Hôm nay,  

Các Giáo Sư Bị Quy Tội Đã Gây Phong Trào Phản Chiến

17/03/200200:00:00(Xem: 3801)
Các giáo sư và ban giảng huấn của nhiều đại học Mỹ đã bị quy tội đã gây nên những phong trào phản chiến hiện nay, theo một bản phúc trình bởi American Council of Trustee and Alumni (ACTA), có trụ sở chính tại Washington.

Sinh viên thuộc hơn 140 trường đại học trên 36 tiểu bang đã tổ chức những cuộc biểu tình chống lại việc chính phủ dùng vũ lực tấn công quân Taliban tại A Phú Hãn, bản phúc trình cho biết như vậy.

Bản phúc trình, với tiêu đề "Defending Cilvilization: How Our University Are Failing America and What Can Be Done About It" - đã kết luận rằng nhiều giáo sư và ban giảng huấn đã quá vội vàng phê phán những hành động yêu nước, chẳng hạn như việc treo cờ Hoa Kỳ, và đã xem thường các sinh viên khi họ có ý gạn hỏi về quan điểm chính trị sai lầm của các giáo sư trong lớp học. Bản phúc trình vừa được hoàn tất tháng trước.

Những hành động này cần phải được chấm dứt vì nó đã đe doạ điều căn bản nhất của học đường là sự trao đổi ý kiến, Anne Neal, Phó Chủ Tịch ACTA, đã tuyên bố như vậy. Các giáo sư cần phải thay đổi chương trình giảng dạy để gồm cả ý kiến của hai phía về những vấn đề liên quan đến sự kiện lịch sử này, nếu không, họ sẽ tiếp tục làm tổn hại đến các sinh viên, bà nói thế.

"Tôi không nói là 100% các trường đại học đều gây nên phong trào phản chiến", bà Neal nói, "Nhưng có nhiều trường đã làm việc này và chúng tôi rất quan ngại vì đây là những hành động và tư tưởng có thể ảnh hưởng đến sự suy nghĩ và hiểu biết của chúng ta".

Bản phúc trình của ACTA đã đưa ra một danh sách điển hình của 117 sự kiện phản chiến.

Sự quan ngại hàng đầu của những hội đoàn như ACTA là tư tưởng phản chiến đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học sau vụ khủng bố 9-11-2001.

Những thí dụ mà ACTA nói đến, đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho mùa xuân này và mùa thu tới là: "The Sexuality of Terrorism" tại UC Hayward; và "Terrorism and the Politics of Knowledge" tại UCLA, những lớp học mà, theo như sự định nghĩa của lớp, sẽ đào sâu về vấn đề "những dữ kiện của Hoa Kỳ về chế độ Quân chủ".

Những lớp này là "một thí dụ điển hình cho việc đổ tội lên đầu những nạn nhân, điều mà phe tả thích làm", Winfield Myers, thuộc Intercolliage Studies Institute đã nói "Sự lập luận cho rằng việc làm của những kẻ khủng bố và các quốc gia che chở cho họ cũng giống như chế độ Quân chủ xa xưa là một sự ngụy biện thật khéo léo".

Rick Parsons, giám đốc Young America's Foundation nói rằng việc đưa những chương trình giảng dạy có tính cách không trung thực vào các trường đại học là chuyện rất thường. Hầu hết những giáo sư giảng dạy những chương trình này thuộc thành phần phản chiến trong thập niên 60 và 70.

"Họ cho là Hoa Kỳ đã làm lỗi trong tất cả mọi việc. Giản dị như thế", Parsons nói vậy.

Các thành viên của ACTA nói rằng các vị giáo sư nên đưa vào chương trình giảng dạy những lớp đặt căn bản vào nền văn minh của xã hội phương Tây. "Nếu cả hai phía đều được trình bày, các sinh viên và chúng ta đều được lợi", bà Neal nói vậy.

Các phong trào phản chiến đã là một phần của những trường đại học tại Hoa Kỳ kể từ thời chiến tranh Việt Nam, khi các sinh viên phản chiến biểu tình đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải chấm dứt việc liên hệ quân sự đến các quốc gia khác.

Phong trào này một lần nữa lại được phô bày sau vụ khủng bố 9-11 khi ban giám đốc các trường đại học đã ra lệnh hạ những lá quốc kỳ Hoa Kỳ do các sinh viên yêu nước đã treo lên.

Nhưng nhiều sinh viên đã thương lượng để họ được treo dấu hiệu hoà bình (vòng tròn và chữ Y ngược) bởi vì, như một sinh viên tại Wittenberg University of Ohio giải thích, lá cờ biểu tượng cho uy lực của Quân đội, trong khi đó dấu hiệu hoà bình biểu tượng cho "một không khí an lành hơn".

Những giáo sư và ban giám đốc thuộc các trường đại học đã được ACTA liệt kê trong bản phúc trình lên tiếng bào chữa cho hành động hạ cờ Hoa Kỳ của họ là "những sự quyết định quá vội vã" và "phản ứng rung đùi từ thập niên 60", và cho biết là họ rất hối tiếc về những hành động của họ.

Các giáo sư và ban giám đốc của các trường đại học đã bác bỏ sự tố cáo của ACTA, họ cho rằng những điều nêu lên trong bản phúc trình về những phản ứng của sinh viên về vụ khủng bố 9-11 là không chính xác và thiếu trung thực.

"Thực ra, các sinh viên và ban giảng huấn nhà trường đã ngồi lại với nhau trong một tinh thần cởi mở để thảo luận về những vấn đề kỳ thị chủng tộc", Carol Geary Schneider, Chủ tịch Association of American Colleges and Universities, gồm 740 trường đại học, đã nói vậy.

William Scheuerman, Chủ tịch United University Professions, đã tố cáo ACTA là dùng bản phúc trình như một cơ hội để buộc các trường đại học tại Hoa Kỳ phải trở về thời điểm 1950 khi các lớp học phải buộc dạy các sinh viên là "Hoa Kỳ là đệ nhất".

"Hầu hết người dân Hoa Kỳ tin rằng chúng ta là đệ nhất, nhưng chúng ta sẽ không giữ ngôi vị này được lâu nếu tất cả những ý kiến chống đối đều bị cấm chỉ tại các trường đại học", ông Scheuerman nói vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.