Hôm nay,  

Gs Hoạt: Thương Ước Đẩy Mau Tiến Trình Tự Do Hóa

18/07/200000:00:00(Xem: 5490)
ANNANDALE, Va. (VB) - Bản thương ước sẽ mở ra một chương sử mới “đẩy nhanh tiến trình tự do hóa” cho Việt Nam, và nhân thời điểm này, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người cựu tù lương tâm hơn 2 thập niên, đã phổ biến bản tuyên bố trong này kêu gọi nhà nước CSVN “hãy đưa ra những thay đổi căn bản về mặt chính trị và văn hóa tư tưởng để, cùng với những thay đổi về mặt kinh tế thương mại, mở đường cho một nước Việt mới ra đời hội nhập hoàn toàn vào trào lưu chung của nhân loại: Một nước Việt với nền chính trị dân chủ, văn hóa tự do và kinh tế thị trường.” Toàn văn như sau.

TUYÊN BỐ VỀ HIỆP ƯỚC THƯƠNG MẠI MỸ-VIỆT
Sau bốn năm thảo luận, ngày 13 tháng 7 vừa qua Hiệp Ước Thương Mại Mỹ-Việt đã được ký kết và sẽ được đưa ra thông qua tại Quốc Hội hai nước. Đây là một bước đi quan trọng trong tiến trình Việt Nam hội nhập vào thế giới đồng thời cũng là cơ hội để Quốc Hội, chính phủ và công chúng Hoa Kỳ tiếp tục giúp nhân dân Việt Nam đẩy nhanh tiến trình tự do hóa toàn bộ các mặt sinh hoạt xã hội ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 295 của Hạ Viện.

Bản Hiệp Ước thương Mại Mỹ-Việt chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Việt Nam. Nhưng để bản Hiệp Ước đạt được kết quả tích cực trước hết cần có một nền tư pháp độc lập và một hệ thống pháp luật công minh và bền vững, phù hợp với luật pháp quốc tế. Và để nền kinh tế Việt Nam phát triển đúng tiềm năng và tốc độ của nó, ngay trong lãnh vực kinh tế tài chánh cũng còn cần nhiều thay đổi quan trọng. Ngoài ra bản thân nền kinh tế thị trường muốn tồn tại và hoạt động được còn cần một môi trường xã hội dân sự cởi mở tụ do và trong sáng, để toàn dân phát huy được tiềm năng và tiềm lực đa dạng và phong phú, tiếp thu và vân dụng được các tiến bộ của thế giới. Không có môi trường và điều kiện luật pháp, văn hóa và chính trị thích hợp thì tự do thương mại sẽ không đem lại phúc lợi và công bằng cho toàn dân mà chỉ làm lợi cho giới cầm quyền và những người có đặc quyền đặc lợi. Tự do thương mại phải đi kèm với tự do văn hóa và tự do chính trị nếu muốn xây dựng một nước Việt phồn vinh, tự do, công bằng và nhân bản.

Xây dựng một nước Việt như thế là công việc của mọi người Việt không phân biệt địa phương, tôn giáo, chính kiến, trong nước cũng như hải ngoại. Hiệp ước thương mại tự do Mỹ-Việt đang mở ra một giai đoạn mới với những cơ hội mới trong tiến trình tự do hóa Việt Nam. Đây là giai đoạn hòa nhập sức sống tự do đầy năng động và sáng tạo của cộng đồng người Việt hải ngoại vào sinh hoạt của người dân trong nước, để hỗ trợ người dân trong nước dành lại quyền chủ động, trước hết, trong lãnh vực kinh tế thương mại, rồi tiến đến các lãnh vực văn hóa và chính trị. Cùng với những đòi hỏi dân chủ và nhân quyền, việc mở rộng cửa thị trường nội địa cho họat động kinh tế thương mại tự do tư nhân và quốc tế sẽ thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng một nước Việt dân chủ và phồn vinh.

Về phía chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, cần bảo đảm rằng nền kinh tế tự do,với thị trường tự do và sự cạnh tranh bình đẳng và trong sáng, phải được áp dụng không phải chỉ cho thương gia Mỹ và quốc tế, mà cả cho thương gia Việt Nam ở trong nước và từ hải ngoại về trong nước. Những hàng hóa tiêu dùng, công trình và sản phẩm văn hóa, văn học, học thuật của người Việt hải ngoại phải được tự do nhập cảng vào Việt Nam và được tự do buôn bán ở Việt Nam.

Riêng đối với những nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, đây là cơ hội thử thách ý chí, khả năng và vai trò của họ trong việc đáp ứng khát vọng tự do hạnh phúc của toàn dân. Tôi kêu gọi họ hãy đưa ra những thay đổi căn bản về mặt chính trị và văn hóa tư tưởng để, cùng với những thay đổi về mặt kinh tế thương mại, mở đường cho một nước Việt mới ra đời hội nhập hoàn toàn vào trào lưu chung của nhân loại: Một nước Việt với nền chính trị dân chủ, văn hóa tự do và kinh tế thị trường. Chỉ có một giải pháp toàn diện như thế mới thật sự đưa nước ta nhanh chóng ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu kéo dài mấy thập niên qua, và thoát khỏi nguy cơ bất ổn định và bạo loạn xã hội.

Hoa Thịnh Đốn, ngày 14 tháng 7 năm 2000
Đoàn Viết Hoạt
Tel. (703) 256-0277 - Email: thuctran@aol.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.