Có lẽ tất cả phật tử, ai cũng ước mong sau khi qua đời được vãn sanh về cõi Tịnh độ, nhập Niết Bàn, không còn luân hồi sinh tử nữa. Vậy Niết Bàn ở đâu" Sự khác biệt giữa Niết Bàn của Đạo Phật và Thiên đàn của các tôn giáo khác như thế nào"
Có nhiều người hiểu Niết Bàn là cảnh tiên giới, vui đẹp đặc biệt , giống như Thiên đàn của các tôn giáo khác. Nơi đó có nhạc vui, hoa thơm, cỏ lạ, nhiều ngọc ngà châu báu, có những ông Tiên râu tóc bạc phơ, nhàn rỗi đánh cờ, và những nàng tiên xinh đẹp ca múa, rong chơi suốt ngày, không biết thời gian là gì. Ở đó không có nghèo khổ, bất công, lo âu, vất vả, phiền muộn như ở thế gian. Và chỉ khi nào chết, hương linh mới có thể đến đó được.
Muốn nhập Niết Bàn Phật tử phải tu hành tinh tấn, ngồi thiền, sớm hôm công phu kinh kệ, sống khắc khổ, hy sinh, làm nhiều việc phước thiện… hay nếu lúc sống không tu hành, làm nhiều việc ác, trước khi chết phải niệm Phật A Di Đà “nhất tâm bất loạn” thì sẽ được Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi tịnh độ, Niết Bàn.
Hiểu Niết Bàn như vậy có đúng không"
Tôi nghiền ngẫm nhiều kinh sách, theo nhiều lớp giảng của quý thầy, cố tìm hiểu thì được biết, hai chữ Niết Bàn dịch từ âm của chữ “Nirvana” nghĩa là ra khỏi rừng mê. Niết bàn là vắng lặng, dứt sạch tất cả si mê, chấp ngã , ngã mạn. Niết bàn là giải thoát, là bất sinh, là giác ngộ, là không còn luân hồi sinh tử. Như vậy không đợi đến sau khi chết con người mới có thể lên Niết Bàn mà khi nào tâm mình được thanh tịnh, tuyệt đối an lạc, tự tại là mình đã đến Niết bàn.
Về phương diện siêu hình, Niềt Bàn là sự giải thoát khổ đau. Về phương diện tâm lý Niết bàn là sự tiêu diệt hoàn toàn lòng ích kỷ, vị kỷ, vọng tưởng, tham ái. Về phương diện đạo đức Niết bàn là sự tận diệt Tham, Sân, Si, tận diệt tự ngã hay là cái “Tôi”, cái “Của Tôi”.
Các vị bồ tát đạt Niết Bàn vì họ không có tâm sai lầm, điên đảo, không gán cho sự vật một giá trị nhất định như tốt xấu, buồn vui, nên không c ó thái độ oán thù, thương ghét. Các vị ấy nhận chứng sự vật theo tự tánh bình đẳng, đem tâm hòa đồng cùng sự vật mà làm việc lợi tha. Các vị ấy quán mọi thứ trên thế gian là huyễn ão. Vì không chấp trước, nên được an nhiên tự tại.
Còn người thế gian bị lòng ham muốn dẫn dắt đưa tới si mê, đưa tới hiểu biết sai lầm, tạo khổ đau cho mình và cho tha nhân. Khi lòng tham ái bị tiêu diệt thì trong ta sẽ phát khởi sự hiểu biết sáng suốt. Niết Bàn là một đạo quả, một trạng thái thanh tịnh, một thành tựu tối thượng của chuyển hóa nhận thức.
Vậy thì làm sao đến Niết Bàn"
Đức Phật Thích Ca đã dạy bao nhiêu đời và Thầy Thích Tâm Thiện đã hướng dẫn phật tử Đạo Tràng Cát Trắng ở Florida một pháp môn tu tập căn bản, được bắt đầu với thiền ngữ “ Mỗi bước đi trong cuộc hành trình là chính cuộc hành trình”. Phật tử được khuyến khích quán niệm và suy tư một cách sâu sắc về câu thiền ngữ này. Đây là bí quyềt đi vào cõi Tịnh, là bước đầu xây dựng nền tảng cho cuộc hành trình thực tập giáo pháp nhiệm mầu của Đức Như Lai. Nói một cách dễ hiểu hơn, hạnh phúc là con đường chúng ta đang đi, hạnh phúc không phải là một điểm sau khi chúng ta đạt tới.
Nếu chúng ta chờ khi nào mình hấp hối rồi mới niệm Phật, cầu nguyện Đức Phật A Di Đà đến tiếp độ mình về cõi cực lạc, thì đó là một ý niệm rất là sai lầm. Thầy Tâm Thiện dạy, phải đi bằng bước chân Tịnh Độ ngay ngày hôm nay. Đừng bao giờ chờ đợi một ngày nào đó, khi công việc xong rồi , tiền có rồi, nhà cửa có rồi , con cái ăn học xong rồi, lúc đó mới tu, mới yên vui hạnh phúc, nghĩ như vậy, làm như vậy là không đúng. Trong khó khăn, trong cực khổ, trong thiếu thốn, đủ mọi thứ không như ý, mình vẫn phải bước từng bước chân tịnh độ.
Mỗi bước đi trong cuộc hành trình, chính là cuộc hành trình, có nghĩa là phải làm sao trong từng bước chân, mình phải tịnh hóa, hay nói khác hơn là xóa bỏ đi các ý niệm bám víu vào cõi dục, bám víu vào cõi khổ đau. Không thể từ cõi thế gian này, khi tắt thở là mình bay qua cõi tịnh độ bên kia thế giới, mà mình phải đi từng bước chân tịnh độ ngay ngày hôm nay. Đó là pháp môn “Hiện Tại Lạc Trú” hay "Hiện Pháp Lạc Trú”, tức là an trú trong từng khoảnh khắc, từng việc làm , từng bước đi trong hiện tại. Dĩ nhiên mình có nhiều dự tính tương lai, nhưng hãy tiêu trừ vọng tưởng, phải đạt đến một trạng thái nhất tâm. Khi tâm không “định” được, thì vọng tưởng điên đảo sẽ bốc cháy trong con người của mình. Trong Đạo Phật, khi ăn thì biết ăn, khi ngủ thì biết ngủ, khi thiền thì biết thiền , khi tịnh thì biết tịnh, không làm cái này mà nghĩ đến cái khác, không để cho tư tưởng mình vọng động điên đảo . Đây là bí quyết chính Đức Phật đã dạy từ bao nhiêu đời.
Con người sống khổ là do nơi vọng tưởng, suy nghĩ rồi tưởng tượng ra, rồi nuôi dưỡng đến một lúc nào đó nó chiếm hết tâm trí của mình, làm mình trở thành điên đảo. Cho nên Đức Phật có dạy :”con đừng bao giờ cho mũi tên thứ hai bắn vào tim con”. Mũi tên thứ nhất đã làm mình đau một phần, mình không chữa vết thương mà lại để cho mũi tên thứ hai (do sự tưởng tượng lo âu…) bắn thêm vào, thì mũi tên thứ hai sẽ làm niềm đau tăng gắp mười lần.
Đức Phật dạy, những khổ đau của con người thực thụ có là từ nơi biển ái dục, cho nên muốn bước ra khỏi kiếp khổ đau luân hồi sinh tử thì phải bước ra khỏi ái dục. Cái ái nghiệp của con người rất nặng và cái nguồn gốc của sinh tử luân hồi là do dục vọng, lòng ham muốn của con người mà ra.
Điều quan trọng nhất đối với đời người là phải có một CHÍNH KIẾN rõ ràng, nghĩa là con đường thực tại và mục tiêu chính vẫn là có một cuộc sống an lạc. Nếu mình không có một số vốn liếng, tư lương về mặt nội tâm, tâm linh để làm điểm tựa thì đời sống vất chất, dính mắc với ngủ uẫn sẽ là gánh nặng, kẻ gánh nặng là người. Cầm lấy gánh nặng lên (chấp thủ) chính là khổ, đặt gánh nặng xuống ( buông bỏ) là hạnh phúc. Đơn giản như vậy.
Sư sống của vạn vật, tiền tài. danh vọng …là phù du, là không thực (vô ngã), là không trường tồn (vô thường), nó tùy thuộc vào nhân duyên. Cuộc đời là một cuộc nội chiến hơn, thua , vinh nhục, những phiền não, vọng tưởng, điên đảo nó che lấp trong con người của mình, nó nằm sâu thẳm trong trái tim của mình. Hãy nhìn thẳng vào những phiền não vọng tưởng đang bị che lấp, để xóa tan đi những cội nguồn khổ đau. Từ đó mình mới có thể có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc.
Ai thấy rõ sự thực này với trí tuệ thì người đó được giải thoát mọi khổ đau. Đây là con đường đi tới thanh tịnh, hạnh phúc hay Niết Bàn. Tóm lại cuộc đời này có ba dấu ấn chính là KHỔ, VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, chỉ cần luôn luôn tâm niệm ba điều đó thôi là chúng ta sẽ thoát ra được vòng tay cám dỗ của ma vương.
Suy ngẫm kỹ ba dấu ấn này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chính xác về cuộc đời, bản chất của cõi ta bà. Mình sống ở đâu mà tâm mình không chấp ngã, không hơn thua, không dành giựt hay sống từ bi hỷ xả, thì ở đó mình có an lạc, hạnh phúc, và sự hạnh phúc đó là thực, và sẽ vĩnh cữu.
Muốn đạt đến Niết Bàn, phải kiểm soát mọi hành động, lời nói và ý nghĩ. Trước hết phải dứt bỏ mọi quyến luyến dính mằc vào những cảm xúc, cảm thụ vật chất do si mê đưa lại.
Thứ hai là phải thiền định, trong lúc thiền định con người sẽ thấy rõ bản thể của vạn vật, vạn vật tuy khác nhau hình tướng như đồng nhất ở bản thể. Tất cả đều như nhau chỉ vì tham, sân, si mà gây lắm khổ đau. Thiền định giúp ta có trí tuệ sáng suốt, từ đó ranh giới giữa ta và người, ta và chúng sinh biến mất, tình thương sẽ bừng nở, dâng trào, đưa con người vào cõi an lành, hạnh phúc.
Tóm lại Niết Bàn không phải là nơi có không gian vật lý, cũng không phải là cảnh trời hay một nơi nào đó ở cõi vô hình, sau khi mất chúng ta mới có thể tới đó được. Niết bàn là một trạng thái tâm thanh tịnh tuyệt đối, là giải thoát, là trí tuệ sáng suốt tuyệt đối, không còn ô nhiểm, không còn cái “Tôi”, cái "Của Tôi” và cái “Tự Ngã Của Tôi”. Đức Phật thành Đạo trên mặt đất, Ngài thọ hưởng Niết Bàn ngay dưới cội Bồ Đề, ngay khi máu còn đang chảy , tim vẫn còn đập và hơi thở vẫn còn vào ra như bao người khác. Niết Bàn ở thế gian. Chúng ta đang ở Niết Bàn hay đang ở Địa N ục là ở thái độ của chấp thủ của mình.
Hiểu như vậy thì Phật pháp không siêu hình, Niết Bàn không phải là nơi chốn riêng của Phật, chỉ Phật mới có quyền cho hay không cho ai vào ra, và chỉ có bậc thần th ánh mới được vào. Niết Bàn là một trạng thái của tâm, mà tất cả mọi người đều có thể được vào, được thọ dụng, được an trú ở đó.
Với Niết Bàn Phật và chúng sinh đều bình đẳng, vì cùng bản tính. Phật là vị sư đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành, nếu khát khao chân lý và lỗ lực tiến lên. Nếu quyết tâm đi theo con đường Phật dạy chúng ta có thể đạt Niết Bàn ngay ở thế gian, thành Phật và giải thoát sinh tử.