Hôm nay,  

‘ngày Bình Định’ Tưng Bừng: Tây Sơn Văn Võ Song Toàn

13/06/200600:00:00(Xem: 2392)

Bác sĩ Nguyễn chí Vỹ, hội trường Tây Sơn Bình Định nhận quà lưu niệm từ Giáo su Trần ngọc Ninh Viện trưởng Viện Việt Học.  Cạnh ông, là 4 vị cựu Hội trưởng hội ái hữu này: Các ông Lê văn Ba, Nguyễn an Phong, Nguyễn thới Bình, Phạm đình Tòng.

Nhà hàng Regent West, Little Saigon, Calif. (VB) . - Hàng trăm đồng hương Quận Cam chiều Chủ Nhật vừa qua đã tham dự "Ngày Bình Định" với các tiết mục múa võ Bình Định, thuyết trình lịch sử, hát bội, ca ngâm,...thật rộn ràng như một ngày lễ hội trên quê nhà!

Ngày Bình Định do Viện Viện Việt Học và Hội ái hữu Tây Sơn Bình Định phối hợp tổ chức, với chủ đề nói về "xứ sở và con người Bình Định", là một trong chuỗi những sinh hoạt về các tỉnh mà Viện Việt Học chủ trương để trình bày về nét đặc thù văn hóa lịch sử từng địa phương của quê hương.

"Bình Định là một tỉnh nằm giữa hai đầu đất nước, xứ cày lên sỏi đá quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Thiên nhiên khắc nghiệt, có lẽ đã un đúc nên con người Bình Định bền chí, hào hùng, ngay thật. Chính nhờ đức tính đó, Bình Định có một thời là kinh đô của l triều đại sáng ngời sử sách với thành tích thống nhất sơn hà, đem dân tộc về một mối sau nhiều thập niên phân rẽ Đàng Trong Đàng, Ngoaì. Người Bình Định cũng đã lẫy lừng lãnh đạo đoàn quân chinh Nam phạt Bắc bảo vệ độc lập và vẹn toàn Tổ Quốc!", theo lời giới thiệu của đương kim hội trưởng Hội ái hữu Tây Sơn-Bình Định: bác sĩ Nguyễn chí Vỹ.

Hội này được thành lập sớm nhất, từ 19 năm qua. Các vị hội trưởng tiền nhiệm như Giáo sư Lê văn Ba, Gs Nguyễn an Phong, ông Nguyễn Thới Bình, ông Phạm đình Tòng sau đó đã lên sân khấũ cùng bác sĩ Vỹ đón nhận món quà lưu niệm của Viện Việt Học do giáo sư viện trưởng Trần Ngọc Ninh trao tặng. Quà là bức bản đồ tỉnh BÌNH ĐỊNH nhìn từ trên cao, do bác sĩ Nguyễn hy Vọng thuộc viện Việt Học sáng tạo từ computer. Giáo sư Viện trưởng cũng nhận từ hội Tây Sơn Bình Định gói quà 19 cuốn Đặc San Bình Định, đánh dấu 19 năm sinh hoạt của người con dân Vua Tây Sơn hiện lưu trú hải ngoại.

Giáo sư Trần ngọc Ninh, viện trưởng Viện Việt Học đã nhận 19 cuốn đặc san của Hội ái hữu tây Sơn Bình Định, đánh dấu 19 năm sinh hoạt của hội đồng hương này. Bác sĩ Nguyễn chí Vỹ trao tặng, cùng với 4 vị cựu hội trưởng tiền nhiệm: Lê văn Ba, Nguyễn an Phong, Nguyễn thới Bình, Phạm đình Tòng. 

Nói về quê hương Bình Định, ông Viện trưởng đã mô tả về địa thế để nói Bình Định là "đất linh đầy những huyền thoại trước khi sinh ra những nhân kiệt của lịch sử". Từ thời vương quốc Champa đóng đô, rồi đầy lui tàu chiến Toa Đô, rồi Chế Bồng Nga phá quân vua Trần Duệ Tông, rồi Lê thánh Tông viễn chinh, hạ thành Đồ Bàn, rồi chúa Nguyễn Hoàng đặt tên Qui nhơn,..."từ đo, đây là bãi chiến trường vận nước hơn một lần thay đổi, và cũng là nơi rồng hổ ẩn nấp để làm nghiêng trời lệch đất: anh em Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ...

Thuyết trình về Xứ Sở và Con Người Bình Định, Giáo sư Đào đức Chương đã khái quát từ địa hình, lịch sử đến sinh hoạt dân gian, thổ sản, văn học, võ học, lễ hội .v.v.

Về võ thuật, giáo sư Chương mô tả: "Về mặt võ Bình Định như một dòng sông, lúc uốn khúc, lúc bằng phẳng, khi vơi khi đầy, nhưng với khí thế của đất trời: ba dòng sông chảy, ba dãy non cao, biển Đông sóng vỗ dạt dào, tháp kia làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh! Về văn học, người đầu tiên thắp ngọn đuốc là Đào duy Từ, rồi Lê công Miễn, Đặng đức Siêu, Ngô tùng Châu, Nguyễn Diêu, đào tấn, Nguyễn bá Huân,..

Về khoa cử, trong 48 khoa thi Hương triều Nguyễn, Bình Định đỗ 253 Cử Nhân. Về đại khoa Hán học, Bình Định có 5 tiến sĩ và 3 phó bảng.

Về nghệ thuật, Bình Định có hát Bội đất Hoài Nhơn, hát Bả Trạo và Bài Chòi. về kiến trúc, Bình Định có nét độc đáo là nhà lá mái, một kiểu nhà có hai lớp mái chồng cách lên nhau...

"Ngày Bình Định" đã diễn ra tưng bừng trong tiếng trống tiếng kèn cổ võ các màn múa võ Bình Định do các võ sinh trẻ tuổi biểu diễn, với tuồng hát bội Quang Trung Tại Núi Tam Điệp, những tiết mục ca ngâm. Phần trình bày phông màn sân khấu do nhà báo Trần đông Phương đảm trách, phần sáng tạo hai khẩu thần công đen như đồng thiệt do một hội viên chưng bày, đẹp  như thường thấy trong các viện bảo tàng.

ĐẶC SAN BÌNH ĐỊNH

Dịp này, Hội phát hành đặc san 2006 với những bài văn, thơ, khảo cứu của văn thi hữu Bình Định, như học giả Hồ Hữu Tường,nhà văn Võ Phiến, các ông Nguyễn công Lượng, Tạ chí Đại Trường, Đào dức Chương, Trần đình Mười, Bùi thúc Kháng, Nguyễn mộng Giác, Nguyễn an Phong, Cù Hòa Phong, Lê phước An, Đăng Quang, Lê anh Dũng, Đặng đức Bích, Việt Thao, Cai văn Khiêm, Võ ngọc Uyển, Trương trọng Thông, Đỗ van Học, Hoài Châu, Trần quí Cảnh, Tạ chí Thân, Đặng phú Phong, Phan minh Đông, Lam Nguyên, Nguyễn Hùng, Hồ Bửu, Xuân Điềm, Nhật hạnh, Ngô Tín.

Va bài về quê ngoại của Bs Võ đình Hữu (Chủ tịch hội cựu học sinh Quốc Học Đồng Khánh Huế). (tin và ảnh: Nguyễn Hiền)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.