Hôm nay,  

Sách Mới Nhã Ca: Đường Tự Do, Saigon

14/05/200600:00:00(Xem: 1746)

Đường Tự Do Saigon,tiểu thuyết Nhã Ca. <"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Bìa sách: Tranh Nguyễn Trung.

Lần đầu ấn hành tại hải ngoại, 2006.

 

Lần đầu tiên, ‘Đường Tự Do, Saigon’ -bộ sách “nặng ký” nhất của Nhã Ca, sau hơn 40 tác phẩm đã xuất bản- được ấn hành thành sách. Đây là bộ truyện đã đăng tải trên Việt Báo liên tục 10 năm, từ 1993 tới 2003. 

 

Sau hai năm sửa chữa, thêm bớt, ‘Đường Tự Do, <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Saigon’ được sắp xếp thành bộ truyện 4 cuốn.  mỗi cuốn 640 trang, có cốt truyện riêng, nhân vật riêng,  tình tiết riêng.  Tất cả hợp lại thành một trường thiên tiểu thuyết 2,560 trang, viết về khung cảnh khác thường của Saigonđổi đời sau 1975. Sách Đường Tự Do Saigon, tập I, hiện đã sẵn sàng để tới tay bạn đọc.

 

Sau đây là “Hai Đoạn Mở Truyện” trích từ sách “Đường Tự Do Saigon”:

 

I. MAI THẢO

 

Viết Về Đường Tự Do

 

Đó là thời gian mười một tháng sau tháng Tư 1975, một số bạn thân chung như Cung Tiến, Nguyên Sa, Túy Hồng, Thanh Nam, Đỗ Quí Toàn đã đi thoát. Ba anh em cùng nằm trong số văn nghệ sĩ kẹt lại với Saigonđổi chủ, còn được để yên, gặp nhau mỗi ngày. Cuối cùng là mấy tháng trước vượt biển sau hai năm bị truy lùng của tôi. Từ còn mút mùa ở một trại cải tạo Pleiku, Nhã được thả về, can trường đón anh Mai Thảo cùng đường về nằm ẩn trên căn lầu số 142 đường Tự Do của mẹ con Nhã, lặn lội tìm đường cho tôi ra biển nữa.

 

Hai tháng nằm ẩn dưới mái nhà Từ Nhã, giữa hồng thủy chìm đắm, —sáng sáng cháu Sớm Mai đi mua cà phê lén đưa lên lầu cho “bác Ba”, trưa trưa ngồi địch cờ tướng với ông vua cờ tí nhau là cháu Phương Đông, Nhã thì đối phó với chế độ ở cửa hàng tầng dưới— là lúc tôi được biết nhiều nhất về quá khứ Từ Nhã. Về những tiếng cười, những giọt lệ của đời họ. Về những ân tình họ đã có, những xấp ngửa họ đã gặp.

 

Qua những đêm khuya, con đường Tự Do phía dưới bằn bặt trong giới nghiêm cộng sản, Nhã đóng cửa hàng, lên lầu, hai anh em ngồi trò truyện với nhau, cùng ôn lại những buồn vui cũ. Với hình ảnh Từ ở xa, không biết sống chết thế nào, giữa một vùng rừng núi Tây Nguyên.

 

. . .

 

Tôi muốn dùng lại hai chữ “tâm thái” để nói về thân gần giữa tôi với vợ chồng Từ Nhã.

 

Tâm thái đấy. Tâm thái thôi.

 

Và thấy. Và có. Thấy và có.

 

Như những đêm say ngất và ngủ lại Hoàng Hoa Thám, sáng dậy bật cười thấy chai rượu còn ôm chặt trong tay.

 

Như cái buổi trưa trốn tránh, mệt lả, cùng đường, Nhã mở cửa cho tôi vào, đóng cửa lại, nói giản dị: “Tạm coi như chỉ dấu anh được một tuần lễ. Sau đó thế nào lại tính.” Tâm thái. Thấy và có. Như cái lần đầu đi thăm nuôi Từ ở Pleiku, Nhã hỏi nhỏ chồng: “Em đã đưa anh Mai Thảo về nằm ẩn trên lầu, có sao không"” Và Từ: “Anh Thảo đang ở nhà ta hả" Em làm sao cho đừng xẩy ra chuyện gì là được.”

 

Như cái buổi chiều ngày 3 tháng 12, 1977 của lần ra biển thứ hai, cái buổi chiều không bao giờ tôi quên. Sau bữa nhậu trên căn lầu số 142 đường Tự Do tiễn người ra nghìn trùng tìm đường sống Nhã và mấy cậu em nuôi giang hồ đãi tôi bằng rượu đế và heo quay Chợ Cũ, phút chia tay tôi không thấy cần phải tỏ hiện với Nhã một tình cảm nào. Chỉ cầm lấy tay: “Tôi đi nhé, Nhã.” Và Nhã, gật: “Mong anh đi lần này may mắn hơn lần trước. Tới nơi báo tin ngay về cho ở nhà vui.”

 

Rồi mở cửa sau, nhìn theo tôi đi.

 

. . .

 

Từ Nhã, một buổi chiều 13 năm trước, trong đại họa lớn nhất xẩy ra cho đời mình và từ một khung cửa Nhã đứng, tôi đã đi thoát được. Đã sống. Mười ba năm sau đến lượt Từ Nhã cũng ra được nước ngoài, sau cơn hồng thủy.

 

Những xâu chuỗi cùng tắc biến của anh em ta có nhiều mặt. Những may mắn, thật bất ngờ, cũng vậy. Tôi thì vì được yên lành sau hai tháng nằm ẩn cheo leo dưới mái nhà Từ Nhã, có đêm công an phường ập vào xét, Nhã phải chỉ cho tôi leo lên nằm ẩn ở một gờ mái. May mắn nữa vì Nhã tìm ra được đường dây vượt biển, giao được tôi cho tổ chức đưa người. Từ Nhã thì là Thụy Điển. Sự can thiệp tuyệt đẹp của chính phủ, thủ tướng, Văn Bút Thụy Điển.

 

Nhưng trên hết thẩy những may mắn, những cùng tắc biến ấy của anh em ta, tôi còn thấy một điều khác.

 

Là tâm thái. Là cái áng mây thanh thoát, cái giải nắng thanh thản ấy của tâm thái.

 

Một tâm thái nào đó.

 

Giữa ta với người.

 

Giữa ta với đời.

 

Giữa anh em ta.

 

Mai Thảo

 

(tạp chí Văn, tháng Tư, 1989, số đặc biệt chào mừng Trần Dạ Từ-Nhã Ca tới Thụy Điển)

 

*

 

II. NHÃ CA

 

Từ Một Mảnh Đêm Xưa

 

Một đầu, dòng sông Saigonlấp lánh. Một đầu khác, tượng bà mẹ trắng toát trước Vương Cung Thánh Đường. Lòng đường hẹp mà vỉa hè rộng. Con đường ấy, một thời, ngắn ngủi thôi, mang tên là Tự Do. Tên cũ của nó, thời Pháp: Catinat. Tên mới, thời Cộng sản: Đồng Khởi.

 

Không biết đã hoặc sẽ còn những tên nào nữa. Với tôi, mãi mãi, con đường ấy mang tên là Tự Do.

 

Chính từ con đường này, tôi đã cùng bạn hữu lang thang thời tuổi trẻ ngông cuồng, đã cùng con cái cố thủ những năm bị tù đầy, săn đuổi, trù dập. Đó cũng là nơi tôi được nhìn lần sau cùng bà con thành phố quê hương trước khi phải sống đời lưu vong. Ân nghĩa con đường ấy cho tôi không cách gì kể hết. Nó nhất định mãi mãi phải là đường Tự Do.

 

Đủ loại gót giầy, từ Nam chí Bắc, từ năm châu bốn biển, đã nện trên vỉa hè Tự Do. Không chỉ giầy dép. Thằng Bò, một em bé ăn mày, bằng cả bốn chân tay teo tóp đã bò lê trên vỉa hè ấy.

 

Không chỉ riêng em đâu, thằng Bò tội nghiệp, chính tôi, bằng tâm hồn teo tóp của mình, từ hơn mười năm nay, dù cách một đại dương, vẫn không ngừng lê la trên những vỉa hè cũ. Từ một mảnh đêm xưa…

 

. . .

 

“Mẹ à. Khuya rồi mẹ đi ngủ đi, mai còn có sức đi đường. Mai mẹ dậy mấy giờ"”

 

“Ba giờ sáng. Mẹ lên bến xe Bình Triệu sớm mới mua nổi vé chợ đen.”

 

“Rồi xích lô, mẹ đã...”

 

“Xong hết rồi, con. Mai bác Chín sẽ tới kêu cửa. Bác ấy cẩn thận lắm. Lần nào bác cũng ở lại cho tới lúc mẹ lên xe yên ổn, bác mới đạp về. Con cũng đi ngủ đi. Ở nhà, rán trông em.”

 

“Con đã coi lại các giỏ đồ. Gọn gàng hết rồi mẹ. Giờ mẹ đi ngủ một tí. Con còn viết nốt lá thư cho ba. Hôm nay mẹ có muốn con ngủ chung với mẹ không"”

 

“Không, con. Con đi ngủ trước, mẹ còn thức.”

 

“Vậy mẹ lên lầu đi. Con tắt đèn rồi lên luôn. Con sẽ cột con mèo nơi chân bàn. Các giỏ đồ con để hết lên bàn. Vậy là yên tâm về lũ chuột.”

 

Con mèo đang quấn quít bên chân. Con vật dễ thương biết bao. Lần nào sửa soạn đi thăm nuôi, nó cũng giữ nhiệm vụ canh đồ. Rồi nữa, một tuần lễ tôi vắng nhà, nó nằm khoanh tròn trên đôi dép để lại trước cửa phòng. Đã vài ba lần nó bị nhóm bụi đời bắt hụt, về tới nhà, râu ria nhẵn nhụi, lông lá xơ xác, nhưng kêu réo ồn ào, quấn lấy tụi nhỏ. Nó kêu la những gì, không có lời. Bé Ti nhè, con gái út của tôi “thuyết minh” dùm: nó đang kể về vụ thoát nạn của nó, mẹ. Con thấy mấy người bụi đời bên công viên bắt mèo nướng ăn hoài. Ê, miu, mày đừng lang thang nghe miu.

 

Ti nhè, đâu có chịu ngủ một mình. Nó lấp ló đợi mẹ. Tôi dặn Sớm Mai coi lại cửa ngõ, rồi bế Ti lên phòng.

 

“Mai mẹ đi thăm ba hả mẹ"”

 

Nép thật chặt vào lòng mẹ, con bé đã ngủ yên từ lâu, nhưng trong mơ, lát lát vẫn kêu: mẹ. Tội nghiệp Ti nhè. Mẹ đây. Mẹ nào có ngủ được. Đêm trước ngày thăm nuôi, lần nào chả vậy.

 

Tiếng ồn ào dưới đường hắt lên, quán Hương Lan ở góc đường đã đến giờ đóng cửa. Xe cộ ào ạt. Tiếng la ó tục tĩu của người say. Tiếng mời mọc, kéo níu của gái điếm. Đám dân phòng, gồm toán trai tráng trong dân phố luân phiên, lại đi qua, giỡn hớt:

 

“Chưa dzề sao em" Khuya rồi, còn chờ anh chi"”

 

“Tiên sư cha anh. Đang ế bỏ cha đây.”

 

“Dưới kia công an đang rượt kìa.”

 

“Đây không làm ăn với ngoại quốc. Đéo sợ thằng nào.”

 

“Mấy con nhỏ này độc thật.”

 

Ào ào một chặp. Yên dần... Bắt đầu giờ giới nghiêm.

 

Con đường, ban ngày vùng vẫy với bao tiếng động của dòng sống, giờ mệt nhoài ngủ. Đối diện, nhà thuốc tây quốc doanh, hai cánh cửa sắt khép kín. Trên mỗi bậc cấp đều đã có người nằm ngủ. Tôi nhớ chứ. Người nằm phía trái là một ông già, người chỉ còn xương, da, nhưng tiếng nói rất khỏe. Đêm nào ông cũng ngủ mơ, la hốt hoảng: Cháy. Cháy nhà! Bà con ơi. Cháy. Cháy. Thời gian đầu, tiếng kêu của ông già làm cả khu phố choàng thức, kêu réo: cháy cháy. Rồi họ chạy náo loạn, xem coi cháy ở đâu. Chẳng cháy đâu hết mà đêm nào cũng có tiếng kêu. Riết rồi mọi người quen dần. Đôi lúc tiếng kêu la bãi hoãi của ông già lúc nửa đêm, hay gần về sáng cũng đánh thức người ta dậy, nhưng mọi người cũng chỉ lầm bầm nguyền rủa, rồi tiếp tục ngủ.

 

Phía bậc cấp bên phải là chỗ ngủ của hai cha con. Người cha khô đét, đứa con trai có tật, chân trước đá chân sau. Suốt ngày ở đâu không thấy, tối họ đem nhau về đó. Thỉnh thoảng, đêm khuya, phải thức dậy vì tiếng la của ông già, cằn nhằn, rồi hung hăng chửi rủa. Người đàn ông thích chửi thì chửi, ông già la xong, ngủ tiếp ngon lành.

 

Cũng về phía tay mặt, cách vài thước, tới góc phố là nhà hàng Hương Lan. Nơi đây, đêm nào cũng nhộn nhịp, đông khách vì có ca nhạc. Nhà hàng có một dọc hiên lớn, nơi trú ngụ lý tưởng nhất cho những kẻ không nhà. Đêm đêm, dân bụi đời tụ về đây đông lắm. Cả tháng nay, thường xuyên có những cuộc bố ráp, nhóm bụi đời tản mát về nhiều địa điểm khác. Số người ngủ thưa dần, không gây sự chú ý nhiều.

 

Sát cửa nhà hàng, trên khoảng rộng bằng chiếc chiếu phủ ngang, cả lô người nằm trùm mền kín mít từ chân lên đầu. Hẳn là một gia đình. Sao họ ngủ ngon thế.

 

Cách xa một khoảng, một người đàn bà nằm ngủ, đắp ngang bụng mảnh mền rách rưới. Phía ngực, mấy cúc áo không còn, lộ cả vú vê. Chắc lạnh, chị ta nằm co người lại.

 

Khu phố Tự Do, ai cũng biết chị ta. Chị xuất hiện trên đường này khoảng một năm nay. Lúc tỉnh, lúc điên. Thỉnh thoảng chị trần truồng, không mảnh vải che thân, tồng ngồng vậy mà đi qua các đường phố chính. Ngang qua nhà hát lớn, ngang qua tòa đô chính cũ, nay là trụ sở ủy ban nhân dân thành phố, trước mũi người ngoại quốc. Lúc đầu, sau lưng chị ta còn có một đàn con nít đi theo, chọc phá. Nhưng tuồng tích rồi cũng cũ, tài tử chính hết ăn khách, mất luôn đám trẻ hâm mộ. Không hiểu chị ta sống bằng cách nào. Thỉnh thoảng, thấy chị ta diện đồ khá đẹp.

 

Tôi quay đi. Phải nằm một tí thôi. Nhưng kìa, một bóng người đi tới. Không phải công an. Coi cái vẻ uể oải, rách rưới, lưng đeo chiếu, vai vác túi. Cũng chỉ là dân bụi, lang thang vậy thôi. Hắn tới bên người đàn bà, dừng lại, nhìn.

 

Người đàn bà mê ngủ, lại trở mình, lăn ngửa. Hai tà áo vẹt ra, phơi bộ ngực xệ. Đầu gã đàn ông cúi xuống. Cúi thấp nữa. Lại trò tập kích nhau của dân bụi đời. Hắn chỉ việc nằm xuống, tung cái chiếu ra. Mọi thứ đã sẳn sàng. Trời đất, cỏ cây, coi chuyện của họ quá thường.

 

Đã quay mặt, nhưng sự tò mò thắng, tôi lại nhìn xuống. Hắn ta đang quì bên cạnh người đàn bà. Bàn tay hắn đưa lên, sờ sờ trên má chị ta. Bàn tay lần xuống, rà rà trên bộ ngực trống trải. Kìa, hắn quay lại, lấm lét nhìn. Đủ rồi. Đã tới lúc có thể bung cái chiếu của hắn ra. Sao hắn không bung" Có lẽ với họ, cũng chẳng cần che đậy nữa.

 

Kể như đã ăn chắc. Tayhắn kéo tuột cái quần đen của chị ta xuống, ra khỏi đôi chân. Trời đất. Còn ngó nữa. Kỳ quá. Tôi tự mắng thầm, muốn kéo tấm màn cửa lại. Nhưng hắn làm gì thế" Sao lại cẩn thận vậy" Hắn đang xếp cái quần đen của chị ta. Xếp gọn. Xếp nhỏ. Và kìa, hắn đứng bật dậy, tuồn nhanh cái quần vào túi đeo vai. Lấm lét nhìn quanh một vòng nữa, hắn dợm bước.

 

Ra khỏi hè phố, hắn nhanh nhẹn băng qua đường, khuất khỏi tầm khuôn cửa.

 

. . .

 

Anh Mai Thảo,

 

Anh em mình và các cháu, một thời đã cùng đứng bên khung cửa sổ ấy, nhìn xuống khu phố Tự Do cũ, nhớ Từ và bạn hữu tù đày, trôi dạt.

 

Chính nơi đó, trong những ngày bị săn đuổi, chúng ta đã nghe, đã nhìn, đã khóc cười với thành phố thân yêu bị đổi tên, đổi đời. Cũng nơi đó, anh đã nghe Nhã kể chuyện người đẹp bụi đời mất quần, đã cười tủm tỉm. Rủa: “Cái cô Nhã này. Khiếp.”

 

Mười năm.

 

Anh em mình lại sắp đứng bên nhau.

 

Thành phố của chúng ta ngày nào, hiện chẳng khác cảnh người đẹp mất quần năm xưa là bao.

 

Tội nghiệp thành phố.

 

Tội nghiệp người đẹp.

 

Tội nghiệp chúng ta.

 

Không biết tất cả sẽ còn tan tác, lưu lạc đến đâu nữa"

 

Thôi thì lại viết, lại gửi anh.

 

Chúng ta cùng nhớ.

 

Cùng cầu chúc may mắn.

 

Nhã Ca

 

Thụy Điển 1989

 

*

 

Đường Tự Do Saigon

 

Sách bắt đầu phát hành từ Từ Thứ Hai, 15-5-2006. 

 

Bạn đọc ở xa có thể đặt mua sách bằng thư.

 

24 mỹ kim kể cả cước phí gửi tận nhà.

 

Chi phiếu, lệnh phiếu xin đề cho Việt Báo.

 

 

 

Sách 640 trang, giá bán 24 mỹ kim.

 

Liên lạc phát hành: Việt Báo

 

14841 Moran St.

 

Westminster, CA92683

 

(714) 894-2500

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
– Vào trưa ngày Thứ Năm 11 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là để giới thiệu về những đặc điểm ưu việt của chương trình Medi-Cal mở rộng. EMS dự định sẽ có 6 buổi họp báo về chủ đề này, nhằm nâng cao nhận thức của các cộng đồng sắc tộc về những cải tiến gần đầy của Medi-Cal.
EMS cảnh báo khuynh hướng xã hội ngày nay xem người gầy như một chuẩn mực, dẫn đến tâm lý sợ hãi cơ thể mập một cách thái quá, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ngày 14 tháng 4, năm 2024, văn thi sĩ Y Thy Võ Phú có buổi ra mắt tập truyện ngắn "Xóm Chài" và tập thơ "Nhật Ký 6/8 2023" của anh tại Mason District Government Center. Với hơn 150 thân hữu và bạn hữu đã đến tham dự buổi ra mắt sách của văn thi sĩ trẻ trong vùng Hoa Thịnh Đốn.
kính mời quí đồng hương tham dự buổi nói chuyện với các vị tăng ni tu viện Lộc Uyển về những phương cách kết nối truyền thông trong gia đình, cải thiện liên hệ giữa cha mẹ con cái.
Medi-Cal hiện nay đang chăm sóc y tế cho khoảng 1/3 dân số California, đang đi đầu trong cuộc cách mạng y tế toàn dân ở nước Mỹ.
Sky River Casino hào hứng giới thiệu một loạt những chương trình khuyến mãi vô cùng kích thích vào Tháng Tư này, hứa hẹn một Mùa Xuân ngập tràn cơ hội vui đùa, kích thích, và trúng lớn. Thêm vào đó, Sky River Casino thật là hãnh diễn và kích thích loan báo việc vừa mới kết hợp với Đội Bóng Đá Sacramento Republic FC. Việc kết hợp này không chỉ nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm giải trí cho quý vị khách cũng như 'fan' mà còn nhằm vinh danh và hỗ trợ di sản phong phú của Bộ tộc Wilton Rancheria và sự kết nối có từ thời tiên tổ của Bộ tộc với vùng Sacramento.
Pechanga Resort Casino hãnh diện tổ chức Cuộc Tranh Giải Golf Pro-Am Thường Niên Lần Thứ 17 của Character Media vào những ngày 9 Tháng Tư, 2024 tại sân Golf thượng hạng Journey at Pechanga của cơ sở resort-casino này. Cuộc tranh giải thể thao đặc biệt này sẽ có sự tham dự của những tay Golf nữ tên tuổi như Ashley Lau, Robyn Choi, Jennifer Chang, Soo Bin Joo và Ssu-Chia Cheng.
Quý vị không có bảo hiểm răng hoặc bảo hiểm mắt? Quý vị chưa có giấy tờ cư trú hợp pháp và cần ghi danh Medi-Cal? Gia đình quý vị có cần giúp đỡ về thực phẩm không? Kính mời quý vị đến hội chợ mang chủ đề sức khỏe của chúng tôi vào Thứ Bảy tuần này từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều tại Valley High School, 1801 S Greenville St., Santa Ana, CA 92704! Tất cả các dịch vụ đều miễn phí! Hãy mời bạn bè và hàng xóm của quý vị cùng tham gia!
Vào trưa ngày Thứ Năm 4 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về Listas California, một chương trình của Văn Phòng Dịch Vụ Khẩn Cấp Thống Đốc California (Cal OES), nhằm dành cho phụ nữ vai trò trung tâm của gia đình trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp, thiên tai.
Để có phương tiện cho việc tổ chức Đại Lễ Phật Đản PL. 2568-2024 do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Cộng Đồng Phật Giáo Miền Nam California sẽ được tổ chức tại Công Viên Garden Grove Park, Thành Phố Garden Grove, Miền Nam California vào các ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, 04 và 05 tháng 5 năm 2024 với Chủ Đề “Phật Giáo và Hòa Bình”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.