Hôm nay,  

Lễ Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực

30/09/200300:00:00(Xem: 4731)
PHOTO: Giáo sư Nguyễn Thành Long (phải) gắn Huy hiệu Phật Giáo Hòa Hảo cho Đồng đạo Nguyễn Văn Nghiễm đến từ Canada.

Santa Ana N(guyễn Ngân) -- Sáng ngày chủ nhật 28 tháng 9 năm 2003, vào lúc 10 gì 30. Hơn 100 quan khách và đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo Nam Cali đã long trọng tổ chức Đại lễ Giỗ thứ 135 Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực tại Hội quán Phật Giáo Hòa Hảo.
Sau nghi lễ. Ông Nguyễn Hùng Quyền và Giáo sư Trần Đức Tường đã lên nói về thân thế và công nghiệp của ông Nguyễn Trung Trực.
Theo sử liệu, Ông Nguyễn Trung Trực có tên thật là Phạm Văn Lịch sinh quán tại Vàm Sông Nhật Tảo, Tỉnh Định Tường. Tuy xuất thân từ giới bình dân, nhưng Ngài là người thích kinh sử lẫn võ học, ham chuộng tư tưởng Nho-Phật và đặc biệt là lòng hiếu thảo và yêu nước tha thiết.
Cùng phong trào Cần Vương,với châm ngôn "Bình Tây Sát Tả", Ông Nguyễn Trung Trực đã phối hợp với ông Trương Công Định (gò Công), ông Nguyễn Hữu Quân tức Thủ khoa Huân (Mỹ Tho) và ông Võ Duy Dương tức Thiên Hộ Dương (Đồng Tháp) khởi binh kháng Pháp.
Chiến công đầu tiên của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực là vụ phục kích tàu Pháp tại vùng Bảo Định Hạ ngày 10 tháng 4 năm 1861. Giết chết thuyền trưởng Boudais và 12 lính Pháp thu nhiều vũ khí. Nhưng hai chiến công hiển hách nhất khíến quân Pháp phải cương quyết tiêu diệt nghĩa quân Nguyễn Trung Trực là trận chiến trên sông Nhật Tảo vào ngày 11 tháng 12 năm 1864. Với cơ trí tuyệt vời. Ngài đẵ dùng hỏa công vây đốt cháy chiến thuyền Esperance, giết chết Trung tá Thuyền Trưởng Parfait cùng tất cả thủy thủ đoàn. Dịp này Vua Tự Đức mới cải tên Ngài thành Nguyễn Trung Trực.
Chiến công thứ hai là trận đột kích thành Kiên Giang, trong đêm 15 tháng 7 năm 1866 giết chết 5 võ quan Pháp và thu về cho nghĩa quân 100 súng các loại và nhiều đạn dược.
Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã viết hai câu đối mà chúng ta thấy treo 2 bên bàn thờ hiện nay để nói đến hai chiến công này:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa


Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Năm 1867, quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, khiến nghĩa quân phải dồn về cố thủ tại Phú Quốc. Trong khi đó thì Thủ Khoa Huân đã bị bắt tại Mỹ Tho, Thiên Hộ Dương, Trương Công Định đều bị đánh tan rã vì có nội tuyến là Huỳnh Công Tấn.
Cuối cùng Ngài vì số binh sĩ, dân chúng và bà mẹ già bị chính Huỳnh Công Tấn và giặp Pháp bắt làm áp lực nên Ngài phải nộp mình. Quân Pháp đưa ra nhiều điều kiện để Ngài có cơ hội phục vụ Đại Pháp nhưng Ngài đã nói: "Đầu ta có thể rơi, cũng còn muôn ngàn người khác đứng lên chống xâm lăng. Chừng nào các ngươi làm sạch cỏ nước Nam mới dẹp hết mầm mống cách mạng. Ta thà thọ tử bất ninh thọ nhục."
Nên cuối cùng vào ngày 27 tháng 10 năm 1868 (28-8 Nhâm Tuất) quân Pháp đem Ngài ra chém tại Kiên Giang.
Hay tin vua Tự Đức đã sắc phong Ngài là: "Thuợng Đẳng Đại Thần".
Với Phật Giáo Hòa Hảo thì Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã rất coi trọng tinh thần Trung, Hiếu của Quan Thượng Đẳng Nguyễn Trung Trực nên khi thành lập lực lượng võ trang Hòa Hảo thì đã dùng tên của Ngài đặt cho lực lượng này và trong bài nguyện hàng ngày các Tín đồ Hòa Hảo cũng đều có xướng danh Ngài. Để tưởng nhớ công đức và học tập theo tấm gương Trung Hiếu của Ngài.
Mỗi năm đến ngày giỗ, tín đồ Hòa Hảo đều cử hành rất long trọng và tôn nghiêm.
Dịp này, Giáo sư Nguyễn Thành Long đã giới thiệu một đồng đạo là ông Nguyễn Văn Nghiêm đến từ Canada và thay mặt Ban Trị sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại Hải Ngoại trao tặng vị đồng đạo này huy hiệu.
Buổi lễ được kết thúc với phần cảm tạ ngắn gọn của ông Lưu Văn Kiệm, Đương kim Hội trưởng Ban Trị sự Phật Giáo Hòa Hảo Nam Cali vào lúc 12 giờ 30 trưa cùng ngày.
Như thường lệ một buổi cơm chay rất thịnh soạn do các chị em trong ban Trị Sự Nam Cali khoản đãi, hàng chục món ăn ngon, sạch thể hiện tài nội trợ và nhất là lập lại truyền thống hiếu khách của tín đồ Hòa Hảo trong những ngày lễ lớn trong vùng An Hòa Tự trước đây.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.