Hôm nay,  

Bột Ngọt

11/05/201800:00:00(Xem: 8955)
BS_NGUYEN_Y_DUC nguyen y du
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Bột Ngọt là chất kết tinh không mùi, mầu trắng nom giống như muối.

Dù không có mùi nhưng bột ngọt lại có đặc tính làm nổi bật hương vị của thịt và một số thực phẩm khác.

Tên khoa học của bột ngọt là Monosodium Glutamate (MSG), ta còn gọi là bột mì chính.

 
Cấu tạo và nguồn gốc
 

Monosoodium Glutamate là hình thức muối natri của glutamic acid Glutamic acid là một trong nhiều amino acid có tự nhiên trong chất đạm của thực phẩm động vật như pho mát, sữa, thịt, cá..., trong  một số thực vật như cà chua, nấm và trong tế bào cũng như sữa mẹ. Đó là L-glutamic acid.

Trong cơ thể glutamic acid này được tiêu hóa và glutamate được tách rời để dùng cho sự chuyển hóa thực phẩm và trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh.

Mỗi ngày cơ thể cũng tạo ra được khoảng 50g glutamate, cho nên nó được xếp vào nhóm amino acid không cần thiết phải có trong thực phẩm.

Từ nhiều thế kỷ trước, người Nhật đã biết dùng một loại cỏ biển (seaweed) phơi khô để tạo thêm vị ngọt cho món ăn. Nhưng mãi đến năm 1908, hóa học gia Kikumae Ikeda của Đại Học Hoàng Gia Tokyo mới khám phá ra rằng trong rong biển có chất glutamic acid. Ông ta bèn cùng người bạn lập ra Công ty Ajino Moto để chiết acid này từ rong biển và bán ra thị trường. Hiện nay công ty sản xuất quá nửa số bột ngọt rên thế giới.

Ngày nay bột ngọt  được chế ra từ tinh bột các chất thiên nhiên như đậu nành, bắp, bột mì, gạo, khoai tây, đường mía, củ cải... hoặc do tổng hợp của các chất hữu cơ. Sự chế biến này cũng dùng phương thức lên men hóa chất, sức nóng, thủy phân, như trong trường hợp làm rượu bia, giấm hoặc sữa chua.

MSG có 72,2% glutamate, 12,2% muối sodium, 9,6% nước. Glutamate này là D-glutamic acid không có trong đạm tự nhiên của thực vật và động vật. Glutamate tự nhiên do sinh vật tạo ra khác với glutamate chế biến này.

 
Công dụng


Bột ngọt được dùng rất phổ biến và có khả năng làm tăng hương vị cho các món ăn trong khi nấu nướng. Mỗi năm dân chúng trên thế giới tiêu thụ tới cả trăm triệu kí lô bột ngọt.

Theo nhiều chuyên gia ẩm thực, bột ngọt tạo ra một vị đặc biệt trên lưỡi khi ta ăn. Vị này không liên hệ với bốn vị giác căn bản Ngọt, Mặn, Chua và Đắng. Người Nhật gọi vị đó là Umami và người Mỹ gọi là savory, tên của một họ thảo bạc hà dùng để nấu ăn.

Glutamate là một amino acid mà khi được tự do (không dính vào một protein nào) thì nó có tác dụng làm lộ ra cái hương vị đặc biệt của một thực phẩm. Người Tây Phương bây giờ đã quen thuộc với vị umami này, vì văn hóa thực phẩm Á Châu đã tràn ngập khắp mọi quốc gia.

Sự phát hiện của hương vị Umami đã được nhiều chuyên gia công nhận, trong đó có tiến sĩ Susan Schiffman, giáo sư Đại Học Y Khoa Duke.

Khi được mời nếm thử mấy món ăn giống nhau nhưng gia vị khác nhau, thì nhiều người tỏ ý thích món có gia vị bột ngọt. Họ tả món ăn này như là rất phong phú, đậm đà. Hương vị umami đặc biệt đến nỗi là dù có trộn lẫn bốn vị cay, chua, ngọt, đắng, cũng không bắt chước hoặc tạo ra được.

Bột ngọt làm thay đổi hương vị của nhiều món ăn, mỗi món cho một vị đặc biệt. Với thịt, hải sản, vài loại rau, bột ngọt dễ tạo ra hương vị mới, nhất là khi nấu súp, hầm ninh. Nấu phở mà có một chút bột ngọt cũng làm hương vị phở đậm đà hơn.

Bột ngọt thích hợp với vị mặn và chua hơn là vị ngọt của đường trong bánh kẹo. Vì thế khi nấu chè mà cho bột ngọt vào thì rất vô duyên.

 Bột ngọt cũng không thể giúp người đầu bếp chuyển một món ăn dở hoặc nấu cẩu thả, trở thành ngon. Nó cũng không thay đổi dạng của thực phẩm, chẳng hạn làm mềm thịt, cá. Và bột ngọt không được dùng để thay thế thực phẩm, vì đây chỉ là một gia vị.

Với người cao tuổi, cho thêm một chút bột ngọt làm cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn. Lý do là với tuổi cao, vị giác cũng như khứu giác giảm, khiến các cụ không thấy món ăn ngon miệng. Cho thêm bột ngọt làm hương vị món ăn cao hơn, sự kích thích vị giác mạnh hơn.

Bột ngọt được dùng trong nhiều thực phẩm chế biến như nước súp, nước xốt thịt, tương đậu nành, dầu hào... đôi khi có trong thực phẩm trẻ em nhưng không ghi trong nhãn hiệu bao bì.

MSG cũng được thêm vào vài loại xà bông, thuốc gội đầu, mỹ phẩm tóc.

Kỹ nghệ thực phẩm còn có dự định là để tăng hương vị, họ sẽ xịt thêm glutamate vào rau, sà lách, cà chua, đậu phọng, trước khi mang bán.

Theo luật định, khi món ăn có thêm bột ngọt thì nhãn hiệu phải ghi rõ số lượng để người tiêu thụ biết mà đề phòng.

 
Cách dùng
 

Bột ngọt được dùng làm gia vị khi nấu nướng. Đôi khi thêm vào món ăn trong khi ăn. Mặc dù nó mang lại hiệu quả gần như “thần kỳ” trong việc làm thay đổi hương vị món ăn, nhưng vẫn cần phải có những giới hạn nhất định khi sử dụng.

Thứ nhất, khi sử dụng bột ngọt quá nhiều, hương vị món ăn cũng không hể tăng lên theo tỷ lệ sử dụng bột ngọt, mà có thể có vị lợ, gây ra cảm giác khó chịu.

Thứ hai, bột ngọt hoàn toàn không có giá trị làm tăng dinh dưỡng, và đã được xác định không phải là chất cần thiết phải có trong khẩu phần hàng ngày. Vì thế chỉ nên giới hạn nó ở mức độ là một chất để làm ngon miệng mà không nên sử dụng quá nhiều.

Thứ ba, vẫn còn có những nghi vấn về mức độ an toàn khi sử dụng bột ngọt với một lượng lớn.

Vì thế, tốt hơn là chúng ta chỉ nên sử dụng ở một mức độ vừa phải, nói đúng hơn càng  ít càng tốt, chỉ vừa đủ để tạo ra sự ngon miệng mà thôi.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bột ngọt gây tổn thương não bộ ở chụột, thỏ khi ngững con này còn ít tuổi.

Đã có nhiều công ty sản xuất thực phẩm trẻ em tự nguyện loại bỏ bột ngọt ra khỏi sản phẩm của họ để tạo sự yên tâm cho người sử dụng. Và trong thực tế cũng có một số người có phản ứng không tốt khi dùng bột ngọt với một lượng hơi nhiều.

Trung bình, chỉ cần thêm nửa thìa cà phê bột ngọt khi nấu một kilogram thịt là đủ. Khi cho nhiều quá, bột ngọt chỉ làm món ăn lợ thêm mà thôi.

 
An toàn
 

Vấn đề an toàn của MSG chưa được hoàn toàn sáng tỏ và có nhiều ý kiến khác nhau về tác dụng tốt xấu.

Vào năm 1968, bác sĩ Robert Ho Man Kwork đề cập tới tác dụng không tốt của MSG. Ông ta cho hay 20 phút sau khi ăn tại một nhà hàng Trung Hoa ở bên Mỹ, ông ta cảm thấy  nhức đầu, đau ngực và cổ, mặt nóng phừng phừng, tim đập nhanh, đầu ngón chân, ngón tay tê dại, buồn nôn,  khó thở, nặng  nơi ngực... Tạp Chí Y Học uy tín New England Journal of Medicine đặt tên cho khó khăn này là Hội chứng Tiệm Ăn Trung Hoa -Chinese Restaurant Syndrome-.

Sau đó nhiều người khác khác cũng lên tiếng than phiền về các khó khăn tương tự khi ăn món ăn Trung Hoa và họ nghi rằng bột ngọt trong thức ăn là nguyên nhân.

Năm 1969, bác sĩ John Olsney công bố trên báo Science là khi tiếp xúc với bột ngọt, tế bào thần kinh của chuột trong phòng thí nghiệm bị tổn thương. Bác sĩ Olsney cũng ra điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 1972 về những rủi ro do bột ngọt gây ra nhất là cho tế bào thần kinh trẻ em. Vì thế MSG đã được loại bỏ ra khỏi thực phẩm cho trẻ em vào thập niên 1970.

Nghiên cứu của Hiroshi Ohguro, Đại Học Hirosaki bên Nhật Bản cho hay với số lượng cao, bột ngọt  sẽ kết tụ và gây tổn thương võng mạc của loài chuột trong phòng thí nghiệm.

Bác sĩ Peng Tee Khaw, chuyên gia về bệnh tăng áp nhãn ở Luân Đôn cũng đồng ý như vậy. Theo ông, dùng ít bột ngọt  nhưng dùng trong thời gian lâu sẽ là rủi ro gây ra tăng nhãn áp khi tới tuổi cao.

Bác sĩ Russel Blaylock, chuyên gia giải phẫu thần kinh, gọi bột ngọt  là một chất độc cho vài loại tế bào thần kinh (Exitotoxins).

Một bác sĩ khác, George Swartz, đã xuất bản một cuốn sách nhan đề “In Bad Taste: The MSG Syndrome”, trong đó ông nêu ra những tác dụng xấu của chất gia vị này.

Nhiều người còn nói rằng bột ngọt có thể có liên hệ tới bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer, kinh phong, u não, trẻ em quá năng động. Các ý kiến này vẫn còn đang tiếp tục được kiểm chứng.

Trong khi đó thì các nhà sản xuất bột ngọt  cũng công bố kết quả nhiều nghiên cứu cho rằng bột ngọt an toàn khi dùng theo liều lượng do họ chỉ dẫn. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng có nhiều người mẫn cảm với MSG.

Bên Hoa Kỳ, Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) nhận được nhiều than phiền về bột ngọt. Năm 1959, cơ quan đã xếp MSG vào danh sách các “chất được coi một cách chung chung như an toàn” cùng với các gia vị khác như muối, dấm, bột nở. MSG được cho phép dùng trong kỹ nghệ thực phẩm từ năm 1963.

Vì dân chúng quá quan tâm, cho nên cơ quan này mướn một tổ chức chuyên về nghiên cứu để kiểm tra kết quả của cả trăm tường trình khoa học về tác dụng xấu tốt của MSG. Tổ chức này đưa ra các nhận xét như sau:

“a-Một số người có thể phản ứng với bột ngọt và có một vài dấu hiệu phức tạp như sau: Cảm giác nóng bỏng ở sau cồ, ngực và cánh tay; cảm giác tê ở gáy, chạy xuống tay và lưng; châm nhói, nóng và yếu trên mặt, thái dương, lưng, gáy và tay; đau nơi ngực; nhức đầu, buồn nôn; tim đập nhanh; khó thở; buồn ngủ, yếu sức. Đó là Hợp Chứng MSG ( MSG Symptoms Complex);

b-Ở người khỏe mạnh mà không dung nạp (intolerant) được với MSG, các dấu hiệu trên xảy ra khoảng một giờ sau khi tiêu thụ từ 3g  MSG trở lên,  nhất là  khi đói, không ăn thực phẩm;

c-Bị bệnh suyễn nặng có thể khiến các dấu hiệu trên dễ dàng xẩy ra;

d- Không có bằng chứng nào về việc MSG là rủi ro đưa tới bệnh Alzheimer sa sút trí tuệ, hoặc các bệnh kinh niên;

e-Chưa có bằng chứng nào về việc MSG làm tổn thương tế bào thần kinh ở loài người..”

Kết quả này dường như thỏa mãn quan điểm  của cơ quan FDA nhưng nhiều người  vẫn cho là MSG có tác dụng không tốt cho sức khỏe. Họ đòi hỏi có nhiều nghiên cứu rộng rãi, khách quan hơn.

 Cơ quan FDA vẫn duy trì lập trường: khi dùng lâu, nhưng vừa phải, từ 0.1 tới 0.3% trọng lượng món ăn, bột ngọt không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người.

Cơ quan Y Tế Thế Giới khuyên rằng nên hạn chế bột ngọt chừng nào hay chừng nấy và không cho trẻ em dưới sáu tuổi dùng.

Ngoài ra, theo quy luật,  bất cứ món ăn nào có bột ngọt đều phải được ghi trên nhãn hiệu để công chúng biết mà đề phòng. Bột ngọt hiện nay đã được pha thêm vào nhiều thực phẩm, kể cả vài loại nước uống chế biến hoặc rau trái cây tươi, khô.

Cũng nên lưu ý rằng Bột ngọt có một số muối sodium, nên người bị cao huyết áp, bệnh thận hoặc tim cần lưu ý.

Ngoài ra cũng nên biết rằng một số bột ngọt trên thị trường được pha trộn với một vài chất có thể gây ra rủi ro cho người tiêu thụ, chẳng hạn như  hàn the và phèn. Các chất này có thể gây kém ăn, mất ngủ, tổn thương cho dạ dày. Nếu dùng nhiều có thể đưa tới nhiều bệnh khác như ung thư bàng quang, teo tinh hoàn...Hàn the đã bị cấm dùng trong thực phẩm trên khắp thế giới.

Mặt khác vì bản thân bột ngọt không làm tăng chất dinh dưỡng cho món ăn, nên nếu thường xuyên dùng bột ngọt thay thế cho các chất đạm của thịt cá, rau trái sẽ đưa tới thiếu các chất dinh dưỡng căn bản và cơ thể suy yếu.

Nói tóm lại, nên sử dụng hạn chế bột ngọt ở mức càng ít càng tốt, và không nên cho bột ngọt vào thức ăn của trẻ em dưới sáu tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bệnh Parkinson là một trong những bệnh về thần kinh, thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, bệnh nhân không thể kiểm soát được các cử động bình thường. Bệnh thoái hóa thần kinh sẽ tấn công các tế bào của hệ thần kinh trung ương, khiến chúng không còn khả năng hoạt động bình thường hoặc chết hẳn. Các loại bệnh này thường sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ dẫn đến các bệnh về gan rất nghiêm trọng. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa, nhưng các nhà nghiên cứu đã có thể cho thấy một kháng thể ngăn chặn protein có thể trở thành một lựa chọn điều trị trong tương lai.
Năm Quý Mão đã đến! Để đảm bảo trái cây họ cam quýt mà quý vị tặng người thân trong dịp Tết Nguyên đán này là hiện thân của phúc lộc, may mắn và thịnh vượng, Chương Trình Phòng Chống Sâu Bệnh & Dịch Bệnh Gây Hại Giống Cây Cam Quýt (CPDPP) đề xuất các biện pháp thực hành tốt nhất sau đây để bảo vệ giống cây cam quýt quý hóa của California trong nhiều năm tới.
Blue Shield of California Promise Health Plan (Chương Trình Bảo Hiểm Y Tế Hứa Hẹn của Blue Shield of California) đang giới thiệu Wellvolution, là chương trình bảo hiểm y tế và sức khỏe tâm thần kỹ thuật số theo lối sống có thể được lập riêng để giải quyết các nhu cầu và ưu tiên sức khỏe cá nhân.
Sau 13 năm, cuối cùng thì Bác sĩ David Sinclair và các đồng nghiệp đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì thúc đẩy quá trình lão hóa? Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell vào ngày 12 tháng 1 năm 2023, Sinclair, giáo sư di truyền học và đồng giám đốc của Paul F. Glenn Center for Biology of Aging Research tại Trường Y Harvard (Harvard Medical School), đã phác họa ra một chiếc đồng hồ lão hóa, khi ta vặn chiều kim là có thể đẩy nhanh hoặc đảo ngược quá trình lão hóa của các tế bào.
Gần đây, một số bạn bè gởi cho tôi qua e-mail một bài viết bằng tiếng Việt không rõ xuất xứ cảnh báo về một loại biến chủng của virus COVID mới rất nguy hiểm, rất lây lan mà lại không có triệu chứng thông thường báo trước, không phát hiện được bằng các test hiện có và không có thuốc chữa. Những “tin tức” này có vẻ không có cơ sở thực tế và có thể gây hoảng hốt không cần thiết. Hôm nay tôi xin phỏng dịch và chú thích thêm cho dễ hiểu một bài báo của CNN (1) trả lời một số câu hỏi về biến thể phụ mới nhất đang lan tràn ở Mỹ và đã có mặt tại Việt Nam.
Chúng ta đã cảm thấy hân hoan khi đón chào năm mới Quý Mão 2023 sắp đến. Mọi người chắc hẳn sẽ cùng bên nhau ăn uống. Hút thuốc và uống rượu là những điều thường được làm khi đoàn tụ với người thân và bằng hữu để đón Tết. Thế nhưng việc hút thuốc cùng nhau hay mời nhau điếu thuốc có thật sự cần thiết để đón mừng năm mới không? Tiến sĩ Shu-Hong Zhu, Giáo sư Y Học Gia Đình và Sức Khoẻ Cộng Đồng tại Đại học California, San Diego (UCSD) cho biết: “Khói thuốc lá có hơn 7.000 loại hóa chất và khoảng 70 chất trong số đó được biết là gây ung thư. Hít phải khói thuốc lá do người khác hút có thể tác hại như là tự hút và cũng có thể gây hại cho thú cưng. Cách tốt nhất để ăn mừng là tránh những nơi hút thuốc, không mời mọc thuốc lá và bỏ hút thuốc."
Người dân California gần đây đã phản đối ngành công nghiệp thuốc lá và bầu chấm dứt việc bán hầu hết các sản phẩm thuốc lá có hương vị, bao gồm thuốc lá bạc hà và thuốc lá điện tử. Các cử tri đã ủng hộ Dự luật Thượng viện (SB) 793 bằng cách bỏ phiếu “Có” cho Dự luật (Prop) 31, điều này ngăn cản những tiệm lẻ bán các sản phẩm này và khiến Big Tobacco (Nhóm Thuốc Lá Lớn) khó săn mồi và kiếm lợi từ trẻ em và nhắm vô nhiều cộng đồng khác.
Năm mèo, theo thông lệ chúng ta hãy bàn về con mèo trong y khoa. Một phần ba gia đình ở Mỹ có nuôi mèo. Trước hết là hai bệnh có thể tránh được mà mèo có thể truyền qua người, bệnh “mèo quào” do vi khuẩn và bệnh do ký sinh mà qua phân mèo có thể truyền qua người, nhất là người có thai và gây những triệu chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh; và sau cùng là một bệnh di truyền làm đứa trẻ sơ sinh có tiếng khóc giống tiếng mèo kêu với nhiều dị tật quan trọng.
Hầu hết phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh đều đã quá quen thuộc với các cơn bốc hỏa mặt (hay những cơn nóng bừng khó chịu – hot flashes). Những cơn nóng bừng khó chịu đột ngột kéo đến và nhiệt độ tăng nhanh, thường kèm theo đổ mồ hôi, tim đập nhanh, chóng mặt, mệt mỏi và/hoặc lo lắng. Chúng khiến cho các bà, các mẹ bị mệt mỏi, suy nhược hơn nhiều chứ không ‘chớp nhoáng’ như tên gọi của chúng (flashes).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.