Hôm nay,  

Thủ Tục Nhập Cư Hoa Kỳ Khẩn Trường Hợp Nhân Đạo

22/07/200000:00:00(Xem: 5463)
Một tối thứ bảy hạ tuần tháng 5, Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. Houston thuộc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (UBCNVB) đang bận rộn cùng Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng từ Hoa Thịnh Đốn xuống hoạch định các công tác tại địa phương thì có một cú điện thoại khẩn cấp từ Bệnh Viện Southwest Memorial Hospital gọi tới. Đầu dây bên kia là anh Lê Văn Đạo, y tá, thông dịch lại một trường hợp bi đát do hai vị bác sĩ Hoa Kỳ cho hay và yêu cầu giúp đỡ.

Bệnh nhân là Ông Lâm Văn Mậu, 68 tuổi, đến Hoa Kỳ ngày 1 tháng 11, năm 1994 theo hồ sơ HO 28, bị ung thư phổi và chỉ có thể sống trong một hai tháng nữa thôi. Toàn bộ gia đình của ông, vợ và năm người con, đều kẹt lại ở Việt Nam. Các bác sĩ này khẩn thiết yêu cầu cho các người thân trong gia đình ông được đến Hoa Kỳ để chăm sóc cho bệnh nhân, hay ít ra, được trông thấy ông lần cuối cùng…

Sáng Chúa nhật 21-5-2000, anh Đạo đã đến Trung Tâm DV/S.O.S. với một túi sách giấy tờ trong hồ sơ bảo lãnh thân nhân còn lại tại Việt Nam của Ông Lâm Văn Mậu. Xem xét kỹ lưỡng mọi chi tiết, đúc kết lại vấn đề, Ủy Ban CNVB đã đề ra một loạt các công tác khẩn cấp cho Trung Tâm tuần tự thực hiện. Những văn thư cần thiết đã được gởi tới Tòa Lãnh Sự Mỹ tại Việt Nam, các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc tiểu bang Texas yêu cầu can thiệp khẩn cấp mang tính nhân đạo. Kế đến là một cuộc vận động rộng rãi trong cộng đồng Việt Nam tại Houston.

Sau cuộc Phỏng Vấn và Hội Thoại trên Đài Little Saigon dành cho Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. Houston cùng một thông báo khẩn cấp loan đi trên hai làn sóng của Little Saigon và VOVN, đông đảo đồng hương đã ký vào thư gửi các vị Đại Diện cử tri của Texas, hai Thượng Nghị Sĩ Kay Bailey Hutchison và Phil Gramm, và Dân Biểu Bill Archer kêu gọi sự giúp đỡ khẩn thiết cho một hoàn cảnh vô cùng thương tâm.

UBCNVB đã tức tốc lập hồ sơ xin chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ cho vợ và 5 người con của Ông Mậu theo trường hợp đặc miễn vì lý do nhận đạo. Đây là thể thức mà Sở Di Trú chỉ áp dụng cho những trường hợp thật đặc biệt mà thôi.

Đầu tháng 6, một thành viên thuộc Trung Tâm S.O.S. vừa đi công tác ở Phi Luật Tân về, chuyển tiếp hồ sơ này qua nữ Dân Biểu Sheila Jackson Lee. Ngày 15 tháng 6, TS Nguyễn Đình Thắng đã gặp trực tiếp Đại Sứ Douglas Peterson nhân dịp ông ta về lại Hoa Thịnh Đốn để yêu cầu can thiệp khẩn cấp cho gia đình ông Mậu.

Nhờ sự can thiệp rất tích cực của Dân Biểu Sheila Jakson Lee với Sở Di Trú, với sự hỗ trợ của các vị dân cử và Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, mà mọi thủ tục đều được rút ngắn một cách không ngờ. Cuối tháng 6 Sở Di Trú cho biết là họ chấp thuận cho bà Lê Thị Đông, vợ ông Mậu và đứa con vị thành niên là Lâm Minh Lai đã được nhập cảnh Hoa Kỳ bằng chiếu khán đặc biệt, không cần phỏng vấn hay khám sức khỏe ngoại trừ phải có Hộ Chiếu của Việt Nam còn hiệu lực và vé phi cơ khứ hồi.

Lấy hộ chiếu và vé phi cơ là cả một vấn đề vì thực tế đau xót đầy rẫy những lừa đảo và nghi kỵ ở Việt Nam. Bà Đông, một phụ nữ chất phác, không đọc được chữ quốc ngữ, dẫn đứa con thơ từ miền quê Phù mỹ thuộc tỉnh Bình Định vào Saigon để làm thủ tục xin hộ chiếu. Bà tạm trú trong một gia đình ở cùng quê (nghe đâu người này là một thuộc viên trước kia của ông Mậu) và chung quanh đó là một vài nhân vật gọi là “quen biết cũ” của ông Mậu. Sau 15 ngày trôi qua, những người đó đã tiêu giùm bà Đông một số tiền mà hộ chiếu vẫn không thấy đâu. Văn phòng trung ương của Sở Di Trú ở Hoa Thịnh Đốn thắc mắc là Visa đã ký khẩn, sao không thấy ai đến lấy"

Chúng tôi phải tìm cớ giãi bày để xin họ chờ thêm ít ngày. Thân hữu của ông Mậu ở bên này cũng như bên kia, vì không thông hiểu về thể thức đặc biệt kể trên, cứ nằng nặc buộc chúng tôi phải lấy cho được giấy “LOI” (letter of introduction) của Toà Lãnh Sự Hoa Kỳ để họ đưa vợ con ông Mậu đi lấy hộ chiếu. Một đằng phải chạy đua với thời gian, còn đằng kia thì cứ giùng giằng chậm trễ.

Sự chậm trễ này làm cho chúng tôi có lúc đã chán nản muốn buông tay, nhưng rồi lại nghĩ tới lời hứa với ông Mậu, nghĩ tới nhiệt tình của hàng ngàn đồng hương tiếp tay ủng hộ, chúng tôi thấy phải tiếp tục.

Chúng tôi đã phải cử người quen ở Việt Nam liên lạc với người con lớn của bà Đông, lấy lại tất cả giấy tờ để tự chúng tôi lo hộ chiếu. Hai hôm sau, hộ chiếu được giao tận tay mẹ con bà Đông.

Trở ngại độc nhất còn lại là hai vé máy bay khứ hồi đi gấp (vì Visa gần hết hạn) giá hơn ba ngàn bốn trăm Mỹ kim. Có những câu hỏi được đặt ra, tại sao lại phải mua khứ hồi, rủi đi không được thì sao" Thân hữu của ông Mậu ở bên này có người không tin, ở bên kia có người nghi ngờ đủ thứ. Chúng tôi đành phải trích quỹ đặt tiền trước (200 Mỹ kim) với Việt Á Travel để bên Việt Nam in vé vì người giữ tiền cho bà Đông sợ bị gạt không chịu ứng tiền. (Sau này thấy công việc của chúng tôi làm, cô Trương Mỹ Hà, người bán vé cho Việt Á đã bớt cho chúng tôi 160 Mỹ kim chưa thanh toán.)

Nửa đêm, gần ba giờ sáng ở Houston (03:00 chiều Saigon), chúng tôi phải gọi điện thoại để giải thích cho ba Đông biết rằng mọi việc đã sẵn sàng để bà và người con trai út lên đường đi Mỹ. Bà Đông, người phụ nữ chất phác của huyện Phù mỹ, không biết Ông Ô-ẾCH là ai (Lời bà nói trên đài Little Saigon khi gọi Trung Tâm S.O.S.) liều mạng lên đại phi cơ của Hãng Hàng Không China Airline, rời khỏi Tân Sơn Nhất lúc 11 giờ sáng ngày 13-7-2000. Sợ mẹ con bà bỡ ngỡ trước sân bay quốc tế San Francisco, một thiện nguyện viên của UBCNVB đã đón và hướng dẫn mẹ con bà làm thủ tục nhập cảnh, sau đó đưa lên phi cơ của Hãng Continental về Houston.

Bây giờ thì bà Đông đã biết mặt Ông Ô Ếch, tin rằng mình không bị gạt và đổ lệ cảm động khi biết có hàng ngàn ông bà, anh chị đồng hương như Ông Ô Ếch cùng các cơ quan truyền thanh, báo chí đã và đang giúp bà một cách chí tình.

Những ngày sắp tới của Bà Đông và con trai như thế nào" Trung Tâm Dịch Vụ S.O.S. thuộc UBCNVB không có ngân quỹ nào để lo cho những trường hợp cấp bách như của mẹ con bà Đông và cũng không có nhiệm vụ phải lo ổn định đời sống của bất cứ thân chủ nào sau khi đã làm thủ tục giúp họ đặt chân lên đất Mỹ. Tuy nhiên chúng tôi không tin như một thính giả nào đó của đài Little Sàigòn đã lo sợ rằng hai mẹ con bà sẽ bơ vơ ở xứ Mỹ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp để hai mẹ con bà được thường trú, và sau đó là giúp những người con còn lại đoàn tụ với gia đình ở Mỹ. Nhiều đồng hương ở Houston đã sốt sắng đứng ra lo cho mẹ con bà về mặt đời sống. Chúng tôi tin rằng nguyện vọng cuối cùng của ông Mậu là thấy vợ con được sống trong xã hội văn minh và dân chủ sẽ được toại nguyện.

Sự hưởng ứng của hàng ngàn đồng hương ký thỉnh nguyện thư, hàng trăm cú điện thoại gọi đến văn phòng TTDV/S.O.S. để hỏi han và cổ võ, biết bao người đã sẵn sàng đóng góp tiền bạc, giúp đỡ nơi ăn chốn ở cho mẹ con bà Mậu, sự hợp tác tích cực của các đài phát thanh, báo chí là thể hiện rõ ràng cái truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng” của đồng bào ta. Tình thương không bao giờ mệt mỏi.

Lê Văn Trước.
Ngày 20 tháng 7, 2000

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.