Hôm nay,  

Chiều Thơ Nhạc Yêu Nước

06/08/201400:00:00(Xem: 2586)

Người ta thường bảo rằng, trong Thơ có Nhạc, và trong Nhạc có Thơ.

Chẳng thế mà mỗi thành phố mà tổ chức Liên Kết chọn để trình diễn, chuyển tải dòng nhạc từ trong nước, các chương trình văn nghệ đấu tranh luôn luôn đi đôi với một buổi ra mắt sách. Thi nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh đã nói rằng, ra mắt sách đối với ông chỉ là một lý cớ để có dịp gặp gỡ khán giả, mời họ cùng đồng hành với tinh thần yêu nước của anh em trẻ, hầu liên kết mọi tấm lòng để tạo một thành trì thật vững mạnh với thế của quần chúng tại hải ngoại để yểm trợ cho những người trẻ đứng lên trong nước. Nhưng lần này thì khác.

Buổi Chiều Thơ Nhạc Yêu Nước hôm nay đặc biệt hơn. Đặc biệt vì số tác giả cùng ra mắt không chỉ một, mà là 3 người: Thu Nga, Việt Phương và Huỳnh Công Ánh với các tác phẩm Mấy Trăng Cũng Khuyết, tập truyện ngắn Thung Lũng Bướm và tập thơ Ơn Nghĩa Trùng Trùng. Không những thế mà còn ra mắt CD nhạc của 3 ca nhạc sĩ: Đoàn Chính-Không Còn Mùa Thu, Phan Ni Tấn-Sinh Nhật Của Cây Đàn và Hoàng Tường-Anh Về Quảng Trị Cờ Bay. Chưa bao giờ có một buổi ra mắt với nhiều tác giả như thế.

Thế nhưng, mục tiêu tổ chức vẫn không khác. Có nghĩa là, Chiều Thơ Nhạc Yêu Nước vẫn là “lý cớ” để gây quỹ yểm trợ cho những anh em trẻ đang bị tù tội ở quê nhà chỉ vì dám bày tỏ lòng yêu nước. Những văn nghệ sĩ, thanh niên như Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị tù đày vì dám viết lên những sáng tác bày tỏ lòng yêu nước thì những văn nghệ sĩ tại hải ngoại sẽ tiếp tay chuyển tải đến mọi người, ở mọi nơi và tạo những phương tiện để yểm trợ ngược lại. Mọi ủng hộ đều được xung vào quỹ yểm trợ tù nhân lương tâm, không khấu trừ bất cứ chi phí nào. Và tinh thần đó là nội dung và mục đích của Chiều Thơ Nhạc Yêu Nước tại Asia Times Square vào chiều Thứ Bảy 19-7-2014.

blank
Hình ảnh trong Chiều Thơ Nhạc Yêu Nước.

Như một diễn giả được mời đến để giới thiệu tác giả Thu Nga và tác phẩm Mấy Trăng Cũng Khuyết, phóng viên Thanh Trúc của đài Á Châu Tự Do đã nói rằng thế kỹ 21 không còn là thời đại của sách, mà là của những bản tin, sách báo điện tử. Chẳng còn mấy ai đọc sách. Tin tức, bài vở, thơ, văn, mọi thứ đều trên mạng điện tử. Thế nhưng, những tác giả thành viên của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại này, vẫn viết, vẫn in sách, vẫn viết nhạc đấu tranh, vẫn ra CD, chỉ để gửi đến đọc giả vì họ vẫn muốn góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá Việt. Vì, tiếng Việt còn, người Việt còn.

Thi nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh, trong phần phát biểu với khán giả, ông đã không nói về mình hay về tác phẩm của ông, mà ông trình bày con đường Liên Kết đang đi: đó là dùng mọi phương tiện để tạo thành trì yểm trợ cho những người yêu nước đang bị tù đày. Sự đứng dậy của tuổi trẻ với lòng yêu nước dạt dào, với tinh thần chống ngoại xâm bất chấp tù tội, đối với ông là hiện tượng rực rỡ nhất của 40 năm qua. Khi họ lâm nạn, ai sẽ cưu mang họ và gia đình họ? Vai trò của Liên Kết là nối kết những tấm lòng ở hải ngoại vẫn tha thiết cho quê hương mà không có cơ hội. Và nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh muốn mọi người yểm trợ cho Liên Kết yên lòng rằng số tiền họ quyên góp cho sẽ được cất giữ minh bạch bởi một thủ quỹ tại địa phương, và sẽ được chi dùng chính đáng, với sổ sách rõ ràng. Tổ chức Liên Kết và người thủ quỹ tại địa phương sẽ phối hợp để gửi số tiền cần thiết về cho tù nhân lương tâm và gia đình họ. Ông cũng đã nhân tiện mời gọi mọi người tham dự chương trình văn nghệ đấu tranh tổ chức tại Swayz Ballroom vào ngày hôm sau, 20-07-2014. Ông cũng không quên xướng danh để cảm tạ từng vị mạnh thường quân đã bảo trợ cho 2 sinh hoạt của Liên Kết.

blank
Hình ảnh trong Chiều Thơ Nhạc Yêu Nước.

Trong một buổi chiều Thứ Bảy thật đẹp trời, với nhiều tiết mục hấp dẫn được tổ chức cùng lúc trong thành phố, phòng hội của Asia Time Square vẫn đầy khách đến tham dự. Tất cả các cơ quan báo chí trong vùng đều hiện diện. Thành viên Văn Bút Nam Hoa Kỳ như các văn hữu Túy Hà, Vĩnh Tuấn, Phạm Tương Như cùng một số văn hữu mà người viết không được biết quý danh từ Houston đã đến dự, và kể cả đại diện Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là nhà văn Yên Sơn cũng có mặt. Và dĩ nhiên là có sự hiện diện của các vị dân cử, Cộng Đồng và đại diện các hội đoàn trong vùng.

Ngoài phần giới thiệu từng tác giả và tác phẩm, phần văn nghệ cũng không kém phần đặc sắc. Những nhạc phẩm trữ tình được nhiều người yêu thích như Buồn Ơi, Chào Mi, xen lẫn giữa những nhạc phẩm tranh đấu như Anh Là Ai?, Gởi Súng Cho Tao, hay Bữa Cơm Tù, viết về hoàn cảnh và tinh thần của 2 người tù yêu nước trẻ: Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình khi mới bị bắt giam. Tiếng đàn Độc Huyền Cầm réo rắc và thật điêu luyện cũng đã được giới thiệu đến khách tham dự trong bài Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi. Đàn bầu là cây đàn rất độc đáo trong số nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, là cây đàn tấu lên tiếng Việt trong thế giới của âm nhạc.

blank
Hình ảnh trong Chiều Thơ Nhạc Yêu Nước.

Phần văn nghệ rầt đặc sắc, nhưng chỉ dài đủ để giới thiệu những tiếng hát sẽ góp mặt trong chương trình văn nghệ đấu tranh hôm sau.

Trước khi chấm dứt, Ban Tổ Chức đã cho biết số tiền sách và CD nhận được là $2,205 mỹ kim và tất cả số tiền này sẽ được xung vào quỹ yểm trợ anh em yêu nước đang bị tù đày.

Có ai đó đã nói rằng nghệ sĩ cũng làm một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Bằng câu hát, tiếng đàn, vần thơ, trang sách, họ góp phần tô điểm và bảo tồn cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc. Và ai đó cũng đã nói rằng người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ đấu tranh, sự rung động của họ rất là mãnh liệt. Sự mãnh liệt của lòng yêu nước của những văn, thi, nhạc sĩ có mặt chiều hôm ấy chắc chắn đã làm ấm lòng những người tù lương tâm nửa vòng bên kia trái đất.

Chiều Thơ Nhạc Yêu Nước đã chấm dứt vào lúc 22 giờ. Nhưng quan khách vẫn nán lại để trà đàm với các tác giả và anh chị em văn nghệ sĩ Liên Kết thật lâu.

Đồng Tâm

Tháng 7- 2014

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.