Hôm nay,  

Cựu Hs Di Cư Phú Thọ Họp Mặt 12-12-1999

08/12/199900:00:00(Xem: 8602)
San Jose (TL).- Hội Ái hữu cựu học sinh di cư Phú Thọ miền Bắc Cali sẽ tổ chức buổi họp mặt hàng năm vào lúc 10:00 sáng ngày Chúa Nhật, 12 tháng 12 năm 1999 tại Nhà hàng Grand Fortune, Sea Food Restaurant số 5400 Monterey Road, San Jose, CA. 95111, điện thoại số (408)-226-8888.

Tưởng cũng nên biết là vào ngày 20-7-1954 khi hiệp định Genève chia đôi đất nước, từ Bắc vĩ tuyến 17 trở ra thuộc quyền kiểm soát của Cộng sản Bắc Việt, và từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc quyền kiểm soát của Chính quyền Quốc gia. Cuộc di cư vĩ đại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử cận đại VN đã đưa gần một triệu người miền Bắc vĩ tuyến 17 di cư vào Nam tìm Tự Do. Những ngày đầu tháng 8 năm 1954, đồng bào Hà nội và các tỉnh thành lân cận đã vô cùng xôn xao, hoang mang lo lắng về việc quyết định ra đi tìm Tự do hay ở lại nhẩy sol đố mì với ông Hồ"

Các khu vực chợ Giời mọc lên như nấm quanh khu vực hồ Thuyền cuông (hồ Halais), trên đường Quang Trung, đường Trần hưng Đạo (Gambetta) trải dài ra tới khu vực trước cửa Chợ Hôm gần hiệu kem Cẩm Bình. Hàng hoá trong nhà tung ra bán đổ bán tháo, giá nào cũng bán.... từ những tủ chè, sập gụ, tràng kỷ, hoành phi câu đối cẩn xà cừ, nồi niêu soong chảo, giường ghế, salon, đỉnh đồng, đồ thờ đều được đem bầy ra vỉa hè để bán tống bán táng đi hầu thu được đồng nào hay đồng ấy. Có thể nói là các mặt hàng tại Khu chợ Giời thuộc loại thượng vàng hạ cám, chổi cùn rế rách đủ cả..... Cảnh hỗn loạn, hoang mang ngơ ngác, đã xẩy ra tại các thành phố lân cận vì quân đội Việt Pháp bất thần triệt thoái khỏi các Thành phố như Nam định, Ninh bình, Phủ lý, Thái bình, Hưng Yên đã ít nhiều ảnh hưởng đến nếp sống của dân Hà nội.

Nhiều tin đồn thất thiệt được tung ra làm cho mọi người càng hoang mang lo lắng! Người thì ra chợ Giời để mua vơ mua vét vì đồ đạc bán rẻ như bèo, người thì tiếp tục khuân đồ nhà ra bán! Từ cuối tháng 8 năm 1954 đã lác đác có những chuyến phi cơ vận tải Dakota rời Phi trường Gia Lâm chở đồng bào di cư vào Sàigòn. Trong đợt di cư này có rất nhiều học sinh đã nằm qua đêm ở Toà Thị chính Hà nội chờ để sáng hôm sau xe GMC của nhà binh Pháp bốc sang Phi trường Gia Lâm rồi bay thẳng vào Sàigòn. Hoặc xuống Hải phòng ra ga Vật cách đi tầu há mồm (LCT) ra Vịnh Hạ Long lên tầu lớn của Mỹ là General Serpent đổ vào Cap Saint Jacques (Vũng tầu) hay bến Bạch đằng Saìgòn.

Hồi đó học sinh di cư chân ướt chân ráo vào đến Sàigòn vô cùng lạ lẫm như thể vừa đặt chân đến một vùng xứ lạ quê người vậy, vì hầu hết tên đường của Thành phố Sàigon lúc bấy giờ còn mang tên Tây nên rất khó nhớ, dựa theo ký ức của kẻ viết bài này thì các tên đường phố đại loại như: Boulevard Bonard (Đại lộ Lê Lợi), Boulevard Charner (Đại lộ Nguyễn Huệ), Rue Aviateur Garros (đường Thủ khoa Huân), Boulevard de la Somme (Đại lộ Hàm Nghi), Boulevard Galliéni (Đại lộ Trần hưng Đạo), Rue Catinat (đường Tự Do), Rue Lagrandière (đường Gia Long), Rue d’Espagne (đường Lê thánh Tôn), Rue Legrand De la Liraye (đường Phan Thanh Giản), Rue Richaud và Richaud prolongé ( đường Phan đình Phùng và Phan đình Phùng nối dài), Rue Miche (đường Phùng khắc Khoan), Rue Chasseloup Laubat (đường Hồng Thập Tự), Boulevard Fréderic Drouhet (Đại lộ Hùng Vương), Rue Frère Louis (đường Võ Tánh), Rue Frère Guilerault (đường Bùi Chu), Boulevard Pierre Pasquier (Đại lộ Minh Mạng), Rue de Nancy (đường Cộng Hòa), Boulevard Albert 1er (Đại lộ Đinh Tiên Hoàng), Rue Mayer (đường Hiền Vương), Rue Paul Bert (đường Trần quang Khải), Rue Monceaux (Đường Huỳnh Tịnh Của), Boulevard Paul Blanchy (Đại lộ Hai Bà Trưng), Boulevard Norodom (Đại lộ Thống nhất), Rue Vassoigne (đường Trần văn Thạch), Rue Filippini (đường Nguyễn Trung Trực) Rue Général Marchant (đường Nguyễn cư Trinh), đường Mac Mahon (đường Công Lý), đường Eyriaud des Vergnes (đường Trương Minh Giảng), Rue Verdun (đường Lê văn Duyệt), Rue Saint Exupery (đường Ngô Thời Nhiệm), Hui Bon Hoa (đường Lý Thái Tổ), Avenue Pavie (đường Trần quốc Toản), Rue Lamothe (đường Lê Đại Hành).

Trong số những học sinh này có nhiều học sinh đã ra đi một mình mà không có gia đình đi theo. Vào đến Saìgòn, lạ nước lạ cái, lạ cảnh lạ người, lại tứ cố vô thân, không nơi nương tựa nên được Ban Tiếp cư của Chính quyền sở tại thu xếp cho ở tạm tại các Trường học, Bệnh viện Bình Dân, Nhà hát Tây (sau này trở thành Trụ sở Quốc hội của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hoà). Học sinh được phân phối chỗ ở tạm mà nhóm học sinh vẫn quen gọi là chuồng cu trên lầu Nhà hát lớn. Một thời gian sau các học sinh được dời về khu nhà lều bạt trên đường Gia Long thuộc khu Khám lớn trước đây.

Cuối cùng thì các nữ sinh được đưa về khu nhà kiếng, là trụ sở của Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam trên đường Lê văn Duyệt (đường Verdun cũ), nam sinh được đưa về các dẫy nhà lợp Fibro-ciment trong khuôn viên của Vườn ươm cây và Nhà để xe hốt rác của Sở Vệ sinh Đô thành, góc đường Lamothe (Lê đại Hành) và Pavie (Trần quốc Toản) đối diện với Trường đua ngựa Phú Thọ. Trong khu vực này có tất cả 8 dẫy nhà, cất theo lối hai tầng gác xép với sàn gỗ, mỗi một ô dành cho 3 trại sinh ngủ chung trong một chiếc màn (mùng) lớn. Còn dẫy nhà tôn chứa xe hốt rác thì một phần tư có lầu sàn gỗ là nơi Cha Vĩnh vẫn thường dâng Thánh lễ. Tầng trệt là nơi cư ngụ của các trại sinh được bầu vào Trại đoàn.

Các giáo viên được biệt phái đến trông coi mấy trăm trại sinh di cư gồm có các thầy Đặng duy Chiểu (ở Úc), Nguyễn mạnh Tuân (ở Canada), thầy Ninh, cụ giáo già Nguyễn văn Long mà chữ thầy viết trên thẻ cơm chữ nào chữ nấy to như con gà mái vậy, cùng với các thầy Kim, thầy Cuông, thầy Thư v...v.... Việc ăn uống của trại sinh thì đã có Bà Cố và cô Hiền là nhà thầu nấu cơm cho học sinh, mà món ăn quen thuộc hàng ngày thường là cơm với canh bí đao nấu tôm khô, rau cần xào, rau muống luộc và tôm rang mặn. Lâu lâu cũng có thịt heo kho, thịt vịt, thịt gà, nhưng đa số chỉ thấy cổ cánh mà thôi chứ ít khi thấy được thịt đùi thịt bụng! Trong số người giúp việc nấu ăn có cô Nhẫn cũng đã là mục tiêu tấn công của một vài trại sinh.
Trại sinh được sắp vào các dẫy nhà căn cứ theo số tuổi và lớp học. Phòng 1 dành cho các học sinh đã đậu Tú tài I từ ngoài Bắc vào, rồi đến các học sinh lớp đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ, đệ Ngũ, đệ Lục, đệ Thất và các lớp Tiểu học được trải dài từ Phòng 1 đến Phòng 8. Cũng có một số trại sinh ở trong dẫy nhà lợp tôn để xe chở rác trước đây được gọi là phòng 9 và Phòng 10. Những ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường ở Saìgòn, các học sinh thời bấy giờ là khách hàng trung thành của các rạp ciné bình dân chiếu phim thường trực như rạp: Long Thuận, Lê Lợi, Vĩnh Lợi, Moderne, ĐaKao. Những cựu học sinh di cư Phú Thọ hầu như đều có xem qua các phim đã chiếu thường trực thời bấy giờ như: O’cangacero, Sur le quai, Valse dans l’ombre, Le Cid, Les Misésables.

Những món quà bình dân của học sinh là chè đậu đen của Bác Ba Bí tất trong trường Chu văn An, đậu đỏ bánh loọc quanh chợ Bến Thành, thịt bò khô, bò bía, gỏi cuốn, thịt bò viên và nước mía Viễn Đông. Giới nữ sinh thì lại thích chùm ruộc, trái cốc, xoài tượng sống ngâm cam thảo hoặc ổi xá lị, khóm, thơm xẻ miếng chấm muối ớt đỏ tươi do các xe đẩy hoặc gánh bán rong cung cấp.

Thế rồi thời học trò cũng qua đi với những kỳ thi nghiệt ngã, các chuẩn thí sinh phải đi học thêm ở các lớp luyện thi được gọi là cours particulier. Khi kỳ thi gần kề mà muốn thức đêm để Gạo bài thì phải uống thuốc Maxiton hiệu De la Grande, nhiều khi thuốc làm cho mờ cả mắt và thân xác rã rời sau mỗi kỳ thi. Lúc đi thi, ngoài việc thi viết xong rồi hồi hộp đợi chờ kết quả thi viết được quay Ronéo yết trên bảng, rồi lại còn lo cầu vào vấn đáp, nhiều khi bị Giám khảo quay cho te tua thờ thẫn cả người kể từ khi thi bằng Trung học đệ nhất cấp, cho đến bằng Tú Tài I, rồi Tú Tài II và vào Đại học.

Những ngày sống đời sinh viên với tương lai thúc hối, những ngày bận rộn trong khuôn viên Đại học và con đường Duy Tân cây dài bóng mát, uống ly chanh đường, uống môi em ngọt.....và tình yêu chợt đến lại chợt đi. Những ngày hẹn với đào để dzung dzăng dzung dzẻ trong Thảo cầm viên hay vườn Bờ-rô (vuờn Tao đàn), hoặc đầu chụm đầu, tay nắm tay trong những Rạp Ciné chiếu thường trực ngồi coi đến hai ba lượt, coi phim thì ít mà ôm ấp thì nhiều.
Rồi những năm Đại học cũng trôi qua với nhiều cay đắng, ngày ra trường nhận bằng tốt nghiệp và Sự vụ lệnh nhận nhiệm sở. Những đồng tiền lương công chức, quân nhân đầu đời để được dịp ăn xài thoải mái cho bõ với thuở hàn vi của một học trò nghèo! Tuyệt đại đa số trại sinh Trại học sinh di cư Phú Thọ đều đã học hành nghiêm chỉnh và đã thành đạt cả. Các cựu học sinh này đã có mặt và phục vụ trong tất cả các ngành Hải, Lục, Không quân của QLVNCH, và góp mặt trong các quân binh chủng, từ ngành Quân cảnh như Phú Thọ Mai quang Tuyến, Quân Nhu như Phú Thọ Nguyễn văn Khẩn, Phạm Huy Tòng, Trần Hiếu Liêm, Nguyễn Trung Hòa, Quân Cụ, Truyền tin như Phú Thọ Nguyễn văn Hảo, Pháo binh Dù như Phú Thọ Bùi đức Lạc, Công binh, Quân vận như Phú Thọ Đặng Tường Hân, Hành chánh Tài chánh, Quân báo như Phú Thọ Phạm duy Yên, Phạm văn Hoàng, các binh chủng thiện chiến như Nhẩy dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, Biệt kích, Lôi hổ v...v... Cấp bậc quân đội cao nhất của Trại sinh là Cố Đại tá Mũ đỏ Nguyễn đình Bảo. Nếu ngày 30-4-1975 không bị tan hàng thì bây giờ quân lực VNCH chắc đã có nhiều vị Tướng xuất thân là cựu học sinh di cư Phú Thọ.

Về ngành Hành chánh công quyền, các cựu học sinh di cư Phú Thọ cũng đã góp mặt trong các Khóa Đốc sự và các khoá Cao học hành chánh, đã có các trại sinh làm Phó tỉnh trưởng, Phó Quận trưởng, Trưởng Ty, Giám đốc các Nha, Sở như: Phú Thọ Nguyễn Cao Thăng, Đỗ Tiến Đức, Đỗ đăng Tiến, Nguyễn đình Đức, Vũ viết An, Đặng quốc Tuấn... Về ngành Tư pháp có các Thẩm phán công tố và Chánh án như: Phú Thọ Hoàng Phùng Võ, Phạm văn Hàm, ngành Y khoa có các Bác sĩ Trung tá Phó Giám đốc Cục Quân y như: Phú Thọ BS Vũ Khắc Niệm, BS Vũ Ngọc Oánh, DS Qúy, ngành lập pháp có các Dân biểu Quốc hội như: Phú Thọ Trần công Quốc, Nguyễn hữu Phối tức Nguyễn Thế Linh, Nhữ văn Úy...

Về địa hạt Giáo dục cũng đã đào tạo được rất nhiều Giáo sư Trung học khá nổi tiếng như: Phú Thọ Lê Chính Long, Lê qúy An, Vũ Mộng Hà (ở Nam Cali), Nguyễn Trung Hòa, Nguyễn văn Hảo, Hoàng Thanh Sơn (ở San Jose), Phạm đình Thám, Phạm văn Hoàng (ở Massasschusetts), Đinh đức Mậu, Cao xuân An (ở Pháp), Trần bá Hổ, Vũ qúy An, Hà Đặng (ở Canada), Phạm quang Huyến (ở Úc).

Trong vai trò duy trì và giữ gìn an ninh trật tự cho dân chúng cũng đã có sự góp mặt của các Sĩ quan Cảnh sát như: Phú Thọ Đặng Khắc Hữu, Đặng văn Luận, Trần văn Minh, Nguyễn văn Cường, Cao Xuân Tòng. Riêng Phú Thọ Nguyễn Riệu, Võ sư Đệ Tam đẳng huyền đai Thái cực đạo là Trưởng Ban huấn luyện về võ thuật cho Tổng Nha Cảnh Sát Quốc gia. Về mặt văn học nghệ thuật cũng đã có những nhà văn, nhà báo, nhà thơ nổi tiếng như: Phú Thọ Hà Huyền Chi Đặng Trí Hoàn, Duyên Anh Vũ Mộng Long, Viên Linh Nguyễn Nam, Đỗ Tiến Đức, Hoạ sĩ Đằng Giao Trần Duy Cát, ký giả viết báo chuyên nghiệp như Ký Còm Vũ Bình Nghi (Thời Báo ở San Jose), Nhạc sĩ thì có cố Nhạc sĩ Y Vân, tác giả của bản nhạc Lòng Mẹ và bản 60 năm cuộc đời rất nổi tiếng.

Sau cuộc đổi đời bi thảm năm 1975, các cựu học sinh di cư Phú Thọ kẻ bị tù đầy, người thì lưu lạc khắp năm châu, bốn bể. Sau nhiều năm bặt tin vì tản mát khắp bốn phương trời không liên lạc được với nhau và bây giờ có dịp gặp lại để tạo ra những tổ chức ái hữu nhằm tương thân tương trợ lẫn nhau về tinh thần cũng như vật chất.

Đặc điểm của các cựu học sinh di cư Phú Thọ là đều coi nhau như anh, em ruột thịt. Hiện nay ở Hoa Kỳ đã có hai Hội Ái hữu cựu Học sinh di cư Phú Thọ đã được hình thành. Một ở Nam Cali, qui tụ được hơn 100 cựu học sinh di cư Phú Thọ và do Phú Thọ Lê qúy An làm Hội trưởng, và một ở Bắc Cali, đã qui tụ được gần 50 cựu học sinh di cư Phú Thọ và do các Phú Thọ Nguyễn Trung Hòa, Hội trưởng, Hữu Độ, Hội phó, Phạm Duy Yên, Thư ký, Nguyễn Riệu, Thủ qũy và Nguyễn Hoàng Lương, Ủy viên Xã hội. Thời gian qua mau như ngựa chạy, như tên bay. Thấm thoắt mà đã gần nửa Thế kỷ trôi qua kể từ khi rời miền Bắc đặt chân vào Sàigòn trong cuộc Di cư có một không hai trong lịch sử. Bây giờ các cựu học sinh di cư Phú Thọ đầu đã tóc muối tiêu mà muối thì nhiều hơn tiêu, có khi toàn là muối cả và tóc thì đã trắng như bông trong số này có Phú Thọ Bùi đức Lạc! Nhiều người đã trở thành ông Nội, ông Ngoại cả rồi.
Thời gian thật quá vô tình và cứ lạnh lùng trôi như nước chẩy qua cầu, cũng đã có nhiều cựu học sinh di cư Phú Thọ nằm xuống trong cuộc chiến, đã hy sinh mạng sống để bảo vệ miền Nam khỏi hiểm họa Cộng sản và đã trở về lòng đất mẹ như: Đỗ văn Tiến (Tiến tròn), Nguyễn Vỹ (Vỹ ve) em của Riệu đen, Hoàng đình Diễm em của Hoàng đình Tu, Phan Ngọc Thanh (Thanh Thi sĩ) Đỗ văn Tân (Tân xồm) em của Đỗ văn Bá (Bá già), Phi công Đinh văn Chương (Chương còm), Trần đình Đoàn (Đoàn ỉa), và gần đây nhất một số cựu học sinh di cư Phú Thọ đã ra đi như: Trần đức Nhân, Nguyễn văn Cảnh, Nguyễn văn Hợi, Phạm khắc Kha, Phạm đức Bản (tự Dung toét).

Hôm nay ngồi buồn bấm đốt ngón tay, nhớ lại gần 50 năm trước các cựu học sinh di cư Phú Thọ mà trong số đó có kẻ viết bài này, đã khăn gói quả mướp rời Hànội, lìa bỏ căn nhà thân yêu số 83 đường Trần Nhân Tôn Hànội di cư vào Nam sống cảnh học trò nghèo. Những ngày ở Trại Phú Thọ, chúng ta đã cùng chia nhau 3, 4 người một hộp bơ (beurre/butter), một hộp phó-mát (fromage/cheese) do Mỹ viện trợ. Những buổi sáng thức dậy ra các bể nước trước sân cờ hứng nước đánh răng rửa mặt, lãnh bánh mì ăn với đường cát hay với chuối già rồi leo lên xe đạp hay ô tô buýt đi học ở các trường như: Chu văn An, Nguyễn Trãi, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Bá Tòng, Trần Lục và trường tư thục Ngô sĩ Liên, số 148 đường Lê đại Hành sát ngay Trại học sinh Di cư Phú Thọ. Chen vào giữa khu nhà tôn và trường Ngô sĩ Liên là căn nhà của ông cụ hớt tóc bố của anh Minh đầu đít vịt và chị Ca con gái của cụ. Trường tư thục này chỉ tồn tại được độ một niên học thì cũng đóng cửa vì không có học sinh.

Đến giữa năm 1958 thì Trại học sinh Di cư Phú Thọ được giải tán và số học sinh còn lại gần 200 người được di chuyển về Trại Búng Bình Dương. Nhưng vì điều kiện sinh sống ở đây không mấy thích hợp với các trại sinh, nên phần lớn đã ra khỏi Trại Búng, Bình Dương để trở về Sàigòn với thân nhân của mình. Chỉ những trại sinh nào giờ này thật sự là tứ cố vô thân, trên không chằng, dưới không rễ thì phải theo thầy Kim trở về tá túc tại Trại Khuông Việt có cái cổng vào cao sừng sững được dựng bằng vỏ những trái bom Napaln gần ngã ba Ông Tạ.
Thời điểm giải tán Trại Búng vào khoảng cuối năm 1959 hay đầu năm 1960 vì lý do là không còn ngân khoản để điều hành Trại này nữa. Cũng kể từ giai đoạn này, các trại sinh Trại học sinh Di cư Phú Thọ đi vào một ngõ rẽ khác trong cuộc đời. Bài viết này chẳng phải hồi ký, cũng chẳng phải bút ký hay ký sự gì sốt cả, mà chỉ là những sự kiện thật 100% mà người viết và các cựu học sinh di cư Phú Thọ đã trải qua trong thời niên thiếu. Nếu có Phú Thọ nào đang lưu lạc trên trên Thế giới hoặc đang cư ngụ tại bất cứ nơi nào trên mọi miền Trái đất đọc được thì coi đây như một món quà của bạn tri kỷ gởi cho nhau trước khi chúng ta lần lượt kẻ trước người sau đi vào lòng đất!

San Jose một ngày cuối năm 1999
Trung Linh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào trưa ngày 29 tháng 3 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc có buổi họp báo, với chủ đề có liên quan đến căn bệnh Alzheimer trong cộng đồng sắc tộc
EMS đã có buổi họp báo nhằm vinh danh những nhà lãnh đạo tổ chức cộng đồng, vừa vinh dự nhận giải thưởng James Irvine Foundation Leadership Award năm 2024.
Vào lúc 11 giờ 30 trưa chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024 trước khu Thương Xá Phước Lộc Thọ, Thành phố Westminster, kể từ nay hằng ngày lá Cờ Việt Nam Cộng Hòa sẽ tung bay cùng lá cờ Hoa Kỳ, trong một buổi lễ khánh thành trụ cờ và Thượng Kỳ được long trọng tổ chức trước sự vui mừng trong niềm xúc động của hàng trăm đồng hương và các cựu quân nhân QL/VNCH.
Tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, Nam California vào tối Chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024, Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới (THPTVTTG) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 32 năm thành lập và kết thúc đại hội Quốc Tế Võ Thuật 2024. Khoảng 400 quý vị Chưởng Môn, Võ Sư, Võ sinh thuộc các môn phái từ khắp nơi trên thế giới về tham dự
Hôm nay, Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel (Đảng Cộng Hòa-CA) trong tuần qua đã thúc giục Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn
Dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy những người thợ móng tay—chủ yếu là phụ nữ Việt Nam, dân nhập cư và tị nạn—đang bị trả lương quá thấp dưới mức tối thiểu và bị xếp loại nghề nghiệp sai chỗ tràn lan, điều này làm suy yếu khả năng bảo vệ quyền lợi lao động của họ tại nơi làm việc. Ngoài ra, chủ tiệm—phần lớn điều hành các tiệm nail gia đình nhỏ lẻ—không nhận được giải trình về luật lao động hợp với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Những kết quả báo cáo đã ghi trong dự luật AB 2444, một dự luật mới được Dân biểu Tiểu bang California Alex Lee (AD 24) đệ trình vào ngày 13 tháng 2 năm 2024 để thực thi các yêu cầu về giáo dục trong ngôn ngữ và tinh tế trong văn hóa cho thợ và chủ tiệm nail.
Vừa đúng thời điểm mọi người nghỉ kỳ Spring Break vào Tháng Ba này, một trong những quần thể hồ tắm phong thái resort rộng nhất tại một trong những cơ sở resort/casino lớn nhất trong nước sẽ mở cửa đón tiếp mùa vui đùa trong nước vào Thứ Hai, 11 Tháng Ba. Năm nay, khách vui chơi hồ tắm mọi nơi đều sẽ có thể tới tận hưởng môi trường như-một-ốc-đảo của The Cove, với diện tích rộng bằng năm sân football. Ban Quản Lý khu The Cove của Pechanga Resort Casino thực hiện thẻ dùng trong ngày cho những vị khách không-thuê-phòng-khách sạn và để những vị này được thuê 'lều - cabana' cùng 'giường nằm - daybed'.
Đã quá lâu, việc dạy kèm và trợ giúp làm bài tập về nhà đã nằm ngoài tầm với của nhiều học sinh và gia đình ở California. Sự phân chia giữa những người có thể tiến lên trong xã hội và những người chỉ có thể mơ ước về điều đó thường dẫn đến một nền tảng giáo dục không bình đẳng cho học sinh. Nhằm đem quyền lợi và cơ hội bình đẳng cho học sinh, thư viện địa phương của quý vị hiện đang cung cấp miễn phí dịch vụ dạy kèm và hỗ trợ làm bài tập về nhà trực tuyến HelpNow cho học sinh California!
Khoảng đầu tháng 04 năm 2024, Hoà thượng GIỚI ĐỨC-MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH Sư Trưởng HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG HUẾ VIETNAM sẽ vân du hoằng hoá ở Hoa Kỳ và Thầy sẽ lưu trú tại miền nam California từ ngày 05 đến 12 tháng 04 nam 2024 Nhân dịp này, Thầy muốn gặp gỡ những vị thiện hữu tri thức, quý phật tử hữu duyên
Một ngày mới bắt đầu với nhiều hoài ước thật đơn sơ mong sao mình và tất cả mọi người có những giây phút thật thảnh thơi an lành trong từng tâm niệm, lời nói và hành động thật nhẹ nhàng bình an, để cho một ngày sống có tràn đầy ý nghĩa, tuy đơn sơ và dễ dàng nhưng cũng không phải dễ như mình nói hay suy nghĩ đâu bạn nhé!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.