Hôm nay,  

Duy Khánh Bệnh Nguy Ngặt, Giới Nghệ Sĩ Chung Sức Giúp

24/12/200200:00:00(Xem: 5836)
PHOTO: Từ trái qua: Dạ Châu - Trần Quốc Bảo - Phương Hồng Quế - chị Hoa (vợ Duy Khánh - Duy Khánh (nằm), tại bệnh viện Fountain Valley.

Little Saigon (Trọng Minh) -- Tin nam danh ca nhạc sĩ Duy Khánh lâm trọng bệnh phải đưa khẩn cấp vào nhà thương đã được loan truyền thật rộng rãi trong giới nghệ sĩ từ mấy ngày qua, do đó, sau cơn mưa với cái lạnh chiều Cali. 19/12-02, chúng tôi đã cùng một số thân hữu và đồng nghiệp của anh vào bệnh viện Fountain Valley thăm anh. Được biết Duy Khánh hiện đang nằm tại phòng 210 để điều trị nhiều căn bệnh ngặt nghèo, đáng kể là bệnh tiểu đường và tai biến mạch máu não.
Hoàn cảnh anh đang phải nằm thườøng trực, chằng chịt dây, ống tùm lum quanh người. Đôi mắt nhắm nghiền, làn môi khô khốc, mũi, miệng được thở bằng sự trợ lực của bình dưỡng khí. Anh không còn ăn uống được nữa mà chỉ sống tạm bằng ống chuyền chất thực phẩm lỏng vào thẳng bao tử. Lâu lâu mở mắt, lờ đờ nhìn mọi người rồi lại thiếp đi, có lẽ anh mệt lắm.
Theo lời của Hoạ sĩ kiêm Thi sĩ Dạ Châu, người cùng quê và cũng là bạn từ thuở thiếu thời của anh thì:
Duy Khánh sanh ra tại miền trung khô cằn sỏi đá, làng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào năm 1936 (Bính Tý) trong một gia đình vọng tộc. Tên thật là Nguyễn văn Diệp. Khởi nghiệp ca hát bằng nghệ danh Tăng Hồng, trúng tuyển kỳ tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Pháp Á vào khoảng năm 1955, hát bài Trăng Thanh Bình. Sau đó đổi tên thành Hoàng Thanh và cuối cùng là Duy Khánh cho đến ngày nay (Duy Khánh là tên một người bạn học thân thiết thuở thiếu thời, hồi ở Quảng Trị, đã qua đời tại Pháp từ lâu rồi).
Cuộc đời tình ái của anh thì hơi "phong phú", song không có một người con nào của anh nối nghiệp cha.
Ngoài khả năng ca, Duy Khánh còn sáng tác nhạc, anh viết nhiều nhạc phẩm giá trị, đáng kể là các bài: Thương Vềø Miền Trung, Bao Giờ Em Quên, Biết Trả Lời Sao, Ai Ra Xứ Huế .v.v...
Một buổi chiều rất gần đây, trước khi lâm bệnh nặng, (dù trước đó đã ra vào bệnh viện rất nhiều lần), anh nói với giọng buồn buồn và đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ:
"Mình viết bài 'Điệu Buồn Chia Xa' khi nhìn ra biển khơi Thái Bình Dương mà bên tê bờ là Việt Nam để nhớ về mối tình cùng bạn bè còn ở lại quê nhà."


Quen thân với anh non nửa thếù kỷ, tôi không ngờ anh nhậy cảm quá mức như thế. Ai cũng tưởng và hiểu lầm con người anh lạnh lùng, ít tình cảm, đôi khi như khinh người nữa, vì anh bẩm sinh ít nói.
Chơi với bạn bè rất chân tình, đôi lúc còn coi bạn hơn cả gia đình nữa; nhất là nhậu nhẹt thì phải uống đến đồng bạc cuối cùng trong túi mới thôi.
Sau biến cố 1975, anh hụt hẫng và túng bấn nhiều, vì thuở nào chỉ sống bằng giọng hát và giòng nhạc, nay bị cấm hát, anh đâm ra chán nản rồi uống rượu thêm nhiều. Ai còn kẹt lại Việt Nam lúc đó mới hiểu: uống mà uống toàn rượu độc, như một hình thức tự tử bằng hơi men; vì nhìn quanh chỉ thấy toàn một màu đen.
Chỉ một thời gian ngắn xa nhau, khi gặp lại anh đưa cho tôi xem hai bản nhạc: "Ta Đứng Trên Đỉnh Đèo" và "Sao Đành Bỏ Quê Hương" anh vừa sáng tác và được quay Ronéo trên giấy xấu vàng.
Khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động lại, Duy Khánh mượn danh Thông Tin Văn Hóa địa phương lập đoàn Quê Hương, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh miền Nam trước 1975, như: Châu Kỳ, Nhật Ngân (phó đoàn, phụ trách ngoại vụ, như xin phép, lấy bến bãi v.v...), ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến v.v... rất thành công
Lúc đó tiền thù lao của anh rất cao, đời sống được sung túc hơn trước rất nhiều, nhưng tâm trạng vẫn là buồn. Anh uống quá độ và có lẽ do đó gây ra bệnh tình hôm nay.
Một may mắn bất ngờ đến với anh, đó là gia đình anh, gồm người vợ là chị Hoa, và 3 con được đến Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình vào năm 1989.
Ở Mỹ, bước đầu, ngoài việc đi trình diễn khắp nơi, thu băng, thu dĩa, anh còn ký hát độc quyền cho Trung tâm Băng nhạc Làng Văn. Sau khi mãn hai hợp đồng với Làng Văn, anh thành lập Trung tâm Băng nhạc Trường Sơn, hoạt động từ đó cho đến nay.
Đêm Tạ Tình: Tiếng hát và Giòng nhạc Duy Khánh.
Đứng trước tình trạng bệnh hoạn trầm trọng của Duy Khánh và nỗi khó khăn vật chất của gia đình anh, hai cái "đầu tàu" "cứu trợ" trong giới nghệ sĩ là Trần Quốc Bảo và Phương Hồng Quế lại tự nguyện đứng ra "đốt than, quạt lò" cho con tàu tình thương chuyển bến, nghe nói đã có nhiều nghệ sĩ nhiệt liệt hưởng ứng "đêm ca nhạc tương trợ Duy Khánh" được mệnh danh là Đêm Tạ Tình: Tiếng Hát và Giòng Nhạc Duy Khánh sẽ diễn ra tại Vũ Trường Majestic vào đêm Thứ Sáu 10 tháng 1 năm 2003.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.