Hôm nay,  

Hai Lãnh Đạo Ấn-Nhật Cùng Lên Tiếng Chống TQ Thay Đổi Hiện Trạng Ở Biển Đông Trong Lúc Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ Tập Trận Tại Biển Đông

24/09/202117:23:00(Xem: 3007)

Hang Khong Mau Ham My vao Bien Dong
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Ronald Reagan. (nguồn: Đài RFA Tiếng Việt)

 

BIỂN ĐÔNG – Trung Quốc ngày càng bị sức ép từ các nước trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương chống đối về tham vọng xâm chiếm vùng Biển Đông để làm của riêng mà cụ thể gần nhất là việc hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nhật Bản đã cùng lên tiếng phản đối TQ tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và cùng lúc Mỹ lại đưa nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Ronald Reagan vào Biển Đông, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm Thứ Sáu, 24 tháng 9 năm 2021. Bản tin Đài RFA cho biết thêm tin tức về việc này như sau.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trước thềm thượng đỉnh Bộ Tứ QUAD tại Washington hôm 23/09, đã đồng lên tiếng phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo hãng tin Kyodo News, trong cuộc hội đàm kéo dài 45 phút, ông Suga ca ngợi ông Modi là ‘một đối tác quan trọng’ hướng tới hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ‘tự do và cởi mở’, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của an ninh hàng hải. Hai bên cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ song phương cũng như với các thành viên Quad để xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Cuộc họp của Nhóm Quad sẽ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Mỹ và Australia để thảo luận về các vấn đề được cho là sẽ giúp đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung Nhật - Ấn dường như cho thấy hai nhà lãnh đạo đang liên kết hơn trong việc đối mặt với những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã trở nên quyết đoán hơn về yêu sách của họ đối với quần đảo Senkaku, một nhóm đảo nhỏ do Nhật Bản quản lý ở Biển Hoa Đông được Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Nước này cũng tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp phán quyết quốc tế năm 2016 chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.

Trong khi đó một bản tin khác của  RFA hôm Thứ Sáu cho biết thêm tình hình ở Biển Đông như sau.

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Mỹ vào ngày 24/9 đã đi vào Biển Đông, sau gần ba tháng hoạt động ở biển Ả Rập để hỗ trợ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Trang tin Stars and Stripes và thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ đưa tin cùng ngày.

Tin cho biết, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Ronald Reagan sẽ tiến hành các hoạt động bay, hoạt động tấn công trên biển, hoạt động chống tàu ngầm và huấn luyện chiến thuật ở Biển Đông.

Tờ Stars and Stripes đánh giá rằng sự xuất hiện của nhóm tác chiến này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng tại Biển Đông.

Úc đã công bố một thỏa thuận mới với Mỹ trong tuần trước để mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Washington chế tạo. Trước đó, Hải quân Hoàng gia Úc hồi đầu năm cũng đã ra thông báo về việc tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Việc Hoa Kỳ xuất hiện tại Biển Đông cũng được nói nhằm thể hiện sự ủng hộ với Đài Loan trong mối quan hệ căng thẳng leo thang với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn coi đảo quốc này là một phần lãnh thổ của mình. Trong đó, Hoa Kỳ sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào, kể cả xung đột vũ trang, như lời Đô đốc John Aquilino - chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong một cuộc họp báo vào tháng trước cho hay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.