Hôm nay,  

Nét Yêu Thương: SAP-VN Cho Em Niềm Hy Vọng 12

15/10/201400:00:00(Xem: 2314)

Từ “Hành Trình Yêu Thương”

Chuyến phục vụ y tế lưu động mùa hè 2014 của SAP-VN đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mọi người, không chỉ những đồng bào được phục vụ, mà nhất là trong lòng các thiện nguyện viên, như ba mẹ con Chị Ánh Nguyệt. Chị gọi chuyến đi ấy là “Hành Trình Yêu Thương.”

Chị Ánh Nguyệt nhớ lại những cảm xúc thơ mộng và “rất Huế” trong những phút vừa đặt chân xuống phi trường Phú Bài, “Cũng như một số tỉnh thành khác của VN, đường phố của Huế cũng nhỏ bé, trong nội ô và nhất là gần một khu chợ cũng đông đúc, tấp nập. Tuy nhiên, không biết có phải tại mình giàu trí tưởng tượng khi thấy tuy tấp nập nhưng mọi người vẫn có phong thái rất nhẹ nhàng, khoan thai chứ không hề mang vẻ vội vã như Saigon. Nói chung là một phong thái… rất Huế!”

Nhưng vừa về đến khách sạn là mọi người chuẩn bị ngay cho công việc. Chị Ánh Nguyệt nói, “Phòng họp trở nên chộn rộn. Mỗi ngành đều tự đi tìm kiếm những thuốc men, dụng cụ của ngành mình để tính toán, chuẩn bị cho bốn ngày làm việc sắp tới. Mới nghe tưởng rất đơn giản nhưng có chứng kiến tận mắt mới thấy lượng công việc nhiều đến thế nào. Nào là thuốc men, dụng cụ y tế, thậm chí cả những chú thú nhồi bông được đưa về từ bên kia đại dương. Thứ nào cũng lên đến hàng chục thùng, làm mọi người ai cũng tất bật khiêng vác, chọn lựa, sắp xếp, công việc cứ như bất tận.”

Ngày khám bệnh đầu tiên, đoàn khởi hành lúc 6 giờ sáng để đến xã Hồng Hạ. Đường đèo miền Trung khó khi, nên như Chị Ánh Nguyệt kể, “sau gần hai tiếng đồng hồ vất vưởng đường trường, rốt cuộc đoàn xe cũng tới nơi, mừng cách chi là mừng. Càng lúc bệnh nhân kéo tới càng đông, người này gọi báo người khác, kể cả những người không được phát phiếu khám bệnh cũng rủ nhau tới ngồi chờ, hy vọng cuối buổi sẽ được… khám ké. Nắng mỗi lúc một lên cao, cái nắng, cái nóng hầm hập của miền Trung cũng không làm họ chùn bước. Nhìn những cụ già, em bé ngơ ngác, kiên nhẫn ngồi chờ giờ này qua giờ khác, sao lòng mình thấy nghèn nghẹn thế nào.”

Chị đặc biệt xúc động khi giúp cho các bệnh nhân nhi đồng, “Làm việc trong khâu khám nhi, thấy các bé thật dễ thương, xinh xắn, nhất là nụ cười của các bé mỗi khi được tặng thú nhồi bông, lòng mình thật vui. Thế nhưng khi được nghe mô tả những sự chăm sóc rất đơn giản và… ngộ nghĩnh, mới thấy thương các bé quá.”

blank
Nét yêu thương.

Những ngày sau đó, thì đoàn đến xã Sơn Thuỷ, xã Quảng Công, và xã Quảng Thọ. Mỗi nơi là một hoàn cảnh khó khăn khác, nhưng nơi nào, đoàn cũng làm việc hết mình để phục vụ những đồng bào không được chăm sóc y tế thường xuyên. Ngay cả trong ngày cuối, tuy cả đoàn đã mệt, nhưng Chị Ánh Nguyệt khẳng định, “…vẻ mệt mỏi ngày càng tỏ rõ trên các khuôn mặt nhưng ai cũng vẫn tươi cười. Mọi người vẫn hăng hái lên đường bằng sự nhiệt thành hệt mấy ngày trước.” Và khi công việc đã kết thúc, thì “bùi ngùi chia tay mọi người, ba mẹ con cũng ra phi trường chuẩn bị về lại Saigon, trong lòng sao đầy ắp những vui buồn, nghĩ suy. Năm ngày, chỉ năm ngày sao cho mình thật nhiều cung bậc cảm xúc. Nghĩ tới sự hy sinh của tất cả mọi người. Rời bỏ những công việc hàng ngày của những bác sỹ, dược sỹ, y tá…. thậm chí với những mức lương khá cao. Rời bỏ tạm thời gia đình, con cái để ra đi phục vụ cộng đồng. Mọi người đã bằng lòng bay nửa vòng trái đất để đến và chăm sóc người dân ở vùng nghèo nàn, hẻo lánh này.”

Đến Bút hoạ Châu Thuỵ
…Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già…

Hình ảnh ông đồ của Vũ Đình Liên thật thân thương, dung dị, gợi nhớ cả một khung trời văn hoá quê nhà. Nhưng có một anh đồ của thế kỷ hai mươi mốt tại hải ngoại, không chỉ đến vào những ngày Xuân, mà có mặt quanh năm suốt tháng. Có lẽ vì anh đồ này còn rất trẻ, và anh không vẽ thư pháp với những nét phượng múa rồng bay như ông đồ của Vũ Đình Liên, mà anh vẽ bút hoạ, vẽ cả hồn của chữ Việt.

Tên anh là nhà bút hoạ Châu Thuỵ. Vậy bút hoạ là gì, và khác với thư pháp như thế nào?

Anh đồ của chúng ta giải thích, “Bút hoạ chú trọng nghệ thuật - từ ý nghĩa sâu xa của mỗi chữ, mỗi câu để vẽ ra từ hình dáng sơ khởi của chữ viết đế sự hoàn tất của nét cuối cùng. Mỗi chữ, mỗi từ ngữ từ lúc thai nghén đến khi thành hình, phải trải qua một quá trình suy tư vận dụng kiến thức về những chữ hay từ ngữ đó là cả một công phu không chỉ tựa trên trực giác, không buông mặc một cách tự phát cho tiềm thức, mà đòi hỏi cả một công trình tìm tòi, nghiên cứu, suy luận, và chọn lọc.”

Các tác phẩm bút hoạ Châu Thuỵ, do vậy, chuyển tải không chỉ từ ngữ, mà cả những tâm tư, ý nghĩa lịch sử, và sự sáng tạo nghệ thuật của hoạ sĩ. Theo anh đồ, thì trường phái Bút Họa gồm bốn căn bản, “Thứ nhất, là Hình Thái Hiện Thực, nét bút thật đậm và rõ nét như diễn tả cái gì thật cực mạnh, kiên quyết, vững chắc và xác quyết trong khi những nét vẽ khác thì đòi hỏi nét vẽ thật nhẹ nhàng và đường nét chải chuốt gợi lên giác quan thật thanh lịch, tao nhã, nhẹ nhàng, tĩnh lặng và thư giãn. Thứ hai, là Hình Thái Trừu Tượng, gợi cho ta có cảm giác một hình bóng tương phản đã để lại cho người thưởng ngoạn. Ấn tượng thị giác được cấu tạo bởi những yếu tố nghệ thuật mà từ đó đã được lồng vào hình thể để được nổi bật một cách khéo léo nhờ vào phản ảnh của màu sắc.”

Bên cạnh đó, Hoạ sĩ Châu Thuỵ cho biết, “Thứ Ba, là Yếu Tố Nghệ Thuật, đem đến cho giới thưởng ngoạn một cảm xúc từ người họa sĩ đã được lồng vào tác phẩm. Trong đó, màu đen và màu trắng quyện vào nhau và tạo thành một màu xám thật tuyệt đẹp. Từ đó tác dụng của màu xám đánh mạnh vào chính cảm xúc của người xem những lối nhìn khác nhau từ cảm giác và trình độ thưởng ngoạn của mỗi người. Thứ tư là Hồn Chữ. Nói về hồn, một điều khó có thể nào giải thích được cảm xúc, khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, nhưng ở đây tạm bàn về hồn trong Bút Họa, khi nhận xét về Hồn, Hồn trong chữ là sự kết hợp giữa những gì mắt thấy, lòng mở ra và làm tâm rung động.”

Lấy ví dụ tác phẩm “Thuyền Nhân.” Hoạ sĩ Châu Thuỵ dẫn giải, “HỒN trong chữ tác phẩm Thuyền Nhân khi cảm nhận được những nỗi đau đớn, niềm tủi hổ, và sự khốn cùng của những người vượt biên. Thuyền nhân không còn ở vị trí như là một danh từ mà nó đã diễn tả lên một biến cố trong đó có hình ảnh của những cái chết tức tưởi và sự sống sót oán hận trong lòng của người Việt tị nạn!” Do đó, Bút Hoạ là một hình thức nghệ thuật được Việt hoá hoàn toàn, diễn đạt tâm hồn và kinh nghiệm Việt Nam bằng chính mẫu tự Việt và cảm xúc Việt.

blank
Nét Yêu Thương

Ở thế kỷ 21, nghệ thuật tạo hình đã đi xa hơn cọ và khung, giá vẽ và gam màu. Người ta có thể vẽ tranh bằng nhiều chất liệu đa dạng: mixed media với đủ loại chất liệu từ vật phế thải cho đến chất liệu truyền thống, vải sợi, đinh ốc, đá cuội, chip điện tử, vv. Còn SAP-VN – chỉ trong mùa hè 2014 và với 54 tình nguyện viên – đã vẽ nên những nét yêu thương cụ thể: phục vụ tổng cộng 1,721 bệnh nhân y, 622 bệnh nhân nha, 1,024 bệnh nhân mắt, cung cấp 5,706 đơn thuốc, qua sự tài trợ của MAST Cares, Alcon, Allergan, AmeriCares, Ampharco USA, Bausch & Lomb, Edinger Medical Group, KNL Foundation & Partners in Restoring Vision Improving Lives, Lion Insight International, Magnolia Eye Clinic, Providence Little Company of Mary Medical Center, St. Jude Medical Center, Ultralight Optics, Walmart-VN, và các nhà tài trợ khác.

Chính những nét vẽ yêu thương ấy đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng người. Chị Ánh Nguyệt chia sẻ, “Cảm ơn SAPVN, các anh chị đã thầm lặng làm nên biết bao điều kỳ diệu, các anh chị đã kết hợp với nhau thật tốt đẹp để làm những điều tốt đẹp, đem lại niềm vui cho biết bao con người. Từ khâu sắp xếp đám đông đến khâu ghi phiếu nhận bệnh, khâu đo huyết áp, hướng dẫn bệnh nhân, khâu khám bệnh đến khâu phát thuốc… các bạn đã hoàn thành trọn vẹn phần việc được giao, đôi khi còn hơn cả mong đợi. Dù chỉ lẳng lặng ngồi đếm thuốc trong phòng, hay là hét đến khản cổ ngoài sân nắng, các bạn đều làm việc bằng một tinh thần luôn hết sức mình cho công việc.” Lòng biết ơn của Chị mênh mang, niềm cảm mến đối với những người bạn đồng hành không phân biệt màu da sắc tộc cũng dạt dào. Chị bày tỏ trong xúc động, “Cảm ơn những người bạn ngoại quốc, các bạn quả là một tấm gương phục vụ vô cùng quý báu. Cảm ơn bạn đã đến giúp đỡ và thương mến quê hương, đồng bào của chúng tôi. Cảm ơn cả những bác tài cũng xông pha giúp giăng bạt, cột dây, vận chuyển đồ đạc. Cuối cùng, cảm ơn các bạn đã đến để cùng nhau trải qua một cuộc hành trình đặc biệt, cuộc hành trình của yêu thương.”

Và mùa thu này, SAP-VN sẽ cùng Hoạ sĩ Châu Thuỵ thảo nên những nét yêu thương mới tại buổi tiệc gây quỹ “Cho Em Niềm Hy Vọng 12” vào lúc 5 giờ chiều, ngày 19 tháng Mười 2014. Như mọi năm, dạ tiệc sẽ diễn ra tại Nhà hàng Mon Amour, tọa lạc tại 3150 W. Lincoln Ave, #134, Anaheim, CA 92801. Đặc biệt năm nay, chương trình văn nghệ sẽ do ca nhạc sĩ Diệu Hương phụ trách, với sự xuất hiện của ca sĩ Thanh Hà và Anh Tuấn.

Xin quý vị bảo trợ cho dạ tiệc và mua vé trước tại Nhà Sách Tự Lực (714-531-5290), hoặc Tiệm Kính Optometry (714-418-0190), hay qua email tại sapvntix@gmail.com. Nếu có thắc mắc về chương trình gây quỹ, xin quý vị gọi số điện thoại 714-901-1997.

Kính mời quý vị cùng đến nếm trải những tác phẩm tài hoa của Nhà bút hoạ Châu Thuỵ trong phần Art Expo & Sale, và những biểu đạt yêu thương tuyệt vời của các thiện nguyện viên SAP-VN. Hãy đến, để chính mỗi chúng ta sẽ cùng SAP-VN nuôi dưỡng một Tình Thương Tâm Việt cho đồng bào bất hạnh tại quê nhà, để cùng SAP-VN đưa Hy Vọng vào những cảnh đời còn cần lắm những thương yêu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.