Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Tư Vấn Về Tâm Bệnh

28/09/200700:00:00(Xem: 3537)

Rối loạn tinh thần là chuyện thường xảy ra.

Tại Hoa Kỳ, có tới trên 20% dân chúng gặp những chuyện khó khăn này trong suốt cuộc đời khiến cho nếp sống của họ không được yên vui. Và tại Việt Nam, tâm bệnh cũng có chiều hướng ngày một gia tăng với sự phát triển kinh tế, kỹ nghệ.

Một số không nhỏ những người này chấp nhận tình trạng, không tìm kiếm hỗ trợ, giải quyết. Vì, không biết đi đâu dể điều trị hoặc ngại ngùng “vạch áo cho người xem lưng”, nói chuyện riêng tư cho người khác, rồi người ta đồn đại, rêu rao nói xấu...

Tuy nhiên, như cổ nhân đã nói ”có bệnh thì vái tứ phương”. Có vấn đề, thì ta cứ tìm giúp đỡ. Đó là một quyền hạn của mọi công dân.

Nhưng tìm ở đâu"

Xin mời đọc tiếp…

1-Vậy thì khi cần tư vấn về tinh thần, tôi phải đi đâu"

Thưa, tại mỗi địa phương mà ta sinh sống đều có các trung tâm chuyên lo về tâm bệnh.

Các trung tâm này đều có các nhà chuyên môn với nhiều khả năng và kinh nghiệm để giúp đỡ những ai có các bệnh như trầm cảm, buồn phiền, rối loạn suy tư, hành động, lo lắng, hoảng hốt, có ý định tự vẫn quyên sinh...

Trung tâm cũng có người chuyên môn cho từng sắc dân, từng lớp tuổi, tỵ nạn, di dân, những người suy sụp tinh thần vì mắc bệnh kinh niên như nhiễm HIV, những người chẳng may rơi vào vòng nghiện ngập hút xách...

2-Tôi lại chẳng có bảo hiểm, không trợ cấp, không tiền bạc thì lấy đâu ra tiền trả cho chuyên gia"

*Xin đừng lo. Các trung tâm này thường được quỹ của tiểu bang hoặc địa phương tài trợ, nên chi phí mà bệnh nhân phải trả rất nhẹ, tùy theo lợi tức của mỗi người. Vì vậy, dù có thể trả nhiều ít thế nào thì người bệnh vẫn nhận được sự giúp đỡ, điều trị.

Ngoài ra nếu mình có đi làm, thì chủ nhân cũng có các chương trình bảo hiểm sức khỏe để giúp đỡ trang trải chi  phí cho tư vấn tinh thần cá nhân hoặc gia đình, cai trừ nghiện ngập...

3-Ngoài các trung tâm “miễn phí” vừa kể, còn nơi nào khác không"

Có chứ. Bệnh nhân có thể tới các trung tâm tư vấn điều trị tư nhân như phòng  khám bệnh, phòng tư vấn tâm lý trị liệu, các bệnh viện tâm trí....Nhưng xin thưa là tới các nơi này cũng tốn tiền lắm đấy, vì mình phải trả số tiền sai biệt mà bảo hiểm sức khỏe không trả.

4-Nói thực là, tính tôi lại không thích làm phiền lòng người khác về chuyện khó khăn riêng tư của mình. Có lẽ tốt hơn là cứ để tôi từ từ tự giải quyết vấn đề, có được không"

Nói vậy thì chẳng khác chi mình đang có cái răng sâu đau nhức, chẳng chịu đi nha sĩ khám chữa, mà lại nói để từ từ rồi tự nó lành.

Tương tự như trường hợp răng sâu, nếu mình không giải quyết khó khăn tinh thần ngay thì e rằng chuyện trong lòng trở nên phức tạp trầm trọng hơn.

Vì:

“Sầu đong, càng lắc càng đầy”

hoặc:

 “Giết nhau chẳng cái lưu cầu

Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa”!

5-Giả thử rằng tôi quyết định tới trung tâm tư vấn, thì chuyện gì sẽ xảy ra"

*Khi tới đó, một nhân viên có kinh nghiệm, kiến thức về vấn đề tinh thần sẽ lắng nghe và thảo luận về vấn đề đang quấy rầy mình.

6-Bộ tôi phải trả tiền để nói cho họ biết về khó khăn của tôi hay sao" Tôi có thể kể cho bạn bè mà chẳng tốn đồng xu nào!

*Quý vị nói đúng. Nếu có một người bạn tốt, có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng nghe bầu tâm sự rồi góp ý để giải quyết thì tuyệt, mình chẳng cần tới “chuyên gia, chuyên dô” làm gì.

Nhưng, nhiều khi ta có những khó khăn mà chỉ người chuyên môn mới khám phá ra được. Và khi họ cung cấp dịch vụ cho mình thì họ cũng phải được trả tiền, để sinh sống chứ.

Liệu người bạn của quý vị có khả năng làm công việc đó không"

7-Tài nhỉ! Làm sao mà chỉ nói thôi mà cũng giải quyết được khó khăn à"

*Tài cán gì đâu! Chẳng qua là khi mình nói với một người đã được huấn luyện chuyên môn, lại có kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều trường hợp tương tự như của mình, thì người đó có thể nhìn rõ cái khó khăn nó đang hành hạ mình.

Mục tiêu của điều trị là làm sao giúp cho bệnh nhân nhận ra khó khăn và thay đổi, giảm thiểu hoặc loại bỏ khó khăn đó.

Đôi khi cũng cần phối hợp cả điều trị bằng lời nói và điều trị bằng dược phẩm với nhau.

8-Như vậy chỉ có bác sĩ tâm trí mới chữa được bệnh của tôi hay sao"

*Đâu phải vậy. Chuyên viên trị liệu không bắt buộc phải là bác sĩ về tâm trí. Nhiều nhà tâm lý học, chuyên viên xã hội, điều dưỡng viên, tư vấn ...đều được huấn luyện tới nơi tới chốn và có bằng hành nghề để chăm sóc, điều trị mọi người có khó khăn về tâm tình, xúc động.

Bác sĩ tâm bệnh học là y khoa bác sĩ có huấn luyện thêm về lãnh vực tâm lý và có thể biên toa cho thuốc trị bệnh.

9-Tôi làm việc suốt ngày, khó mà tới trung tâm vào giờ làm việc. Vậy có nơi nào mở cửa buổi tối không"

*Có nhiều trung tâm mở cửa trễ vào buổi chiều hoặc mở cửa vào ngày cuối tuần. Xin cứ liên lạc với các trung tâm và xin hẹn vào giờ thuận tiện cho mỗi người và trung tâm.

10-Còn các chuyên viên hành nghề tư, liệu họ có tiếp khách ngoài giờ làm việc ban ngày không"

*Có nhiều chuyên viên tiếp khách trễ vào buổi chiều hoặc lúc sáng sớm để giúp bệnh nhân không đến được vào ban ngày.

11-Tôi nghĩ rằng vấn đề của tôi có thể giải quyết được khi tôi đến trung tâm tư vấn tâm thần. Và tôi nghĩ rằng người bạn đường của tôi cũng có thể giúp tôi giải quyết. Nhưng cứ nói tới trung tâm tâm thần là người ấy e ngại rồi. Vậy thì liệu tôi có nên nói với người ấy là tôi tới đó vì một chuyện khác nào đó.

*Không nên làm như vậy. Thà cứ nói thực cho người ấy hay chứ không nên nói dối, kẻo mà mất lòng tin của nhau. Hơn nữa, vấn đề của mình cũng liên can tới cả hai người, cho nên đôi khi cần giải quyết chung với tư vấn gia đình, với nhóm.

12-Nếu tới trung tâm thì tôi sẽ được điều trị bằng cách nào"

*Có nhiều cách điều trị lắm.

Một nhân viên kinh nghiệm của trung tâm sẽ thảo luận với mình để chọn lựa cách nào thích hợp với vấn đề của mình. Có thể chỉ bằng lời nói hoặc có thể phải phối hợp với dược phẩm, tùy theo sự nặng nhẹ của khó khăn. Những người có khó khăn giống nhau có thể ngồi chung để cùng tìm hiểu vấn đề của nhau rồi cùng góp ý, giải quyết.

Đôi khi chỉ giữa chuyên viên với người bệnh nói với nhau mà thôi.

13-Nói suông như vậy mà cũng trị được bệnh hay sao"

*Ở đời làm gì có hoàn toàn 100%, phải không thưa quý vị. Cho nên trị liệu bằng lời nói cũng có lúc hữu hiệu, có lúc không. Vả lại, kết quả còn tùy thuộc ở người bệnh, chuyên viên, và loại bệnh.

Điều cần thiết là nên thẳng thắn, cởi mở, dốc hết bầu tâm sự, kể hết khó khăn của mình với chuyên viên, bác sĩ, để họ hiểu rõ vấn đề và tư vấn, giúp đỡ mình.

14- Giả thử rằng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cảm thấy thoải mái nói chuyện với chuyên viên này, thì tôi phải làm gì"

*Ồ, dễ giải quyết mà!

Mình có thể yêu cầu người đó giới thiệu cho một chuyên viên khác có sẵn ở trung tâm hoặc là mời một chuyên viên từ trung tâm nào đó ở trong vùng.

Nhưng, nên cố gắng hợp tác với chuyên viên này trước đã.

15-Tôi phải nói gì với chuyên viên tư vấn khi gặp nhau lần đầu"

*Trước hết là khi liên lạc với trung tâm tư vấn, nói chuyện với chuyên gia, hãy tìm hiểu cách điều trị của họ ra sao. Nếu cảm thấy có thể thổ lộ tâm tư với người này thì xin hẹn gặp.

Với lần gặp gỡ đầu tiên, chuyên gia sẽ đặt ra một số câu hỏi về dấu hiệu bệnh, về tình trạng cá nhân và gia đình, thân hữu. Các chi tiết này giúp chuyên gia phác họa một phương thức trị liệu.

Sau vài lần gặp gỡ, để ý coi xem tình trạng của mình có khả quan không. Nếu cảm thấy không thuyên giảm, đặt vấn đề với chuyên viên và cố gắng hợp tác với họ.

Nếu không thỏa mãn, đừng ngần ngại yêu cầu có một chuyên viên khác. Điều trị chỉ có kết quả khi giữa người bệnh và chuyên gia có mối giao hảo tốt.

16-Tôi phải làm gì khi uống thuốc mà bệnh có vẻ như không thay đổi"

*Nếu sau khi uống thuốc dăm tuần lễ mà bệnh không thuyên giảm thì mình phải cho bác sĩ hay ngay, để thử thuốc khác.

Mỗi người đáp ứng với thuốc khác nhau. Đôi khi lại phải kết hợp chữa bằng thuốc với các phương thức trị liệu khác.

17-Các trung tâm tâm bệnh có tiếp nhận điều trị cho trẻ em không"

*Có chứ. Cung cấp điều trị cho các em là một phần việc rất quan trọng của bất cứ một trung tâm tư vấn tâm lý nào. Nếu không có các vấn đề trầm trọng, các em thường mau bình phục với trị liệu ngắn hạn.  

Nhiều khi, thân nhân được mời để tham khảo góp ý nếu các em có vấn đề trầm trọng như trầm cảm, tự kỷ, ám ảnh, thiếu tập trung, quá năng động, chán ăn. Trong các trường hợp này, điều trị thường kéo dài lâu hơn.

18-Khi chữa bệnh tại Trung Tâm, liệu họ có kể chuyện riêng của tôi cho người khác không"

*Xin đừng lo, bệnh tình của mình sẽ được giữ kín. Đây là điều rất quan trọng trong việc điều trị và là căn bản trong mối liên hệ giữa người cung cấp điều trị với bệnh nhân.

Hơn nữa luật pháp cũng như quy luật nghề nghiệp đều nhấn mạnh về việc giữ bí mật nghề nghiệp này. Ngay cả khi một vài công ty bảo hiểm muốn biết cách điều trị để trả y phí, cũng phải có sự đồng ý bằng chữ viết của bệnh nhân thì trung tâm mới được tiết lộ hồ sơ.

19-Tôi có người quen, mắc tâm bệnh trầm trọng. Liệu tôi có nên khuyên người đó vào nhà thương để trị bệnh không"

*Một người bị tâm bệnh chỉ nhập viện khi nào thật cần thiết mà thôi.

Các chuyên viên trị bệnh tâm lý đều đồng ý rằng người có rối loạn tinh thần nên sống chung với gia đình, cộng đồng và được điều trị ờ các trung tâm. Đó là mục đích sự hiện diện của trung tâm tư vấn tâm lý: để phối hợp với cộng đống, hỗ trợ chăm sóc người bệnh.

Trung tâm có nhiều chương trình khác nhau như chăm sóc ban ngày, ban đêm, cuối tuần với điều trị ngoại chẩn...

20-Có phải các trường hợp khẩn cấp đều phải vào bệnh viện tâm thần điều trị trong một thời gian lâu"

Không đúng hẳn như vậy.

Ngày nay, bệnh viện tâm thần chỉ được sử dụng ngắn hạn khi không có phương tiện điều trị ở cộng đồng hoặc khi người bệnh cần nằm một thời gian ngắn để điều chỉnh thuốc men.

Ngoài ra, bệnh viện cũng cung cấp chăm sóc cho một số người ví tình trạng sức khỏe kém, cần theo dõi, bảo vệ. 

21-Nhập viện ngoài ý muốn có nghĩa là gì"

*Trong trường hợp khẩn cấp, một người được coi như nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác, thì người đó có thể được nhập viện trong một thời gian ngắn, ngoài ý muốn của họ.

Thủ tục nhập viện ngoài ý muốn này thay đổi tùy theo luật lệ tại địa phương.

Sau thời kỳ nhập viện khẩn cấp, người ký giấy phải thu hồi lệnh nhập viện, trả tự do cho người bệnh.

Nếu thấy người bệnh còn trầm trọng, nhân viên y tế phải yêu cầu họ tự ý nằm lại bệnh viện hoặc phải xin phép cơ quan pháp luật để tiếp tục giữ người bệnh trong bệnh viện để điều trị.

Tại nhiều địa phương, luật lệ không cho phép nhập viên ngoài ý muốn của bệnh nhân quá 4 ngày.

22-Khi quyền hạn của tôi bị vi phạm hoặc khi muốn thông báo bị lạm dụng, bỏ bê, tôi phải làm gì"

*Bên Mỹ, luật lệ liên bang quyết định mỗi tiểu bang đều phải có một cơ quan bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân. Cơ quan này sẽ điều tra mọi khiếu nại của bệnh nhân đang điều trị hoặc mới xuất viện được 90 ngày về các lạm dụng, đối xử không tốt tại trung tâm tư vấn công tư hoặc tại các cơ sở trị bệnh.

Thành ra, người bệnh bao giờ cũng được pháp luật bảo vệ và hưởng tất cả các quyền lợi một công dân, như những nguời không bệnh tật.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Texas-Hoa Kỳ

(Phỏng theo tài liệu của National Institute of Mental Health-Hoa Kỳ)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.