Hôm nay,  

Nhà Báo Ngô Nhân Dụng Ra Mắt Tác Phẩm Đứng Vững Ngàn Năm: VN Không Bị Hán Hóa Nhờ Nghị Lực Và Tính Chất Riêng

06/08/201300:00:00(Xem: 6472)
WESTMINSTER (Huỳnh Kim Quang) -- Nhiều khuôn mặt trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi, bằng hữu, đại diện các cơ quan truyền thông báo chí Việt ngữ, và hàng trăm đồng hương Việt tham dự buổi ra mắt tác phẩm “Đứng Vững Ngàn Năm” của bình luận gia Ngô Nhân Dụng, cũng là nhà thơ Đỗ Quý Toàn, vào chiều Thứ Bảy, ngày 3 tháng 8 năm 2013, tại hội trường sinh hoạt Nhật Báo Người Việt, trên đường Moran, thành phố Westminster, miền Nam California, Hoa Kỳ.

Chương trình gồm 3 phần: giới thiệu tác giả Ngô Nhân Dụng, tác giả Ngô Nhân Dụng nói về tác phẩm “Đứng Vững Ngàn Năm,” và cử tọa tham dự phát biểu ý kiến trao đổi với tác giả. Chương trình được nhà báo Đinh Quang Anh Thái điều hợp.

Theo lời giới thiệu của người điều hợp chương trình, nhà báo Ngô Nhân Dụng còn có các bút danh khác như Đỗ Quý Toàn, Vương Hữu Bột, định cư tại Canada, và đi học lại, sau đó dạy về Kinh Tế Học tại các trường đại học ở Canada. Trước năm 1975, nhà báo Ngô Nhân Dụng là giáo sư tại Trường Trung Học Chu Văn An, Sài Gòn. Theo nhà báo Ngô Nhân Dụng, ông đã viết cho Nhật Báo Người Việt trong 18 năm với bút hiệu Ngô Nhân Dụng và đã về hưu cách nay 4 năm, dù vẫn còn viết bình luận cho Người Việt nhưng chỉ viết ở nhà và gửi bài tới tòa báo, chứ không thường đến tòa soạn.

Trong phần nói chuyện, tác giả Ngô Nhân Dụng đề cập đến 2 chuyện: những nhân duyên đưa đến sự ra đời của tác phẩm “Đứng Vững Ngàn Năm,” và nội dung của tác phẩm.
ngo_nhan_dung_ra_mat_sach_037_resized
Tác giả Ngô Nhân Dụng đang ký sách cho độc giả. (Photo VB)
Về các nhân duyên đưa tới sự có mặt của tác phẩm, tác giả Ngô Nhân Dụng cho biết từ nhiều năm trước các bằng hữu của ông như cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến (bạn từ năm 1956), Nguyễn Khả Lộc, Nguyễn Chí Thiện, v.v… khuyên ông nên tập hợp các bài viết để in thành tác phẩm. Bàn thân ông cũng đã có suy nghĩ đó từ 15 năm trước. Vì bận nhiều việc, ông chần chờ mãi đến khi về hưu vào 4 năm trước thì mới có thì giờ để bắt đầu vào công việc biên soạn cho tác phẩm.

Theo tác giả Ngô Nhân Dụng, mới đầu ông chỉ nghĩ là xem lại và hiệu đính các bài đã viết để cho ra tác phẩm. Tác giả Ngô Nhân Dụng kể rằng lúc đầu ông định chọn đề tài cho tác phẩm là bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, ông tìm lại những bài viết lien quan đế đề tài. Trong lúc tìm đề tài lại gặp nhiều khó khan, nhất là có nhiều câu hỏi xuất hiện. Chính những thắc mắc đó thúc đẩy tác giả viết nhiều bài để giải đáp. Và sau cùng chính công việc này đã đưa tác giả tới quyết định cho ra đời luôn một cuốn sách mới với tên sách “Đứng Vững Ngàn Năm.”
ngo_nhan_dung_ra_mat_sach_045_resized
Tác giả Ngô Nhân Dụng đang nghe cử tọa trao đổi sau khi tác giả nói về tác phẩm. (Photo VB)
Theo tác giả Ngô Nhân Dụng, cái tên sách “Đứng Vững Ngàn Năm” cũng không phải là tên duy nhất, vì trước đó tác giả đã từng lấy tên “Phép Lạ Lịch Sử.” Sau đó, cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã đề nghị tên sách là “Phép Lạ Việt Nam.” Nhưng, một hôm nọ tác giả sực nhớ bài thơ mà thi sĩ Thanh Tâm Tuyền làm trong lúc còn ở tù trong vùng rừng núi Vĩnh Phú, Bắc Việt, ông bật khóc “vì nó quá đẹp.” Trong đó có mấy câu:

“Đứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đóa hồng rợ
Vang vang trời vào xuân…”


Rồi tác giả Ngô Nhân Dụng cho biết khi suy tư về bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, ông chợt phát hiện ra rằng điều Thanh Tâm Tuyền muốn nói trong bài thơ là “Tổ tiên mình đã đứng vững không khuỵu chân trên mảnh đất nghèo khổ. Thanh Tâm Tuyền đã nối kết được mình với lịch sử, với tổ tiên mình.” Nhờ thế mà tên sách “Đừng Vững Ngàn Năm,” được ra đời như hôm nay.

Trong phần nói về nội dung tác phẩm “Đứng Vững Ngàn Năm,” tác giả Ngô Nhân Dụng để cập đến mấy yếu tố then chốt khiến cho dân tộc Việt có thể đứng vững được trước nhiều cuộc xâm lăng và đồng hóa của người Hán. Theo tác giả Ngô Nhân Dụng, trong số những yếu tố chính làm cho người Việt giữ vững được dân tộc và đất nước gồm có: giữ gìn tiếng nói là bảo vệ văn hóa truyền thống hữu hiệu cho nòi giống, sức mạnh tôn giáo mà tiêu biểu là Phật Giáo góp phần đoàn kết toàn dân tập trung và xây dựng lực lượng tri thức để giúp việc trị quốc an dân, vị thế địa lý và thiên nhiên khắc nghiệt của nước Văn Lang là tiêu hao sinh mạng của quân Hán phương Bắc, sự giàu có của vùng đất Giao Châu đã giúp cho việc xây dựng và nuôi giữ một lực lượng binh sĩ đủ để chiến đấu với quân Tàu, tình trạng nội loạn của nước Tàu nên không còn có thì giờ để tâm đến việc xâm lấn các lân bang, đặc biệt là nhờ “nghị lực và tính chất riêng,” mà cụ Trần Trọng Kim đã đưa ra, đã là những nhân tố quyết định cho sự đứng vững của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm qua.
ngo_nhan_dung_ra_mat_sach_041_resized
Quang cảnh trong buổi ra mắt sách “Đứng Vững Ngàn Năm” tại hội trường Người Việt. (Photo VB)
Đề cập đến quan điểm của cụ Trần Trọng Kim về “nghị lực và tính chất riêng,” tác giả Ngô Nhân Dụng giải thích thêm rằng chính yếu tố này góp phần hình thành tính không thay đổi, tính cứng đầu của người Việt Nam cố chấp giữ phong tục, tập quán và nếp văn hóa truyền thống của mình. Tác giả nêu ra một trường hợp điển hình và cụ thể về “tính chất riêng” này của người Việt Nam mà sử sách còn ghi lại. Đó là trong lúc truyền hịch xuất quân tấn công ra Đống Đa, Bắc Hà, vào dịp Tết Kỷ Dậu, 1789, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã nói mấy câu để đời:

“Đánh cho để răng đen,
Đánh cho để tóc dài.”

Tác giả Ngô Nhân Dụng giải thích tiếp trằng một vị vua ban lệnh xuất quân đi đánh quân nhà Thanh, không nói điều gì khác mà chỉ nói mục đích dẹp quân Thanh là đánh để được “để răng đen, để tóc dài,” là điều vô cùng kỳ lạ nhưng rất lý thú. Đó chính là mục đích xua đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi để người Việt được độc lập giữ gìn phong hóa truyền thống cao đẹp của mình. Cứng đầu mà vì nghiã cả tới mức đó thì quả là chỉ đáng khen và khâm phục chứ không đánh trách chút nào cả.

Tác giả Ngô Nhân Dụng cũng trình bày các yếu tố tạo thành sức mạnh của Hán tộc. Đó là luân lý Đạo Khổng, và thuật cai trị Pháp Gia. Theo tác giả, Nho Giáo là thứ tư tưởng mang tính phổ quát nên có thể đem áp dụng cho mọi dân tộc. Thuật cai trị của Pháp Gia có từ thời Chiến Quốc đặt ra những quy tắc cho người cai trị phải noi theo. Chẳng hạn đặt ra hệ thống báo cáo giúp cho việc kiểm soát và điều hành một nhà nước được thuận lợi hơn nhiều.

Tác giả Ngô Nhân Dụng cũng đề cập đến người Việt gốc Hoa tại Việt Nam từ xưa đến nay. Theo tác giả, những người Hoa đến định cư tại Việt Nam ngoài việc đã tự thích nghi và hòa nhập vào nếp sống mới của người Việt, họ còn mang đến cho đất nước mới định cư những đóng góp qua nhiều mặt. Chẳng hạn, tác giả Ngô Nhân Dụng nêu một trường hợp điển hình và nổi tiếng trong lịch sử nước ta về người Việt gốc Hoa là trường hợp của Lý Bôn, tức Vua Lý Nam Đế, người khai sinh ra triều đại Tiền Lý và nhà nước Vạn Xuân vào thế kỷ thứ 6 Tây Lịch, là một người Hoa di cư vào Việt Nam và trở thành người Việt rồi đóng góp công sức cho dân tộc và đất nước Việt Nam.

Sau phần nói chuyện của tác giả Ngô Nhân Dụng là phần thảo luận và trao đổi giữa những người tham dự với tác giả.

Sách “Đứng Vững Ngàn Năm” do Người Việt in ấn và phát hành. Sách dày trên 470 trang, bìa cứng màu, và giấy ruột dày sang trọng, trang nhã. Đặc biệt có mấy tấm hình bản đồ Đông Nam Á, Giao Chỉ, Giao Châu và Trung Quốc ngày xưa. Giá bán 25 Mỹ Kim.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.