Hôm nay,  

Tưởng niệm BA, tâm tình gởi MẸ

19/07/201410:53:00(Xem: 4814)

Tưởng niệm BA, tâm tình gởi MẸ


Trần Mỹ Châu


(LTS: Bài này của nhà biên khảo Trần Mỹ Châu giải thích về cơ duyên hình thành tác phẩm "Trần Văn Thạch (1908-1945)" Cây Bút Chống Bạo Quyền Áp Bức" trong buổi ra mắt sách ngày thứ bảy 14 tháng 6 2014 tại Sceaux, Pháp Quốc. Trần Mỹ Châu là con gái của nhà cách mạng Trần Văn Thạch trong nhóm Đệ Tứ Quốc Tế -- hầu hết nhóm chống Pháp này đã bị Việt Minh (phe của ông Hồ) thủ tiêu.)

.

Trước hết tôi xin quý khách và bạn bè thân hữu thứ lỗi cho tôi, không đến dự buổi ra mắt sách hôm nay được. Cuối năm rồi, sau khi sách đã hoàn tất, ngày ra mắt sách được chọn, như hàng năm, tôi khăn gói lên đường về Việt Nam thăm mẹ. Trở về Canada, không lâu sau, được tin mẹ tôi qua đời. Từ đó đến nay tôi vẫn còn vướng tâm trạng trầm cảm, đêm đêm thường nghĩ đến mẹ, đến cuộc đời bất hạnh của bà.

 Mẹ tôi qua đời ngày 12 tháng 2, 2014 tại Vĩnh Long, hưởng thọ 96 tuổi. Rất thọ, nhưng hưởng thì không được bao nhiêu. Vào tuổi 33, từ một người thông minh, đảm đang, duyên dáng, bà trở thành người mất trí sau lần bị mật thám Pháp bắt và tra khảo. Bịnh thần kinh bám lấy bà cho đến cuối đời; suy luận hầu như mất gần hết, khái niệm thời gian cũng không còn.

.

 Vài tuần sau khi mẹ tôi mất, tình cờ tôi được nghe một đoạn nhạc trong bản trường ca Hòn vọng phu của Lê Thương trên mạng internet. Chưa bao giờ tôi xúc động mạnh như lần này khi nghe hai câu "người đi ngoài vạn lí quan san, người đứng chờ trong bóng cô đơn." Lần chót tôi về thăm mẹ, nằm trên giường bịnh, bà hỏi tôi: Sao ba Thạch chưa về thăm má? Trước đó một năm, với giọng trầm buồn, bà nói nhỏ với tôi: Ba Thạch dặn Má Ngọc chờ rồi về rước đi… Sáu mươi chín năm qua, trong cái thế giới riêng tư, huyền ảo, mẹ tôi vẫn ngồi đợi ba tôi về.

Cách đây 69 năm, sau những ngày hỗn loạn mùa thu 1945, ba tôi biệt tin. Nhưng gia đình vẫn còn bám níu hy vọng là có một ngày ông sẽ trở về. Niềm hy vọng mỏng manh đó tan vỡ vào một đêm khuya cuối năm 1946, khi có một người khách lạ tìm đến tận nhà báo tin ba tôi đã bị Việt Minh giết, và trao cho mẹ tôi vài di vật cuối cùng của ba tôi. Ba năm sau mẹ tôi mất trí sau lần bị mật thám bắt, tra khảo.

.

Ba mẹ tôi chung sống với nhau chưa tròn ba năm thì cuối tháng 9, 1939 ông bị chính quyền Pháp bắt giam Khám lớn Sài Gòn, rồi đày ra Côn Đảo cuối năm 1940. Ở tuổi 23, đơn chiếc, túng thiếu, mẹ tôi phải đưa các anh chị về Phú Lâm, nhờ bác Hai chăm sóc; còn tôi, chỉ mới lên 2, mẹ tôi gởi cho bà ngoại ở Vĩnh Long để có thể buôn bán tảo tần, nuôi mẹ nuôi con.

Từ năm 1987, hằng năm tôi đều về Việt Nam thăm mẹ. Trong 10 năm gần đây, bịnh tình của bà có phần thuyên giảm. Những lúc mẹ tôi tỉnh táo, tôi thường gợi lại chuyện xưa để tìm hiểu thêm cuộc đời của ba mẹ. Mẹ tôi nói nhiều về những sự việc xảy ra trong 3 năm ngắn ngủi chung sống với ba tôi. Nhưng có vài câu nhắn nhủ có thể suốt đời mẹ tôi không quên, nhưng không hề nói tới:

.

Em Ngọc,

Nếu em còn cảm tình cùng anh, anh xin em nghĩ đến mấy con nhỏ dại của anh, khi nào giúp được nó, chớ quên. Anh thương Mỹ Châu nhiều lắm, nhưng trong thời buổi đảo điên này, cha con lại vội xa nhau.

.

Ba tôi mãn án tù cuối năm 1943, nhưng còn án biệt xứ, bị quản chế ở Cần Thơ. Có ông hiệu trưởng một trường tư thục nhận ba tôi làm giáo sư Pháp văn. Hè 1944, nhờ có đồng lương ba tôi mướn căn phố nhỏ tập hợp con cái về. Tôi được 6 tuổi. Lần đầu tiên được biết ba, được sống cạnh ông suốt hai tháng hè, nhưng đó cũng là lần chót.

Cuối năm 1946, mẹ tôi xây được căn phố trên hẻm đường Dixmude (nay là Đề Thám), sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo. Có nhà mới, làm ăn khá giả, mẹ tôi đem anh Điển và chị Dung về nuôi ăn học. Bà tôi đem em Mỹ Chung từ Vĩnh Long lên, về ở với mẹ tôi. Đó là những năm vui suớng nhất trong thời thơ ấu của tôi, có bà và anh chị em bên cạnh, nhất là lúc nào cũng có mẹ kề bên.

Cuối niên học, buồn cảnh gia đình rối ren, anh Điển tìm nơi tạm ở mấy tháng hè. Anh về cù lao An Thành cách châu thành Vĩnh Long một con sông. Nghỉ hè tôi rất thích đi “cắm trại” với các anh, các cậu bên cù lao: tắm sông, chèo thuyền, đi cầu khỉ, ngủ sàn gạch. Sau này mới biết “trại hè” của tôi là một trong những “chiến khu” chống cộng đầu tiên ở miền Nam của Đại Việt Quốc Dân Đảng.

Hè đó, lúc anh Điển ở cù lao An Thành thì tôi đang ở nhà dì Hai. Một buổi sáng đột nhiên có người đến nhà báo tin anh Điển đã chết ! Người này cho biết đêm trước Việt Minh về phá khuấy, bắn thị oai, anh Điển bị trúng đạn. Mất mát vô bờ: một người anh hiền lành, điềm đạm, học giỏi, gương mặt giống hệt ba tôi; anh chưa được 17 tuổi.

.

Sau khi mẹ tôi lâm bịnh, dì Hai mở một quán cơm bình dân gần nhà, kiếm chút tiền nuôi gia đình. Chúng tôi tiếp tục sống lây lất qua ngày. Năm 1950, tôi thi đỗ lớp 6ème, chương trình Pháp Collège Gia Long. Tưởng cuộc sống tạm yên, không ngờ một năm sau một biến cố bi thảm lại đến với gia đình tôi. Một hôm đạp xe đạp từ trường về đến nhà, bỗng nhiên thấy một cảnh tượng kinh hoàng. Tất cả bàn ghế đố đạc trong nhà nằm ngổn ngang chồng chất lên nhau dưới một mái che tạm bợ, cạnh bức tường nhà. Tôi quá ngỡ ngàng xúc động, cho đến bây giờ cũng không nhớ được mẹ, em, bà và tôi ngủ cách nào, tắm rửa ra sao trong những ngày đó ?

Nhà mẹ tôi cất trên đất mướn. Một thời gian không thấy giấy báo đóng tiền đất, bà tôi đâm ra lo ngại. Có người mách bảo, bà tìm gặp một ông trạng sư tiếng tăm mà ngày trước ba tôi được quen biết ở Cần Thơ. Văn phòng ông nằm ở đường Pellerin, ngang rạp chớp bóng Casino. Tôi đưa bà tôi đến đó vài lần. Lần nào ông cũng bảo: "Mọi việc để tôi lo". Bà tôi vẫn tin như thế … cho đến ngày thừa phát lại đem trát tòa đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, với lý do 3 lần có trát đòi đều không ra hầu tòa nên bị xử khiếm diện, thua trong việc tranh chấp nhà cửa đất đai. Hỏi ra mới biết chính ông trạng sư mà bà tôi hằng tin tưởng, trông cậy lại là trạng sư chính thức của ông thương gia có cơ sở bán nước mấm trong căn phố nối đuôi với căn nhà mẹ tôi. Từ đó suy ra mới biết là ông ta với sự đồng lõa của chủ đất và ông bạn trạng sư, đã tìm cách chiếm đoạt nhà của mẹ tôi để dễ bề bành trướng cơ sở.

Mất nhà, gia đình tôi phải dọn về Vĩnh Long, sống chen chúc trong căn nhà nền đất, vách ván một người bà con thương tình, bán rẽ cho dì tôi. Rất may cho tôi năm đó (1952) trường Gia Long mở nội trú lại sau một thời gian đóng cửa vì các cuộc biểu tình đưa đến cái chết của trò Trần Văn Ơn. Là học sinh nghèo, điểm tốt, tôi được học bổng, ở nội trú miễn phí cho đến khi đỗ xong Tú tài I. Sau đó tôi phải nghỉ học, đi làm kiếm tiền giúp gia đình. Ban ngay đi làm, tối tự học. Năm 1960 thi đỗ vô ban Anh văn trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, ra trường 3 năm sau.

.

Buồn cảnh gia đình, học xong Đại học Sư phạm, tôi tìm đường “thoát ly”, xin được học bổng Mỹ, rời Việt Nam du học năm 1963, sau đó tiếp tục học ở Canada và cuối cùng định cư ở xứ này.

Năm tháng trôi qua, chuyện xưa dần dần lui xa về quá khứ. Việc học, việc làm bận rộn giúp tôi quên đi phần nào những ngày đen tối. Khi người Việt tị nạn bắt đầu đến Toronto cuối thập niên 70, một số sinh viên và Việt kiều chúng tôi (lúc đó tại Toronto không quá 50 người) tìm cách gây quỹ và tổ chức chương trình giúp người tị nạn học Anh văn, tìm việc làm, v..v..

Qua hoạt động xã hội tôi được nhiều người biết đến, và dần dà bạn bè khám phá ra: tôi là con gái của Trần Văn Thạch, trước ’75 có tên đường ở Sài Gòn. Vài lời nhắc nhở, ngợi khen, mến tiếc của bạn làm tôi phấn khởi, muốn tìm hiểu thêm về người cha mà tôi chỉ được biết trong thời gian ngắn, một mùa hè xa xôi.

.

 Ý định “đi tìm cha” bắt đầu từ đó, nhưng phải đợi đến lúc về hưu mới thực hiện được. Hành trình “tìm cha”của tôi kéo dài trong nhiều năm, từ Canada đến Pháp, đến Việt Nam. Tôi lục lạo tài liệu, sách vở trong Thư viện và Văn khố Quốc gia Pháp ở Paris, Văn khố Pháp quốc Hải ngoại ở Aix-en-Provence, và cuối cùng Thư viện Khoa học Tổng hợp ở Sài Gòn.

 Nhờ hai sử gia Huỳnh Kim Khánh và Daniel Hémery mà tôi được biết cặn kẻ về “Mặt trận thống nhứt La Lutte” và tờ báo cùng tên, một mặt trận liên minh Đệ Tam-Đệ Tứ chưa từng thấy trong lịch sử mác-xít thế giới. Cột trụ chính là các ông Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Chánh và ba tôi.

 Tôi tìm được khoảng 80% các tờ báo La Lutte (mà nhiều nhân chứng thời đó cho rằng ba tôi là chủ nhiệm) và rất nhiều tài liệu mật thám Pháp về các sinh vien Việt Nam có thái độ chống Pháp đang du học tại Pháp. Ngoài những người kể trên, tôi cũng đọc được hồ sơ của nhiều người khác, như các ông Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Trần Văn Giàu, Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, Bùi Quang Chiêu, v..v…

.

 Tôi cảm thấy có một tình cảm đặc biệt nào đó gắn bó tôi với con cháu những người một thời là bạn đồng hành hay có quen biết ba tôi. Tôi di tìm họ. Tìm được anh Phan Kiều Dương, con bác Hùm; chị Nguyễn Thị Minh, con bác Ninh; em Quỳnh Dao, con của nhà văn, nhà báo Đỗ Bá Thế, (bạn của bác Thâu, biết ba tôi, thân với mẹ tôi); bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, học trò cũ của ba tôi; chị Hồ-Tài Huệ-Tâm, con bác Tường. Và một người có công rất nhiều giúp tôi thực hiện quyển sách này: Phan Thi Trọng Tuyến. Tuyến “biết” ba tôi từ lúc còn bé: hầu như ngày nào cũng đi trên con đường Trần Văn Thạch, ngang chợ Tân Định.

.

 Một điều rất hay, lạ là con cái của một số nhân vật chánh trong nhóm La Lutte đều có xuất bản sách viết về ông, cha của mình. Nghĩ lại cũng không lạ lắm vì các ông đều là những người yêu nước chân thành – mặc dù xu hướng chính trị khác nhau – và đã ghi danh vào lịch sử ; làm sao con cái không khỏi hãnh diện để cố gắng vinh danh các ông. Tôi là đàn em nên sách về ba tôi đến nay mới ra mắt, nhưng tôi còn có một người em. Đó là Đỗ Quỳnh Dao. Em Quỳnh Dao, chị chúc em sớm hoàn tất việc xuất bản tiểu thuyết lịch sử của ba em, đăng trên báo Quyết Tiến trong những năm ’60.

Ba tôi bị giết vì chính sách độc quyền lãnh đạo của Cộng sản. Mẹ tôi hóa thành người mất trí suốt đời vì chế độ đàn áp của thực dân. Anh tôi chết vì một viên đạn của Việt Minh lộng quyền. Gia đình tôi mất nhà mất cửa vì lòng tham lam của nhà giàu bắt tay với trí thức. Tôi lớn lên rất sợ các tư tưởng cực đoan, các chính quyền độc đoán, các tư bản cực độ. Tôi thương những người lầm than, thấp cổ bé miệng, những ai bị bạo quyền áp bức, bị doanh thương tư bản bóc lột. Tôi tìm cách giúp họ trong phạm vi khả năng của mình.

.

 Nhơn dịp tôi về thăm mẹ lần chót, Hội Khuyến Học tỉnh Vĩnh Long tổ chức phát học bổng cho các sinh viên và học sinh nghèo do tôi tài trợ, phần đông mồ côi cha hay mẹ. Trong bài phát biểu, tôi kể ngắn gọn cho các em nghe câu chuyện “đi tìm cha” của tôi với cái tựa “Bà già 70, tập làm văn, học viết sử”, để khuyến khích các em cố vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn, học thành tài, giúp xã hội. Kiên trì sẽ thành công.

 Với buổi ra mắt sách hôm nay, tôi cảm thấy mình thành công trên nhiều mặt: vượt được bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống để làm một vài việc hữu ích cho đời. Lúc ban đầu, khi đặt bút viết về ba tôi, tôi chỉ muốn trao lại cho con cháu chút di sản tinh thần ba tôi để lại. Nhưng càng đi sâu vào công việc khảo sát tìm hiểu về hoạt động của ba tôi và các bạn đồng hành của ông trong nhóm La Lutte, càng đọc được nhiều tài liệu của ĐCSĐD và sách vở xuất bản trong nước CHXH Việt Nam, tôi càng thấy cần phải làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử Việt Nam bị móp méo từ lâu.

 Cho đến nay sách chỉ được phân phát trong gia đình, thân hưu, và vài nhà văn nhận lời điểm sách. Phản hồi của họ đem lại cho Tuyến và tôi rất nhiều phấn khởi.

.

 Một nhà văn/nhà báo ở Việt Nam viết:

....Thú thật, tôi không nghĩ đây là tác phẩm của một người "chưa hề viết sử". Và cuốn sách đã khiến tôi phải rớt nước mắt, một cách thiệt sự, vì tấm lòng của người con đối với người cha quá cố đã lâu. ..Nhờ đọc lại các trang sách, báo, tài liệu cũ tôi được biết ông thân của chị, ông Trần Văn Thạch, một trong những nhà đấu tranh chống thực dân trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Biết nhưng để hiểu tương đối tường tận về ông, phải đợi đến cuốn sách của chị, một công trình riêng về ông Thạch mà chị đã dầy công sưu tập và viết rất đáng kính trọng.

.

Một giáo sư Việt Nam ở Mỹ viết:

 Rất cảm phục lối viết khách quan của Chị, một điều rất khó về một người thân.

 Rất nhiều độc giả cho biết “sách có giá trị lịch sử”.

.

Nhà văn Võ M. Nghĩa, người đã viết nhiều tác phẩm tiếng Anh liên quan đến Việt Nam và người Việt hải ngoại, viết trong tạp chí online Sacei số 65, tháng 3, 2014 của tổ chức Saigon Arts, Culture &Education Institute (California):

Hy vọng rằng tác giả một ngày kia sẽ gửi đên chúng ta bản tiếng Anh để cho giới nghiên cứu người Việt hải ngoại cũng như phương Tây tiếp cận được tài liệu lịch sử phong phú này.

Trước đó ông có viết email riêng cho tôi:

Sách của chị trích dẫn rất nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu của chị thật xuất sắc và có giá trị.

. 

Chương trình làm việc trong tương lai của tôi là soạn thảo quyển tiếng Anh. Chúng tôi sẵn sàng và vui mừng đón ý kiến của quý vị để quyển Trần Văn Thạch trong lần tái bản tới được hoàn hảo hơn. Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cám ơn quý vị. Sự có mặt của quý vị hôm nay là một điều khích lệ lớn lao cho tôi và Tuyến. Tôi cũng xin cảm ơn ban Tổ chức đã ra công sức giúp chúng tôi có được buổi họp mặt vui vầy hôm nay.

Trần Mỹ Châu


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.