
Việc Twitter không còn thực thi chính sách cấm thông tin sai lệch về COVID-19 được cho là một ‘nước cờ sai lầm,’ đặc biệt là trong cuộc chiến gian truân mà các nền tảng mạng xã hội đang phải đối mặt để chống lại thông tin sai lệch (misinformation) và thông tin giả (disinformation). (Nguồn: pixabay.com)
Twitter đã không còn thực thi chính sách cấm thông tin sai lệch về COVID-19. Quyết định được đăng âm thầm trong phần quy định trên trang web công ty, được để là có hiệu lực từ ngày 23 tháng 11 năm 2022. Điều này đã khiến các chuyên gia nghiên cứu và sức khỏe cộng đồng lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Thông tin sai lệch về sức khỏe không phải là mới mẻ. Một trường hợp kinh điển là thông tin sai lệch về mối liên quan có chủ đích giữa bệnh tự kỷ và vắc xin MMR, dựa trên một nghiên cứu không đáng tin cậy được công bố vào năm 1998. Dù thông tin sai lệch này hiện đã bị bác bỏ, nhưng những thông tin sai lệch như vậy có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Ví dụ, vào cuối thế kỷ 20, những quốc gia có phong trào chống chích ngừa (anti-vaccine) đối với loại vắc xin bạch hầu-uốn ván-ho gà (DTP) mạnh mẽ hơn phải đối mặt với tỷ lệ mắc bệnh ho gà cao hơn.
Là một chuyên gia nghiên cứu về mạng xã hội, giáo sư Anjana Susarla tin rằng việc giảm bớt kiểm duyệt nội dung là một ‘nước cờ sai lầm,’ đặc biệt là trong cuộc chiến gian truân mà các nền tảng mạng xã hội đang phải đối mặt để chống lại thông tin sai lệch (misinformation) và thông tin giả (disinformation). Rủi ro đặc biệt cao đối với việc chống lại các thông tin sai lệch về y tế.
Thông tin sai lệch trên mạng xã hội
Có ba điểm khác biệt chính giữa các dạng thông tin sai lệch trước đó và thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội.
Đầu tiên, mạng xã hội cho phép thông tin sai lệch lan truyền ở quy mô, tốc độ và phạm vi lớn hơn nhiều.
Thứ hai, các nội dung giật gân và có khả năng kích thích cảm xúc sẽ dễ được lan truyền trên mạng xã hội. Điều này khiến cho những thứ giả dối dễ lan truyền hơn sự thật.
Thứ ba, các nền tảng kỹ thuật số như Twitter đóng vai trò người gác cổng bởi vì họ tổng hợp, quản lý và khuếch đại nội dung. Điều này có nghĩa là thông tin sai lệch về các chủ đề gây kích động, chẳng hạn như vắc xin, có thể dễ dàng thu hút sự chú ý.
Sự lan truyền thông tin sai lệch trong đại dịch COVID-19 đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) gọi là đại dịch thông tin (infodemic). Có bằng chứng đáng kể cho thấy thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19 trên mạng xã hội làm giảm khả năng mọi người đi tiêm vắc xin. Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo rằng các thông tin sai lệch trên mạng xã hội cản trở nghiêm trọng quá trình hướng tới miễn dịch cộng đồng, làm suy yếu khả năng ứng phó của xã hội trước các biến thể COVID-19 mới.
Thông tin sai lệch trên mạng xã hội khiến công chúng nghi ngờ về độ an toàn của vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc do dự tiêm vắc xin COVID-19 là do những lầm tưởng về khả năng miễn dịch cộng đồng và niềm tin vào các thuyết âm mưu.
Chống thông tin sai lệch
Để chống lại thông tin sai lệch, chính sách kiểm duyệt nội dung và lập trường đối với thông tin sai lệch của các nền tảng truyền thông xã hội là đặc biệt quan trọng. Trong trường hợp không có các chính sách kiểm duyệt nội dung mạnh mẽ trên Twitter, thuật toán đề nghị nội dung cho người dùng và quản lý nội dung có khả năng thúc đẩy sự lan truyền thông tin sai lệch bằng cách tăng hiệu ứng không gian dội âm (echo chamber effect), chẳng hạn như các nội dung làm trầm trọng thêm sự khác biệt giữa các đảng phái chính trị. Sự thiên vị thuật toán (Algorithmic bias: Sự thiên vị thuật toán là các lỗi có hệ thống và có thể lặp lại trong hệ thống máy tính tạo ra kết quả “không công bằng”) trong các hệ thống khuyến nghị cũng có thể làm nổi bật thêm sự chênh lệch trong vấn đề chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu và những phân biệt chủng tộc trong vấn đề tiêm phòng.
Có bằng chứng cho thấy một số nền tảng ít được kiểm soát hơn như Gab có thể khuếch đại tác động của các nguồn tin không đáng tin cậy, và làm gia tăng thông tin sai lệch về COVID-19. Cũng có bằng chứng cho thấy hệ sinh thái thông tin sai lệch có thể lừa dụ những người dùng trên các nền tảng có kiểm duyệt nội dung chấp nhận những thông tin sai lệch bắt nguồn từ các nền tảng ít bị kiểm duyệt hơn.
Khi đó, điều nguy hiểm là không chỉ là sẽ có nhiều nội dung chống tiêm phòng hơn trên Twitter, mà các nội dung độc hại đó còn có thể tràn sang các nền tảng trực tuyến khác đang cố gắng chống lại các thông tin sai lệch về y tế.
Cơ quan giám sát vắc xin COVID-19 Kaiser Family Foundation tiết lộ rằng niềm tin của công chúng đối với thông tin về COVID-19 từ các nguồn tin có thẩm quyền như chính phủ đã giảm xuống đáng kể, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Ví dụ: tỷ lệ những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa tin tưởng FDA đã giảm từ 62% xuống 43%, từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 10 năm 2022.
Trong năm 2021, một lời khuyên của Y Sĩ Trưởng Hoa Kỳ đã xác định rằng các chính sách kiểm duyệt nội dung của các nền tảng truyền thông xã hội cần phải:
- chú ý đến việc thiết kế các thuật toán đề nghị nội dung cho người dùng.
- ưu tiên phát hiện sớm các thông tin sai lệch.
- khuếch đại thông tin từ các nguồn thông tin y tế trực tuyến đáng tin cậy.
Những ưu tiên này cần có sự hợp tác giữa các tổ chức chăm sóc sức khỏe và nền tảng truyền thông xã hội, để phát triển các hướng dẫn tốt nhất nhằm giải quyết thông tin sai lệch về sức khỏe. Việc phát triển và thực thi các chính sách kiểm duyệt nội dung hiệu quả đòi hỏi phải có cả kế hoạch và nguồn lực.
Theo những gì các chuyên gia nghiên cứu biết về thông tin sai lệch về COVID-19 trên Twitter, giáo sư Anjana Susarla tin rằng thông báo không còn cấm các thông tin sai lệch về COVID-19 của Twitter thật sự là một điều đáng lo ngại.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Twitter lifted its ban on COVID misinformation – research shows this is a grave risk to public health” của Anjana Susarla, Giáo sư Hệ thống Thông tin, Trường Michigan State University, được đăng trên trang TheConversation.
Gửi ý kiến của bạn