Hôm nay,  

Sát thủ "Pacemaker"

13/06/202217:40:00(Xem: 3517)

Tìm hiểu quân sử thế giới


7c79838a2cf195e0b87a72501203553b.jpg


Tháng 11-1952 chiến tranh Cao Ly tiếp tục khốc liệt giữa Hoa Kỳ với quân Trung Cộng dưới quyền Bành Đức Hoài. Ngày 18 xảy ra đụng độ giữa một phi tuần Grumman F9F với một phi đội Sô-Viết bên trên không phận giữa Hội Ninh (Hoeryong) và căn cứ Hải Sâm Uy (Vladivostok) của Nga-Sô. Eisenhower vừa đắc cử Tổng thống, đích thân sang thị sát mặt trận và triệu tập viên phi công đã bắn rơi 4 chiếc MIG-15 của Nga. Một chiến tích chưa từng có và chưa hề tái lập. Kỳ lạ là chiến công bị ém nhẹm và Trung úy Royce Williams buộc phải im lặng trong suốt nửa thế kỷ. 


Sinh 1925 và gia nhập US Naval Aviation năm 1942, Royce Williams thi hành 90 phi vụ tại Cao Ly và 130 phi vụ tại Việt-Nam. Phần lớn binh nghiệp tác chiến phục vụ trong phi đoàn 781 (về sau cải danh VF-121 "Pacemakers" là phi đoàn nhận phản lực Phantom F4 đầu tiên). Rời quân ngũ vào năm 1975 với chức vụ Air Wing Commander, Williams chỉ được phép lên tiếng về trận không chiến sau khi Nga bạch hóa tài liệu mật. 


Qua trả lời phỏng vấn của Williams năm nay đã 96 tuổi vào Tết Nhâm Dần, bên dưới sôi động, người đọc vẫn còn nhận ra trí óc minh mẫn, tính khôi hài cùng tinh thần kỷ luật của một phi công Mỹ. Và nếu có một chút vị đắng thì phương ngôn “Actions speak louder than Medals” nói lên lòng tri ân của công chúng.


Phỏng vấn đăng trên nhị nguyệt san Guerres & Histoire số 63 phát hành tháng 10-2021.

[Trần Vũ]


-oOo-

 

Picture2.png

Guerres & Histoire: Ông gia nhập US Navy lúc nào?


Royce Williams: Lên tám, tôi đã muốn thành phi công Hải quân. Tôi say mê máy bay. Lên 16 vào năm 1941, tôi tình nguyện vào Vệ binh Minnesota. Năm sau, tôi đậu vào US Navy rồi tốt nghiệp với đôi cánh bay trên ngực áo. Lễ mãn khóa diễn ra ở Pensacola năm 1945. Quá muộn để tham chiến Thái Bình Dương.  


G&H: Nhật đầu hàng, ông vẫn tại ngũ?


R.W: Dĩ nhiên! Ước mơ của tôi là bay bổng. Tôi không quăng giấc mơ của mình vì hết chiến tranh. Tôi về căn cứ khu trục Opa-Locka ở Miami. Tôi đảm trách huấn luyện trên nhiều chiến đấu cơ Hellcat, Corsair và Bearcat. Năm 1951, tôi đạp tứ tung xin thuyên chuyển sang phản lực.


G&H: Ông sang Cao Ly như thế nào?


R.W: Tôi biệt phái về phi đoàn "Trợ Tim", Fighter Squadron VF-781 "Pacemakers", trên hàng không mẫu hạm Oriskany lúc ấy vừa tiếp nhận các phản lực F9F Panther mới tinh. Việc chuyển sang phản lực diễn ra suôn sẻ. Khác biệt lớn là không còn "hiệu ứng cánh quạt" túm đầu nhấc bổng lên mà là lực tống từ đuôi, như thúc vô đít. Ngược lại, cất cánh và đáp xuống dễ dàng hơn. Tức khắc tôi mê "em" Panther, cứng cáp, ngoạn mục và chịu đòn rất cừ. Cockpit tiện nghi, quan sát rộng, 4 đại bác 20 ly, 6 rocket hoặc 2 ngàn cân bom. Một sát thủ! 


korea map fighter.png


G&H: Ông "trợ tim" ra sao trong chiến tranh Cao Ly?


R.W: Chúng tôi quần ngoài khơi Bắc-Hàn, ném bom xuống nhà ga, nhà máy, các đoàn xe Molotova của đối phương. Tôi thực hiện 90 phi vụ oanh kích tổng cộng. Ăn cao xạ thường xuyên nhưng "em" Panther "đi khách" nhà nghề, biết đưa kỵ mã – ngay cả khi "em" thủng lỗ chỗ – về bến an toàn! Cuối năm 1952 chúng tôi tấn công Hội Ninh là binh trạm lớn ở Đông-Bắc Triều Tiên. Nhưng binh trạm này ngay sát biên giới Nga.


G&H: Chuyện gì đã xảy ra ngày 18 tháng 11-1952?


R.W: Chúng tôi bay ngoài khơi Bắc-Hàn, không xa biên thùy Nga. Thời tiết địa ngục, trần mây rất thấp chừng 400 bộ (120m), và lên 2,000 bộ (600m) thì mưa tuyết, khí lạnh Bắc cực và cuồng phong. Lúc sáng sớm chúng tôi đã đánh bom Hội Ninh một bận, đến trưa cùng ba đồng đội, tôi nhận lệnh bay tuần tra (Combat Air Patrol). Chúng tôi cất cánh dưới mưa đá. Ngay lúc đó Task Force 77 báo động radar: Nhiều máy bay không danh tính (bogeys) đang lao tới cách hạm đội chúng tôi 150 km hướng chính Bắc. Lệnh cho bốn chúng tôi là lập tuyến cản cao 26,000 bộ (7,900m) và quan sát. Không có tiêu lệnh chi tiết. Phòng Hành quân tin máy bay Nga sẽ quay đầu một khi thấy Hoa Kỳ dàn trận. 


G&H: Thời tiết trên không phận giao tranh lúc đó?


R.W: Bão tuyết và những đùn mây khổng lồ lên đến 12,000 bộ (3,600m). Chúng tôi lao thẳng đến, tốc lực tối đa và vượt lên cao thật nhanh. 15 phút sau khi ra khỏi mây, chúng tôi nhận diện 7 chấm sáng đang đâm xuống chúng tôi ở cao độ 16,000 bộ (4,800m). Chúng tôi đang cách hàng không mẫu hạm USS Oriskany 150 km. Tôi báo cáo là bogeys gồm 7 chiếc MIG-15. Lệnh cho chúng tôi là "Không tấn công!"; tôi trả lời lập tức: "Nhưng chúng tôi đang bị tấn công!"


G&H: Ông phản ứng ra sao?


R.W: Tôi bật thiết bị quang học của hệ thống tác xạ. Bắn thử một loạt đại bác để kiểm tra vũ khí, rồi vung rộng ra theo hình cung. Không chiến bắt đầu. Sẽ diễn ra đúng 35 phút. Phi tuần trưởng, Trung úy Claire Elwood, nhìn thấy đèn báo bơm xăng hỏng, quay đầu tức khắc với chiếc Panther bên cánh của Thiếu úy John Middleton hộ tống. Chúng tôi chỉ còn 2 máy bay. Trung úy Dave Rowlands và tôi vượt lên cao 26,000 bộ (7,900m). 7 chiếc MIG lao xuống chúng tôi, 4 bên trái, 3 bên phải, tìm cách kẹp gọng kềm. Chúng tôi đang đương đầu với một đội hình tấn công trực diện. 4 chiếc MIG đầu tiên đâm bổ xuống từ hướng 10 giờ, chúng khai hỏa tức thì nhưng quá cao, chúng lướt qua đầu chúng tôi rồi vươn lên lại. Tôi vung ngay sang trái và dựng đứng mũi để cắt vào đường bay của chiếc MIG sau cùng đang trồi lên ở hướng 6 giờ. Tôi điều chỉnh kích xạ và bắn. Ngay tức khắc chiếc MIG tuôn khói đen. Trong các phim Hollywood, khi bị bắn trúng máy bay MIG bốc cháy, là không chính xác: thực tế là tuôn khói. Rowlands, phi công bên cánh của tôi, bay lượn để vào vị trí và khai hỏa… nhưng không gì xảy ra! Đại bác của Rowlands bị… kẹt đạn.


mig15.jpg


G&H: Vậy là ông đơn độc?


R.W: Đúng vậy. Từ lúc đó chỉ còn một mình tôi. Làm gì bây giờ? Chiến đấu! 3 chiếc MIG đang tập hợp lại để tấn công. Tôi quặt gắt lại đối mặt với họ. Hai bên khai hỏa vào nhau ở tốc độ cao và gần như cạ xát. Hai chiếc MIG khác của nhóm ban đầu, lao vào tiếp chiến. Tôi rơi vào tư thế bị kẹp sandwiched, chỉ còn một cách là dogfight, xoáy trôn ốc. MIG-15 vượt trội hơn Grumman F9F Panther ở cả ba mặt: cơ động, vận tốc, và gia tốc. Nhiều lần, một chiếc MIG hiện ra trong ống nhắm, tôi khai hỏa và cảm thấy đã bắn trúng nhưng không sao có thì giờ kiểm tra. Tôi cố gắng làm sao để có thể thoát ra ở hướng 6 giờ. Tạo khoảng trống để không bị vây khốn. Sau cùng phi đội trưởng Nga với máy bay bên cánh vung sang hữu mạn, trong lúc tôi đuổi theo một chiếc MIG trong nhóm ban đầu. Nhưng hắn bay ngược mặt trời làm tôi chóa mắt và lạc mất. Vào lúc đó, tay phi đội trưởng lúc nãy với phi công bên cánh của hắn quành lại để tấn công nữa. Tôi quẹo cực gắt để đối mặt. Tôi khai hỏa vào gã phi đội trưởng, hắn lật tàu bay tránh liền. Tay phi công kia vút lên cao rồi chúi xuống, tôi dựng ngược lên, hai bên cùng phơi lườn, tôi nhả một tràng dài đại bác rạch bụng hắn. Hắn hóa thành cây đuốc đâm sầm xuống biển. Tôi quay lại tìm chiếc MIG bay ngược mặt trời, cũng đang quay lại. Lần này tôi chộp được hắn, siết cò cho đến khi hắn rụng. Đến phiên gã phi đội trưởng đang rượt theo phía sau, tôi xoáy trôn ốc cùng với hắn và cắt vào các đường xoáy của hắn để thu hẹp khoảng cách, rồi rót đạn ngay khi hắn lách ra vì không thể cầm cự lâu hơn. Tôi nhìn thấy nhiều mảnh kim khí vỡ tung từ thân tàu của hắn. Nhưng hắn đã nhanh nhẹn chúc xuống, chạy trốn.


G&H: Phi công Sô-Viết bắn trúng ông viên nào không?


R.W: Có. Trong lúc tôi tránh các mảnh kim khí và đang truy đuổi chiếc MIG thứ tư vừa bị tôi bắn hư hại, một chiếc MIG nhô ra hướng 6 giờ, họng súng 37 ly rực lửa. Một viên trúng cánh dội lên máy làm thủng ống thủy động lực. Tôi không còn kiểm soát được bánh lái và chỉ kiểm soát được một phần liếp cánh. Duy nhất cần lên xuống là còn hoạt động, tôi nhào vào mây lập tức. Nhưng hắn bám theo như đỉa, chỉ cách 150m, và liên tục xối đạn. Tôi không hiểu làm sao mà hắn có thể nhắm trật ở khoảng cách ngắn như vậy! Chính lúc đó, Trung úy Rowlands tái xuất và bổ nhào vào tên “nhắm hụt” này, làm hắn hoảng hốt tháo chạy.  


G&H: Ông có thấy chiếc Panther F9F yếu kém so với MIG-15? 


R.W: Không. Tôi không có thì giờ suy nghĩ. Các chiếc MIG lao đến vun vút… Sự khác biệt của động cơ, tính năng cơ động còn tùy thuộc vào vận tốc của hai bên lúc giáp chiến. Tôi chỉ kịp suy nghĩ cho khoảnh khắc ngay tiếp sau. Làm sao ở vào vị trí có thể hạ gục mục tiêu trước mắt. Và chiếc MIG tiếp theo đang ở đâu? Không có thì giờ tố phé.


G&H: 1 chống 7, ông phải cảm giác rất cô độc?


R.W: Khi lao vào không chiến, ít thời gian tra vấn. Có một lúc, bị một chiếc MIG bám rát đang nhắm bắn, tôi đã la lên trong máy vô tuyến: "Ai cứu, xin tạ ơn!" Cuối cùng một phi tuần tiếp cứu do phi đoàn trưởng Stan Holme của tôi chỉ huy, đã cất cánh từ USS Oriskany nhưng quá muộn, chỉ kịp nhận dạng hai chiếc MIG ở quá xa đang bay về hướng Bắc.


G&H: Còn hành trình trở về… 


R.W: "Em" Panther của tôi tả tơi. Tôi không thể bẻ lái, chỉ có thể lên xuống. Nhưng máy móc còn tốt, còn xăng. Tôi chui ra khỏi mây ở cao độ 400 bộ (120m). Tôi đã sà quá thấp để có thể nhảy dù ra ngoài. Cao độ tối thiểu cho phép bung ghế thoát thân là 1,200 bộ (365m). Thấp hơn là nguy hiểm tính mạng. Tôi cũng không muốn đáp xuống biển vì nước quá lạnh, tôi khó sống sót quá 10 phút, ngay cả với áo chống thấm poopy suit. Khi tôi nhìn thấy Task Force 77, phòng không của các khu trục hạm hộ tống chiếc Oriskany tưới đạn lên "em" Panther! Truyền tin hỗn loạn giữa đài kiểm soát không lưu CIC (Combat Information Center) và các chiến hạm phòng vệ. Trông thấy tôi, họ tin nhầm là máy bay của Nga Sô và khai hỏa chí mạng! Hoa cao xạ nở khắp nơi làm rung chuyển mọi thứ… May mắn là sai lầm ngưng nhanh.


G&H: Nhưng còn phải đáp xuống!


R.W: Đúng. Đáp tàu sân bay ít khi nào ngon ăn như bánh táo, nhất là với phân nửa cần điều khiển tê liệt. Tôi không thể dang cánh phụ (liếp ráp bên dưới cánh chính) để giảm tốc độ. Nên vẫn phải bay với vận tốc 315 km/g. Tốc độ đáp "cẩm nang" là không quá 278 km/g. Nhanh hơn sẽ kéo tung xích thắng với lưới cản, chưa kể sẽ húc tung mọi thứ rồi… ngáp dưới đáy biển. Tôi nhả bánh xe với thanh móc xích bằng tay... "Em" Panther lướt đến từ mạn phải. Tôi gào to với LSO (Landing Signal Officer) là tôi không thể đáp theo hướng trục tàu. Tôi phải… đáp như vầy! Chính lúc đó hạm trưởng Courtney Shands đã làm một việc phi thường là xoay mũi tàu ở phút cuối cùng và như phép lạ, phi đạo hiện ra thẳng băng. Tôi đáp xuống như trên lụa.


G&H: Tình trạng của ông lúc đó?


R.W: Tôi không quá mệt. Chỉ tháo mồ hôi. Áo chống thấm làm tôi hầm hơi và vì không ngớt nhìn ngang dọc, cổ tôi bị áo phao Mae West cứa rách, làm chảy máu khắp ngực. Lẽ ra US Navy phải trao cho tôi huân chương Purple Heart!


G&H: Còn tàu bay?


R.W: Không khá hơn kỵ mã! Phải nói là rách bươm. Các cơ khí viên đếm hết thẩy 263 lỗ đạn từ 23 ly đến 37 ly. Mà một viên trúng cánh rồi dội lên động cơ. Phần tôi bắn hết hộp đạn 760 viên 20 ly, không còn một xu! Không có bốn khẩu 20 ly tự động này, tôi không có cơ may thoát hiểm. Sau khi tháo máy chụp không ảnh, và xem xét kỹ lưỡng, "em" Panther bị xếp hạng "không thể cứu rỗi" và bị quăng xuống biển, không nghi thức tiễn đưa. Tôi sớm mê các em "đi khách" trên không trung, tôi càng thêm kính trọng Iron Works của xưởng Grumman suốt đời.


G&H: Ông hồi phục nhanh chậm?


R.W: Trận không chiến diễn ra vỏn vẹn 35 phút nhưng vì tập trung cao độ nên tri giác của tôi sắc nhọn. Về đến tàu, các giác quan của tôi tiếp tục hoạt động khiến trí óc tôi tỉnh táo vô cùng. Tôi không thể nhắm mắt một phút, mà có muốn cũng không được, tên tôi kêu liên tục qua máy chuyển âm nội bộ. Tôi vào phòng chiếu phim hy vọng bớt căng thẳng; nhưng vừa ngồi xuống là loa phóng thanh đã vang vang: "Trung úy Williams trình diện Trung tá Y, Đại tá Z…." May mắn là buồng riêng của cha Tuyên úy ngay cạnh buồng tôi và tối đó cha đã giúp tôi dịu xuống bằng những lời cần thiết. Cha có vẻ lo lắng cho tinh thần của tôi, vì nghĩ là tôi mặc cảm đã giết người. Thực tình là tôi không nghĩ đến, trong những phi vụ ném bom chúng tôi gây ra nhiều tổn thất hơn dưới đất. Sáng đó chính các phi công Nga đã khai hỏa trước tiên. Tôi cố gắng cứu lấy mạng sống của mình để về với gia đình. Không dễ dàng chút nào, vì 1 đối đầu với 7.  


G&H: Cấp chỉ huy nói gì về trận không chiến?


R.W: Phòng Quân báo gọi tôi lên Briefing Room gặp các nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia, trực thuộc Pentagone, vừa đến bằng trực thăng. Thời đó chúng tôi gọi National Security Agency (NSA) là No Such Agency. Vì Ngũ Giác Đài mãi đến 1957 mới thừa nhận hoạt động của bộ phận này. Họ tỏ ra biết rất rõ chuyện gì đã xảy ra và còn biết tường tận hơn cả tôi. Một toán kiểm thính của họ trên tuần dương hạm USS Helena, ngoài khơi căn cứ Vladivostok của Nga, đã nghe hết các đàm thoại giữa các phi công Nga và lệnh lạc xuất phát từ căn cứ này trong lúc hỗn chiến cho đến khi các chiếc MIG bị tôi bắn rơi. Chính họ đã gửi một công điện cho hạm trưởng Courtney Shands xác nhận tôi đã hạ gục 3 chiếc MIG. Nhưng họ ra lệnh cho tôi câm miệng, không được nói với ai về "tai nạn" vừa rồi. Sau đó Phó Đô đốc Robert Briscoe lập lại mệnh lệnh: Tuyệt đối im lặng. Không phát tán tin tức. Một báo cáo chánh thức sẽ do Ban Quân báo soạn thảo và tất cả mọi người chấp nhận biên bản này. Hẳn nhiên, tôi là người đầu tiên phải tuân thủ.


G&H: Biên bản đó ghi gì?


R.W: Trong một phi vụ tuần tra có xảy ra "va chạm" trên không phận phía Bắc, trong vùng trách nhiệm Hoa Kỳ. Phi tuần của chúng tôi bị 7 máy bay "lạ" tấn công, không xác định thuộc Hồng quân Sô-Viết. Phi tuần trưởng gặp trục trặc máy móc, Trung úy Williams phải đối đầu và hạ một chiếc, Trung úy Rowlands và Thiếu úy Middleton có lẽ cũng bắn trúng mỗi người một chiếc. (Cả hai sẽ nhận huy chương Distinguished Flying Cross mà không hề bắn phát nào!)


G&H: Ông có xem lại không ảnh?


R.W: Tôi có xem lại phim trong máy. Một thủy thủ trẻ đã tráng phim rồi ráp các tấm ảnh rõ ràng thành đoạn phim ngắn. Rất ngoạn mục… nhưng không như tôi đã trải qua, vì vận tốc quá mau khiến máy ảnh tự động không sao chụp hết, nên hầu hết các pha tử chiến gần sát không thu được… Tôi còn giữ bản sao cuộn phim, bản chính chắc là trong hầm NSA.


G&H: Hồ sơ vậy là khép?


R.W: Khép kín… chừa đủ ruồi bay. Thượng cấp bắt tôi phải "lặn" thật sâu, không "thở" hơi nào với thủy thủ đoàn, ngay cả với đồng đội chung phi đoàn cũng không hé môi. Với Thiếu úy Middleton không khó khăn, có nhìn thấy gì đâu. Còn Trung úy Rowlands thấy một chút xíu. Gần như không có nhân chứng, ngoài máy không ảnh. Nhưng rồi một bài báo tiếng Anh xuất hiện trên một nhật trình ở Hương Cảng, chạy tít: "Đụng độ giữa phản lực Hoa Kỳ với Nga". Hôm sau một phóng sự khác: "Lễ truy điệu buồn thảm tại câu lạc bộ sĩ quan Nga ở căn cứ Hải Sâm Uy". Vài tuần lễ trôi qua, đột nhiên tôi nhận lệnh về Hán Thành trình diện thẩm quyền tối cao!


G&H: "Thẩm quyền tối cao" muốn gì?


R.W: Phó Đô đốc Briscoe nói với tôi là "Ike", Thống tướng Dwight Eisenhower muốn "tiếp chuyện" tôi. Middleton và Rowlands cũng cùng đi nhưng không phát ngôn một chữ. Chúng tôi xuống Tổng Hành Dinh Đệ Bát Lộ Quân Hoa Kỳ đặt trong khuôn viên Đại học Quốc gia Hán Thành ở Séoul. Tuyết rơi mạnh. Quân cảnh như lôi ra khỏi xe. Trong đại sảnh Đại tướng Omar Bradley, Tổng tham mưu trưởng Liên quân, từng là cánh tay phải của "Ike" và Đại tướng Mark Clark, Tổng tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương vừa thay Matthew Ridgeway và Đô đốc Arthur Radford, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng, với nhiều "vì sao" khác. Rồi Eisenhower xuất hiện. Tất cả đều vận quân phục, trừ Eisenhower vận "xi-vin". "Ike" vừa đắc cử Tổng thống Hiệp Chủng Quốc nhưng chưa tuyên thệ nhậm chức, chuyến đi thị sát mặt trận là bán chính thức. Eisenhower bước thẳng đến trước mặt tôi, bắt tay và nói đừng quá căng thẳng. Nói dễ hơn làm! Mắt nhìn mắt, Eisenhower cười mỉm: "Anh là tay phi công muốn khai màn Thế chiến thứ ba?" Tôi trả lời: "Tôi thề là không!"


G&H: Thực sự Eisenhower muốn biết gì?


R.W: "Ike" yêu cầu US Navy cung cấp một sĩ quan có thể thuyết trình ưu khuyết điểm của máy bay Hoa Kỳ so với Nga trên thực tế, không trên lý thuyết. Khi đó, chiếc Grumman F9F-5 Panther đang là phản lực cơ đầu tiên của Hoa Kỳ và MIG-15 cũng là phản lực cơ xuất trận lần đầu của Nga Sô. US Navy nghĩ tôi có kinh nghiệm sống thực. Nhưng chúng tôi hầu như không bàn đến trận không chiến vừa xảy ra cách đó mấy tuần. "Ike" biết chuyện gì xảy ra. Ở vị trí sắp làm tổng thống, "Ike" nhận các phúc trình mật. "Ike" không hỏi và tôi gần như chỉ nhắc là tôi bị tấn công. Điều "Ike" muốn biết thật sự là phản lực Hoa Kỳ có "hơn tiền" phản lực Nga hay không? Tôi trả lời là tôi bị qua mặt, bị lấn áp trên không. Thêm nữa, khi "tiếp chuyện", "Ike" tìm cách thuyết phục tôi là Scotch Whisky "Made in Scotland" ngon hơn US Bourbon Whiskey pha sô-đa! "Ike" ngồi lên tay vịn ghế bành, xì-gà ngậm miệng, thân mật quàng tay qua vai tôi. Tân President nhất quyết muốn chứng minh là ông có ở đây, ngay trong đại sảnh, chai Scotch tuyệt luân nhất thế giới. Con trai thứ của "Ike", Thiếu tá John Doud Eisenhower đang đứng sau quầy bar, sẽ rót cho tôi một ly. Nhưng tôi vẫn cứng đầu: "Bourbon is the supreme whiskey ever made!" Điều khôi hài là 60 năm sau, tôi phải công nhận là có những chai "Single Malt" tuyệt hảo! Nhất là Scotch miền Highlands. "Ike" hoàn toàn có lý!


G&H: Sau đó binh nghiệp ông đi về đâu?


R.W: Không gì đặc biệt. Tôi tiếp tục tác chiến. Sau Đình chiến, chiếc USS Oriskany lui xuống vĩ tuyến 38 là đường phân ranh Nam-Bắc Hàn. Sau đó tôi lái phản lực F9F-6 Cougar trên hàng không mẫu hạm USS Boxer ngoài khơi vịnh Bắc-Việt. Trong suốt trận Điện Biên Phủ, chúng tôi trong tình trạng ứng chiến, sẵn sàng cất cánh ném bom Việt Minh trong lòng chảo, nhưng cuối cùng Pháp đầu hàng. Sau đó tôi thi hành 130 phi vụ oanh kích trong Nam và ngoài Bắc Việt-Nam.


G&H: Ông đã giữ im lặng về đụng độ Nga-Mỹ?


R.W: Tôi không kể với một ai về "tai nạn". Trừ Camilla mà tôi làm quen năm lên 11 tuổi khi đi học lớp Thánh Kinh Sunday School rối kết hôn. Người đàn ông dư khả năng lừa bất kỳ ai, từ xếp đến đồng nghiệp, họ hàng, bè bạn… Trừ vợ! Camilla luôn đoán ra là tôi đang giấu chuyện gì! 


G&H: Khi nào US Navy cho phép ông bộc bạch chiến tích?


R.W: Vào năm 1992 sau khi Nga Sô rã. Thư khố mật của Không quân Sô-Viết bạch hóa dần. Đô đốc John Richardsons, Trưởng phòng Hành quân US Navy khi đó (sau này làm Director of the Naval Nuclear Propulsion Program) mà tôi từng là phi công bên cánh, công nhận là thời gian đã đủ lâu. Rồi sử gia Barrett Tillman bất ngờ liên lạc với tôi cho biết là thế giới đã biết tên 4 phi công Nga không trở về: Đại úy Viktor Belyakov, các Trung úy Vandaiev, Pakhomkin và Tarshinov. Phi cơ của Phi đội trưởng Belyakov bị tôi bắn hư hại lết về được không phận Nga Sô nhưng cuối cùng đâm xuống vịnh Đại đế Pierre-Le-Grand (Peter the Great Gulf). Như vậy, tôi hạ 4 chiếc MIG, không phải 3 như cơ quan An Ninh quả quyết. Tôi nghĩ giản dị là nếu Nga khai bí mật, thì không cần bảo mật nữa. Thêm các cựu chiến binh thúc giục… Tôi đã giữ im lặng hơn suốt nửa thế kỷ. Điều lạ lùng nhất, đó là lần duy nhất trong suốt binh nghiệp tôi tham gia không chiến. Trên chiến trường Bắc-Việt, tôi không thấy bóng một chiếc MIG nào.    


Picture1.png


G&H: Phải đánh giá thế nào về khả năng của phi công Cộng sản?


R.W: Tôi không hiểu cách họ bay bổng. Thay vì lừa tôi vào những vòng xoáy ốc mà với số đông họ có thể phân lực, toán rượt theo tôi cùng xoáy trôn ốc và toán bủa vây bên ngoài, đợi tôi phơi bụng lách ra là triệt hạ. Sẽ không quá khó. Thay vì vậy, bất kỳ vị thế nào của tôi, họ tấn công luân phiên từng người một, trong lúc những người còn lại quan sát và đợi phiên. Chính kiểu thức này giúp tôi bắn hạ từng chiếc một. Trong lúc với số đông, họ có thể hội đồng. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao. Tôi nghĩ là họ thiếu kinh nghiệm tác chiến không trung.


(*) Maurin Picard phỏng vấn Williams Royce tại tư gia trên đồi Escondido, San Diego. Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn in trong Guerres & Histoire số 63 phát hành tháng 10-2021. 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Có lúc Honiara hoàn toàn căng thẳng, nhưng thành phố hiện đã trở lại bình thường,” theo Rave cho hay. Lực lượng an ninh đã không thể ngăn chận bất ổn tại Honiara mà đã bắt đầu hôm Thứ Tư với những người biểu tình đòi Thủ Tướng Manasseh Sogavare từ chức và hôi của và đốt tiệm và các cơ sở kinh doanh. Nhiều người biểu tình đến từ tỉnh Malaita đông dân nhất, nơi có sự phẫn nộ đối với chính phủ và chống lại quyết định năm 2019 của chính phủ này để chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ chính thức với Trung Cộng, theo Reuters tường trình.
Thủ Tướng Anh Boris Johnson nói rằng ông đã “kinh hoàng” bởi những gì đã xảy ra, nói thêm rằng Anh Quốc sẽ lật từng hòn đá để chận đứng các băng đảng buôn người. 5 phụ nữ và một người con gái nằm trong số người chết, theo bộ trưởng nội vụ Pháp cho hay. Gerald Darmanin cũng nói rằng 2 người đã được cứu và một người đã mất tích. Báo cáo ban đầu nói 31 người đã chết, nhưng tổng số đã được rút lại qua đêm hôm Thứ Năm.
Để trấn an các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN, trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN qua mạng, Tập Cận Bình phát biểu rằng “Bắc Kinh không tìm cách bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn và sẽ không bao giờ lấy lợi thế nước lớn để tìm bá quyền trong khu vực,” nhưng ai tin được lời này, trong khi cũng vào những ngày này tàu hải giám TQ đã tấn công tàu Phi Luật Tân tại Quần Đảo Trường Sa, theo hai bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm Thứ Hai, 22 tháng 11 năm 2021.
Bloomberg: Nội các tương lai của Thủ tướng Olaf Scholz (SPD) sắp tới xem như đã kết thúc. Theo một danh sách nội bộ lưu hành trong ban lãnh đạo đảng SPD, Xanh và FDP và được cung cấp cho Bloomberg, lãnh đạo FDP Christian Lindner đã thắng thế với yêu cầu đảm nhận bộ tài chính. Đổi lại, Robert Habeck, đồng lãnh đạo đảng Xanh, người cũng đã muốn đảm nhận bộ tài chính, nhận một "siêu bộ khí hậu" cũng sẽ chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế và chuyển đổi năng lượng. Vẫn chưa rõ liệu Bộ này cũng sẽ có quyền phủ quyết (Vetorecht / Right of veto), như yêu cầu ban đầu của Xanh hay không.
Các công nhân ngủ trên những giường tầng không có nệm trong các nhà kho không có máy sưởi hay nước nóng. Họ nói với AP rằng họ không nhận được sự chăm sóc y tế ngay cả khi họ có các triệu chứng giống Covid-19, những viên quản trị của họ chỉ bảo họ ở lại trong phòng. Nguyen Van Tri, một trong những công nhân, nói rằng không có điều gì được đáp ứng đầy đủ từ hợp đồng việc làm mà ông đã ký tại Việt Nam trước khi bắt đầu cuộc hành trình dài tới Serbia. “Từ khi chúng tôi đến đây, không có điều gì tốt hết cả,’ theo ông Tri cho hay. “Mọi thứ đều khác hẳn với giấy tờ hợp đồng mà chúng tôi đã ký tại Việt Nam. Cuộc sống thì thật tồi tệ, thức ăn, thuốc men, nước … mọi thứ đều tồi tệ.”
Công Ty CVS sẽ đóng cửa khoảng 900 tiệm trong 3 năm tới, theo công ty này cho biết hôm Thứ Năm, 18 tháng 11 năm 2021, khi công ty cố gắng thích ứng với sự thay đổi các ưa chuộng của khách tiêu thụ bằng việc thử nghiệm các kiểu tiệm mới cung cấp nhiều dịch vụ sức khỏe hơn, theo Hãng Thông Tấn Anh Reuters tường thuật hôm Thứ Năm. Nổi tiếng với hệ thống tiệm thuốc tại hơn 9,900 địa điểm, công ty đã và đang mở rộng các dịch vụ của họ kể từ khi mua lại hãng bảo hiểm sức khỏe Aetna vào năm 2018.
“Dường như trách nhiệm của chúng ta là những lãnh đạo của TQ và Hoa Kỳ là bảo đảm rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia của chúng ta không trở chiều thành xung đột, cho dù là cố tình hay vô ý, đúng hơn chỉ đơn giản là sự cạnh tranh thẳng thắn,” theo Biden phát biểu lúc bắt đầu cuộc họp. Tập nói với Biden rằng hai bên cần cải thiện sự thông truyền. Hai nhà lãnh đạo đã đi chung với nhau khi cả hai còn là phó tổng thống, phó chủ tịch và quen biết nhau rất rõ. “Tôi đã sẵn sàng để làm việc với bạn, thưa Ông Tổng Thống, để xây dựng sự đồng thuận, thực hiện các bước và chuyển vận các mối quan hệ Trung-Mỹ hướng tới chiều hướng tích cực,” theo Tập, người gọi Biden là “bạn cũ” của ông ấy.
Không chỉ có các lãnh vực nghiên cứu mới, mà còn là quốc gia xa xôi và nền văn hóa của họ khiến cho một học kỳ ở nước ngoài hoặc thậm chí là toàn bộ khóa học trở nên thú vị đối với những người trẻ tuổi. Theo đánh giá về các tìm kiếm của Google trên toàn thế giới, một quốc gia đặc biệt được nhiều người quan tâm: Canada.
Trận đánh nhau kéo dài giữa các băng đảng thù địch nhau bên trong nhà tù lớn nhất của Ecuador đã giết chết ít nhất 68 tù nhân và làm bị thương 25 người khác hôm Thứ Bảy, 13 tháng 11 năm 2021, trong khi các giới chức chính quyền nói rằng những cuộc đụng độ vẫn chưa được kiểm soát nhiều giờ sau đó tại Nhà Tù Litoral, mà gần đây đã chứng kiến một cuộc tắm máu trong nhà tù tồi tệ nhất của đất nước này, theo Hãng Tin Mỹ AP tường thuật hôm Thứ Bảy.
Chảy nước mắt sau 2 tuần lễ dài, và theo sau cuộc chạy đua thảo luận thâu đêm Thứ Sáu, Sharma đã chính thức hóa thỏa thuận với việc đập búa. Ông tuyên bố bằng miệng tu chính theo yêu cầu của Ấn Độ, thay đổi văn bản để dùng chữ “giảm” than đá thay vì dùng chữ “loại bỏ” vì bị Ấn Độ chống đối. Thế giới cần cắt giảm tỉ lệ thải khí nhà kính ở mức 27 tỉ tấn khối một năm để hạn chế việc hâm nóng toàn cầu ở mức 1.5 độ C vào năm 2030, theo các dự đoán bởi Climate Action Tracker. Nhưng các cam kết hiện nay, gồm những điều đã đạt được tại COP26, chỉ đạt tới ¼ đường tới mức đó.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.