Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Dị Ứng Thường Xuân

15/07/200500:00:00(Xem: 6230)
Thưa đây không phải là người đẹp Thường Xuân ngày nào của đất Ngàn Năm Văn Vật, mà là một thảo mộc hoang dại dọc bờ rào hoặc ký sinh trên những cây cao bóng mát.
Thường Xuân với trái chín mọng là món ăn ưa thích của những chim hót hay như sáo, sơn ca, cổ đỏ, chim hét; với nhựa dầu làm bóng sơn mài mà nghệ nhân Nhật Bản đã dùng từ nhiều trăm năm. Nhưng Thường Xuân cũng là mối rủi ro lớn cho sức khỏe con người nhất là trong mùa Xuân và đầu mùa Hạ, thời gian mà ta hay ra vườn chăm sóc cây cảnh hoặc đạp xe, cắm trại trong rừng.
Đó là Dị Ứng Thường Xuân một trong mấy Viêm Dị Ứng Da do Tiếp Cận Allergic Contact Dermatitis.
Thường Xuân Poison Ivy và thảo cùng họ Poison Oak, Poison Sumac thuộc nhóm cây vùng nhiệt đới Đào Lộn Hột Cashew và là loại cây bụi um tùm hoặc thân thảo bò dưới đất. Cây có thể mọc cao tới trên 10 feet. Toàn bộ phận cây, kể cả rễ đều quanh năm rất độc hại. Theo nhiều tài liệu thì viên Ðại Úy John Smith nào đó đã viết về cây này vào năm 1609 và đặt cho cây một cái tên kinh hoàng Poison Ivy. Chắc là Quan Ba nhà ta đã được Thường Xuân chiếu cố làm tình làm tội.
Nhận diện Thường Xuân
Poison Ivy có ở khắp nơi trên nước Mỹ và miền Nam Gia Nã Đại; P Oak mọc ở Tây Bắc Mỹ và vùng Gia Nã Ðại kế cận; P Sumac lại thấy nhiều ở miền Đông Hoa Kỳ. Các thảo này được xếp vào nhóm rất độc với tên là Toxicodendrons, toxico là độc mà dendron là cây. Dị ứng với các thảo này đã gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là với dân làm rừng, chữa cháy, giữ gìn an ninh công viên.
Dị ứng với Poison Ivy là loại thường thấy nhất trong ba loại.
Thường thường Poison Ivy được nhận ra qua đặc tính chụm ba trifolate của lá: hai lá xếp đối xứng với một lá nhỉnh hơn ở giữa mọc ra từ một cuống màu trắng. Vì thế Mỹ có câu tục ngữ “Leaves of three, let it be” là để chỉ đích danh hình dáng bộ tam quỷ Poison.
Mép lá có răng cưa hoặc nhẵn nhụi, lớn từ 10 tới 60 mi li mét, mầu đỏ khi nhú ra vào mùa Xuân, trở thành xanh lục với Hè và sang Thu thì mang mầu cam. Mặt lá hoặc bóng láng hoặc mờ đục. Những cụm hoa xanh lục bám vào cuống chính kế cận chùm lá. Vào khoảng tháng Bẩy, xuất hiện những trái trắng rất độc có lông trông như sáp mọc thành chùm xen kẽ với lá.
Thường Xuân có rất nhiều nhựa trong toàn cây. Nhựa chuyển mầu đen khi tiếp xúc với không khí. Ta có thể áp dụng tính chất này để coi thảo đó có độc tố hay không. Ðặt một lá nghi ngờ giữa hai tờ giấy trắng, đè cho lá bẹp nát cho nhựa chẩy ra. Nếu sau vài phút nhựa chuyển mầu nâu đen thì nhiều phần đó là Thường Xuân.
Poison Oak và Sumac cũng có hình dáng và các đặc tính gần như Thường Xuân. Và phản ứng, điều trị, cách phòng ngừa cũng giống như vậy.
Độc Tố
Độc tố của Thường Xuân và các cây cùng họ P. Oak và Sumac là một chất nhựa như dầu có tên hóa học urushiol .
Urushiol đến từ chữ urushi của Nhật Bản có nghĩa là lacquer sơn mài. Nhựa Thường Xuân ra không khí bị oxy hóa trở thánh chất trong suốt và bóng láng đã được người Nhật dùng làm sơn mài cả nhiều trăm năm. Urushiol không hòa tan trong nước, không dẫn điện nhưng dễ cháy, rất mau khô khi dính vào quần áo, dầy dép, thú vật, dụng cụ làm vườn và vẫn còn gây độc.
Urushiol nằm trong rễ, cành, lá và trái và thoát ra khi cây bị bầm giập. Ðộc tố không có trong lông, phấn hoa và bao phấn, vì thế ong lấy phấn không bị phản ứng. Ngay cả chim muông thỏ sóc ăn trái, lừa ngựa lợn cừu ăn cây cũng không sao.
Vào mùa Xuân và đầu Hạ là lúc lá mềm non nên đễ tổn thương và dễ gây ngứa ngáy. Nhựa dính vào da do tiếp xúc trực tiếp với cây hoặc qua quần áo, dầy dép, thú vật dụng cụ đã đụng chạm với nhựa. Urushiol cũng hòa lẫn trong khói khi Thường Xuân bị đốt cháy mà khi hít vào ta cũng có phản ứng mạnh. Nhựa vướng trên các môi trường này còn kéo dài tác dụng gây ngứa được cả năm trường.
Khi thời tiết ẩm thấp và nóng nhựa trở nên bất động trong vòng một tuần lễ nhưng với khí hậu khô thì cây có khả năng gây độc trong thời gian khá lâu.
Vì urushiol nằm trong tế bào, nên chạm vào một phần cây nguyên vẹn thường thì an toàn. Nhưng chuyện này ít khi xẩy ra vì cây rất mỏng manh, chỉ một cơn gió mạnh, một bước lên của chim, một gặm nhấm của xâu bọ cũng làm cây tổn thương và nhựa tiết ra.
Ở mỗi người, tính cách trầm trọng của phản ứng thay đổi hàng năm, nhưng theo Hội Da Liễu Hoa Kỳ thì từ 60 tới 80% dân chúng bị ảnh hưởng khi có tiếp cận. Một phần ba dân làm rừng và nhân viên chữa cháy rừng ở các tiểu bang miền tây bắc Hoa Kỳ bị dị ứng với Poison Oak.
Người cao tuổi trên 60 dường như ít bị dị ứng với độc tố nhưng khi đã vướng mắc thì viêm da kéo dài lâu hơn và ngứa cũng nhiều hơn. Trẻ em bắt đầu bị vào tuổi lên ba, cao nhất lúc 12 tuổi.Vùng da mỏng như trên mặt trên cổ dễ viêm hơn nơi da dầy những mô xơ cứng keratin như gót chân, bàn tay hoặc nơi có lông có tóc. Dân da mầu cũng được che trở phần nào với dị ứng.
Có điểm may mắn là vết thương không lây lan sang người khác hoặc tới da kế cận khi ta gãi và nước mụn rỉ ra. Nhưng nếu da dính độc tố tiếp xúc với da lành thì viêm sẽ xẩy ra.Vết da viêm mới xuất hiện trễ là kết quả của ít độc tố bám vào hoặc da kém nhậy bén.
Bình thường thì 15 phút sau khi tiếp xúc, nhựa đã bám vào chất đạm trên da. Nếu xả nước trên da trước thời gian đó, có nhiều hy vọng tránh được phản ứng.
Dấu hiệu
Chất độc Thường Xuân thường gây viêm dị ứng ở các phần da hở hang của cơ thể như bàn tay, cánh tay, chân. Chỉ 15 phút sau tiếp cận là phản ứng bắt đầu.
Về phương diện y học, cũng cần phân biệt Viêm Da Dị Ứng do Tiếp Xúc Allergic Contact Dermatitis với Viêm Da Kích Thích do Tiếp Xúc Irritant Contact Dermatitis.

Trường hợp sau là da bị kích thích trực tiếp bởi chất kích thích như acit, nhẫn kim loại và gây viêm tức thì.
Còn trường hợp thứ nhất dị ứng thì tiếp xúc lần đầu với tác nhân gây dị ứng chưa sao nhưng trong người đã tiết ra kháng thể với chất ngoại nhập đó. Tiếp xúc lần sau là kháng thể nhận ngay ra kẻ lạ trước đây và phản ứng tự vệ với ngứa với sưng viêm do đội bảo vệ bạch cầu thực hiện. Đó là “Lần đầu tha Tào, lần sau có chuyện”. Thành ra với Thường Xuân và đồng họ, chẳng may tiếp xúc lần đầu thì nhiều người chưa có phản ứng.
Dấu hiệu trước tiên là một sự ngứa khủng khiếp trên da. Mươi giờ sau viêm sưng đỏ da xuất hiện vì các mạch máu nơi đó giãn nở. Vài ngày kế tiếp là các bóng nước nhỏ. Bóng nước lớn dần và bắt đầu rỉ nước vào bốn ngày sau. Nước này không có độc chất urushiol nên khi vỡ không gây lan ban viêm. Cuối cùng thì mụn khô dần rồi đóng vẩy.
Trong trường hợp nặng, có thể có nóng sốt, ói mửa, run lạnh.
Trung bình diễn biến kéo dài từ 12 tới 15 ngày. Nếu ta can đảm không gãi cho đã ngứa thì lành da bắt đầu. Mà gãi cũng có thể gây bội nhiễm vi khuẩn nằm trong móng tay và vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Và nơi da lành vẫn còn nhậy cảm khi tiếp cận với nhựa trong cả mấy tháng sau.
Phản ứng nặng nhẹ tùy số lượng độc tố xâm nhập, tính mẫn cảm của mỗi người và địa điểm da đụng chạm tới thảo. Mỗi vùng da dầy mỏng khác nhau nên đáp ứng khác với độc tố. Có vùng cả vài tuần sau tiếp xúc mới nổi viêm. Một nét đặc biệt là viêm da xếp hàng theo một đường dài rất dễ nhận.
Khói từ cây Thường Xuân đốt cháy cũng rất độc và có thể gây ra bệnh phổi và ban ngứa khắp da. May mắn là không khí và gió không lan truyền độc tố
Điều trị
Đa số chữa chạy đều nhắm vào việc giảm thiểu “cơn ngứa kinh hồn, ngứa ngứa ghê”, chờ cho vết thương tự nhiên lành sau vài tuần lễ và cũng tùy theo trường hợp nặng nhẹ.
Nhựa cần một thời gian ngắn sau khi chạm vào da để thấm vào và gây dị ứng. Cho nên điều trị phải thực hiện càng sớm càng tốt sau khi tiếp cận. Cách điều trị bộ ba độc thảo này cũng tương tự như nhau.
a-Xả nước lạnh
Trong vòng năm phút nếu ta xả nước lạnh vùng da tiếp xúc thì có thể rửa sạch độc chất. Nhớ là dùng nước lạnh, chứ không nước nóng vì nước nóng sẽ khiến lỗ chân lông trên da nở rộng mở đường cho dầu nhựa lan tỏa xâm nhập. Sau khi xả để nước bốc hơi tự nhiên hoặc với quạt máy chứ đùng lau với một miếng khăn. Khăn sẽ làm nhựa độc lan ra xung quanh. Nước hoặc mảnh vải compress lạnh khiến mạch máu co và giảm sưng, rỉ nước.
Có đề nghị xả với xà bông và nước nhưng nhiều chuyên viên lại không đồng ý vì xà bông hòa tan một phần nhựa nhưng cũng lấy đi chất dầu tự nhiên bảo vệ da. Nhiều người nói ngâm trong nước ấm với nửa ly bột ngô cornstarch hoặc bột yến mạch oatmeal ( bán sẵn với tên Aveeno) cũng giảm ngứa rất nhiều. Một số thầy thuốc khuyên chườm nước đá cục trên viêm, để quạt máy chạy cho nước bay hơi vừa mát da vừa giảm ngứa.
b-Thuốc bôi
Sau khi làm da mát lạnh, thoa vài thuốc giảm ngứa, ngừa rỉ nước như calamine, kem hydrocortisone 1%. Tránh các thuốc có chất chống histamine Benadryl, thuốc gây mê cục bộ benzocaine vì các chất này có thể gây phản ứng da nặng hơn độc tố Thường Xuân.
c- Thuốc uống chống histamine như Benadryl, Atarax, Periactin.
d-Khi viêm trầm trọng thì nên đi thăm bác sĩ để dùng thuốc uống có steroids. Steroids giúp giảm ngứa và viêm khá mau và thường thường phải dùng trong hai ba tuần lễ mới lành hết vết thương. Ngưng sớm đôi khi khiến da viêm trở lại, còn phiền phức hơn.
Trên thị trường có vài sản phẩm nói là có thể gạt bỏ độc tố trên da như Zantel, Tecnu. Theo kinh nghiệm người đã dùng thì khi áp dụng đúng theo chỉ dẫn cũng khá công hiệu.
Ngoài ra dân gian còn hay bôi viêm với bakinh soda, aluminum hydroxide, kaolin, các loại zinc acetate, carbonate, oxide; lá Jewelweed
Tránh độc tố
Phương thức phòng ngừa dị ứng do tiếp xúc tuyệt hảo nhất vẫn là tránh chúng càng xa càng tốt và biết nhận mặt địch quân.Vì hiện nay chưa có chủng ngừa cũng như kem chống urushiol khả dĩ áp dụng được.
a-Làm vườn mặc quần áo với tay và ống dài; mang bao tay làm bằng nhựa dẻo mềm tốt hơn bao cao su hoặc nhực mủ latex dễ nứt thủng;
b-Xả da bằng nước lạnh ngay sau khi tiếp cận;
c-Thay quần áo tức thì; giặt giũ quần áo và giầy làm vườn thường xuyên với nước và chất tẩy detergent;
d-Thoa mấy sản phẩm bảo vệ da bán tự do trên thị trường như MultiShield, Hollister Moisture Barrier, YvyBlock, Stokogard Outdoor Cream trước hoặc khi nghi là tiếp xúc; Tecnu Skin Cleanser để xả sau khi tiếp xúc.
e-Điều cần nhớ là tay dính nhựa không được sờ vào vùng da khác, vì chỉ với một chút síu cũng đủ gây viêm.
Kiểm soát
Đã có nhiều cố gắng để loại bỏ cây gây dị ứng này, mhưng công việc khó khăn vì cây mọc khắp nơi, ẩn hiện góc vườn, đường đi. Thường thường có thể tiêu diệt chúng vào bất cứ thời gian nào trong năm, nhưng tốt nhất là từ tháng 5 đến tháng 7 khi cây trổ hoa.
Trên thị trường có vài loại hóa chất như là glyphosate (Roundup, Kleenup, Poison Ivy Killer) khá hữu hiệu để diệt cây độc nhưng cũng hủy hoại hoa mầu kế cận. Nên đọc kỹ hướng dẫn cách dùng hóa chất của nhà sản xuất để tránh rủi ro cho mình.
Theo nhiều tay làm vườn chuyên nghiệp thì sách lược “nhổ cỏ nhổ tận gốc” của các cụ ta chắc là có hiệu quả hơn. Cho nên nhổ bỏ có lẽ trừ tuyệt được giống Poison Ivy . Nhưng xin cẩn thận trang bị bao tay bảo vệ làm bằng nhựa dẻo, bỏ cây vào bao kín ném đi xa. Không nên đốt cháy cây vì độc chất lẫn vào khói và có thể gây ra phản ứng kích thích mạnh cho hai lá phổi.
Kết luận
Mong rằng chẳng ai bị Dị Ứng Thường Xuân tới thăm
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Ngày Độc Lập Hoa Kỳ 2005

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.