Hôm nay,  

New Orleans Và Cộng Đồng Việt: Hai Năm Sau Katrina

19/08/200700:00:00(Xem: 4425)

Tuần báo Time trong tuần rồi là một ấn bản đặc biệt nói về New Orleans hai năm sau bảo Katrina. Ngoài tờ Time, một số tuần báo tên tuổi khác bao gồm Fortune, People, Sports Illustrated và Essence đều có bản tường trình đặc biệt về New Orleans.  Lời phát biểu của ông Richard Stengel, managing editor của tuần báo Time phản ảnh chung sự nhận xét về tình hình New Orleans: 

“Cơn bão chính ra không phải là tai họa lớn. Sự hoàn toàn thiếu chuẩn bị mới là một thảm kịch – và cho tới nay, chúng ta vẫn chưa học được bài học của Katrina.”
(Time, Aug.13 issue, Managing Editor’s Letter to Readers, p. 6)

Có lẽ lời phát biểu này làm chúng tôi muốn tìm hiểu rõ hơn tình trạng của New Orleans, nhất là của cộng đồng gốc Việt đang sinh sống tại đây trong dịp đến New Orleans tham dự đại hội giáo dục quốc tế ngày 6-12 tháng 8, 2007.  Cơn bảo Katrina khi đến New Orleans chỉ còn ở mức độ số 3, không cao lắm.  Sự tàn phá gây ra từ việc vỡ đê.  Địa thế New Orleans nằm thấp hơn mặt nước biển lại bị trũng xuống sâu ở giữa.  Khi đê vở, nước tràn vào và tụ lại những vùng đất thấp trong một thời gian dài gần hai tuần. Tới khi cơn nước rút đi, tất cả đã rã nát.

Trong dịp kỷ niệm gần 2 năm bão lụt Katrina, những bài báo địa phương đưa ra các thống kê mới, trong đó có những điều đáng chú ý như : dân số New Orleans vào năm 2005, trước Katrina , có vào khoảng 460,000 . Sau 1 năm thì con số trở về là 46% tức là khoảng 215,000. Cho tới vài tháng trước đây thì con số kiểm kê cho thấy 275,000 tức là 60% dân số đã trở về nguyên quán và với mức độ 1% mỗi tháng (4,600) thì hy vọng là sau khi đánh dấu 2 năm (29 August 2007) có thể có con số xấp xỉ 300,000 (2/3).  Theo tin tức cập nhật các ngân khoản cấp cho các người gốc New Orleans đang sống tạm thời ở các nơi khác sẽ bị cắt giảm.  Ngược lại ngân khoản dùng để cấp phát cho các người hồi cư sẽ gia tăng.  Các chính sách này sẽ khuyến khích sự tái định cư sớm hơn.  Yếu tố nhân sự vô cùng cần thiết cho sự hồi sinh, tái tạo và tái phát triển của thành phố.

Ngày đầu tiên đến nơi, chúng tôi ghi danh tham dự chương trình " Tái Tạo Trường Sở " cho Học Khu New Orleans (ở đây không gọi là School District mà là Parish).  Cùng với một nhóm những người từ khắp nơi về dự đại hội, chúng tôi tình nguyện làm việc ( dọn dẹp và sơn ) cả buổi tại một trường Trung Học cao 5 tầng mà tầng dưới đã bị ngập lụt trong bão lụt Katrina vào 2 năm trước đây. Học Khu New Orleans nằm trong chương trình RSD- Recovery School District - được ngân khoản liên bang tài trợ để tái thiết trường lớp và sắm sửa lại tất cả học liệu đã bị hư hỏng khi New Orleans bị ngập nước.  Hiện tại chỉ hơn 60% các trường trong vùng đã hoàn toàn mở cửa lại.  Một vấn nạn lớn là thiếu giáo chức đủ bằng cấp và điều kiện để dạy.  Sau một ngày dài làm việc chúng tôi ra về với lòng ngậm ngùi, lo âu cho các học sinh và giáo chức sắp bắt đầu niên khóa trong tình trạng trường lớp chưa được hoàn chỉnh.

Cư ngụ tại một khách sạn tọa lạc trên đường Canal Street (khu phố chính) ngay French Quarter, chúng tôi ngạc nhiên sửng sốt nhận thấy có nhiều cao ốc, cơ sở thương mại ở  tại khu đất đai đắt đỏ này (premium location) vẫn bị bỏ trống với những tấm ván che cửa sổ, đường phố không nhộn nhịp như cách đây vài năm . Dọc đường chúng tôi nhìn thấy thêm những chung cư, nhà cửa của dân chúng vẫn trong cảnh hoang tàn vườn không nhà trống.  Tại sao sau hai năm, ngay tại Hoa Kỳ, một cường quốc thịnh vượng, cảnh tàn phế sau cơn lụt vẫn còn đậm nét" Cơ quan FEMA đã trút rất nhiều tiền bạc để giúp nạn nhân bảo lụt và tái thiết thành phố.  Kết quả không thể hiện điều đó. Một cư dân gốc Việt cũng là kỹ sư công chánh thành phố New Orleans cho biết là anh được gọi về làm việc sau khi đi tản cư ở Texas hai tuần.  Vì căn nhà của anh bị ngập nước lên cao hơn 8ft, hoàn toàn hư hại, FEMA cho anh cư ngụ trên du thuyền (cruise ship) mà chính anh và gia đình đã đi du lịch nghỉ hè cách đó vài tuần.  FEMA trang trải cho anh và những nhân viên tòa thị chính tạm trú đó và trả tiền cho du thuyền đồng giá với những người đi du lịch. Vài tháng sau, cả gia đình 5 người về lại New Orleans cũng cư ngụ trên du thuyền thêm sáu tháng.  Mặc dầu được lo ăn uống đầy đủ và có xe buýt đến đón đi làm và đi học mỗi ngày, cả gia đình cảm thấy tù túng và lo âu về viễn tượng trở về căn nhà đổ nát.  Theo lời anh, không còn một vật gì trong nhà tồn tại, từ tủ lạnh, lò bếp đến TV, đàn piano, học tủ. Sau khi lôi tất cả ra đường để xe rác vứt đi thì căn nhà chỉ còn lại khung gỗ và mái nhà.  Gia đình chỉ mới dọn vào lại được hai tháng sau khi hoàn tất việc xây cất lại từ đầu.

Trong suốt tuần chúng tôi tham dự đại hội giáo dục quốc tế có tên là MERLOT (Multimedia Educational Resource for Learning and Online Teaching).  Một công ty công bố dự định sẽ bán ra thị trường laptop computer với giá $199, bắt đầu với thị trường Trung Quốc. Đây sẽ là con đường giáo dục với những phương thức tiếp cận hiện đại cần thiết cho tương lai, nhất là khi với giá rẻ hơn thì số người có thể dùng computer sẽ tăng gấp bội và ở mọi nơi , trong đó có Cộng Đồng Việt Nam ở những nơi hẻo lánh, ít phương tiện.  MERLOT có sự tham dự của giáo chức tại nhiều trường đại học khắp nơi, công ty Hoa Kỳ , và chuyên viên từ các quốc gia khác , tổng cộng là 24 quốc gia với số tham dự là 460. 

Trong các cuộc tiếp xúc thì chúng tôi cũng được biết là hệ thống đại học tiểu bang Cali (California State University System) , một hệ thống đại học 4 năm và lên tới Cử Nhân , Cao Hoc (Bachelor, Master) , lớn nhất của Hoa Kỳ ( bao gồm 23 đại học và 3 đại học có rất nhiều sinh viên Việt theo học CSU Long Beach, Fullerton và Los Angeles) đã được chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ giao cho trách nhiệm đào tạo sinh viên thông thạo các ngôn ngữ được mệnh danh là SLI (Strategic Language Initiative) chú trọng vào các ngôn ngữ Ả Rập (Arabic), Ba Tư (Persian), Đại Hàn (Korean) , Trung Hoa (Chinese), Nga (Russian) và ngôn ngữ tại Phi Châu . SLI có nhiệm vụ giúp cho nhiều sinh viên có khả năng đa văn hóa khi trau dồi các ngôn ngữ chiến lược rất cần thiết cho an ninh quốc gia. Các sinh được tuyển chọn vào chương trình này từ nhiều phân khoa khác nhau và được chính phủ liên bang Hoa Kỳ đài thọ trọn chương trình học, gồm cả thời gian xuất ngoại học (study abroad) tại các quốc gia thuộc các ngôn ngữ nêu trên.


Ngày thứ sáu thì MERLOT bế mạc vào buổi trưa. Thành phố New Orleans ở cạnh Mississippi River và Lake Pontchartrain, sau một tuần ở  vùng French Quarter , bây giờ chúng tôi có dịp qua cầu băng qua hồ nói trên để đi viếng Biloxy, nơi bão Katrina ập đến dữ dội nhất . Thành phố này cách French Quarter 92 dặm, thuộc tiểu bang Mississippi.  Biloxy là nơi người Việt làm nghề lưới cá nổi tiếng thành công từ giữa thập niên 70 qua đến 80 do đó trước đây cũng có một cộng đồng đông đảo đồng hương Việt.  Giờ đây, hai năm sau cơn bão Katrina, thành phố vẫn tiêu điều, những di tích của cơn bão còn lưu lại những dấu vết hãi hùng trên con đường sát ven biển và ngay trong thành phố.  Tất cả các căn nhà to lớn, sang đẹp dọc theo bờ biển lúc trước nay vẫn còn bỏ hoang không sửa chữa.

Ngày thứ bảy chúng tôi phụ trách giảng huấn cho Khoá Sư Phạm Bổ Túc dành cho các Thầy Cô phụ trách Việt Ngữ của giáo xứ Nữ Vương Đức Mẹ vùng Versailles. Versailles  nơi tập trung khoảng 8,000 đồng hương ( gần 95% đồng hương đã hồi cư ) nổi bật là Nhà Thờ Công Giáo (14001 Dwyer Blvd , NO, LA 70129) trong một khu đất rộng lớn, bao gồm một khán đài có mái che ngoài trời , căn nhà làm nơi cư ngụ của các Linh Mục, Trung Tâm Việt Ngữ Tôma Thiện, các phòng lớp khang trang.  Bên kia đường là một khu đất rất lớn cũng thuộc về Giáo Xứ, hiện tại cho FEMA (Federal Emergency Management Agency) thuê để các trailers dành cho các nạn nhân bão lụt Katrina . Hiện Giáo Xứ đang có dự định xây khu nhà cho các vị cao niên tại đó.  Mặc dù rất bận rộn về sinh kế và tái định cư, 32 Thầy Cô trong đó có 3 bà Sơ đã tham dự khóa tu nghiệp sư phạm “bỏ túi” kéo dài từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Chương trình bao gồm tâm lý học sinh, nguyên tắc hướng dẫn hữu hiệu , ngữ vựng về khoa học và nhân văn . Có cả phần thực tập và chiếu video thâu ở các lớp dạy Việt ngữ trong cộng đồng người Việt miền nam California.

Một việc xảy ra giữa khóa học làm chúng tôi bàng hoàng.  Khi mới bắt đầu giờ học, một cô giáo có điện thoại người nhà gọi khẩn cấp phải ra về.  Đến lúc trưa cô trở về, với gương mặt buồn bã cô kể cho mọi người biết cặp vợ chồng trẻ hàng xóm sát bên cạnh nhà cô vừa mới bị ám sát đêm qua và sáng nay người nhà mới phát giác.  Cặp vợ chồng Việt Nam là chủ nhân một cửa tiệm tạp hóa có hai đứa con, 4 tháng và hai tuổi.  Khi người nhà tìm đến nơi thì thấy hai vợ chồng bị bắn chết đã lâu nằm ngay gần cửa ra vào.  Em bé 4 tháng nằm trong nôi, tả đang được thay nữa chừng, khóc đến đổi ngất lịm người. Đứa bé hai tuổi nằm ôm xác mẹ suốt đêm, máu khô quánh dính đầy người em. Trong một cộng đồng Việt Nam gần gũi và thân tình, mọi người hầu như điều biết nhau.  Người vợ lại là ca viên trong ca đoàn nhà thờ.  Điều làm chúng tôi băn khoăn nhất là trong sự buồn rầu, thương tiếc của mọi người khi nghe tin này, không có sự kinh ngạc hay phẫn nộ. Theo lời chia sẻ của các khóa sinh, những trường hợp như vậy không phải là họa hiếm ở vùng này.  Một người khác cho biết, cách đó một ngày, hai người thợ đang sửa nhà trước sân bị bắn chết vì kẻ cướp muốn lấy các đồ nghề đắt tiền họ đang dùng! Khi tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết là sự an ninh của vùng New Orleans giảm xuống rất nhiều sau Katrina vì thiếu cảnh sát.  Nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được tuyển dụng.  Một người kể, khi gọi 911, có khi xe cảnh sát mất gần 30 mới xuất hiện - hoặc xe đến đậu thật xa nơi xảy ra án mạng vì họ ngại bị vạ lây!

Sáng chủ nhật , đi một vòng viếng French Quarter, thăm Vương Cung Thánh Đường St. Louis, rồi theo truyền thống ăn beignet uống cà phê tại Cafe du Monde.  Một cảnh tượng làm chung tôi vui vui là đa số các cô cậu làm việc chạy bàn tại đây là người gốc Việt.  Ngày xưa quán Café du Monde là một nơi rất nổi tiếng, mỗi lần muốn vào là phải sắp hành dài và đợi rất lâu.  Các cô cậu được tuyển vào làm được lọc lựa rất kỹ vì họ phải biết tiếp xúc với dân tứ xứ và thâu được tiền hoa hồng rất nhiều. Quán này bây giờ không còn tấp nập như trước những vẫn còn sinh khí. Chúng tôi hỏi chuyện và biết đa số các cô cậu là học sinh trung học vừa ra trường sắp lên đại học hoặc đã là sinh viên các trường đại học quanh vùng và đa số có gia đình vùng Westbank và Versailles. Nhìn nét mặt trong sáng, cử chỉ nhanh nhẹ, chúng tôi thấy rõ đó là tương lai của xã hội.

Nhìn vào các thống kê của vùng New Orleans, chúng tôi thấy hầu như dân chúng thuộc giai cấp cao có phương tiện tạo dựng cơ đồ nơi khác không màng trở về. Tầng lớp xã hội thấp, nghèo, thì đã có chính phủ tiểu bang nuôi và liên bang tiếp tục tài trợ.  Trước đây họ sống trong các khu chung cư đã bị ngập nước nay họ sống trong các trailers miễn phí do FEMA cung cấp.  Họ chẳng có động lực vươn lên cao hơn.  Duy một số đông cư dân gốc Việt, họ đã trở về, sửa sang lại nhà cửa, tái tạo lại cộng đồng, trở về nhiệm sở cũ hoặc tìm các công việc mới. Họ sẳn sàng nhận bất cứ hỗ trợ nào chính phủ trao nhưng cũng không hoàn toàn mong đợi vào đó để tiến tới tương lai. Có lẽ như lời phân tích của linh mục chủ chiên giáo xứ Versailles Nguyễn Thế Viên phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Hoa kỳ, tinh thần “tự lực cánh sinh” của người Việt Nam vùng New Orleans là đúc kết từ những kinh nghiệm di dân trong quá trình tị nạn cộng sãn của người Việt – di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 rồi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ vào năm 1975.  Đối với người Việt tị nạn thì chuyện tản cư tránh bão Katrina rồi trở về là “chuyện nhỏ!” 

Chứng kiến sự đoàn kết, tinh thần đấu tranh của cộng đồng Việt tại đây, chúng tôi thật khâm phục các đồng hương, vượt qua những khó khăn để tái định cư. Những thăm viếng, phục vụ và trợ giúp từ mọi nơi là những điều hữu hiệu cần thiết.  Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất vẫn là giáo dục.  Theo sự nhận xét và phát biểu của linh mục chánh xứ, thành phố New Orleans hiện tại rất cần người.  Các cư dân trở về sau bảo lụt Katrina thấp hơn số người cần thiết để hồi phục nền kinh tế do đó mức lương căn bản cao hơn những nơi khác.  Tuy nhiên, hệ thống giáo dục tại đây không mấy hữu hiệu.  Điều các phụ huynh tại đây ưu tâm nhất là vấn đề giáo dục, đặc biệt là đức dục và văn hóa Việt. Thật vậy, cộng đồng gốc Việt tại đây còn vững mạnh vì họ còn duy trì được tiếng Việt trong gia đình và qua đó các giá trị văn hóa đạo đức Việt Nam được tồn tại.

Tháng 8, 2007

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tại Chùa Từ Ấn, 32693 Gruwell St Wildomar, CA 92595 do Thượng Tọa Thích Pháp Tánh làm Viện Chủ, TT. Cũng là Hội Phó Hội Thân Hữu Già Lam, đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng Niệm 40 năm Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ viên tịch và họp mặt Thân Hữu Già Lam Lần Thứ 18 -2024, diễn ra trong hai ngày Thứ Sáu, ngày 05 và Thứ Bảy, ngày 06 tháng 4 năm 2024. Buổi lễ tưởng niệm Cúng kỵ Ôn Già Lam và Hiệp kỵ quý Thầy hội viên Hội THGL trong đó có Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, HT. Thích Thái Siêu, HT. Thích Hạnh Tuấn, HT. Thích Quảng Thanh… diễn ra vào lúc 11 giờ trưa Thứ Bảy ngày 6 tháng 4 năm 2024, tham dự buổi lễ ngoài quý chư tôn đức Tăng, chư tôn đức Ni trong hội Thân Hữu Già Lam đến từ các Tiểu Bang tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada … còn có một số đông Phật tử tham dự.
7:30 sáng Chúa Nhật ngày 7/4/2024, nhà thờ Chúa Cứu Thế, 2458 Atlantic Avenue, Long Beach, California tổ chức Đại Hội Suy Tôn lòng Chúa Thương Xót lần thứ 24, chủ đề Thánh Thể- Bí Tích Xót Thương...
Listas California là một chương trình của Văn Phòng Dịch Vụ Khẩn Cấp Thống Đốc California (Cal OES), nhằm dành cho phụ nữ vai trò trung tâm của gia đình trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp, thiên tai.
1. Sinh hoạt: Lớp Khí Công vào Thứ Ba, ngày 16 và 30 tháng 4, 2024, 9 AM – 10:30 AM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. / 2.Trợ giúp thực phẩm vào Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024, 10:00 AM – 12:00 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. /3.Sinh hoạt: Thủ công mỹ thuật – Làm Vòng Đeo Tay vào Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024, 2:30 PM – 4 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. / 4.Nhóm Hỗ Trợ Bệnh Nhân Ung Thư và Người Thân vào Thứ Bảy 13 tháng 4, 2024, 10:00 AM – 12:00 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. 5. Sinh hoạt: Thủ công mỹ thuật – Làm Quạt Hoa Giấy vào Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024, 2:30 PM – 4 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ.
Sáng Chủ Nhật ngày 31 tháng 3 năm 2024, Tu Viện Đại Bi do Ni Trưởng Thích Như Tịnh làm Viện Chủ, Ni Sư Thích Chơn Viên Trụ Trì đã long trọng tổ chức lễ an vị Tôn Tượng Thích Ca và Tôn Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm (lộ thiện). Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng minh, tham dự của hàng trăm chư tôn đức Tăng, Ni và đồng hương Phật tử. Điều hợp chương trình buổi lễ do Sư Cô Thông Thành, Chư tôn đức chứng minh có: Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, HT. Thích Thiện Long, HT. Thích Minh Trí, HT. Thích Minh Mẫn, HT. Thích Minh Hồi, HT. Thích Tuệ Uy… Thượng Tọa Thích Pháp Chơn, TT. Thích Pháp Tánh, TT. Thích Minh Chánh,TT. Thích Thường Tịnh… cùng quý chư tôn đức Tăng, Ni Trưởng Thích Như Tịnh, Ni Sư Chơn Viên, NS.Nguyên Thiện, NS. Như Quang, NS. Chúc Vân, NS. Giới Định, NS Thiền Tuệ cùng quý chư tôn đức Ni đến từ các chùa và tu viện Nam California.
Trong những ngày này, Giáo Hội Công Giáo toàn cầu cử hành Tam Nhật Thánh (Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy 28, 29, 30.3.2024 ), ba ngày quan trọng nhất, thánh thiêng nhất trong phụng vụ của Giáo Hội mà cao điểm là đại lễ Chúa Phục Sinh. Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 28.3.2024: Tại giáo xứ Saint Columban, 10801 Stanford, Garden Grove do Linh Mục Joseph Nguyễn Văn Luân làm chánh xứ đã cử hành Thánh lễ Tiệc Ly vào lúc 5 giờ chiều với hàng ngàn giáo dân Việt Nam tham dự trong đó có nghi thức lập lại việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Luân cũng rửa chân cho 12 giáo dân, sau đó thánh lễ tiếp tục.
Vào trưa ngày 29 tháng 3 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc có buổi họp báo, với chủ đề có liên quan đến căn bệnh Alzheimer trong cộng đồng sắc tộc
EMS đã có buổi họp báo nhằm vinh danh những nhà lãnh đạo tổ chức cộng đồng, vừa vinh dự nhận giải thưởng James Irvine Foundation Leadership Award năm 2024.
Vào lúc 11 giờ 30 trưa chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024 trước khu Thương Xá Phước Lộc Thọ, Thành phố Westminster, kể từ nay hằng ngày lá Cờ Việt Nam Cộng Hòa sẽ tung bay cùng lá cờ Hoa Kỳ, trong một buổi lễ khánh thành trụ cờ và Thượng Kỳ được long trọng tổ chức trước sự vui mừng trong niềm xúc động của hàng trăm đồng hương và các cựu quân nhân QL/VNCH.
Tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, Nam California vào tối Chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024, Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới (THPTVTTG) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 32 năm thành lập và kết thúc đại hội Quốc Tế Võ Thuật 2024. Khoảng 400 quý vị Chưởng Môn, Võ Sư, Võ sinh thuộc các môn phái từ khắp nơi trên thế giới về tham dự
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.