câu hỏi có thể đưa ra nghi vấn: có phải tồn trữ hải sản là để đưa vào các tỉnh phía nam bán? Không có câu trả lời minh bạch.

Từ cuối tháng 4, khi thảm họa cá chết xảy ra, ngư dân 16 xã, thị trấn ven biển của tỉnh Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nghề cá đáy gần bờ dường như đã triệt tiêu, tàu cá nằm bờ nhiều tháng liền. Họa chăng đánh được ít thì cũng không bán được vì từ lâu người dân đã “nói không” với các loại cá tầng đáy, sống gần bờ.

Bản tin Thanh Niên kể:

“Đánh bắt xa bờ cũng không khá hơn. Tại TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) và TT.Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, 2 địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Quảng Trị), ngư dân cho biết những chuyến ra khơi dài ngày của họ đã không mang về lợi ích kinh tế lớn như trước đây mà chỉ có thể là hòa hoặc lỗ vốn. “Giá nhân công, xăng dầu, đá lạnh, thực phẩm... vẫn như trước hoặc tăng hơn trong khi giá hải sản thì lại xuống thấp. Nhiều khi bán người ta không muốn mua, có lúc phải bán cho các kho lạnh... Nhưng gần đây cũng không bán được vì các chủ vựa cá cũng sợ không dám “ôm” hàng nữa rồi”, ngư dân Bùi Đình Sanh (TT.Cửa Việt) cho biết.

Đáng lưu ý, hiện tại chợ Đông Hà (chợ lớn nhất tỉnh Quảng Trị), số tiểu thương tại hàng cá đã giảm đến hơn 50%. Theo ban quản lý chợ, do người tiêu dùng quay lưng với cá, việc buôn bán quá ế ẩm nên các tiểu thương đành phải bỏ việc hoặc chuyển sang bán thứ khác. Thậm chí, ban quản lý chợ đã tìm cách miễn giảm phí thuê mặt bằng cho các tiểu thương bán cá nhưng cũng không thể giữ chân được họ...”

Vậy rồi chuyện Formosa xả thải ra sao? Các quan chức Hà Tĩnh nói không mấy ai tin nữa, nên ngư dân chẳng buồn nói tới… Nội lo chuyện bán cá không được là ngất ngư rồi. Vậy mà, nhiều cán bộ Hà Tĩnh đề nghị lên ý kiến để cho Formosa xả thải ra sông Quyền. Than ôi, sẽ lại chết kiểu khác.

Cũng nên nhắc rằng, Báo Giao Thông hôm 20/8/2016 kể chuyện: Đua nhau bán tàu cá đóng bằng tiền hỗ trợ…

Nghĩa là, thê thảm tới mức phải bán tàu cá.

Bản tin báo GT kể: Nhận được tiền hỗ trợ đóng tàu nhưng chỉ sử dụng được vài năm, một số ngư dân tại Hà Tĩnh lại tìm cách bán tàu cho đối tượng khác với nhiều lý do rất... hợp lý.

Bản tin báo Giao Thông ghi lời anh Trần Xuân Hiến (trú tại thôn 5, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) là một trong số nhiều ngư dân nhận tiền hỗ trợ đóng tàu cá, nhưng sau vài năm đã phải bán tàu: Năm 2014, anh được nhận tiền hỗ trợ để đóng tàu với số tiền 190 triệu đồng. Tàu cá HT-90187TS của anh đóng hết tổng cộng 660 triệu đồng. Sau khi đưa vào sử dụng được hơn 2 năm thì gặp một số khó khăn như: Tàu xuống cấp nhanh, tìm bạn (thuyền viên) đi cùng tàu không có nên anh đành phải bán tàu cho người khác với giá 360 triệu đồng.

Thế là, sẽ bỏ trống Biển Đông chăng? Chuyện này có nằm trong quy trình Mật Ước nào hay chăng?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xem hát cải lương miễn phí? Chuyện này chỉ xảy ra tại Sài Gòn…
Doanh nghiệp Nhật Bản rủ nhau đầu tư vào nông nghiệp VN…
Bắt đầu quan ngại rồi… xuất cảng rau quả giảm trong năm nay.
Không dưng Việt Nam lại trở thành bãi đáp cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trốn thuế…Báo Đất Việt kể: Lo Việt Nam thành bãi đáp cho DN Trung Quốc tránh thuế…
Nhà văn Phan Khôi sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887. Nghĩa là, vào Chủ Nhật này (ngày 6 tháng 10/2019) là tròn 132 năm ngày sinh của cụ Phan Khôi.
Thường khi đầu tư vẫn có nghĩa là ném tiền lên cho bay theo gió… Chưa hẳn thế, nói đầu tư, có khi tiền vào túi riêng cán bộ và rồi khai đầu tư chưa hiệu quả…
Sinh viên đánh bài trong trường đại học. Đặc biệt đây là trường sư phạm… nghĩa là các thầy giáo tương lai.
Cấm hút thuốc thử nghiệm… hy vọng s4 thêm du khách không ưa thuốc lá.
Chính phủ CSVN bán nước với giá trên trời… làm người dân chới với.
Ngày cxàng khó thổ tại Hà Nội, khó thở tới sinh bệnh đủ thứ…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.