Hôm nay,  

Hội Quân Cán Chính Hải Ninh Văn Nghệ Cứu Trợ Thu 30,000 Đô

17/11/200000:00:00(Xem: 8366)
Tôi được Trung Tâm Công Giáo VN Giáo Phận Orange cử đi dự Đêm Văn Nghệ tại Nhà Hàng 888 vùng Riverside do Hội Quân Cán Chính Hải Ninh, Calfornia tổ chức vào đêm Thứ Sáu 10 tháng 11 năm 2000. Chương trình văn nghệ thật hấp nhẫn và vui nhộn với các ca sĩ danh tiếng như Thanh Lan, Mai Lệ Huyền, Phương Hồng Quế, Carol Kim...và ban nhạc rất hay đã đem lại cho mọi người bầu không khí thoải mái vào cuối tuần.

Tôi đã gặp Thượng Tọa Thích Viên Lý, đại diện cho Phật Giáo và hai vị đại diện cho PG Hòa Hảo, cũng được mời đến dự để nhận số tiền do Hội Quân Cán Chính Hải Ninh quyên góp, nhờ chuyển về cho đồng bào bị lũ lụt tại quê nhà (miền Tây, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam). Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí còn lại khoảng 27,760 Mỹ Kim. Mỗi tôn giáo nhận được 9253 Mỹ Kim.

Hải Ninh tức vùng Móng Cáy (tỉnh Quảng Ninh) miền Bắc VN, giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc, là vùng mỏ than quan trọng trước đây cũng như bây giờ. Những người dân tộc Nùng lập nghiệp ở đây và tiếp thu hai nền văn hóa: Họ vừa nói, viết tiếng Việt, vừa nói, viết được tiếng Hoa.

Trước năm 1954, lãnh tụ Hoàng A Sáng là một sĩ quan mang cấp bậc Đại Tá chỉ huy Sư Đoàn 3 Dã Chiến, Khu Tự Trị Nùng bảo vệ vùng mỏ Quảng Ninh (Hải Ninh). Sau Hiệp định Genève 20-7-1954, Sư Đoàn này di cư vào Nam cùng với gia đình, đóng tại Sông Mao (Phan Thiết) và được Chính Quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập riêng một quận lấy tên là Quận Hải Ninh thuộc tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết). Sư Đoàn Ba Dã Chiến về sau cải danh thành Sư Đoàn 5 thuộc Quân Lực VNCH là một Sư Đoàn "Bách Chiến Bách Thắng", từ Bắc chí Nam. Vị Lãnh tụ và cũng là Tư Lệnh Sư Đoàn là Đại Tá Hoàng A Sáng (Vòng A Sáng) về hưu và đã trở thành Nghị sĩ trong Thượng Nghị Viện VNCH nhiệm kỳ 1967-1973.
Con trai của Ông là Đại Tá Hoàng Gia Cầu (Vong A Cầu) làm Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 BB. Nhiều nhân sĩ trí thức gốc người Nùng đã đóng những vai trò quan trọng trong Quốc Hội VNCH cũng như trong Chính Quyền và Quân Đội,v.v. như Chuẩn Tướng Chiếng Zềnh Quay, Đại Tá Hoàng Gia Cầu, Nghị sĩ (Cựu Đại Tá) Vong A Sáng, Dân biểu Phù Năng Khìn, Dân Biểu Gip A Sáng, Dân Biểu Gip A Dziêng (nguyên Đốc Sự Hành Chánh), Dân Biểu Lý Thiếu Quang, Thẩm Phán Trần Đức Lai, Bác Sĩ Lý Ngọc Dưỡng (Chủ Tịch BCH/TU Đại Việt Quốc Dân Đảng)…

Một số sĩ quan đã từng là Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng...Sau 30-4-1975, đa số anh em thuộc thành phần sĩ quan phải đi tù cải tạo dưới chế độ CSVN, một số di tản ra nước ngoài…

Hội Quân Cán Chính Hải Ninh do Cựu Dân Biểu VNCH Gip A Sáng (Cựu Trung Tá QL/VNCH) sáng lập cách nay 10 năm, hiện do Ông Tsu A Cầu (cựu Sĩ quan QL/VNCH, cựu tù nhân chính trị) làm Hội Trưởng. Đây là một Hội đồng hương có tinh thần đoàn kết và hy sinh đóng góp rất cao.

Đêm văn nghệ đã quy tụ trên 500 quan khách, đa số là người đồng hương Hải Ninh (Nùng) với một tấm lòng yêu thương, chia xẻ: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Tôi đã hai lần được tham dự văn nghệ với đồng bào dân tộc Nùng, lần trước nhân Đại Hội Quân Cán Chính Hải Ninh vào dịp Tết 2000 và lần này, Văn Nghệ lạc quyên Cứu Trợ Nạn Nhân Lũ Lụt tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (VN).

Điều cảm động nhất là các vị phu nhân trong Ban tổ chức và các thiếu nữ lo việc tiếp tân đều mặc áo dài Việt nam rất trân trọng. Họ đã hát những bài hát bằng tiếng Việt Nam rất hay và mặc dầu chịu ảnh hưởng văn hóa của người Hoa, sống gần gũi người Hoa (vùng biên giới trước 1954 và vùng Chợ Lớn cho đến 1975), họ vẫn luôn luôn hãnh diện mình là người mang quốc tịch Việt Nam, sinh trưởng trên lãnh thổ nước Việt Nam và mang giòng máu anh hùng của tổ tiên Hùng Vương, mang giòng máu TIÊN RỒNG, TRĂM CON CÙNG MỘT MẸ…

Bà Tsu A Cầu (phu nhân của Hội Trưởng đương nhiệm) đã mặc chiếc áo dài rất đặc biệt trang trí hoa văn "chim lạc", "nhà sàn", "hình người giã gạo" trên trống đồng, một di tích văn minh Lạc Việt trên 2000 năm nay. Tôi nghĩ rằng không một mệnh phụ phu nhân hay một người phụ nữ Việt nam nào, kể cả các nữ ca sĩ, nữ nghệ sĩ ở Hải Ngoại có chiếc áo như vậy. Người mặc áo đó chắc chắn phải có tinh thần "yêu nước thương nòi" và "quyết tâm bảo vệ văn hóa của tổ tiên Lạc Việt" để cho con cháu sau nầy noi theo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.