Hôm nay,  

Truyện Ngắn Khánh Trường Lưu Hành Toàn Cầu ở Amazon

08/10/201600:02:00(Xem: 4543)
blank
Bìa sách Truyện Ngắn Khánh Trường

Họa sĩ hay nhà văn? Hay nhà thơ, hay nhà báo? Khánh Trường đã xuất hiện trong nhiều vai trò, và ở cương vị nào cũng xuất sắc. Người ta có thể nhớ tới Khánh Trường từng xông xáo ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật… và rồi anh ẩn mình nhiều năm vì bệnh.

Và bây giờ, anh mới ấn hành 2 tuyển tập truyện ngắn -- Truyện Ngắn Khánh Trường, tập 1 và tập 2 – đã phát hành toàn cầu trên mạng Amazon. Tổng cộng 2 tập dày hơn 1050 trang.

Văn của Khánh Trường đúng ra là đa diện, tôi đã đọc rất nhiều. Nhưng lần này đọc lại, vẫn là nét tươi mới, sắc nét, lãng mạn và cũng đầm đìa thịt da sa ngã, như khi KT kể về cơn dậy thì xôn xao của một thiếu nữ trong một truyện ngắn nổi tiếng là “Chỗ tiếp giáp với cánh đồng” (Truyện Ngắn Khánh TRường, tập 2, trang 155-177).

Xin mời bạn đọc lại, để thấy làn da cũng xôn xao:

“…Ba tháng, kể từ ngày dọn về chỗ ở mới, tôi gần như không bước ra khỏi nhà. Thú vui duy nhất của tôi hiện giờ là ngồi đây, có khi từ sáng tinh mơ đến chiều, nhìn ra khu công viên, theo dõi từng cặp tình nhân, thả hồn theo mọi hành động của họ và mơ mộng. Tôi đang dùng chữ ”mơ mộng”. Đúng không? nếu gọi những điều nẩy ra trong đầu tôi suốt nhiều tháng nay là ”mơ mộng” thì kể cũng tội nghiệp cho ngôn ngữ loài người. Mơ mộng, một đứa con gái đang tuổi dậy thì, đã phát triển đầy đủ, có những đòi hỏi mãnh liệt của xác thịt, từ đó vẽ ra trong đầu bao nhiêu ảnh tượng tình ái đắm say, những ảnh tượng rất gần với cuộc đời thường nhưng cũng vô vàn lãng mạn, những ảnh tượng gắn liền cùng tiếng cười trong vắt thủy tinh, với cỏ, với hoa, với khoảng trời xanh lồng lộng, với suối nguồn vi diệu róc rách, với tóc thơm môi ngọt gọi mời… Còn tôi, tôi vẽ ra cái gì trong đầu? Sự đòi hỏi mù tối của thân xác trộn lẫn với niềm căm thù sâu sắc?”(hết trích)

Khánh Trường sinh năm 1948, tên thật là Nguyễn Khánh Trường. Có nhiều bút hiệu khác: Kim Thi, Nguyễn Thị Giáng Châu. Chủ biên, Chủ nhiệm sáng lập tạp chí Hợp Lưu… Đó là những gì trong trí nhớ của tôi, mỗi khi tới thăm ông bạn họa sĩ và là nhà văn, nhà thơ, nhà báo đa tài và lắm nghiệp này.

Đôi khi, tôi nhìn lại nhiều kỷ niệm, từ những ngày chưa ra báo Hợp Lưu, cho tới những ngày Khánh Trường xông xáo giữa những trận mưa đá đời thường, kể cả mưa đá văn nghệ. Tôi chỉ là bóng mờ trong toàn cảnh đó. Bây giờ cũng thế, tôi luôn luôn là người ẩn hình đi giữa những trang thơ, truyện, giữa những chồng sách biên khảo, nghiên cứu và giữa những ngây ngất đời thường – vì chỉ thấy mình còn được hít thở, còn đi đứng nằm ngồi, còn nói cười… là lòng lúc nào cũng vui như mở hội.

Nhưng Khánh Trường là mặt trái nghịch, chàng luôn luôn là người đi trước, luôn luôn chìa mặt ra nhìn ngó, luôn luôn ồn ào nói cười trong mọi hoàn cảnh, luôn luôn gánh vác những việc nặng nhọc… và thế đó, cũng là những dòng văn của chàng, luôn luôn dậy lên những sóng gió tranh luận.


Nhà phê bình Thụy Khuê nhận xét về Khánh Trường (in lại ở TNKT, tập 1, trang 351-358), trích:

“Rồi một ngày nào đó, người ta sẽ phải làm công việc tổng kết những tác phẩm viết về cuộc chiến hai mươi năm, sẽ tìm thấy những khác biệt sâu xa giữa những ngòi bút Bắc-Nam, hải ngoại-trong nước về cùng một đề tài. Biết đâu từ những khác biệt ấy, người ta có thể lần hồi vẽ lại được một thứ chân dung chiến tranh gần với sự thực hơn, gần với con người hơn những tấm bích chương phóng đại, tô màu, đã từng được dán trên tường, trên đường, khắp nơi, thời bình cũng như thời chiến.

Khánh Trường là một trong những tác giả mà người đọc sẽ có ngày tìm đến, khi muốn tái nhận bộ mặt chiến tranh, tìm hiểu những lũy tích đạn bom trên cơ thể và tâm linh những người sống sót....

... Khánh Trường là một tác giả cần dán nhãn hiệu cấm trẻ em dưới mười tám tuổi. Có những khốc bạo thái quá. Có những sex sỗ sàng. Có những triết lý dài dòng không cần thiết.

Nhưng nếu muốn thám hiểm bộ mặt thực của chiến tranh, thì không thể bỏ qua tác phẩm của Khánh Trường. Bạo lực hóa thân thành những chân rết ung thư khuẩn độc môi trường và đầu độc hạnh phúc.

Khánh Trường không muốn nhìn rõ biên giới giữa hai cực thiện ác, đạo đức và vô luân, nhân tính và thú tính. Ở mỗi hy sinh cho cuộc chiến đôi bên, người ta đọc diễn văn, cài huân chương, phủ poncho, phủ cờ. Tuyên trạng. Đứng sau bàn thờ tổ quốc, Khánh Trường táy máy gỡ micro giật cờ, lật poncho để lộ những nét phế tàn hùng hãi trên thân thể những tử thi nằm trong mồ liệt sĩ dưới đài hoa chiến thắng.”(ngưng trích)

Nhưng rồi cũng tới lúc Khánh Trường ngồi lắng tâm, tịch lặng, nhìn lại cõi tinh khiết của tâm mình, và rồi cầm cọ vẽ lại cõi tịch lặng đó. Thời điểm đó, họa sĩ Đinh Cường ghi nhận trong bài viết tựa đề “Khánh Trường, Sức Mạnh Của Im Lặng” in lại ở TNKT tập 2, trang 525-529, trích:

“Xem qua 30 bức tranh trên internet không bằng đứng truớc những tấm toile nhưng sự xúc động đã đến với tôi, tôi bắt gặp ở đó sự chân thật của xúc cảm và sáng tạo, vẫn Khánh Trường với màu xanh trong mênh mông, vẫn vầng trăng, núi đồi, vẫn tĩnh vật mấy quả táo, vẫn chiếc khăn phơi, vẫn những kỷ niệm từ một thời niên thiếu bên triền cát trắng, đến thời thanh niên với những lần hành quân qua Khe Sanh miền địa đầu giới tuyến trùng điệp núi rừng, bom đạn … để bây giờ là Bầu Rượu Bể, là Tịch Lặng, là Khổ Hải, là Vô Thường … để đi đến Hành Trình Giác Ngộ như trong Thập Mục Ngưu Đồ …Khánh Trường đã thỏng tay vào chợ, chỉ còn một vòng trống không …người trâu đều quên.Và thật sự Khánh Trường, người họa sĩ tài hoa, nhiều nghị lực ấy đã quên chưa Nghiệp Chướng...”(ngưng trích)

Hai tập Truyện Ngắn Khánh Trường có thể tìm mua ở Amazon.com, xin mời gõ chữ “truyen ngan khanh truong”…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.