Hôm nay,  

Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Nghĩa Gác Sáo Thần, Từ Trần

24/12/200500:00:00(Xem: 6527)

Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, người được nhiều người phong tặng danh hiệu Sáo Thần, đã từ trần vào lúc 16:00 giờ (giờ Miền Đông Hoa Kỳ) ngày 22-12-2005.

Bản tin và lời phân ưu của nhà văn Phan Nhật Nam đã cho biết rằng nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã từ trần sau cơn bạo bệnh kéo dài nhiều năm, từ ngày ngả bệnh là 12/5/2003.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã hưởng dương 65 tuổi (1940-2005).

Nhà văn Phan Nhật Nam đã thay mặt Bạn cũ Phan Châu Trinh, Đà Nẵng & Collège de Tourane Niên Khóa 1954-1960 khắp nước Mỹ, trên thế giới, và ở quê nhà để gửi lời chia buồn tới gia đình còn lại của nhạc sĩ.

Nhà văn Phan Nhật Nam đã gọi nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa là “Cây Sáo số Một của Quê Hương Việt Nam,” người đã đạt các danh hiệu liên tục nhiều năm Khôi Nguyên Nghệ Sĩ Trình Diễn Liên Hoan Nghệ Thuật Âm Nhạc Thế Giới - Tiểu Bang Maryland (1994-1996-1998-2000-2002).

Trước năm 1975, nhạc sĩ đã nổi tiếng với nghệ thuật thổi sáo, và được xem như thổi sáo hay nhất Việt Nam.

Sau ngày 30-4-1075, nhạc sĩ và vợ con bị đuổi ra khỏi căn nhà ở hẻm Phan Văn Trị... vì "Chỉ có bọn Ngụy mới trả tiền để anh thổi sáo cho chúng,” theo kể lại từ bài viết từ năm 2003 của nhà văn Phan Nhật Nam cho biết.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình không về lại Đà Nẵng, ông đưa vợ và ba con đi xa hơn ... Nơi hẻo lánh, vùng núi miền Trung.

Ở miền núi, tiếp xúc với những người sắc tộc Bahnar, H'mong, Rhadé ... nhạc sĩ Nghĩa dần khám phá ra khối lượng nhạc khí độc đáo, kỳ ảo của họ, với cây đàn T'rưng... và chế tạo ra chiếc đàn 29 ống...

Nhà văn Phan Nhật Nam kể:

“Anh đến Canada năm 1984; tháng Giêng 1987 nhân dịp Tết Việt Nam, anh xuất hiện ở phòng hòa tấu Đại học Toronto và liên tục trình diễn qua các cơ sở văn hóa, giáo dục vùng Đông-Bắc nước Mỹ. Anh không đứng trên sân khấu một mình. Sau lưng, và hai bên anh bây giờ đã có toàn thể khối lực hỗ trợ ... Những Đoan Trang, Nam Phương, Nguyễn Đình Nghị, và tiếp theo, Nguyễn Đình Hòa và Chiến. Đây không còn là những đứa bé trèo lên vai, bám lên cổ anh ở hai mươi năm trước, mà đã là người thiếu nữ Việt Nam làm sống động âm thanh khắc khoải gờn gợn của Độc Huyền (Nam Phương); người dựng lại khối âm thanh rực rỡ của Thập Lục (Đoan Trang), và những cây guitar điện kỳ ảo, sống động, giàn trống hào hùng với Nghị, Hòa, Chiến ... Tất cả đã hòa nhịp cùng chiếc đàn T'rưng đồ sộ 29 ống của Nghĩa hiện thực nên điều - Âm nhạc với nhạc khí cổ truyền Dân Tộc Việt Nam là một thế giới kỳ diệu do từ nội dung sâu lắng, phong cách, kỹ thuật trình diễn điêu luyện tế vi.

“Buổi trình diễn ngày 2/6/1994, tại Thính Đường Carnegie Hall, Đại học Kỹ Thuật New York là một xác chứng về câu chuyện có vẻ không thực của một gia đình tên gọi Nguyễn Đình Nghĩa. Vì sau gần trăm năm thành lập, phòng hòa âm ấy chỉ dành riêng để các bậc thầy trình diễn về các bậc thầy, những Beethoven, Mozart, Wagner ...”

Nhà văn Nguyễn Bá Trạc, trong một bài viết trên tờ VietMercury năm 2003 cũng ghi nhận:

“Tại Mỹ, ký giả Stella Dawson cuả tờ Northern Virginia Sun so ông với Jean-Pierre Rampal - người Pháp, một trong vài người thổi sáo cổ điển hay nhất thế giới đương đại: "Nguyễn Đình Nghĩa là Jean-Pierre Rampal của âm nhạc truyền thống Việt Nam." Gia đình Nguyễn Đình Nghĩa đến Mỹ trong tháng 7, 1984. Sau những buổi trình diễn đầu tiên, rất mau chóng, giới truyền thông đã giới thiệu ông trên các đài truyền hình NBC News, CBS News... với phần phỏng vấn của các ký giả Connie Chung, Jack Reynolds. Miền đông nước Mỹ nhìn nhận tài năng Nguyễn Đình Nghĩa qua bốn giả thưởng của Maryland State Council, dành riêng cho các nghệ sĩ cá nhân xuất sắc, vào những năm 1994 - 1998 - 2000 - 2002...”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.