Hôm nay,  

Nhà Văn Huy Phương Ra Mắt Hai Tuyển Tập Tạp Ghi “Nước Non Ngàn Dặm” và “Quê Hương Khuất Bóng”

13/07/201714:19:00(Xem: 6377)
HP 1 Huy Phuong tang ruou Dinh Sinh Long
Từ trái: Bác Sĩ Trần Việt Cường, Huy Phương, MC Đinh Sinh Long, Đinh Quang Anh Thái.

Westminster (Bình Sa) - - Tại hội trường Nhật Báo Người Việt vào lúc lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật ngày 9 tháng Bảy năm 2017 Nhà Văn Huy Phương đã tổ chức buổi giới thiệu hai tác phẩm mới “Nước Non Nghìn Dặm” và “Quê Hương Khuất Bóng,” là hai tác phẩm tạp ghi thứ 9 và 10 của nhà văn Huy Phương.
Mặc dù một buổi chiều Chủ Nhật rất bận rộn với nhiều sinh hoạt tại Nam California nhưng số người tham dự rất đông, trong số có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, một số qúy vị nhân sĩ, Giáo Sư, các cựu học sinh, các bạn tù và đồng hương thân hữu.
Điều hợp chương trình do MC. Đinh Sinh Long, mở đầu cho buổi giới thiệu hai tác phẩm, ông Đinh Sinh Long, thay mặt ban tổ chức ngỏ lời chào mừng và cảm ơn đến toàn thể tham dự, sau đó ông giới thiệu tóm lượt về Nhà văn Huy Phương, ông cho biết: cây bút Huy Phương rất sâu sắc, tế nhị, can đảm, hiếm hoi, và ông nhắc lại câu nói mà những người giới thiệu về tạp ghi trước đây đã nói: “Huy Phương là người viết tạp ghi hay nhất trong làng báo hải ngoại, có nhiều độc giả yêu thích.”
Nhà văn Huy Phương xuất thân là nhà giáo, dạy học tại trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, động viên khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông từng tốt nghiệp khóa sĩ quan báo chí tại Hoa Kỳ, là biên tập viên báo chí và phát thanh, phụ trách tòa soạn báo Chiến Sĩ Cộng Hòa và Tiên Phong của Quân Lực VNCH. Ông cũng từng giữ chức vụ Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chính Huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau 1975, ông bị 7 năm lao tù cộng sản. Ông đến Hoa Kỳ năm 1990. và hiện cư ngụ tại Nam California.
Tiếp theo nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm.

HP_trong hoi truong
Trong buổi ra mắt sách.


Sau đó ông Đinh Sinh Long xin mọi người cho một tràng pháo tay thật lớn thay phần giới thiệu để cùng chào đón nhau trong buổi ra mắt sách.
Mở đầu ông giới thiệu Diễn giả Phan Tấn Hải -- một nhà văn, và là nhà báo, nhà nghiên cứu Phật Giáo -- lên nói về hai tác phẩm “Nước Non Ngàn Dặm” và “Quê Hương Khuất Bóng.”
Bài nói chuyện của ông Phan Tấn Hải trích như sau:
“Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn nhà văn Huy Phương đã mời tôi nói chuyện về hai tuyển tập -- Nước Non Nghìn Dặm, và Quê Hương Khuất Bóng. Cùng lúc, xin cảm ơn quý vị tham dự trong buổi ra mắt sách này.
Bản thân Huy Phương có một cuộc đời rất điển hình cho lịch sử quê nhà nhiều thập niên vừa qua. Nhà giáo, nhà binh, nhà thơ, nhà văn, người tù… và rồi một người lưu vong biệt xứ. Những gì Huy Phương viết lên đều trong bối cảnh đó, qua những lăng kính như thế. Và do vậy, tất cả những người nơi đây, đều có thể nhìn thấy một phần mảng đời của mình trong văn Huy Phương.
Phận đời mỗi người chỉ là những cá nhân, đau đớn cũng ghìm nén được. Đáng nói mới là phận đời của cả dân tộc, vì đó là 90 triệu dân, những người mang cả quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Huy Phương đã viết rất xuất sắc về đồng bào mình, từ quê người cho tới quê nhà.
Giọng văn Huy Phương trầm tỉnh trong phong thái nhà giáo một thời, nhưng độc giả cũng có thể nhận ra giữa những hàng chữ là nỗi đau khi thấy quê nhà tan tác... Huy Phương là một trong rất ít nhà văn giữ được lực viết mạnh, viết liên tục, và vẫn viết rất hay trong tác phẩm thứ 12 hay nhiều hơn của ông – cả trong các thể văn như truyện, thơ, bút ký, tạp ghi…
Tôi từng tự hỏi, làm thế nào Huy Phương có thể viết hay như thế, có thể làm xúc động lòng người như thế. Chỉ có một câu trả lời ngắn gọn: Huy Phương đã nhìn thấu suốt cõi tâm tư của đồng bào mình.
Không chỉ viết, không chỉ kể chuyện, không chỉ đưa ra những suy nghĩ riêng, từng trang viết của Huy Phương mang theo các nỗi buồn sâu thẳm.
Điển hình như nhan đề sách. Chúng ta thử đọc xem: “Nước Non Nghìn Dặm” và rồi "Quê Hương Khuất Bóng."
Đó là những nhan đề sách rất là buồn, cực kỳ buồn… vì hình ảnh "khuất bóng" là một cách dùng chữ vừa tượng hình, vừa ẩn dụ. Và rồi, như tất cả những người đã say mê đọc Huy Phương, tôi lần này xác tín thêm một bậc rằng: có một con số không rời nổi tâm hồn anh. Đúng là nhà văn Huy Phương đã hít thở, đã ăn ngủ, đã vật vã với con số này: 1975.
Tôi tin rằng, thẻ ngân hàng của Huy Phương chắc chắn dùng mã số 4 mẫu tự "1975"… Không những thế, password dùng trên các email của Huy Phương chắc chắn cũng có con số này lồng vào bên trong. Nếu bạn tình cờ nhặt được những gì gọi là bí ẩn của Huy Phương và cần bẻ khóa mã số, xin hãy thử bằng con số "1975" trước nhất.

HP 1 nhom 5 ca si
Trong buổi ra mắt sách.


Chính nhà văn Huy Phương cũng tự nhìn nhận về nỗi đau đớn 1975 như thế, qua bài "Nhớ nhớ, quên quên!" in trong tập QHKB, trang 90-93, trích:
"...từ khi bỏ nước ra đi, chúng ta có bao nhiêu truyện ký, viết về chuyện nước non, chuyện đời mình, cũng có những chuyện được phổ biến rộng rãi, nhưng cũng có những tác phẩm được xếp kín trong tủ sách của riêng mình, như một tâm sự giấu kín, ấp ủ cho hết một đời người. Người mất trí nhớ không còn cảm thấy khổ đau nhưng bất hạnh thay cho những kẻ muốn quên mà không quên được.
Chuyện khó quên nhất là chuyện quê hương đất nước. Có tắt TV, không vào Internet, không mở radio, cũng nghe chuyện bên nhà. Nói như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, gặp nhau nơi quê người, những người xa xứ 20 năm, 40 năm, không lẽ chỉ có một chuyện khoe nhà, khoe con, trong khi quê hương có bao nhiêu chuyện nặng lòng. Có câu chuyện, đọc một lần, có những bản tin chỉ mới nghe qua, đã hằn sâu trong tâm khảm, như vết chém xuống, không tài nào trở thành vết sẹo trong chốc lát. Có những hình ảnh in đậm trong trí nhớ, mỗi đêm trở giấc, không tài nào ngủ lại được.
Đó không phải là những chuyện qua đường, hay câu chuyện thị phi nhà hàng xóm mà chính là chuyện của chính chúng ta, là đau đớn, trăn trở xót xa từ tận đáy lòng, muốn xua đuổi, muốn quên đi mà quên không được." (ngưng trích)
Nỗi nhớ, nỗi đau đớn, nỗi trăn trở… khởi đi từ năm 1975, khi Miền Nam thua trận. Nhà văn Huy Phương, trong cương vị của một kẻ sĩ bên thua trận, đã nhìn lại quê nhà sau 4 thập niên – với bản thân ông cũng là sau nhiều năm tù cải tạo và rồi nhiều năm lưu vong tới bây giờ, qua bài tựa đề "Tháng Tư, thắng và thua" (QHKB, trang 216-219), trích:
"...Chúng ta giải thích thế nào về sự thắng bại khi đã để cho hàng nghìn đồng bào ruột thịt của mình vì quá sợ hãi cộng sản đã bỏ mình khi trốn chạy chế độ này từ cuối Tháng Ba 1975 cho đến ngày tàn cuộc, và còn mãi mãi sau đó trong rừng sâu, ngoài biển cả, mà miền Nam, không có gia đình nào không âm thầm vấn những mảnh khăn tang, nuốt những dòng lệ vào lòng, xóa gạch tên người thân trong tờ hộ khẩu với hàng chữ: "Vắng mặt không lý do!" Những người lính luận về thắng bại thế nào khi đã không bảo vệ được cho đồng bào ruột thịt mình lúc giặc vào nhà, để cho chiến hữu, đồng đội của mình bị trả thù, tàn sát; bị lùa vào các trại tập trung, lao động khổ sai, bỏ mình nơi chốn rừng thiêng, nước độc. Những người có trách nhiệm luận thế nào về chuyện thắng thua, khi để lại một miền Nam cho những kẻ gian tà, độc ác khiến cho ngày nay, nhân tâm ly tán, đạo lý suy đồi…”(ngưng trích)
Nhìn về phận đời các thế hệ trẻ, những người được hiểu là tương lai của dân tộc – trong đó nổi bật là hiện tượng các thiếu nữ Miền Tây lũ lượt tìm đường lên tỉnh, lên thành và rồi tìm đường để đi Đài Loan, Nam Hàn… trong khi thanh niên rủ nhau đix uất khẩu lao động… nhà văn Huy Phương kể qua bài "Bước đường cùng" (QHKB, trang 55-60):
"...Cũng không nghe ai nói, trước Tháng Tư, 1975, con gái miền Tây toàn là dân đi bán bar, làm sở Mỹ hay làm điếm hay đi lấy chồng Đài Loan. Điều gì đã biến đổi đất nước nói chung và con gái miền Tây lâm thảm cảnh này.
Có quý vị trí thức nào bỏ ra chút thời giờ để nghiên cứu xem xứ nào đàn ông Việt Nam đầu quân đi bán sức lao động xứ người, và vì sao Nghệ Tĩnh và Quảng Bình lại lắm người bỏ ruộng bỏ vườn "đăng ký" đi làm thuê để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Không lẽ quý vị lại đổ tội cho chây lười, ít học hay chối bỏ quê hương nghèo khổ, truyền thống của mảnh đất này là thích đi làm "bồi," hay sợ phạm đến mảnh đất "thiêng" mà không dám nói."(ngưng trích)


Và rồi nhìn thấy từ lớn tới nhỏ đều xoay vần trong nghiệp "chôm chỉa," nhà văn Huy Phương ghi lại qua bài viết "Bán danh...ba đồng!" (QHKB, trang 70-73), trích:
"...Thằng nhỏ làm công nhân, buổi sáng đem một lon nhôm đựng cơm trưa, buổi chiều về nhét đầy một lon xi măng, đinh sắt. Thằng lớn tổng giám đốc ăn theo chức tổng, thằng thủ kho kiếm chác theo thủ kho, thằng bảo vệ sống nhờ mánh mung bảo vệ. Ăn cắp để bảo vệ chức vụ và nghề nghiệp của mình và trong xã hội ấy nhân phẩm được cân đo bằng tiền. Cán bộ làm giàu nhờ ăn cắp của công, toa rập với bọn tài phiệt nước ngoài cướp đất của dân, từ trên xuống dưới, phủ bênh huyện, huyện bênh phủ, tạo nên một mạng lưới ăn cắp từ trên xuống dưới. Mấy năm gần đây, cán bộ, viên chức nhà nước dính líu đến các vụ buôn lậu, bán visa, ăn cắp hàng trong các siêu thị, có đường dây tổ chức trong nước càng ngày càng nhiều, đến nỗi khuôn mặt Việt Nam trở nên lem luốc. Tình trạng người Việt ăn cắp không một nơi nào mà không có: trong công ty, ở công sở, nơi công cộng, siêu thị, chợ búa, địa điểm du lịch... không những trong nước mà còn ra nước ngoài để bêu riếu thanh danh Việt Nam đến đỗi ở nơi đông người, các quốc gia Nhật, Thái lan, Hàn phải trưng bảng thông báo đề phòng và cảnh cáo dân Việt...ăn cắp.
Có lúc nào mà dưới mắt thế giới, người Việt bị sỉ nhục đến như thế!..."(ngưng trích)
Trong khi đó, tuyển tập “Nước Non Nghìn Dặm” có thể gọi là những nỗi buồn bất tận.
Đó là những trang giấy rất buồn… Đó cũng là những dòng văn rất đẹp, viết từ một người đã trải qua những chặng đường cực kỳ gian nan của lịch sử quê nhà, một chiến binh may mắn sống sót sau một cuộc chiến mà tác giả gọi là “Ván cờ dở cuộc” (trang 236, tuyển tập Nước Non Nghìn Dặm, tác giả Huy Phương)… và rồi qua nhiều năm tù cải tạo trong một không gian “Tháng tư… thù hận” (trang 81) nơi ông chứng kiến và nhiều sĩ quan tình báo VNCH bị cai tù CS ám sát… và rồi tới “Cuộc tháo chạy khỏi quê hương” (trang 230)…
Tuy viết từ một giọng văn rất buồn, tuyển tập tạp bút “Nước Non Nghìn Dặm” của Huy Phương vẫn nồng thắm tình yêu thương con người và quê hương, đầy sức mạnh thu hút sự chú ý của người đọc.
Tôi là người đọc nhiều thể loại văn hàng ngày, đọc với rất nhiều thói quen của một người đọc tin và dịch tin hàng ngày, và rồi khi đọc “Nước Non Nghìn Dặm” đã nhận ra rằng, đây là những dòng chữ nói lên lòng mình: Huy Phương đã ẩn mình sau trang giấy để kể chuyện quê nhà thời hậu chiến, và không thể thoát ra những nỗi buồn như thế. Văn chương của Huy Phương hay và quyến rũ tới mức, tôi có cảm giác rằng khi mình buông tay rời cuốn sách ra, nước mắt có thể đang chảy ràn rụa.
Văn của Huy Phương đúng là những trang giấy rất buồn… nhưng đó là những sự thật trần trụi ở quê nhà.
Nơi đây, tôi xin phép trích dẫn nhận định từ một số người cầm bút.
Trước tiên, khi kể về một phần quá khứ, nhà văn Tam Giang Hoàng Đình Báu kể lại trong một bài viết trong năm 2015, sau khi thăm bệnh Huy Phương, trích:
“Chúng tôi là bạn tù từ sau ngày 30-4-1975. Đầu tiên gặp nhau ở trại tù Suối Máu (Biên Hòa), một năm sau đó tàu Sông Hương đưa chúng tôi ra miền Bắc. Tàu cập bến Hải Phòng và Huy Phương và người bạn tù Hoàng Liên Sơn Trần Hữu Khánh chúng tôi được tống lên xe motolova đến trại tù Hoàng Liên Sơn sát biên giới Trung Cộng. Đây là trại tù đầu tiên của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa đón nhận các Quân Cán Chính VNCH đi “cải tạo” giống như ở Liên Sô thời Stalin đưa các nạn nhân của chế độ lên vùng Tây Bá Lợi Á. Trại Hoàng Liên Sơn là Địa Ngục mà cộng sản Việt Nam dành để lưu đầy, trả thù những những Quân, Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa yêu đồng bào, bảo vệ tổ quốc. Chúng tôi bị đẩy vào con đường lao động khổ sai để rồi đói, lạnh, bệnh tật và chết nơi đây.”(ngưng trích)
Và rồi khi người tù trở thành người lưu vong biệt xứ, chỉ còn những trang giấy là nơi để ông nói chuyện được với đồng bào. Nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa khi giới thiệu tập "Quê Nhà, Quê Người" của Huy Phương trong năm 2011 đã ghi nhận, trích:
"…Ông viết như người gánh vác nỗi trầm luân của người khác. Không phải là đứa con trai duy nhất của Đức Hùng Vương, mà có lẽ cũng chẳng bị Tổ Quốc đòi nợ, ông viết trong tinh thần làm tròn bổn phận của con dân và để duy trì được cái Việt tính cao quý mà thật ra rất mơ hồ của dân tộc.
Chúng ta có thể gọi đấy là cái nghiệp. Chúng tôi xin gọi đây là cái duyên, cho chúng ta.
Chỉ vì giữa trăm ngàn câu hỏi lớn nhỏ hàng ngày về cách sống và suy nghĩ trong một môi trường hết còn là Việt Nam, Huy Phương vẫn điềm đạm, bền bỉ và duyên dáng nói về cách hành xử ông cho là thích hợp nhất, suy từ chuyện xưa qua chuyện nay, chuyện quê nhà và quê người."(ngưng trích)…
Nếu phải nói ngắn gọn, có thể ghi nhận rằng những dòng chữ của Huy Phương là những gì ông trang trọng gửi tới đồng bào mình, những dòng chữ rất chân tình, rất đẹp và rất hiếm hoi.
Xin cảm ơn tất cả quý vị đã lắng nghe....(hết bài nói chuyện)

HP 3 tang hoa cac ca si
Trong buổi ra mắt sách.


Trong khi đó, diễn giả nhà báo Đinh Quang Anh Thái nêu cảm nghĩ: “Ở hải ngoại nhiều người cầm bút viết về quê nhà, hiếm có người như Huy Phương. Chúng ta đọc những bài viết của ông, trong những tựa đề đều thấy những chữ quê nhà, lạnh lùng, quê người, xót xa, ngậm ngùi, Tháng Tư,… Ông sống mà vẫn khắc khoải nhớ về quê nhà, quê hương luôn canh cánh bên lòng!”
“Ông viết để chống cái ác ở Việt Nam hiện nay, nhưng cũng ngòi bút ấy ông viết để tìm cái thiện trong lòng người, như khi nói về người bán vé số rất nghèo khổ đã trả lại cái iphone 6 khi nhặt được. Điều đó chứng tỏ cái thiện là mầm mống đang nẩy nở trên đất nước. Ông chống cái ác hôm nay nhưng vẫn cổ súy cái thiện để hy vọng cái thiện sẽ tiếp tục nảy nở trong những thế hệ sắp tới, để có một ngày chúng ta được khôi phục.”
Nhận xét về cung cách ứng xử và ý tưởng của Huy Phương, nhà báo Đinh Quang Anh Thái cũng chân tình khi cho rằng: “Đọc văn ông, sẽ thấy cung cách của một nhà giáo, chọn chữ nghĩa khi viết rất cẩn thận, khiến chữ nghĩa trở nên ‘tử tế’ hơn. Ai đã từng gặp một ông già tóc bạc, đi đứng chững chạc, ăn mặc hơi đỏm dáng, đó là cung cách của một nhà giáo, lúc nào cũng tỏ lòng tôn trọng người đối diện.”
Trong lời tâm tình, nhà văn Huy Phương ngậm ngùi tưởng nhớ hai người bạn thân đã ra đi, đó là nhà văn Bùi Bảo Trúc và bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. Ông nói “đã qua tuổi 80 nên còn sống được thì phải làm hối hả đi, để khỏi phải hối hận khi nằm xuống.”
Ông nói, “Được đón tiếp mọi người đến đây trong không khí ấm áp tình thân của những bạn tù, bạn học, bạn văn chương là điều an ủi lớn. Không biết ngày mai sẽ ra sao, những gì san sẻ trong những cuốn sách, nay được hai diễn giả nói hết rồi, và Đinh Sinh Long đã hòa điệu hai tác phẩm ra mắt hôm nay với chương trình văn nghệ.”
“Trong chiều hôm nay, chúng ta đã trải qua những nỗi ám ảnh về quê hương, về những gì đã mất, xin cảm ơn mọi người đã đến chia sẻ, thật là niềm an ủi. Trong hai tác phẩm này chính là tâm trạng của một người đã bỏ quê hương, tạp ghi là những mãnh vụn được ráp lại để thấy cái toàn cảnh của quê hương, đó là tấm lòng của chúng ta nghĩ về quê nhà,” nhà văn Huy Phương chia sẻ.
Trong phần tâm tình của mình, Giáo Sư Dương Ngọc Sum cho biết ông là bạn học với nhà văn Huy Phương ở trường Sư Phạm từ năm 1955. Hai người có hai khuynh hướng khác biệt nhau, ông thích thể thao, thành lập những đội bóng chuyền, bóng bàn, hàng ngày cứ đổ mồ hôi trên sân bóng. Còn Huy Phương lại chạy theo văn nghệ, với cây đàn guitar.
“Với những khuynh hướng đầu tiên đó, từ trường học đã đưa hai người theo hai ngã rẽ cuộc đời, một là ngành giáo dục mà ông theo đuổi cho tới ngày mất nước. Còn Huy Phương lại phát triển theo hướng văn học nghệ thuật, mà khi tỉnh ngộ tôi muốn bắt chước mà không được,”
Xen lẫn chương trình có phần văn nghệ qua những bản tình ca của các anh chị em văn nghä thân hữu trong số có ca sĩ Kim Cúc, Quỳnh Hương, Tường Vân, Minh Châu, Ngọc Diệp, và Bác Sĩ Trần Việt Cường.
Đồng hương thân hữu muốn có sách của Nhà văn Huy Phương xin liên lạc về: (949) 241-0488.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào trưa ngày 29 tháng 3 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc có buổi họp báo, với chủ đề có liên quan đến căn bệnh Alzheimer trong cộng đồng sắc tộc
EMS đã có buổi họp báo nhằm vinh danh những nhà lãnh đạo tổ chức cộng đồng, vừa vinh dự nhận giải thưởng James Irvine Foundation Leadership Award năm 2024.
Vào lúc 11 giờ 30 trưa chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024 trước khu Thương Xá Phước Lộc Thọ, Thành phố Westminster, kể từ nay hằng ngày lá Cờ Việt Nam Cộng Hòa sẽ tung bay cùng lá cờ Hoa Kỳ, trong một buổi lễ khánh thành trụ cờ và Thượng Kỳ được long trọng tổ chức trước sự vui mừng trong niềm xúc động của hàng trăm đồng hương và các cựu quân nhân QL/VNCH.
Tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, Nam California vào tối Chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024, Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới (THPTVTTG) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 32 năm thành lập và kết thúc đại hội Quốc Tế Võ Thuật 2024. Khoảng 400 quý vị Chưởng Môn, Võ Sư, Võ sinh thuộc các môn phái từ khắp nơi trên thế giới về tham dự
Hôm nay, Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel (Đảng Cộng Hòa-CA) trong tuần qua đã thúc giục Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn
Dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy những người thợ móng tay—chủ yếu là phụ nữ Việt Nam, dân nhập cư và tị nạn—đang bị trả lương quá thấp dưới mức tối thiểu và bị xếp loại nghề nghiệp sai chỗ tràn lan, điều này làm suy yếu khả năng bảo vệ quyền lợi lao động của họ tại nơi làm việc. Ngoài ra, chủ tiệm—phần lớn điều hành các tiệm nail gia đình nhỏ lẻ—không nhận được giải trình về luật lao động hợp với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Những kết quả báo cáo đã ghi trong dự luật AB 2444, một dự luật mới được Dân biểu Tiểu bang California Alex Lee (AD 24) đệ trình vào ngày 13 tháng 2 năm 2024 để thực thi các yêu cầu về giáo dục trong ngôn ngữ và tinh tế trong văn hóa cho thợ và chủ tiệm nail.
Vừa đúng thời điểm mọi người nghỉ kỳ Spring Break vào Tháng Ba này, một trong những quần thể hồ tắm phong thái resort rộng nhất tại một trong những cơ sở resort/casino lớn nhất trong nước sẽ mở cửa đón tiếp mùa vui đùa trong nước vào Thứ Hai, 11 Tháng Ba. Năm nay, khách vui chơi hồ tắm mọi nơi đều sẽ có thể tới tận hưởng môi trường như-một-ốc-đảo của The Cove, với diện tích rộng bằng năm sân football. Ban Quản Lý khu The Cove của Pechanga Resort Casino thực hiện thẻ dùng trong ngày cho những vị khách không-thuê-phòng-khách sạn và để những vị này được thuê 'lều - cabana' cùng 'giường nằm - daybed'.
Đã quá lâu, việc dạy kèm và trợ giúp làm bài tập về nhà đã nằm ngoài tầm với của nhiều học sinh và gia đình ở California. Sự phân chia giữa những người có thể tiến lên trong xã hội và những người chỉ có thể mơ ước về điều đó thường dẫn đến một nền tảng giáo dục không bình đẳng cho học sinh. Nhằm đem quyền lợi và cơ hội bình đẳng cho học sinh, thư viện địa phương của quý vị hiện đang cung cấp miễn phí dịch vụ dạy kèm và hỗ trợ làm bài tập về nhà trực tuyến HelpNow cho học sinh California!
Khoảng đầu tháng 04 năm 2024, Hoà thượng GIỚI ĐỨC-MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH Sư Trưởng HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG HUẾ VIETNAM sẽ vân du hoằng hoá ở Hoa Kỳ và Thầy sẽ lưu trú tại miền nam California từ ngày 05 đến 12 tháng 04 nam 2024 Nhân dịp này, Thầy muốn gặp gỡ những vị thiện hữu tri thức, quý phật tử hữu duyên
Một ngày mới bắt đầu với nhiều hoài ước thật đơn sơ mong sao mình và tất cả mọi người có những giây phút thật thảnh thơi an lành trong từng tâm niệm, lời nói và hành động thật nhẹ nhàng bình an, để cho một ngày sống có tràn đầy ý nghĩa, tuy đơn sơ và dễ dàng nhưng cũng không phải dễ như mình nói hay suy nghĩ đâu bạn nhé!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.