Hôm nay,  

Cấm Chính Sách Nâng Đỡ Thiểu Số Khiến Một Số Trường Đại Học Thiếu Sinh Viên Đa Dạng. Cấm trên toàn quốc cũng sẽ ảnh hưởng như thế.

14/10/202200:00:00(Xem: 3744)

Affirmative action
Nếu TCPV cấm chính sách nâng đỡ thiểu số, thì trong tương lai, sẽ chẳng có nhiều người gốc Da đen, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa được cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học. Các cộng đồng thiểu số này sẽ thiếu bác sĩ, y tá, giáo viên, chuyên viên v.v. quay về làm việc trong cộng đồng của họ, gây ra những ảnh hưởng bất ổn về lâu về dài trong lãnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội.

HOA KỲ – Tối Cao Pháp Viện (TCPV) dự kiến sẽ lắng nghe các tranh luận trong hai vụ kiện, do tổ chức Hiệp Hội Tuyển Sinh Công Bằng (Students for Fair Admissions) đệ đơn, vào ngày 31 tháng 10 năm 2022. Tổ chức này cho rằng Harvard và các trường khác phân biệt đối xử trắng trợn với sinh viên Châu Á và Da Trắng. Hai vụ kiện này cũng đại diện cho tất cả các ưu tiên khác dựa trên danh tính, bao gồm cả những ưu tiên có lợi cho những người gốc Da Đen và những bất lợi cho người gốc Da Trắng.

Natasha Warikoo, giáo sư về xã hội học tại Trường Tufts và là tác giả của cuốn sách mới được phát hành có tựa đề “Is Affirmative Action Fair? The Myth of Equity in College Admissions” (Liệu Chính Sách Nâng Đỡ Thiểu Số Có Công Bằng? Bí Ẩn Về Sự Công Bằng Về Số Lượng Trong Tuyển Sinh Đại Học), chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về thành phần chủng tộc và dân tộc của các sinh viên tại các trường cao đẳng và đại học “kén” sinh viên sẽ thay đổi ra sao nếu TCPV quyết định cấm chính sách nâng đỡ thiểu số. Bài viết được đăng trang TheConversation.

Điều gì đang bị đe dọa trước các vụ kiện chống chính sách nâng đỡ thiểu số?

Hiện nay, nhiều trường “kén” sinh viên đều cân nhắc đến vấn đề chủng tộc để đưa ra quyết định có nhận sinh viên hay không. Trong nhiều vụ kiện tụng kể từ năm 1978, TCPV đã khẳng định rằng hành động này là hợp hiến để đảm bảo sự đa dạng sinh viên của trường.

Nếu TCPV ra phán quyết có lợi cho Hiệp Hội Tuyển Sinh Công Bằng (Students for Fair Admissions), nguyên đơn trong cả 2 vụ kiện, thì họ sẽ yêu cầu tất cả các trường – cả tư nhân và công lập – không còn được xem xét vấn đề chủng tộc khi đưa ra quyết định tuyển sinh.

Vì hiện nay có chín tiểu bang đã có luật cấm chương trình nâng đỡ thiểu số trong tuyển sinh đại học, nên cũng không khó để biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu chương trình nâng đỡ thiểu số bị cấm (trên toàn quốc). Các nghiên cứu về việc tuyển sinh đại học ở các tiểu bang đó cho thấy việc tuyển sinh đại học của những người gốc Da Đen, người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa sẽ giảm trong thời gian dài.

Tuyển sinh đại học không phải là lĩnh vực duy nhất của giáo dục đại học sẽ bị ảnh hưởng. Chính sách nâng đỡ thiểu số mà bị cấm thì trong tương lai, sẽ chẳng có mấy người gốc Da đen, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa được cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học.

Một nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ ghi danh học y khoa đối với những người thuộc cộng đồng thiểu số không có đủ người đại diện đã giảm trung bình 5% ở 8 tiểu bang cấm chương trình nâng đỡ thiểu số.

Không dừng lại ở đó, vấn đề lương lậu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng những người trẻ gốc Tây Ban Nha nộp đơn xin vào các trường thuộc hệ thống Viện Đại học California (University of California), sau khi tiểu bang ra lệnh cấm chương trình nâng đỡ thiểu số, thì có thu nhập thấp hơn 5% so với những người cũng là gốc Tây Ban Nha nhưng xin vào trường từ trước khi có lệnh cấm. Bằng chứng chỉ ra rằng những người nộp đơn sau khi có lệnh cấm đã phải theo học các trường có thứ hạng thấp hơn và do đó, khả năng tốt nghiệp cũng thấp hơn, điều này khiến mức lương của họ khi ra trường bị giảm xuống.

Mọi người thường mắc sai lầm gì về chương trình nâng đỡ thiểu số?

Nhiều người cho rằng chương trình nâng đỡ thiểu số đóng một vai trò lớn hơn trong các quyết định tuyển sinh so với thực tế. Một số lo lắng rằng chính sách này khiến các trường cao đẳng, đại học, phải nhận những sinh viên không đáp ứng được các nhu cầu, tiêu chuẩn về học tập của trường. “Lý thuyết về sự không phù hợp” (hay còn gọi là lý thuyết về sự bất tương xứng), đôi khi như chính cái tên của nó, đã không được chứng minh là đúng.

Nghiên cứu cho thấy rằng sinh viên gốc Da Đen được nhận vào học với sự giúp đỡ từ chương trình nâng đỡ thiểu số có nhiều khả năng tiếp tục theo đuổi bằng cấp cao hơn so với những sinh viên gốc Da Đen có thành tích học tập tương tự nhưng không nhận được sự giúp đỡ từ chương trình nâng đỡ thiểu số.

Và lệnh cấm năm 1998 của California đã khiến số lượng sinh viên gốc Da Đen và gốc Tây Ban Nha ở tiểu bang California đạt được bằng STEM ít hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với những người có sự chuẩn bị yếu hơn – có nghĩa là, những người được cho là phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi “sự không phù hợp.”

Mọi thứ sẽ thay đổi như thế nào nếu chính sách nâng đỡ thiểu số không còn nữa?

Dựa trên những gì đã xảy ra ở các tiểu bang đã cấm chính sách nâng đỡ thiểu số, sẽ có sự sụt giảm mạnh về số lượng sinh viên gốc Da Đen, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa tại các trường chọn lọc sinh viên, đặc biệt là những trường “kén” nhất.

Sinh viên vào học tại các trường ít “kén” hơn cũng sẽ ít có khả năng tốt nghiệp hơn. Đó là bởi vì các trường có thứ hạng thấp hơn thì thường nhận được ít nguồn lực hơn để hỗ trợ cho sinh viên, và kết quả là sinh viên những trường này có sẽ có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn.

Việc chấm dứt chính sách nâng đỡ thiểu số sẽ khiến cho mục tiêu tăng tỷ lệ chuyên gia và lãnh đạo là người thuộc cộng đồng thiểu số trở nên khó khăn hơn. Do chính sách nâng đỡ thiểu số làm tăng số lượng sinh viên Da Đen tốt nghiệp đại học và từ đó làm tăng số lượng các chuyên gia có bằng cấp cao là người gốc Da Đen.

Nếu thực sự xảy ra, thì một bước lùi như vậy sẽ xảy ra vào cái lúc mà nhiều tổ chức và công ty đang cam kết ủng hộ công bằng về chủng tộc và nỗ lực gia tăng sự đa dạng trong đội ngũ nhân viên cũng như ban quản trị.

Bài học chính là gì?

Nhìn chung, theo giáo sư Natasha Warikoo thì việc tuyển sinh không nên tập trung vào việc ai sẽ được nhận vào học, mà nên suy xét về những gì họ sẽ làm khi ra trường. Điều này đòi hỏi người ta ít quan tâm đến thành tích cá nhân – mà chú trọng nhiều hơn vào sứ mệnh cao lớn của đại học. Sứ mệnh đó bao gồm việc “trải đường” cho mọi người, từ nhiều thành phần dân tộc và chủng tộc khác nhau, cùng tiến lên đóng góp cho xã hội. Và chính sách nâng đỡ thiểu số là một công cụ để lát những viên gạch cho con đường đó.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.