Hôm nay,  

Dẫn Độ Lý Tống?

29/12/200500:00:00(Xem: 6737)
- * 3 PHI VỤ KIỆT XUẤT.

Trong cuộc đấu tranh giải trừ Cộng Sản, chưa thấy ai kiên cường và gan dạ như Lý Tống, 3 lần đơn độc dùng phi cơ xâm nhập vùng Cộng Sản chiếm đóng để kích động phong trào giải phóng dân tộc.

1) Tháng 9, 1992, Lý Tống, cựu phi công Việt Nam Cộng Hòa và là công dân Hoa Kỳ, trên chiếc máy bay Hàng Không Việt Nam lượn trên không phận Saigon, đã rải hàng chục ngàn truyền đơn kêu gọi đồng bào đứng lên lật đổ chế độ độc tài Cộng Sản. Anh đã nhảy dù xuống vùng phụ cận Saigon. Và sau đó đã bị bắt giữ, truy tố và kết án 20 năm tù về tội phản nghịch, hay "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân". Đây là một tội xâm phạm an ninh quốc gia đặc biệt nguy hiểm. Nhờ áp lực quốc tế, Lý Tống đã được phóng thích trước thời hạn, đầu tháng 9-1998, sau 6 năm thụ hình.

2) 16 tháng sau, ngày 1-1-2000, Lý Tống tự lái phi cơ trên không phận Havana để rải hàng chục ngàn truyền đơn kêu gọi nhân dân Cuba đứng lên lật đổ chế độ Fidel Castro. Anh đã bay về Hoa Kỳ bình an vô sự. Anh được người Cuba lưu vong tuyên dương như một anh hùng. Anh không bị Chính Phủ Hoa Kỳ truy tố về tội hình sự, chỉ bị rút bằng phi công 6 tháng. Yêu cầu dẫn độ của Chính Phủ Cuba đã bị Hoa Kỳ bác bỏ.

3) 10 tháng sau, nhân chuyến du hành Việt Nam của Tổng Thống Bill Clinton, tháng 11-2000, Lý Tống lại lái phi cơ từ Thái Lan bay trên không phận Saigon, để một lần nữa, rải hàng chục ngàn truyền đơn hô hào đồng bào trong nước đứng lên đấu tranh giải thể Cộng Sản, đem lại Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam. Anh đã bay về Thái Lan an toàn.

Tuy nhiên, tòa án Thái Lan đã truy tố Lý Tống về các tội cưỡng đoạt phi cơ và xâm phạm không phận Thái Lan. Tòa đã tuyên phạt anh 7 năm 4 tháng tù, nhưng anh chỉ bị thụ hình trong 5 năm 6 tháng.

Tháng 7 vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội chính thức yêu cầu Chính Phủ Thái Lan cho dẫn độ Lý Tống về Việt Nam, nhưng không nói là sẽ truy tố anh về tội gì"

Chính Phủ Thái Lan chỉ đồng ý dẫn độ Lý Tống về Việt Nam để trả lời về tội "xâm phạm không phận Việt Nam", một tội thường phạm, không có tính chính trị. Chính Phủ Hoa Kỳ không can thiệp vào quyết định này của Thái Lan mặc dầu vẫn phản đối trên nguyên tắc quyết định dẫn độ của Chính Phủ Thái.

NHỮNG THỦ TỤC VÀ ĐIỀU KIỆN DẪN ĐỘ.

Về hình sự, tòa án chỉ có thể xét xử nếu có sự hiện diện của bị cáo. Dẫn độ là thủ tục giao hoàn một trú dân hay công dân cho một quốc gia khác để quốc gia này xét xử bị cáo về một tội phạm đã xảy ra trên lãnh thổ quốc gia này.

Trên bình diện quốc tế, thủ tục dẫn độ thường chỉ được thi hành trong trường hợp có hiệp ước dẫn độ do hai quốc gia liên hệ đã ký kết từ trước. Hiệp ước này phải quy định minh thị các tội trạng dẫn độ như các tội buôn bán ma túy,cố sát, in giấy bạc giả, biển thủ công quỹ, trộm cướp, cố ý gây hỏa hoạn, phá hoại cầu cống, đường xá, công thự gây nguy hại diện tiền cho đời sống của người dân. Điều đáng lưu ý là không thể dẫn độ những người bị truy tố về tội chính trị.

Theo Luật Liên Bang, Tổng Thống Hoa Kỳ không có nghĩa vụ, và cũng không có quyền dẫn độ các công dân hay trú dân tại Hoa Kỳ, nếu không có một hiệp ước dẫn độ song phương hay công ước quốc tế (đa phương) giữa Hoa Kỳ và quốc gia yêu cầu dẫn độ.

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Hoa Kỳ đã ký 103 hiệp ước dẫn độ song phương, kể cả Hiệp Ước Hoa Kỳ-Thái Lan năm 1922. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có Hiệp Ước Dẫn Độ Mỹ-Việt hay Thái-Việt.

Tại Hoa Kỳ, trong trường hợp quyết định cho dẫn độ, Bộ Ngoại Giao phải biết chắc rằng quốc gia yêu cầu sẽ thực sự bảo đảm cho bị cáo một vụ xét xử công khai, công bằng và vô tư.

Trong hiện vụ, theo những nguyên tắc tổng quát về luật dẫn độ, Chính Phủ Thái Lan phải đoan chắc rằng Tòa Án Việt Nam sẽ dành cho Lý Tống một vụ xét xử công khai, công bằng và vô tư. Điều cốt yếu là Lý Tống chỉ có thể bị truy tố về một tội thường phạm không có tính chính trị là tội "xâm phạm không phận quốc gia."

Theo luật đối chiếu, tội này chỉ bị phạt vạ hay phạt giam tiểu hình tối đa là 1 năm tù (Chương 18, Điều 46307 Hình Luật Liên Bang Hoa Kỳ).

NHỮNG ĐE DỌA VÀ HIỂM HỌA.

Kinh nghiệm bản thân cho biết, nếu bị dẫn độ, rất có thể Lý Tống sẽ không phải chỉ bị kết án về một tội tiểu hình thường phạm. Vì trong năm 1992, với những hành động rải truyền đơn tương tự trên không phận Saigon, Lý Tống đã bị kết án 20 năm tù về tội phản nghịch, hay âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Cùng với các tội phản quốc và gián điệp, tội phản nghịch được xếp vào loại các tội xâm phạm an ninh quốc gia đặc biệt nguy hiểm mà hình phạt có thể đến tử hình.

Trong khi đó, chiếu những nguyên tắc pháp lý được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia, hành vi rải truyền đơn chỉ là một phương thức hành sử quyền tự do phát biểu như viết báo, diễn thuyết, phỏng vấn, mít tinh, biểu tình, tuần hành v...v... Đây là một hành động hợp pháp của quyền tự do thông tin, tự do phát biểu được ghi chú trong Hiến Pháp Việt Nam (Điều 69), cũng như trong Điều 19 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, một hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia năm 1982 nên có nghĩa vụ phải tôn trọng.

Mặc dầu vậy, năm 1992 Tòa Án Saigon đã tuyên phạt Lý Tống 20 năm tù về tội phản nghịch, một tội chính trị đặc biệt nghiêm trọng.

Và lần này, nếu bị dẫn độ, rất có thể Lý Tống sẽ bị tăng án tù vì có trường hợp tái phạm và hình phạt có thể là tù chung thân hay tử hình.

Trong trường hợp đó, nếu Chính Phủ Thái Lan có trách cứ Chính Phủ Hà Nội đã không truy tố theo tội danh ghi trong Quyết Định dẫn độ, thì người Cộng Sản gian ngoan sẽ ngụy biện rằng: Chính phủ là cơ quan hành pháp nên chỉ có quyền khởi tố qua Viện Kiểm Sát. Còn việc xét xử, định tội danh và kết án lại thuộc thẩm quyền của tư pháp, một cơ quan độc lập với hành pháp, và các thẩm phán có toàn quyền xét xử theo pháp luật.

Để ngăn ngừa hiểm họa này, theo đúng thủ tục dẫn độ, trước khi yêu cầu đẫn độ, Chính Phủ Việt Nam phải thực sự khởi động tố quyền bằng cách công bố và thông tri khởi tố lệnh trạng cho Chính Phủ Thái Lan. Đính kèm bản cáo trạng (complaint) phải có tờ khai chứng thực (affidavit) của vị nguyên thủ quốc gia, trong đó Tòa Án minh thị cam kết sẽ chỉ truy tố bị cáo về tội quy định trong khởi tố lệnh trạng. Và trong thời gian xét xử, tòa án không được cải tội danh để thay thế tội tiểu hình thường phạm (xâm phạm không phận quốc gia) bằng một tội nặng hơn như phản quốc, phản nghịch, bạo loạn hay tội trốn đi nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, là những tội chính trị đặc biệt nghiêm trọng mà hình phạt có thể đến 20 năm, tù chung thân hay tử hình.

THỈNH NGUYỆN 5 ĐIỂM.

Vì những lý do nêu trên, chúng tôi trân trọng thỉnh cầu Quốc Vương và Chính Phủ Hoàng Gia Thái Lan cứu xét 5 điểm pháp lý và thực tế sau đây:

1.Theo quốc tế công pháp, thủ tục dẫn độ chỉ được tiến hành trong

trường hợp có hiệp ước dẫn độ ký kết giữa các quốc gia liên hệ. Hiện nay không có một hiệp ước dẫn độ nào ký kết giữa Thái Lan và Việt Nam (Hiệp Ước Dẫn Độ Mỹ-Thái đã được ký kết từ 1922). Tại Hoa Kỳ, Tổng Thống không có thẩm quyền dẫn độ nếu không có các hiệp ước song phương hay công ước quốc tế về đẫn độ.

2.Trong mọi trường hợp, hiệp ước dẫn độ phải quy định và hạn định những tội trạng nào cho phép dẫn độ bị cáo, như các tội bạo hành, bạo động (crimes of violence), hay những tội dã man chống xã hội, như buôn bán ma túy, cố sát, biển thủ công quỹ, trộm cướp, cố ý gây hỏa hoạn, phá hoại đường sá, cầu cống, công thự v...v...).

Đặc biệt không được dẫn độ các bị cáo về một tội chính trị (offense of a political nature).

3. Chiếu Điều 7 Công Ước về Những Quyền Dân Sự Chính Trị và Điều 3 Công Ước Chống Tra Tấn Hành Hạ 1984, "các Quốc Gia Hội Viên không được dẫn độ các công dân hay trú dân sang một quốc gia khác, trong trường hợp có những dấu hiệu khả tín cho biết những người này sẽ bị tra tấn hành hạ. Những dấu hiệu này phải được thanh sát trên mọi bình diện, đặc biệt là việc quốc gia yêu cầu dẫn độ (demanding state) có những thành tích vi phạm nhân quyền thường xuyên, tập thể và thô bạo (consistent pattern of gross, flagrant or mass violations of human rights).

Đó chính là trường hợp của Việt Nam. Hiện nay, cùng với Bắc Hàn, Trung Quốc và Miến Điện tại Đông Á, Việt Nam bị liệt vào danh sách "các quốc gia cần đặc biệt quan tâm" về vấn đề tự do tôn giáo, tự do dân chủ.

Trong 3 thập niên qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giam độc đoán hàng trăm tù nhân lương tâm thuộc thành phần đối kháng ôn hòa bất bạo động, với các bản án bất công, và các tội trạng cưỡng ép hay giả tạo, như phản nghịch hay âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, tuyên truyền chống chế độ, tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ v...v...

Tháng 6, 2003, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn đã bị kết án 13 năm tù về tội (cưỡng ép) gián điệp, chỉ vì anh đã phổ biến tập tài liệu "Dân Chủ Là Gì"", dịch từ mạng lưới thông tin của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. (Sau này vì thấy quá lố, tòa án đã giảm hình phạt xuống 5 năm).

Năm 1991, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế đã bị kết án 20 năm tù về tội (cưỡng ép) phản nghịch hay âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, chỉ vì anh đã phổ biến Bản Tuyên Cáo của Cao Trào Nhân Bản, kêu gọi nhà cầm quyền thực thi quyền dân tộc tự quyết bằng cách thiết lập chế độ dân chủ pháp trị thay thế chế độ độc tài, độc đảng. Ngày 30 tháng 4, 1993 Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố Phúc Trình lên án nhà cầm quyền Hà Nội đã giam giữ độc đoán Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế.

4. Hơn nữa, sự dẫn độ chỉ có ý nghĩa khi bị cáo được xét xử công bằng. Chiếu Điều 15 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị, "không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những hành vi không cấu thành tội hình sự, chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế, luật pháp quốc tế là những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia".

Do đó, hồi giữa thế kỷ 19, tôn trọng quyền tự do phát biểu, Tòa Án Luân Đôn đã không truy tố Các Mác về tội phản nghịch hay tuyên truyền chống chế độ, mặc dầu ông đã công bố bản "Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản", kêu gọi vô sản toàn thế giới đứng lên dùng võ trang lật đổ các chính quyền tư bản.

Khi rải truyền đơn kêu gọi giải thể chế độ Cộng Sản để thiết lập chế độ Dân Chủ, Lý Tống chỉ hành sử hợp pháp quyền tự do phát biểu đã được thừa nhận bởi Hiến Pháp Việt Nam (Điều 69) và Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị (Điều 19).

5. Về mặt thủ tục, quốc gia yêu cầu phải thực sự phát động tố quyền trước khi yêu cầu dẫn độ. Do đó Chính Phủ Thái Lan phải yêu cầu Chính Phủ Việt Nam thông tri bản cáo trạng hay khởi tố lệnh trạng có ghi rõ tội danh truy tố. Ngoài ra, Tòa Án Việt Nam phải lập tờ cam kết sẽ không cải tội danh hay thay đổi tội trạng từ tội tiểu hình thành tội đại hình, hay từ tội thường phạm thành tội chính trị. Có như vậy mới có thể bảo đảm cho bị cáo quyền được xét xử công khai, công bằng và vô tư.

Dầu sao kinh nghiệm Hiệp Định Paris về tái lập hòa bình tại Việt Nam ký kết giữa 15 quốc gia cho biết người Cộng Sản không bao giờ tôn trọng các hiệp ước quốc tế. Với chủ trương cứu cánh biện minh cho phương tiện, người Cộng sản chỉ coi các hiệp ước quốc tế như những cơ hội và phương tiện để đạt được những mục tiêu chính trị. Họ không tôn trọng chữ ký của họ và coi thường danh dự Quốc Gia.

Cũng vì vậy sự thận trọng và khôn ngoan tối thiểu không cho phép chúng ta tin tưởng vào lời cam kết của người Cộng Sản. Và chúng ta phải cảnh giác Chính Phủ Hoàng Gia Thái Lan không nên dẫn độ Lý Tống về Việt Nam. Vì sau này, nếu xẩy ra hiểm họa như đã trình bầy ở trên, Chính Phủ Thái sẽ phải chịu trách nhiệm cả vễ tinh thần lẫn pháp lý. Và Chính Phủ Hoa Kỳ cũng sẽ phải chia sẻ một phần trách nhiệm, vì đã không bảo vệ tự do, danh dự và đời sống của một công dân, đồng thời là một cựu chiến binh trong chiến tuyến Tự Do Dân Chủ.

Căn cứ vào những quan điểm pháp lý và những kinh nghiệm thực tế nói trên, chúng tôi trân trọng thỉnh cầu Quốc Vương và Chính Phủ Hoàng Gia Thái Lan duyệt lại Quyết Định truyền dẫn độ Lý Tống về Việt Nam.

T. M. ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN QUYỀN

Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG (Mùa Giáng Sinh 2005)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.