Hôm nay,  

Thiếu Lâm Kiến An Dự Lễ Kỷ Niệm Quang Trung

15/02/200000:00:00(Xem: 6547)
Mùng 2 Tết Canh Thìn tức ngày Chủ Nhật 6 thang 2 năm 2000 từ 12 giờ trưa chúng tôi đã có mặt tại Hội trường Regent West số 4717 W. First Street, Santa Ana để tham dự lễ kỷ niệm 211 năm chiến thắng Đống Đa và Đại Lễ tưởng niệm anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ tức Quang Trung Đại đế.
Quang cảnh tấp nập, quan khách rất đông, chỉ còn một ít dãy ghế phía sau còn chỗ trống cho khán giả đến sau. Quí vị trong ban tổ chức, ban chấp hành, kể cả ông Chủ tịch hội Ái hữu Tây Sơn Bình Định Phạm Đình Tòng tích cực sắp xếp công việc vì sắp đến giờ khai mạc. Giữa dòng người đông đảo lũ lượt vào hội trường, chúng tôi chợt thấy một đoàn thanh niên cao lớn mạnh mẽ mặc võ phục đen, dây đai vàng, một vị mang đai đỏ trang nghiêm hùng dũng đi vào. Có tiếng mừng vui loan báo: “Đoàn võ sĩ Thiếu Lâm Kiến An Việt Nam đã đến quá đúng giờ.” Vâng, đúng là võ sư chưởng môn Nguyễn Lâm đang thân hành hướng dẫn môn đệ từ vùng thung lũng SAN FERNANDO xa xôi về đây tham gia cử hành lễ kỷ niệm Đại thắng Đống Đa và tưởng niệm vị đại anh hùng dân tộc Quang Trung Hoàng đế.
Sau nghi thức trang nghiêm vô cùng trọng thể chào quốc kỳ, quốc ca, rước kiệu, múa lân, tế lễ... đến phần văn nghệ và võ thuật. Ban tổ chức long trong giới thiệu sự đong góp của một võ phái Việt Nam, môn phái Thiếu Lâm KIENANDO vượt đường xa về tham gia cữ hành đại lễ. Xướng ngôn viên mời võ sư chưởng môn đích thân chỉ huy và diễn giải Chương trình biểu diễn võ thuật. Hội trường Regent West rộng lớn, khang trang và đẹp, nhưng với cuộc trình diển thì diện tích sân khấu phải nói là vẫn còn chật hẹp. Đoàn võ sĩ trang nghiêm xếp hàng dọc đi về phía sân khấu giữa lúc ban tổ chức còn đang sắp xếp khoảng trống cho đoàn võ sĩ biểu diễn thì một trở ngại... không chờ mà đến: Bục sân khấu rộng lớn nặng nề “chưa chịu” nhúc nhích với sức đẩy của ba bốn vị (có lẽ kẹt vật gì phía dưới). Bằng một hành động tự nhiên, rất thân hữu và bình dị của nhà Võ, vị võ sư dẫn đầu đoàn võ sĩ không nề hà chủ khách, ông xải bước về chiếc bục đồ sộ, tọa bộ tấn chữ Đinh, dang rộng đôi tay rắn chắc, nhẹ nhàng đẩy lui “chướng ngại vật” gây ấn tượng mạnh mẽ và thiện cảm với mọi người.
Được sự yêu cầu của ban tổ chức và MC khả ái Phạm Thanh Lương, võ sư Nguyễn Lâm thân hành điều động đội hình võ sĩ và diển giãi võ công.
Ngay tiết mục đầu tiên “cước pháp KIENANDO” với những đòn đá cao, nhanh, mạnh và đẹp, kình phong kình lực phát ra ào ạt như vũ bão hòa trong lời diễn giảng sang sảng trầm hùng hết sức lôi cuốn của võ sư Nguyễn Lâm đã gặt hái được sự tán thưởng nồng nhiệt của quan khách khán giả. Đội hình thi triển cước pháp do võ sư Hồng Ngọc Đại Nghĩa đích thân biểu diễn và chỉ huy các môn đệ Ngô Tải (Kim Tiêu Lôi Công), Bùi Thế Khoa (Phi Vân Cước), Vũ Bích Thủy (Kim Tiêu Câu Liêm), Nguyễn Thông (Song Long Cước). Đòn đá bay sấm sét “Phi Lôi Cước” cực kỳ đẹp mắt, dõng mãnh và khó được thực hiện bởi chính võ sư Đại Nghĩa. Pháo tay nổi lên vang dội khi anh đáp xuống mặt sàn nhẵn bóng trơn trợt nhưng trụ bộ vững như bàn thạch. Như cảm tạ thạnh tình khán giả, Đại Nghĩa tung mình lên cao “bay” tiếp 3 vòng đá “Giông tố trên cao” (Lãng không cuồng phong cước) và hạ xuống mặt sàn vừa sát hàng ghế đầu trong tiếng trầm trồ vỗ tay liên tục của quan khách.

Lần lượt các bài quyền không thủ “Âm Dương Nhật Nguyệt” với Nguyễn Thông, “Độc Long Côn” một trong những bình khí cổ truyền sở trường của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung được Ngô Tải xử dụng khá mạnh mẽ và đẹp mắt, tuy vì cảm xúc em có sơ xuất kỹ thuật nhưng vẫn được khán giả bao dung tán thưởng. Bùi Thế Khoa điêu luyện với cây gậy ngắn (đoản côn) trong bài “Phá Bác Quái Trận Đơn Tiết Côn” và Vũ Bích Thủy ôn nhu nhưng sắc bén trong kiếm pháp Thiếu Lâm Kiến An Việt Nam. Thật là diễm ảo và nhuần nhuyễn với bài “Lưỡng Nghi Kiếm” như gợi lại nét anh thư của tiền nhân Triệu Trinh Nương và Trưng Nữ Vương, cả hai được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.
Sau hết, như để bày tỏ lòng tôn kính tiền nhân, vọng bái đại anh hùng dân tộc Quang Trung, Nguyễn Huệ, một đại cao thủ võ lâm, một danh tướng với tài dụng binh thần tốc được văn hóa thế giới coi như Nã Phá Luân Đại Đế của Phương Đông, và cũng để đáp lại thạnh tình của quan khách khán giả, võ sư Hồng Ngọc Đại Nghĩa thi triển quyền pháp tuyệt vời trong một bài quyền không thủ mạnh như sấm sét, nhanh như gió lốc có tên gọi “Cơn Mưa Sấm” (The Thundering Rain Kata) tức Lôi Vũ Quyền với kỹ thuật võ công điêu luyện, sức mạnh sung mãn của một võ sư trẻ tuổi, anh đã không phụ lòng mến mộ của các bạn trẻ yêu võ thuật và khán giả. Các đòn tay vần vũ rất mạnh và cực nhanh, mang nét dõng mảnh và tốc độ của quyền pháp Nam tông và Việt Nam. Các đòn chân đơn cước và liên hoàn cước rất mạnh, đẹp mắt, và phức tạp được anh thi triển đầy kình lực và kỹ thuật, bàng bạc nét uy dũng của Thiếu Lâm Trường Quyền. Đặc biệt các đòn đá bay (phi cước) thật tuyệt luân, tiếng gió rít ào ào, tiếng “phập, phập” từ kình lực của những cú đá sấm sét tung ra vừa dữ dội vừa ngoạn mục. Những tràng pháo tay vang dội làm sống động hội trường.
Võ sư Đại Nghĩa kết thúc bài quyền bằng ngọn cước “Chim Sẻ Cùng Bay” (Đồng tước song phi), đoạn anh hồi bộ bái tổ và nghiêng mình thi lễ chào quan khách.
Khán giả còn đang sảng khoái thưởng lãm cuộc trình diễn võ công Việt Nam thì võ sư Nguyễn Lâm đã nhanh chóng cho tập họp đội hình võ sĩ chào tạm biệt quan khách khán giả và xin hẹn tái ngộ dịp khác trong tiếng vỗ tay kéo dài và những cái vẫy tay chào lưu luyến của khán giả. Ông Phạm Đình Tòng thay mặt hội Tây Sơn Bình Định tiến đến võ sư Nguyễn Lâm nói lời cảm ơn chân tình và tỏ lời ái mộ tinh thần thượng võ và tài năng của võ sĩ Thiếu Lâm Kienando Việt Nam trong khi có giọng nói đầy thiện cảm của xướng ngôn viên Phạm Thanh Lương trên máy vi âm ”... vô cùng cám ơn nhiệt tình, tài năng võ công tuyệt vời và dũng mãnh của võ phái Thiếu Lâm Kiến An...”
Chúng tôi rảo bước theo chân đoàn võ sĩ trên hành lang ra về, nhiều vị khán giả ái mộ thân mật vuốt cánh tay các võ sĩ và hẹn có ngày tái ngộ, chúng tôi cũng nhận thấy có cả một số vị võ sư và thành viên ban chấp hành Hội Tây Sơn Bình Định như bà Trần Mỹ Tuyết, Tiến Sĩ Cai Văn Khiêm, ông Trương Thiết Kế, võ sư Lý Hoàng Tùng, nhạc sĩ Ngô Tín đưa tiễn và đàm đạo với chưởng môn Nguyễn Lâm.
Trời đã quá trưa, ánh thiều quang rực rỡ và ấm áp của mùa Xuân thiên niên kỹ mới, xuân Canh Thìn....

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.