Hôm nay,  

Say Nắng Hay Say Nóng-heatstroke: Có Thể Tử Vong

04/08/200100:00:00(Xem: 6016)
Bây giờ là mùa hè, nhiệt độ lên cao, rất nóng.
Từ già đến trẻ, ai cũng có thể bị say nóng hay say nắng đột ngột (heatstroke). Dễ bị say nóng là những bệnh nhân không được chăm sóc thường xuyên. Có trường hợp bệnh nhân không biết mình đang bị thiếu nước trong cơ thể, hoặc biết bị say nóng mà không biết phải tự chữa như thế nào"
Con nít và người mập dễ bị say nắng. Ăn nhiều làm máu dồn vào ruột khi tiêu hóa cũng dễ bị say nắng. Người già lớn tuổi hay bệnh nhân bị tim mạch, tiểu đường, bị bệnh ngoài da như cứng bì (scleroderma) có thể bị bệnh say nắng nặng. Uống thuốc lợi tiểu, thuốc chữa bệnh ưu trầm, hay uống thuốc chống histamines có thể thay đổi thêm bớt nhiệt độ trong cơ thể do sự điều chỉnh hệ thống bài tiết mồ hôi và do đó cũng dễ bị say nóng. Sống trong những vùng nóng và ẩm cần phải lưu ý say nắng hay say nóng hơn là sống trong những nơi có nhiệt độ ôn hoà.
Say nắng khởi đầu bằng những triệu chứng như chóng mặt, nóng sốt, hay tâm thần thay đổi. Bị say nóng nặng, dễ rơi vào hôn mê. Khi thấy một cụ già sống trong nơi không thoáng khí, không máy lạnh, nhất là trong những ngày nóng nực nhiệt độ lên cao tới 110 độ F, mà đột nhiên cụ già lên cơn lẩn thẩn thì phải để ý ngay tới say nóng.
Tập thể dục hay hoạt động ngoài trời nóng nực và đột nhiên thấy những triệu chứng kể trên cũng phải nghĩ tới say nắng. Ngoài ra, bệnh nhân còn thấy da bị khô, người ra mồ hôi như tắm. Có nhiều người còn trẻ và khỏe mạnh nhưng nếu tập thể dục quá mạnh cũng bị say nóng. Bệnh nhân phát hiện những triệu chứng khác như suy thận, nhiễm axít lactít (lactic acidosis) trong máu, hoặc mất thăng bằng vài thứ muối trong cơ thể, như giảm chất vôi.
Trường hợp nhẹ hơn, chưa phải là say nắng, nhưng bệnh nhân có những triệu chứng như thấy yếu, chóng mặt, nhức đầu, ói, mửa, chuột rút. Đôi khi bị tái mặt, nhịp tim đập nhanh, huyết áp xuống thấp, hơi thở hổn hển. Bệnh nặng hơn sẽ lên kinh phong, mắt mờ, và hôn mê.

Trong việc điều trị bệnh nhân say nắng, bác sĩ phải theo rõi tim mạch, thử nghiệm như đếm máu (CBC), đo lượng muối trong cơ thể, theo rõi nhiệt độ trong người, đo áp huyết, đo chức năng gan và thận, thử nghiệm độ máu đông đặc, khám nhịp tim và đo hóa chất creatine phosphokinase trong máu.
Sau đây là vài lời khuyên để tránh bệnh say nắng, đặc biệt cho những người già, hay cho bệnh nhân đang uống vài loại thuốc chữa bệnh dị ứng hay ưu trầm, thuốc giảm cao huyết áp, v..v.., hoặc cho những người thường làm việc hay tập thể dục ngoài trời nóng, những người không có máy điều hòa không khí trong nhà, những người bị mập, hoặc trước đây đã có lúc không chịu đựng được nóng.
. Cần uống nhiều nước, mỗi giờ nên uống từ 2 tớ 4 li nước lạnh. Không được uống rượu vì rượu sẽ dễ làm mất nước trong cơ thể.
. Nếu phải làm việc ngoài trời nóng thì phải tập luyện ít ra 10 ngày trước cho quen. Chẳng hạn, ngày đầu ra ngoài nóng khoảng 15 phút rồi vào nhà nghỉ ngơi. Ngày sau ra lâu thêm, 20 phút, rồi lại nghỉ. Nghĩa là sẽ từ từ tăng cao sự chịu đựng với nóng mỗi ngày, theo thời gian.
. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời thì nên đứng dưới bóng mát, mặc quần áo mỏng và thoáng, dùng vải lạt mầu để đỡ hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời. Nên thoa kem chống nắng 15 độ, ít ra 30 phút, trước khi ra ngoài.
. Trong nhà thấy nóng quá thì phải vặn máy lạnh, tắm nước lạnh, hay quấn khăn lạnh xung quanh người. Tránh dùng lò nóng trong nhà thường xuyên.
. Nên coi khí tượng và nhiệt độ trước khi ra ngoài trời. Nếu cơ thể thấy báo hiệu vài triệu chứng như yếu mệt, chóng mặt, muốn ói, nhức đầu hay khô miệng thì lập tức ra khỏi chỗ nóng, uống nhiều nước và đi kiếm bác sĩ ngay.
(Ghi chú: bài này viết với mục đích nâng cao kiến thức, không dùng để tự trị liệu. Nếu bạn có thắc mắc về tình trạng sức khỏe hay thuốc men, xin hỏi bác sĩ gia đình).
Bác sĩ Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.; E-mail: nmtran@hotmail.com; Điện thoại: (714) 547-3915.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.