Hôm nay,  

Em Gái Tìm Anh Ruột 70 Năm, Anh Lìa Đời Mới Biết Cĩ Quen

22/05/199900:00:00(Xem: 7231)
SAN JOSE (Cao Sơn) - "Phu nhân của cựu Đại Tá Không Quân Vũ Văn Ước suốt gần 70 năm trời đi tìm anh ruột, tên là Phạm Văn Trường, nhưng vẫn không gặp. Trong khi đó, cựu Đại Tá Vũ Văn Ước thì biết cố Đại Tá Phạm Văn Thường vì cả hai là sĩ quan cao cấp của QLVNCH, đã cùng sống tại Saigon và cả hai, khi tị nạn CSVN qua đến Mỹ đều định cư tại Orange County. Dể rồi khi biết được là anh em thì hỡi ơi, ông anh đã hóa ra người thiên cổ."
Trên đây là "Cố Đại Tá Phạm Văn Thường hậu chuyện" hay là một câu chuyện éo le, đầy nước mắt, một định mệnh đắng cay của những người sinh ra, lớn lên và nằm xuống sau cuộc chiến.

* Bắt đầu từ một cái chết vô thừa nhận
Chuyện được bắt đầu ngày 1 tháng 5-1999 vừa qua tại Westminster, Nam Cali đã có một đám tang khá đặc biệt dành cho cựu Đại Tá QLVNCH Phạm Văn Thường. Vị Đại Tá cao niên này trước đó hơn một tuần đã qua đời lặng lẽ tại bệnh viện Huntington Beach và di hài gần như vô thừa nhận vì không có bà con tại Hoa Kỳ. Cô con gái của người bạn già đã nhờ ông Lê Bá Chư loan báo hoàn cảnh thương tâm trên Radio. Gia đình Tiếp Vận được tin buồn vội vàng thông báo cho nhau. Các cựu chiến sĩ QLVNCH và các cựu tù cải tạo quen biết xa gần đã đáp ứng. Một số tiền quyên góp sơ khởi đã tạm đủ cho nhu cầu chung sự. Trong ngày tang lễ đã có đủ mặt các chiến hữu đến dự. Toán quân quốc kỳ VNCH với anh em cựu chiến binh hải lục Không Quân Nam Cali hiện diện trong nghi lễ phủ cờ. Tòa lãnh sự Pháp cử các cựu chiến binh với cờ tam tài đến để tiễn đưa chiến hữu Phạm Văn Thường, vì lúc còn trai trẻ ông đã từng là Chuẩn Úy quân đội Pháp và chiến đấu cả trong hàng ngũ của kháng chiến Pháp Tự Do chống Đức Quốc Xã.

* Là một người lưu lạc giang hồ
Được biết Đại tá Thường là người lưu lạc giang hồ từ lúc còn niên thiếu. Gia đình ở ngoài Bắc có 5 anh chị em. Lúc 15 tuổi, ông Thường học trong nhà dòng, có tên là Phạm Phùng đã đi theo một linh mục qua Pháp và sau đó nhập ngũ. Trong số các em còn ở lại có cô bé Phạm Thị Hiền lúc đó chừng năm tuổi. Đầu thập niên 50, chị Hiền thành lập gia đình với một sĩ quan Không Quân Việt Nam vào thời đó vẫn còn đeo lon theo quân đội Pháp. Năm 1954, vợ chồng người sĩ quan trẻ của một quân chủng mới trưởng thành di cư vào Nam nhưng vẫn có ý đi tìm người anh đã giang hồ hơn 15 năm trước. Người sĩ quan đó tên là Vũ Văn Ước, một trong các phi công tiền phong của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa sau này.
Trong khi đó, anh Phạm Phùng đã từ Pháp trở về tham gia vào các tiểu đoàn Khinh Quân với tên Phạm Văn Thường. Những năm chinh chiến trôi qua. Bà mẹ già ở lại miền Bắc trước khi qua đời đã dặn các con còn ở lại: "Sau này có ngày hết chiến tranh, các con các đi tìm hai người con lưu lạc." Anh Phùng đi Pháp và cô Hiền theo chồng vào Nam. Suốt hơn 20 năm, ông Phạm Văn Thường ở Sài Gòn mà không bao giờ biết cô em là vợ của Đại tá Không Quân Vũ Văn Ước, một người mà ông quen biết. Ông tưởng rằng mẹ và các em còn lại ở miền Bắc.

* Sống đơn chiếc, chết cô đơn


Sau hơn 13 năm cải tạo, ông Thường vượt biên một mình, kẹt lại mấy năm ở Mã Lai, vào Mỹ muộn hơn cả các đợt HO, chưa vô quốc tịch, không đoàn tụ được các con, sống đơn chiếc, chết cô đơn ở Orange County. Sau tang lễ tại Hoa Kỳ, gia đình ở Việt Nam của Đại tá Thường làm lễ phát tang tại Sài Gòn. Vì lý do các con đều không hề biết tin tức về họ nội nên đã cáo phó trên truyền hình. Tin loan rằng: Chúng tôi có cụ thân sinh tên tuổi như vậy, hình ảnh như thế này, vừa qua đời lặng lẽ ở quận Cam nước Mỹ.

* Tất tưởi đi gặp thì ông anh chỉ còn là... hộp tro tàn!
Vậy nếu thân bằng quyến thuộc của cụ Phạm Văn Thường tức là Phạm Phùng có nhận ra xin đến dự lễ phát tang. Một cô cháu họ tại Sài Gòn đã nghe tin và thử đến để xem sao. Khi đến nơi giới thiệu kể rõ gia phả từ ngoài Bắc và tang quyến đã nhận bà con. Lập tức cô cháu từ sài Gòn thông tin cho bà Phạm Thị Hiền tại Hoa Kỳ. Ông Đại tá Không Quân niên trưởng Vũ Văn Ước lúc đó mới tất tả dẫn phu nhân đi tìm ông anh vợ.
Tiếc thay tang lễ đã cử hành được hơn một tuần, nhưng hương hồn bác Thường vẫn còn đâu đây với hộp tro tàn sau lễ hỏa táng để tại nhà quàn Peek Family trên đường Bolsa thành phố Westminster.

* Thôi! Xin dành gặp nhau ở suối vàng
Và ông bà Đại tá Vũ Văn Ước đã dành ngay một chỗ tại nghĩa trang để chính thức lưu trữ tro tàn của ông anh vợ gặp quá trễ tràng.
Người phi công bay bổng từ đầu thập niên 50 đã hai lần rớt máy bay tại Bắc Việt mà còn sống sót, là người đã ngồi trên ghế lái chiếc trực thăng cuối cùng với tướng Kỳ hạ cánh xuống tàu Mỹ năm 75. Chính ông Đại tá già Vũ Văn Ước đó, nói rằng, ông rất ân hận vì định mệnh đã không để cho vợ ông có cơ hội gặp lại ông anh, dù là mấy năm sau này đã cùng sống ở quận Cam.
Ông bà Vũ Văn Ước đã cũng dành sẵn hai lô tại nghĩa trang Peek Family. Ông nói rằng: Như vậy sau này khi về nơi vĩnh cữu, rồi anh em cũng sẽ ở gần nhau.
Khi ông Thường buông suôi hai tay, không người thân thích tại nhà thương Huntington Beach. Cách đó không bao xa, tại đường Alton của thành phố Santa Ana cùng trong lãnh thổ quận Cam, bà Vũ Văn Ước tức Phạm Thị Hiền không hề biết là có ông anh ruột vừa mất.
Tin ghi nhận sau cùng là tại Sài Gòn, người con gái của Đại tá Thường hiện làm việc trong tòa lãnh sự Mỹ. Cô sẽ có dịp qua Westminster để thăm viếng nơi cha cô đã sống những giờ phút cuối cùng và đã để tro tàn nơi đất khách.
Vào ngày đó có thể một phần của tro tàn của Đại tá Phạm Văn Thường sẽ do chính tay con gái và em gái của ông rải xuống Thái Bình Dương, ngoài khơi duyên hải của Huntington Beach, nơi ông đã qua đời, và như di chúc của ông để lại.
Hiện nay trong số các anh em gia đình họ Phạm, ngoài bà Hiền, chỉ còn cậu Út tên là Xuân là còn sống ở Thanh Hóa. Dù là cậu Út thì năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Tin tức thống kê cho biết, ở Việt Nam cũng như hải ngoại, 70% người Việt Nam hiện nay dưới 30 tuổi. Những người này hoàn toàn không có kỷ niệm liên quan đến cuộc chiến. Đối với thế hệ trẻ, tương lai luôn luôn mở rộng. Thế giới ngày nay dường như nhỏ hẹp. Muốn gặp nhau cũng dễ dàng. Nhưng giới cao niên trong cũng như ngoài nước, khi đất nước chia cắt và chiến tranh muốn tìm gặp được nhau ngày càng khó khăn. Định mệnh càng đắng cay, gặp gỡ càng muộn màng!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.