Hôm nay,  

Sách Mới Nhã Ca: Đường Tự Do, Saigon (75)

06/08/200600:00:00(Xem: 1728)

Bìa sách “Đường Tự Do, Saigon”

Lần đầu tiên, ‘Đường Tự Do, Saigon’ trường thiên tiểu thuyết của Nhã Ca được ấn hành thành sách. Sau hơn 40 tác phẩm đã xuất bản, đây là bộ sách “nặng ký” nhất của Nhã Ca: 4 cuốn, 2, 560 trang.

Tiểu thuyết ‘Đường Tự Do, Saigon’  đã đăng tải trên Việt Báo liên tục hơn 10 năm, từ 1993 tới 2003. Sau hai năm sửa chữa, thêm bớt, tác phẩm được sắp xếp thành bộ truyện gồm 4 cuốn.  mỗi cuốn 640 trang, có cốt truyện riêng, nhân vật riêng,  tình tiết riêng.  Tất cả hợp lại thành một trường thiên tiểu thuyết viết về những nhân vật và khung cảnh khác thường của Saigon đổi đời sau 1975. 

Sách ‘Đường Tự Do Saigon’ cuốn đầu tiên 640 trang, ấn phí 24 mỹ kim, hiện đã phát hành khắp nơi. Xin hỏi tại các hiệu sách địa phương. Bạn đọc ở xa có thể liên lac với Việt Báo đặt sách gửi tận nhà, trả bằng chi phiếu, lệnh phiếu hay thẻ tín dụng, 24 mỹ kim kể cả cước phí.  Sau đây, Việt Báo trân trọng giới thiệu mỗi ngày một đọan tiêu biểu trích từ  tác phẩm của Nhã Ca. 

Đường Tự Do Saigon:

75: Con Net Song Sot

Con Nết mở mắt. Có cảnh địa phủ không" Quỉ sứ đầu trâu mặt ngựa có đứng cạnh nó không" Còn vạc dầu sôi trên lửa nữa. Cũng có thể đang ở chỗ quỉ sứ cưa xẻ, chặt tay chân, cắt lưỡi người. Nó biết, nó mà chết thì đầy tội lỗi. Đã có việc gì nó chưa làm qua" Đĩ điếm, cướp giựt, lừa đảo, ăn gian nói dối, chửi cha mắng mẹ, chuyện gì cũng có nó ở trỏng. Vậy là nó đang đứng ở tầng mấy địa ngục" Có tiếng quỉ sứ cười hăng hắc như trẻ con đấy thôi.

Nhìn quanh. Lạ chưa" Địa ngục mà là một túp lều tranh mà nó không nằm trong vạc dầu sôi mà trên tấm ván gỗ.

“Nó tỉnh rồi kìa, má.”

Tin được không" Má ai" Bảy cà tong" Đâu phải. Già ngắt, rụng hết răng nên móm mém. Con Lê thấy nụ cười trơ lợi của bà cụ:

“Tỉnh rồi ha con gái. Mèn ơi, tao lo quá, sợ mày ổng sống nổi.”

“Tui đang ở đâu đây" Tui chết hay sống.”

“Ha, lúc nãy thì chết, nay coi như sống rồi. Thấy sao"”

“Chóng mặt. Cái đầu tui quay, mắt tui quay. Nhiều vòng xanh vàng quay...mà tui đang ở...”

“Nhà tao. Nhà con Giỏi, mày...”

Không nhớ. Không biết.

“Con Giỏi. Tui hổng biết con Giỏi là ai...”

“Được rồi. Mày không chết, mày sống rồi. Nghỉ đi, khỏe hãy nói chuyện. Con Giỏi vớt mày dưới sông lên, lúc đó cái bụng mày căng phùng như có chửa tới ngày đẻ.”

“Vậy sao"”

Cũng không nhớ gì hết. Con Nết chỉ buồn ngủ. Bà cụ cầm cái quạt xua đàn muỗi kêu ran ran muốn xông tới.

“Ừa, thôi ngủ đi.”

Và con Nết ngủ liền. Từ dưới bếp, một cô gái vén cái màn rách đi lên, tóc tai chưa chải.

“Tỉnh rồi hen má"”

“Ừa, mới tỉnh đã mê lại. Hổng biết....”

“Thằng Chảy vác chạy mấy vòng xốc nước ra nhiều lắm. Mình mẩy cổ bầm dập hết trơn, đâu cũng có dấu răng. Tui biết cổ mà....”

“Làm gì"”

“Làm gái. Chắc bị tụi nó lừa bịp chi đây" Hôm qua tui chạy trên sông thấy tàu tuần quần dữ lắm mà sao hổng cứu nổi cổ để ra thân thè như vầy...”

“Mày nói tàu tuần gì"”

“Tàu tuần bắt mấy cô gái điếm đi “hàng ngoại”, má. Bắt là tù vài ba tháng cực khổ lắm.”

Bà cụ già thở ra, bất bình:

“Chúng nó bắt gái thôi chớ đâu cứu người mày. Chúng nó với quỷ khác gì nhau. Mày cũng thương cái thân mày, đừng liều quá...”

“Ha, con hổng ngu. Con chỉ buôn bán hàng thiệt, đổi chác, chớ không dại buôn thịt sống đâu má ơi. Mấy cổ tội lắm.”

“Hổng ai muốn. Đói đầu gối phải bò là vậy. Thời buổi ma vương này, ma quỷ thành người nên thế gian mới khổ. Đọc kinh nghe nói...”

“Nữa má. Con biết rồi. Con nghe riết rồi thuộc, má khỏi nhắc. Con đi nấu miếng cháo lát cổ tỉnh cho cổ ăn. Má lấy chai dầu gió xức trong người cho cổ, nhiều vết sước vết bầm lắm má.”

“Được. Được.”

Cây chùm ruột bên chái tranh bị gió thổi run lên, cành lá xơ xác. Thằng nhỏ đang vươn tay hái chùm trái, rụt lại. Cô gái ló đầu ra:

“Bưởi à. Chết nghen mầy. Xuống. Mày hông thấy gió lớn sao mậy. Té cái là dập đầu. Xuống. Tao biểu xuống.”

“Xuống thì xuống, làm gì dữ thần vậy bà.”

“Mày đi xuống dưới cậu Thày xin cho tao mấy viên thuốc đau nhức. Đi rồi về liền nghe mầy.”

“Phải xin cho cái cổ làm gái không"”

“Im đi. Mày biết gì mà nói. Tao biểu đi là đi.”

Cô gái đưa chân dọa đá. Thằng nhỏ ù té chạy. Lúc trở vô, đứng bên cạnh cô gái được vớt dưới sông lên, cô nghe tiếng rên nho nhỏ.

“Chị đau lắm không" Chị tỉnh chưa"”

Từ đôi mắt nhắm kín, những giọt lệ trào ra. Lúc này thì con Nết biết được là nó sống rồi. Nhưng còn con Lê. Nó đã nhìn thấy đôi mắt trắng dã, trợn ngược, chắc chắn con Lê dã chết. Nó nấc lên.

“Đừng khóc. Sống rồi là mừng chớ sao khóc.”

Con Giỏi càng vỗ về, con Nết càng khóc rấm rứt. Nó cắn môi, nuốt, nhưng lệ cứ chảy và cứ nấc ở cổ họng...

“Tui còn con bạn nữa, nó đâu"”

“Bạn nào. Tui vớt chị chớ ai. Tui chỉ thấy có mình chị.”

Con Giỏi nhớ lại. Tối hôm qua, trên sông “động” tàu tuần. Nó thả thuyền đứng một chỗ im trên sông. Bỗng con thuyền chao nhẹ và muốn quay vòng. Nó mò mẫn và cảm thấy có vật gì vướng mắc nơi mái chèo. Nó nhảy xuống gỡ và cứu được cô gái mà nó đoán là “làm nghề” trên sông.

“Vậy là nó chết mất tiêu rồi. Con Lê...”

Con Nết khóc cay đắng, như đau khổ, khóc lóc trước cái chết của một đứa em ruột thịt.

“Nè, đừng khóc nữa, sống là mừng chớ sao khóc" Lúc đưa chị lên ghe tui tưởng là hết cứu được, y như cái thây ma vậy đó.”

“Cám ơn chị.”

“Khỏi cám ơn. Tui tên Giỏi, nghề chèo ghe.”

“Tui là Nết, chị biết con bạn tui tên Lê giờ ở đâu không"”

“Lúc vớt lên chỉ có mình chị. Mà nè, chị Nết, tại sao chị rớt xuống sông"”

Con Nết kể thật nó nghề “làm gái”, nhưng dấu tịt chuyện bị tàu tuần công an bắt, hãm hiếp rồi vứt xuống sông. Nó nói, nó và con Lê, hai đứa nhảy xuống sông vì sợ bị bắt, nó lội không giỏi nên đuối sức chìm nghỉm.

Bà cụ thở dài:

“Lần sau đừng có ngu vậy. Chẳng thà để cho chúng bắt. Bất quá bị lột hết tiền, rồi đi tù vài ba tháng là cùng mà giữ được cái mạng sống, nghe bây... Còn con kia,nếu còn phước đức thì cũng được ai đó vớt....”

Con Nết ứa lệ. Nó biết con Lê không còn hy vọng gì nữa. Con Lê đã chết ngắc trước khi bị ném xuống giòng sông. Hễ cứ nhắm mắt lại là con Nết thấy cái mặt biến đổi với đôi mắt trợn trắng dã của con Lê.

Tắt mặt trời ngày hôm đó, con Giỏi chèo ghe đưa con Nết qua sông. Con Nết bịn rịn cầm tay bà già:

“Cám ơn má. Bữa nào huỗn huỗn con sang thăm má.”

“Ừa, bây đi. Nhớ dưỡng sức đừng “đi nghề” sớm quá, con.”

Con Nết tủi thân quá. Nghèo như con Giỏi, gia đình ở trong chái tranh mà có tình thương. Họ nói lời mộc mạc mà chân tình. Như thằng Chảy, lúc con Nết chào xuống ghe, nó đi theo một đoạn:

“Bà lo mà giữ cái thân, lần sau không chắc may mắn.”

Con Giỏi thì nói tía lia cái miệng:

“Tui biết mấy bà mà. Thì tụi mình tuy khác nghề mà cũng chung một mối hàng. Tui đổi đồ cho bọn thủy thủ. Cũng có khi đưa gái cho bọn chúng nữa. Mình nghèo mà, nghề gì cũng là nghề, miễn sống thôi chị Nết ơi.”

Chia tay, còn dặn:

“Khi nào chị Nết tìm tui, ban ngày tui đậu ghe chung ở bến đưa khách sang Thủ Thiêm. Chị Nết hỏi con Giỏi là ai cũng biết.”

“Được, tui hứa. Tui còn mang ơn nhiều mà...”

“Ý cha. Chị bỏ tiếng mang ơn dùm cho tui mới dám làm bạn với chị...”

. . .

Kỳ tới, trích đoạn 76:

NHÃ CA

(Trích Đường Tự Do Saigon)

-------------------------------------

Đường Tự Do Saigon *

Tiểu thuyết Nhã Ca, 640 trang
Đặt sách gửi tận nhà, trả bằng lệnh phiếu hay thẻ tín dụng:
24 mỹ kim kể cả cước phí

Liên lạc phát hành: Việt Báo
14841 Moran St.
Westminster, CA 92683
(714) 894-2500

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.